Thông tin

TQ14 - HÃY TỰ MÌNH LỰA CHỌN HƯỚNG MÀ ĐI

HÃY TỰ MÌNH LỰA CHỌN HƯỚNG MÀ ĐI

MINH NGỌC

 

Tác phẩm Trúc Song Tùy Bút do Thiền sư Châu Hoành viết vào những năm cuối đời nhà Minh, Trung Quốc. Nội dung chứa đựng những lời giáo huấn thống thiết, cảnh tỉnh cả hai chúng Phật tử tại gia và xuất gia, lúc Phật giáo đang có dấu hiệu chuyển biến suy vi. Sau này, Ngài Ngẫu Ích cũng nhân đọc đây mà từ một học giả mộ Nho bài Phật đã xuất gia đầu Phật, trở thành một trong bốn đại cao tăng đời nhà Minh. Ở Việt Nam, Cố đại lão Hòa thượng thượng Trí hạ Tịnh cũng do đọc sách này mà cảm khái ngộ đạo, định hướng tu hành, hoằng pháp và răn nhắc tứ chúng đồng tu. Cùng với sách Truy Môn Cảnh Huấn của nhóm Tăng Trạch Hiền, Vĩnh Trung, Như Cẩn biên soạn từ đời Tống đến Nguyên, Minh; sách Thiền Lâm Bảo Huấn của Ngài Diệu Hỷ, Trúc Am, Tịnh Thiện đời Tống soạn tập và Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn của ngài Tỉnh Am đời Thanh là những sách gối đầu giường, kim chỉ nam của hàng xuất gia xưa và nay. Trong đó, một số bài Ngài Châu Hoành cũng nhắc nhở chung cho cả hai chúng. Như bài 336, Ngài đã dạy về 4 sự lựa chọn cân nhắc hướng mà đi:

1- Tại gia mà xuất gia: Người thân ở nhà có đủ gia đình họ hàng, vợ chồng con cái mà tâm ở đạo, không nhiễm trần. Trường hợp này có nhưng rất ít. Chỉ các bậc thượng căn túc trí, đang thực hành hạnh Bồ tát, không câu nệ hình thức, buông xả hoàn toàn ngã và ngã sở, để thực hiện hạnh nguyện nhập thế cứu khổ cho đời. Như Cư sĩ Duy Ma Cật, Thắng Man phu nhân, Thiện Tài đồng tử v.v... thỏng tay vào chợ hoặc cư trần lạc đạo của Phật Hoàng Trần Nhân Tông: Ở đời vui đạo cứ tùy duyên/ Đói ăn, khát uống, mệt ngủ liền/ Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh tâm không, hỏi chi Thiền?

Tuy nhiên, người đời sống tại gia, tâm hướng đến xuất gia, và đoạn dần trần duyên phiền não thì số này không ít. Đây là hướng mà mọi người Phật tử tại gia ai ai cũng đều muốn lựa chọn. Họ vẫn lo sự nghiệp mưu sinh, tích lũy tài sản bằng nghề nghiệp chân chính, xây dựng gia đình, có trách nhiệm đóng góp với xã hội quốc gia, đồng thời tích cực ủng hộ Phật pháp với những điều kiện tốt nhất mà mình hiện có: tài lực, năng lực, trí lực... Các cư sĩ nổi danh thời Phật như vua Ba-tư-nặc (Pasenadi), trưởng giả Cấp-cô-độc (Anâthapindika), tín nữ Tỳ-xá-khư (Visâkhâ); sau khi Phật nhập diệt có A Dục vương (Ashoka); ở Trung Hoa có Lương Vũ Đế; ở Việt Nam thời Lý-Trần có các cư sĩ như Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, thời cận đại và hiện đại có các cư sĩ danh tiếng là giáo sư, học giả như Thiều Chửu, Lê Đình Thám, Mai Thọ Truyền, Đoàn Trung Còn v.v...

2- Tại gia mà tại gia:  Đây là hướng đi của những người thân tâm ở tại gia, suốt đời bị trói buộc trong 5 thứ dục lạc: tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, ăn uống và ngủ nghỉ không có ý niệm muốn giải thoát. Họ chỉ biết đời này thỏa thích tư dục, không quan tâm tới đời kiếp sau, sống không biết chia sẻ yêu thương, giúp đỡ người khác, huống chi là Phật pháp! Nếu có đến chùa quy y, lễ bái.... cũng chỉ là xem Phật, Bồ tát như thần thánh quyền năng, mê tín, cầu xin đủ thứ... cho cá nhân, gia đình sở hữu của chính mình mà thôi. Như con chim trong lồng nhỏ xấu, muốn lồng to, đẹp hơn; con cá trong hồ bé, cạn muốn ao lớn, sâu hơn. Đâu biết cũng chỉ là lòng tham trói buộc, đời sống này chỉ là “ở trọ”, như con chim ở đậu cành tre/con cá ở trọ trong khe nước nguồn (Trịnh Công Sơn), một mai việc trôi qua trước mắt/già trên đầu đến rồi (Mãn Giác Thiền sư) thậm chí chưa kịp hẹn đến già mới niệm Phật thì đã ô hô vĩnh biệt nghìn thu, đường trước mịt mờ chẳng biết về đâu?

Hướng đi này như trong bài kinh Bốn loại người của Kinh Tăng Nhất A hàm gọi là người từ bóng tối đi vào bóng tối, từ nhà xí đi vào nhà xí, lấy máu rửa máu, bỏ ác lấy ác vậy.


3- Xuất gia mà tại gia: Đó là người thân tuy ở chốn Già lam không bị phiền lụy gia đình mà tâm mưu cầu danh lợi chẳng khác người thế tục.

Trong Kinh 42 chương, chương 19, 20, 21,  Đức Phật dạy các đệ tử xuất gia: “Vì ái dục mà cầu danh tiếng thì cũng như đốt hương, hơi thơm nghe được thì hương đã cháy hết rồi... Con người đối với tiền tài và sắc đẹp thì y như trẻ con ham một chút mật ngọt nơi lưỡi dao, liếm vào không đủ mỹ vị một bữa ăn mà có cái họa đứt lưỡi. Con người ràng buộc vào vợ con, vật báu và nhà cửa thì còn hơn gông cùm xích khóa của lao ngục. Lao ngục còn có ngày được phóng thích, vợ con ái dục thì nhảy vào miệng cọp cũng cam tâm, đâu có cái ngày phóng thích”.

Danh vọng, địa vị, tiền tài... đều là những mật ngọt, bởi nếu chúng thuần là đắng thì chẳng ai tham đắm, và nếu không có sự nguy hiểm thì không ai muốn chán lìa... Người xuất gia phải như thật tri (Kinh Tương II –Phẩm IV), cho nên, nó đều là thứ nguy hiểm trong ái dục là nguyên nhân của khổ đau, luân hồi chứ không chỉ riêng sắc dục. Nhân tham tài nhi tử, điểu tham thực nhi vong là những câu khuyên răn người thế tục, huống là người xuất gia đã vứt bỏ chúng như nhổ đàm dãi lẽ nào muốn nuốt lại!

Trước khi nhập diệt, đức Phật đã cẩn thận nhắc nhở các đệ tử lần cuối, đối với một số việc không nên làm, sẽ làm tăng trưởng tội lỗi, tiêu mất công đức. Kinh Di Giáo, Phật dạy: “Người giữ giới thanh tịnh thì không được mua bán trao đổi chăm sóc nhà cửa ruộng vườn, nuôi dưỡng mọi người, kẻ hầu hạ, loài súc vật, mọi thứ trồng trọt và các tiền bạc... Không được pha chế thuốc men, đoán tướng cát hung, ngửa xem tinh tú, suy luận thế cuộc hưng vong, tính toán số lịch... không được tham dự việc thế gian, làm người giao thông liên lạc; không được chú thuật tiên dược, kết giao với người quyền quý, thân mật làm chuyện mai mối...”. Đây là những công việc trực tiếp, hoặc gián tiếp đến quyền lợi và danh vọng, dẫn đến tội lỗi và đánh mất phẩm hạnh trong sạch của người xuất gia.

Với hạng người này, ngài Châu Hoành đã lên tiếng dạy dỗ rất nặng: “... còn xuất gia rồi mà là hạng xuất gia mà tại gia thì chẳng thà làm hạng tại gia trong tại gia. Vì sao vậy? Vì dưới áo ca sa mà đánh mất thân người thì là hạng thấp kém trong các thứ thấp kém vậy”.

Có thể nói đây là hạng “cư đạo lạc trần”, tức là thân ở trong đạo mà tâm hằng vui thú chuyện trần duyên.

4- Xuất gia mà xuất gia: Người ở chốn Già lam, suốt đời tinh tiến tu hành không hề có một niệm thoái đọa. Đây là hạng thân, tâm đều xuất gia. Họ luôn gắng giữ mình trong Giới hạnh, tâm lắng yên trong Chánh niệm, âm thầm tăng trưởng trong Tuệ học, không lao xao trong chốn bụi trần, có tức là không, không tức là có. Cho nên, danh chẳng cầu mà đến, lợi chẳng muốn mà về. Hữu xạ tự nhiên hương mà! Danh lợi này là do công hạnh tu hành phước báo hẳn nhiên tựu thành. Mặc dù vậy, đối với danh lợi hiện có chỉ vì mục đích phụng sự chúng sanh, hoằng dương Phật pháp và hằng tự nhắc nhở mình cẩn trọng. Vì sao? Vì chúng là lửa còn phàm phu là rơm, là gỗ, là sắt, là nước bị đun sôi cho nên gần quá ắt sẽ bị cháy. Chỉ khi nào là không khí mới không sợ lửa. (Trúc Song Tùy Bút bài 40: Đối cảnh) Chừng nào như các bậc Thánh Hiền, như Thiền sư Phù Dung từng nói trong sách Truy Môn Cảnh Huấn: “Gặp thanh gặp sắc như trên đá trồng hoa, thấy lợi thấy danh như con ngươi dính bụi”. Hoa mà trồng trên đá thì không thể nào bám rễ, con ngươi dính bụi thì xốn xang vô cùng, muốn lấy bụi ra ngay lập tức mà thôi! Đây mới đúng là hướng từ Phàm phu Tăng đi đến Chân thật Tăng (Luận Đại Trí Độ) tiến dần đến Thánh Tăng; từ Sư đến Pháp sư, đến Đại sư và tiến đến Thiên Nhân sư.

Hướng đi này, trong Tương Ưng Bộ IV – Kinh Khúc Gỗ, đức Phật dạy rất kỹ: “Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi trên bờ sông Gangà. Thế Tôn thấy một khúc gỗ lớn trôi theo dòng nước sông Hằng, thấy vậy liền gọi các Tỳ kheo:

- Này các Tỳ kheo, các ông có thấy khúc gỗ to lớn này đang trôi theo dòng nước sông Hằng không?

- Thưa có, bạch Thế Tôn.

- Này các Tỳ kheo, nếu khúc gỗ không đâm vào bờ bên này, không đâm vào bờ bên kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn trên miếng đất nổi, không bị loài người nhặt lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không bị mắc vào xoáy nước, không bị mục bên trong; như vậy, này các Tỳ kheo, khúc gỗ ấy sẽ hướng về biển, sẽ xuôi theo biển, sẽ nghiêng nhập vào biển. Vì sao? Vì rằng, này các Tỳ kheo, dòng sông Hằng hướng về biển, xuôi theo biển, nghiêng trôi về biển.

Cũng vậy, này các Tỳ kheo, nếu các ông không đâm vào bờ bên này... các ông sẽ hướng về Niết bàn, sẽ xuôi theo Niết bàn, sẽ nghiêng nhập về Niết bàn...

- Bạch Thế Tôn, bờ bên này là gì? Bờ bên kia là gì? Thế nào là chìm giữa dòng? Thế nào là mắc cạn trên miếng đất nổi? Thế nào là bị loài người lấy? Thế nào là bị phi nhân nhặt lấy? Thế nào là bị mắc vào xoáy nước? Thế nào là bị mục nát bên trong?

- Bờ bên này, này các Tỳ kheo là đồng nghĩa với sáu nội xứ

Bờ bên kia... đồng nghĩa với sáu ngoại xứ

Bị chìm giữa dòng... đồng nghĩa với hỷ tham

Bị mắc cạn trên miếng đất nổi... đồng nghĩa với ngã mạn

... Tỳ kheo sống quá liên hệ với cư sĩ, chung vui, chung buồn, an lạc khi họ an lạc, đau khổ khi họ bị đau khổ, tự trói buộc mình trong các công việc phải làm được khởi lên từ họ. Đây gọi là Tỳ kheo bị loài người nhặt lấy.

... Ở đây, Tỳ kheo sống phạm hạnh với ước nguyện được sanh cộng trú với một hạng chư Thiên: “Mong rằng với giới luật này, với cấm giới này, với khổ hạnh này, với phạm hạnh này, ta sẽ trở thành Thiên nhân hay một loài chư Thiên”. Đây, này Tỳ kheo, được gọi là bị phi nhân nhặt lấy.

Bị mắc vào xoáy nước,... đồng nghĩa với năm dục công đức.

...Ở đây, này các Tỳ kheo, có người thọ tà giới, theo ác pháp, bất tịnh, có những hành vi đáng nghi ngờ, có những hành động che đậy, không phải Sa môn nhưng hiện tướng Sa môn, không phải phạm hạnh nhưng hiện tướng phạm hạnh, nội tâm bị hủ bại, đầy dục vọng, là một đống rác bẩn. Đây này Tỳ kheo, được gọi là bị mục nát bên trong”.

Tóm lại, bốn hướng đi, hướng nào cũng đến đích cả, chỉ là an vui hay đau khổ, trói buộc hay giải thoát. Hướng 1 và 4 đến ở trên cao, hướng 2 và 3 đến ở dưới thấp. Thông thường, điểm đến ở dưới thấp thì con đường dốc xuống dễ đi tới, điểm đến ở trên cao thì con đường dốc lên khó đi, còn con đường ngang thì tuy chẳng lên cao, chẳng xuống thấp nhưng cứ đi loanh quanh cho đời mỏi mệt (Trịnh Công Sơn) thì cuối cùng chân chùn gối mỏi, dễ dàng thả trôi lăn xuống dưới, chứ còn sức đâu mà leo lên cao nữa! Cho nên từ con đường bằng để lấy đà đi dần lên cao, chứ không phải cứ mãi mê đi, để rồi “một khi sảy chân thành hận muôn kiếp” hay “một khi mất thân người muôn kiếp khó trở lại”.

Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi! Hãy tự mình lựa chọn hướng mà đi!

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6125016