Thông tin

TQ14 - LỄ DÂNG Y KATHINA

LỄ DÂNG Y KATHINA

TUỆ ÂN


Rằm tháng Chín âm lịch là ngày mãn mùa An cư kiết hạ của chư Tăng hệ phái Phật giáo nguyên thủy Theravāda, ngày này còn được gọi là ngày đại lễ Pavāraṇā (lễ thỉnh mời nhắc nhở lỗi lẫn nhau) là ngày thỉnh những vị tỳ khưu đồng phạm hạnh nói rõ những sai lầm, khuyết điểm dù thấy, nghi hoặc nghe về giới hạnh của mình trước sự chứng minh của chư Tăng để sám hối. Đây là một hình thức rất tốt trong Phật giáo, mặc dù là giới luật ngày xưa nhưng vẫn không lạc hậu với xã hội đương đại vì hình thức này nói lên tinh thần tập thể góp ý, phê bình cá nhân và cá nhân đó tiếp nhận ý kiến để sửa đổi mình cho lành thiện đúng Pháp.

Ngày Rằm tháng 9 cũng là khởi điểm tháng dâng y Kathina, từ 16/9 đến 15/10 (âm lịch), hai hàng Phật tử tại gia là những cận sự nam nữ cùng hoan hỉ chuẩn bị lễ phẩm, tứ vật dụng cúng dường, đặc biệt là lễ dâng y Kathina đến chư tỳ khưu đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại mỗi ngôi chùa hoặc một nơi am thất thanh vắng trong rừng núi. Chư Tăng trong mùa dâng y Kathina cũng hoan hỉ vì ngày này đánh dấu thêm một tuổi đạo của mình.

Trong Tạng Luật, bộ Mahāvagga, phần Kathinakkhandhaka ghi rõ về thời điểm lần đầu Đức Phật cho phép chư Tăng thọ y Kathina. Đó là hạ thứ 14, khi Đấng Thiện Thệ đang ngự tại ngôi chùa Jetavana do ông Anāthapiṇdika  dâng ở kinh thành Sâvatthi. Khi ấy nhóm 30 vị tỳ khưu xứ Pāveyya là các bậc Thánh hữu học (bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai và bậc Thánh Bất Lai) đều là các hoàng tử anh em cùng cha với đức vua Pasenadi Kosala, các ngài thọ hạnh đầu đà như: Hạnh đầu đà ở trong rừng, hạnh đầu đà đi khất thực, hạnh đầu đà thọ tam y..., các ngài bàn nhau sẽ đến đảnh lễ Đức Thế Tôn. Trên đường, quý ngài đi mới đến xứ Sāketa thì đã đến ngày 16/06 (âm lịch) là ngày mà theo giới luật quy định thì chư Tăng phải an cư nhập hạ tại một nơi trong suốt 3 tháng mùa mưa. Vì vậy quý Ngài đã nhập hạ tại xứ Sāketa, tuy rằng tâm trí luôn hướng về Đấng Thập Lực Tuệ.

Sau khi mãn hạ, vào ngày rằm tháng 9 (âm lịch), khi đã tổ chức xong lễ Pavāraṇā, các Ngài liền khởi hành đến kinh thành Sāvatthi. Trời vẫn chưa hết mưa nên khi các Ngài đến chùa Jetavana thì ai nấy đều phải mặc bộ y ướt đẫm đầy bùn đất, sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn và an tọa nơi hợp lẽ thì Đức Thế Tôn liền thăm hỏi chư Tăng và thuyết pháp tế độ nhóm các vị tỳ khưu xứ Pāveyya. Sau khi lắng nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp, quý ngài đều chứng đắc thành bậc thánh Arahán.

Nhóm 30 vị ty khưu xứ Pāveyya là khởi nguồn việc Đấng Đạo Sư cho phép chư Tăng được thọ y Kathina sau khi đã an cư nhập hạ 3 tháng mùa mưa. Đức Phật dạy trong Tạng Luật, bộ Mahāvagga, phần Kathinakkhandhaka rằng:

“Này chư tỳ khưu, Như Lai cho phép các tỳ khưu được thọ y Kathina sau khi an cư nhập hạ 3 tháng mùa mưa.

Này các Tôn giả, những vị đã thọ y Kathina xong rồi, sẽ được hưởng đặc ân 5 quả báu là:

1 - Khi được thỉnh mời, vị tỳ khưu ấy có thể ra khỏi chùa, mà không cần báo vị tỳ khưu khác biết. (không phạm giới).

2 - Vị tỳ khưu ấy được phép không giữ đủ tam y (không phạm giới).

3 - Vị tỳ khưu ấy được dùng vật thực cùng nhóm (4 vị trở lên), dù thí chủ gọi tên vật thực ấy (không phạm giới).

4 - Vị tỳ khưu thọ nhận y dư (ngoài tam y) cất giữ quá 10 đêm (không phạm giới).

5 - Y phát sinh nơi nào, vị tỳ khưu được phép thọ nhận nơi ấy.

Này chư tỳ khưu, vị nào đã thọ y Kathina xong rồi, sẽ được hưởng đặc ân 5 quả báu như vậy”.

Khi các thí chủ long trọng làm lễ dâng y Kathina, một thí chủ thay mặt toàn thể đại chúng đọc lời tác bạch dâng y Kathina đến chư tỳ khưu đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại trú xứ ấy xong thì người thí chủ đó sẽ cung kính đem tấm y Kathina dâng đến gần vị tỳ khưu khoảng cách 2 hắc tay và 1 gang (khoảng 1 mét) đúng theo luật. Vị đó sẽ thay mặt chư Tăng thọ nhận tấm y Kathina. Tấm y Kathina ấy trở thành tấm y Kathina của chư Tăng. Sau khi thọ nhận tấm y Kathina của chư Tăng xong, vị tỳ khưu ấy đem tấm y Kathina ấy vào trình giữa chư Tăng.


Điều kiện được nhận y Kathina là vị tỳ khưu ấy phải nhập hạ liên tục ba tháng tại nơi đó không bị đứt hạ, Tăng đoàn có 5 vị tỳ khưu trở lên, 4 vị làm Tăng sự để giao y Kathina, một vị thọ. Vị tỳ khưu được thọ y Kathina là vị có y đã cũ rách hoặc vị đó do tăng chúng đề cử. Phương pháp thọ y Kathina khác biệt hơn cách thọ tứ sự cúng dường khác. Thường thì khi nhận những tứ sự cúng dường khác, chư Tăng thọ bằng thân và khẩu. Trái lại, khi nhận y Kathina, chư Tăng thọ bằng tâm chứ không thọ bằng lời.

Tất cả chư Tăng không thể thọ y Kathina ấy được. Đức Phật cho phép chư Tăng chọn một vị tỳ khưu hiểu biết rõ 8 chi pháp xứng đáng, để làm lễ thọ y Kathina của chư Tăng, còn tất cả các vị tỳ khưu đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y Kathina của chư Tăng. Như vậy, gọi là chư tỳ khưu Tăng thọ y Kathina. Cũng như ngày Uposatha hằng tháng, chư Tăng từ 4 vị trở lên tụ họp tại Sīmā, một vị tỳ khưu tụng Bhikkhupātimokkhasīla, các vị khác ngồi nghe. Như vậy gọi là Saṃgha uposatha (chư Tăng hành uposatha).

Sau khi đã chọn được một vị tỳ khưu hiểu biết rõ 8 chi pháp xứng đáng, chư Tăng từ  5 vị trở lên tụ họp hành Tăng sự tại Sīmā, thỉnh vị tỳ khưu tụng Íattidutiyakammavācā  trao tấm y Kathina của chư Tăng cho vị tỳ khưu mà chư Tăng đã chọn. Vị Tỳ khưu ấy thọ nhận y Kathina của chư Tăng.

Sau đó, vị Tỳ khưu ấy làm lễ thọ y Kathina của chư Tăng và kính thỉnh tất cả chư Tỳ khưu đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y Kathina của chư Tăng. Tất cả chư Tỳ khưu đồng thanh nói lên lời hoan hỷ lễ thọ y Kathina của chư Tăng. Như vậy, tất cả chư Tỳ khưu Tăng đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại ngôi chùa ấy hoặc tại nơi ấy được hưởng đặc ân 5 quả báu của lễ thọ y Kathina của chư Tăng cho đến  ngày rằm tháng 2, mới hết hạn quả báu của lễ Kathina.

Trường hợp chỉ có 1 vị tỳ khưu đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa tại một nơi, sau khi mãn hạ, vị tỳ khưu ấy có thể thọ nhận y Kathina của thí chủ được. Nhưng sau khi thọ nhận y Kathina của thí chủ xong, ngay trong ngày hôm ấy, vị ấy nên đem tấm y Kathina ấy đến một ngôi chùa có Sīmā, thỉnh chư Tăng trong ngôi chùa ấy từ 4 vị tỳ khưu trở lên, tụ họp tại Sīmā để hành Tăng sự; thỉnh vị tỳ khưu luật sư tụng Íattidutiyakammavācā xong, trao tấm y Kathina cho vị tỳ khưu ấy. Vị đó đem tấm y Kathina trở về ngay trong ngày, như vậy là vị tỳ khưu làm lễ thọ y Kathina đúng theo luật mà Đức Phật đã chế định. Sau khi làm lễ thọ y Kathina  xong, vị tỳ khưu ấy được hưởng đặc ân 5 quả báu của Kathina, cho đến  ngày rằm tháng 2 mới hết quả báu của Kathina.

Kể từ thời điểm sau hạ thứ 14, Đức Phật cho phép chư Tăng được thọ y Kathina sau khi đã an cư nhập hạ suốt 3 tháng mùa mưa, thì lễ dâng y Kathina trở thành truyền thống của Phật giáo cho đến ngày nay.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 22
    • Số lượt truy cập : 6131233