Thông tin

TQ14 - LO ÂU VÀ SỢ HÃI

LO ÂU VÀ SỢ HÃI

TRẦN QUỐC TRIỆU

 

Tất cả chúng ta khi có mặt trên cuộc đời đều mang sẵn những nỗi lo âu và sợ hãi. Đứa bé mới sinh ra không thể nói được rằng nó sợ hãi nhưng sự sợ hãi bật lên ngay trong tiếng khóc đầu đời, khi nó run rẩy trong những xúc cảm ngây thơ, non dại... Và chính bố mẹ của những đứa trẻ cũng sống trong lo âu và sợ hãi suốt thời gian mang thai cho tới lúc nó được nuôi khôn lớn, thậm chí tận khi nó đã già đi. Lo âu và sợ hãi chưa bao giờ không hiện hữu nơi ta trong suốt kiếp người. Đã có lúc nào chúng ta đặt câu hỏi về sự sợ hãi của mình rồi đi tìm nguyên nhân của nó? Không có nhiều người làm như vậy. Đời sống con người đầy những nỗi lo sợ thầm kín mà ta chẳng thể đếm hết được, chúng nằm sâu ở thượng tầng ý thức và những nơi ẩn náu tối tăm của mỗi cá nhân. Sự lo âu và sợ hãi có mặt ở khắp nơi, sợ thiếu thốn, sợ đói khát, sợ điều chúng ta có hôm nay có thể mất ở ngày mai; sợ ốm đau, già nua và chết chóc v.v... Đôi lúc nỗi sợ hãi mơ hồ lấp đầy cuộc sống chúng ta, nỗi bất hạnh ấy làm ta khổ sở triền miên. Nỗi sợ dường như đã nằm sẵn trong tiềm thức của mỗi chúng ta khi được "di truyền” lại từ tổ tiên của loài người như sợ bóng tối, sợ nơi rừng núi hoang vu, sợ các con thú ăn thịt, rắn rết v.v...

Thời cổ đại, khi khoa học và xã hội chưa phát triển, con người sống trong nhiều nỗi sợ hãi khi đối mặt với thiên nhiên, với những hiện tượng tự nhiên mà không lý giải được. Bên ngoài, con người bị tác động bởi mưa gió, sấm sét, động đất, núi lửa... Và bên trong là ám ảnh về bệnh tật đau ốm; nên họ đã quỳ lạy trước mọi sự đe dọa của thiên nhiên để cầu xin sự che chở của thứ quyền lực huyền bí. Do thiếu tri thức và hiểu biết về sức mạnh của ngoại giới mà con người từ xưa tin tưởng rằng họ có thể xoa dịu thần lực ấy bằng sự cúng bái, cầu khẩn, như chính họ được xoa dịu và con người dần phát triển khả năng lễ bái và quyền lực thiên nhiên đã trở thành “thần linh huyền bí” của loài người. Trong đêm dài của tình trạng thiếu văn minh và trong “cuộc chiến” trường kỳ chống lại sức mạnh của thiên nhiên, những hạt giống mê tín đã được gieo cấy vào tâm thức loài người và “di sản mê tín” đó đã được ông cha chúng ta truyền lại cho con cháu. Thế hệ nối tiếp thế hệ chúng ta thừa kế điều đó một cách mặc nhiên và thậm chí còn phát triển nó lên một cấp độ cao hơn dù có thêm nhiều kiến thức, có thêm nhiều phương tiện để hiểu về thiên nhiên, về đời sống.

Ngày nay, trình độ của cả nhân loại được nâng cao không ngừng, khoa học phát triển như vũ bão nhưng nỗi lo âu và sợ hãi cũng không hề giảm, thậm chí còn tăng lên. Vì sao vậy? Vì lòng tham đã đẩy con người lên những nấc thang cao hơn của tính dục và sự tàn bạo. Con người phát minh ra nhiều phương tiện để thoả mãn đời sống vật chất và tinh thần nhưng lại chính điều đó lại đẩy họ tách rời với đời sống tự nhiên, đẩy tất cả đi nhanh hơn tới chỗ diệt vong. Con người từ thuở hồng hoang giết nhau bằng cung tên, giáo mác đã tiến một “bước dài” để không cần xuất hiện mà vẫn có thể giết chết đối phương. Ta thử nghĩ xem một quả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, một trái bom nguyên tử sẽ giết chết bao nhiêu mạng sống con người và các loài chúng sanh? Điều đó có đáng sợ không? Xã hội dù văn minh hơn nhưng con người cũng tìm ra nhiều cách hơn để cướp bóc, để đầu độc thiên nhiên, môi trường và giết đồng loại tinh vi hơn, người ta không từ bất cứ cách thức nào để kiếm chác, không từ bất cứ thủ đoạn nào chỉ với mục đích duy nhất là thỏa mãn lòng tham và dục lạc.

Napoleon Hill từng nói rằng: “Sự lo sợ nghèo khổ chắc hẳn là mối lo âu tai hại nhất trong sáu điều sợ hãi căn bản (Nghèo đói, sự chỉ trích, ốm đau, mất người mình yêu thương, tuổi già và chết chóc). Nó được sắp hàng đầu trong danh biểu, vì đó là điều khó chế phục nhất. Cần có can đảm để giải thích sự thật về nguồn gốc của mối lo sợ nghèo khổ này; và còn phải dũng khí hơn nữa mới chấp nhận được chân lý sau khi nó được tỏ bày. Mối lo sợ nghèo khổ phát sinh từ khuynh hướng cố hữu của con người có tham vọng bắt kẻ khác làm nô lệ kinh tế cho mình. Hầu như tất cả loài vật thấp kém hơn con người, nên đã sống theo bản năng, và khả năng suy tưởng của chúng bị giới hạn, cho nên thú vật đã ăn thịt lẫn nhau. Con người, với trình độ cao hơn của trực giác, trí năng suy nghĩ và lý luận, nên không ăn thịt thân xác đồng loại của mình; nhưng nó đã thỏa mãn hơn trong việc nuốt chửng tiền bạc của kẻ khác. Nhân loại vì quá tham lam nên các luật pháp phổ biến đã được thông qua để bảo đảm quyền lợi giữa con người với nhau”.

Nhiều người trong chúng ta khao khát có được một địa vị cao trong xã hội bởi vì chúng ta sợ phải là một kẻ vô danh tiểu tốt. Xã hội chi phối bởi vật chất đã cổ suý và quá coi trọng những người có địa vị cao, giàu có... Do vậy, ai cũng thầm mong có một chiếc “ghế” nào đó trong xã hội và muốn được mọi người tôn trọng. Khi đã phấn đấu để có cái “ghế” đó rồi thì họ tìm mọi cách để giữ cho bằng được, họ rất sợ phải mất nó vào tay kẻ khác. Và chính cái “ghế danh lợi” đó làm người ta phải tranh đấu và lo sợ suốt bao năm tháng. Để bảo vệ nó người ta phải dùng đến nhiều biện pháp khác nhau kể cả phải cầu khẩn đến sự phò trợ giúp đỡ của thầy cúng, phong thủy, thần thánh v.v... Bằng chứng là họ phải chọn hướng theo mấy ông thầy, họ tới đền phủ như đền Trần để xin “Ấn” làm thứ bùa hộ mệnh cho mình. Nhiều người hàng năm tìm tới đây để nhằm mưu cầu sự “phù hộ” cho con đường thăng quan tiến chức của mình. Họ cho rằng sự anh linh của một triều đại hào hùng trong quá khứ sẽ giúp cho họ đạt được những mong cầu cá nhân trong xã hội hiện tại. Đó thực sự là mê lầm, ảo tưởng và si muội!

Do ảnh hưởng của tâm lý đám đông cùng quan niệm lệch lạc đã tạo ra một loại “bệnh tưởng”, nó lây thành một “đại dịch” lan rộng trong xã hội và người ta không xin nữa mà đi tranh, đi cướp, mua bán “Ấn” để có thứ bảo hộ tâm linh, để cảm thấy an tâm hơn. Vì sao? Vì trong sâu xa họ sợ, họ thiếu niềm tin vào chính mình nên cần đến sự giúp đỡ của thần linh, tha lực, nó chính là hệ quả tất yếu được sinh ra từ sợ hãi và sợ hãi là con đẻ của vô minh. Khi còn vô minh ta còn tà kiến, si mê và sợ hãi, và còn sợ hãi thì còn niềm tin mù quáng vào những điều huyễn hoặc, còn bám víu vào những quan niệm, định kiến nhằm thỏa mãn những ảo tưởng được bản ngã dựng lên.

Không chỉ đến đền miếu để tìm kiếm sự “giúp đỡ”, rất nhiều người còn đến chùa với cả đống lễ vật để cúng tế, van vái và cầu xin. Họ không hề biết rằng đó chỉ là hình thức tín ngưỡng thể hiện bản chất mê tín, nó xa rời những điều được dạy trong chánh pháp của đức Phật Thích Ca là trí tuệ và từ bi. Nhiều người tới chùa trong lòng đầy ắp mong cầu, tham lam, sân hận và si mê, họ đốt một bó nhang thật lớn, nhét tiền vào bất kỳ chỗ nào hoặc rải khắp nơi mà không biết để làm gì?! Họ thực sự không hiểu biết đầy đủ về đạo Phật nên hành động với tâm thế của một kẻ sợ hãi đang đi kiếm tìm người “bảo kê” cho mình. Họ “hối lộ” ông Phật để mong được bình an, mong được làm ăn phát tài, phát lộc...

Trong cuộc sống hôm nay, rất nhiều người tìm cách trốn chạy những nỗi sợ hãi của mình trong đời sống. Họ trốn chạy bằng cách đi tìm những cảm giác trong thế giới ảo, trong rượu bia, ma túy... Sợ hãi làm nhiều người co rúm lại và không bao giờ dám thay đổi suy nghĩ, thay đổi nhận thức và tất yếu họ chấp nhận mình trong thói đạo đức giả để vừa lòng xã hội, vừa lòng mình. Thế giới thật đầy rẫy lo âu và sợ hãi thì thế giới ảo cũng không kém. Tuổi trẻ trong thời đại của khoa học công nghệ không còn được gần gũi với thiên nhiên, không được sống trong một bầu không khí trong lành của tự nhiên vĩ đại. Họ chôn vùi cuộc đời mình vào những thú vui trên mạng xã hội ảo, vào những trò chơi nhằm khỏa lấp đi nỗi sợ hãi và tự giết chết những hạt giống “trí tuệ” nơi mình.


Hầu hết chúng ta đều sợ mình bị lừa dối nhưng thử nghĩ xem có khi nào vì sợ hãi và hèn nhát mà chính ta không dám nói ra sự thật. Chắc chắn trong đời sống chúng ta không ít lần làm như vậy. Chúng ta có thể bao biện rằng sự dối trá đó không gây ảnh hưởng tới ai, nếu nói ra sự thật có thể làm đổ vỡ hoặc mất mát nhiều thứ. Như vậy, ẩn đằng sau sự thật hoặc sự dối lừa vẫn là nỗi sợ hãi bao trùm, ta sợ cái lâu đài xây trên cát sẽ bị sóng cuốn trôi.

Con người được sinh ra, cái thân xác luôn biến đổi từng giây phút sẽ bị mất đi cái vẻ đẹp, sự trẻ trung được ưa thích. Sự già đi là quá trình tất yếu và chẳng có cách nào ngăn nó dừng lại. Trên thực tế có một số người quá trình lão hóa đó diễn ra khá chậm chạp nên thường được ngưỡng mộ và cũng làm họ chết dính với những ảo tưởng về thân xác của mình. Có nhiều người thấy mình già đi quá nhanh thì tìm cách điều chỉnh, ngăn chặn như uống thuốc, thực phẩm chức năng, chăm sóc sắc đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, “bơm vá” v.v... Tất cả những điều đó chỉ nó lên rằng họ đang sợ hãi, họ lo mất đi sự ngưỡng mộ, mất đi tình yêu của người đời, họ muốn có được sự khen nịnh từ những người khác. Tuy nhiên, tất cả sẽ phải chấm dứt vào một ngày đẹp trời nào đó!

Khi cơ thể già đi kéo theo sự suy giảm về sức khỏe và bệnh tật liên miên. Đây cũng là một trong những điều đáng sợ nhất của con người vì không có sức khỏe thì họ chẳng thể làm gì cho mình và cho đời. Nhưng cũng vì có quá nhiều lo âu và sợ hãi nên chính ta đã làm trầm trọng thêm bệnh tật khi luôn sống trong tình trạng tâm lý căng thẳng kéo dài. Chúng ta thường chỉ biết sợ sự già nua, bệnh hoạn nhưng “Sinh – Lão – Bệnh – Tử” là cái quy luật tất yếu của đời sống mà ta chẳng làm gì để trốn tránh nó được. Sợ hoặc không sợ cũng chẳng giúp cái tiến trình đó ngừng lại. Khi ta bệnh tật và đau đớn thì bác sĩ cùng với thuốc men hoặc phương tiện nào đó có thể giúp ta tạm thời bớt đau nhưng cái đau, nỗi sợ hãi sẽ luôn tái diễn và không ai có thể giúp ta chấm dứt nguyên nhân của sự đau đớn và sợ hãi ngoại trừ bản thân mỗi người chúng ta, chính chúng ta mới có thể đoạn trừ nguồn gốc của sự đau đớn, lo âu và sợ hãi. Đoạn trừ bằng cách nào, theo quý vị?

Liệu có ai không sợ khi tử thần đến mời mình đi? Ta thực sự không biết lúc nào ông ta đến nhưng có lẽ mỗi người đều bị ám ảnh với nỗi sợ hãi khi đối diện thần chết. Sợ chết là sợ mình không giữ được cái sống. Tuy nhiên, ta hãy nhớ lại xem có lúc nào mình không sống không? Rất nhiều giây phút trong cuộc đời chúng ta không thực sự sống hoặc thậm chí chưa bao giờ sống! Chúng ta vẫn luôn mặc định cho rằng mình đang sống giữa cuộc đời trên trái đất xinh đẹp này nhưng thực ra chỉ là sự “tồn tại vật vờ”, ngắn ngủi của cái thân xác vật lý đầy tham muốn dục lạc mà “cái biết” không hề hiện hữu. Ta vật vờ với những hình ảnh phóng chiếu trong ký ức từ quá khứ và tưởng tượng phóng tới tương lai, ta chưa một lần thấy được cái “đang là” trong thực tại không có sự phân chia.

Thân xác vật lý của chúng ta được sinh ra do duyên nghiệp và cái chết đến với “nó” là tất yếu. Ta sợ cái chết do không muốn mất đi những khoái lạc của cuộc sống, không muốn mất đi những thứ mà ta đã khổ công xây dựng, đeo đuổi như công danh, địa vị, tiền bạc... Có nhiều người trong chúng ta bị cái chết ám ảnh đến độ hễ nghe đến từ “chết” là nổi da gà, hồn xiêu phách lạc. Sở dĩ ta sợ chết là vì người ta còn chấp thủ, còn luyến ái, còn dính mắc vào cái thân xác cũng như không muốn nếm mùi khổ đau do sự quằn quại thân xác trong giờ phút lâm chung. Càng dính mắc, càng luyến ái ta càng khổ đau và dễ dàng kẹt vào cảnh giới xấu với “thần thức” đầy vọng tưởng và sân hận.

Chúng ta lo lắng và sợ hãi do chính quá trình tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm từ cuộc sống, do những tác động của điều kiện và hoàn cảnh sinh hoạt mà ở đó tạo ra các phản ứng khó chịu, khiến người ta cảm thấy bất an và sự tiếp xúc dần dần với điều kiện, hoàn cảnh sinh hoạt đó cũng là nhân tố gây nên sự sợ hãi. Những đối tượng, hoàn cảnh chúng ta tiếp xúc hàng ngày, tất cả những tác nhân bên ngoài tác động, ảnh hưởng đến chúng ta đều để lại dấu ấn trong tâm thức của mình. Nói cụ thể hơn là chúng được lưu trữ trong tàng thức của chúng ta, những thứ được lưu giữ trong tàng thức này sẽ tồn tại khá lâu, có thể là vài năm, và chục năm, thậm chí là vài trăm năm, hoặc kéo dài từ đời này sang đời khác, và chúng có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của chúng ta.

Dấu ấn càng sâu đậm thì sự lưu trữ càng lâu dài và càng khó bị phai mờ trong tâm thức của chúng ta. Điều này giúp cho chúng ta hiểu được tại sao những sang chấn tâm lý, những tổn thương tinh thần có thể hình thành nên sự sợ hãi và chúng ám ảnh chúng ta mãi. Tại vì những sang chấn, tổn thương ấy đã tạo ra dấu ấn trong tâm thức của chúng ta, và chúng được lưu trữ trong tàng thức, khi gặp cảnh thì những dữ kiện được lưu trữ ấy sống dậy, toàn bộ những gì đã diễn ra liên quan đến sự sang chấn, tổn thương trước đó được tái hiện lại trong tâm trí chúng ta như là một bộ phim quay chậm lại, và chúng tác động lên tư duy, hành động của chúng ta, khiến chúng ta sợ hãi cũng như tìm cách tránh né.

Để có thể thấu hiểu về sự sợ hãi ta cần phải tìm hiểu về nó bằng nhiều phương cách khác nhau. Ta phải đi vào nơi sâu thẳm nhất của nó vì sợ hãi không phải chỉ là một vấn đề hời hợt ở bề ngoài của suy tư. Ta cũng có thể có nhiều cách để trốn tránh sự sợ hãi nhưng nếu ta trốn tránh, bỏ chạy, sự sợ hãi sẽ mãi mãi theo chân chúng ta. Đừng tìm cách chạy trốn, hãy quan sát, nhìn ngắm một cách trực tiếp để cảm nhận chính sự kiện sự lo âu và sợ hãi đang diễn ra nơi tâm mình. Một lúc nào đó có thể phát hiện ra rằng chúng ta lo âu và sợ hãi vì luôn lựa chọn lấy bỏ; chúng ta luôn mong muốn sự an lạc, hạnh phúc cho chính chúng ta, cho những người chúng ta yêu thương. Mong muốn an lạc, hạnh phúc là nhu cầu hoàn toàn chính đáng và bình thường của mỗi người nhưng trong một thế giới luôn luôn biến động và bất toàn mà ta chỉ chọn cái an lạc, không chọn cái biến động, cái khổ đau thì ta phải lo âu và sợ hãi là điều hiển nhiên.

Nỗi lo âu và sợ hãi luôn thường trực nơi tâm thức và đồng hành với đời sống, tất cả chỉ có thể chấm dứt khi ta thấy ra toàn bộ “sự thật” về mình, về sự vận hành của đời sống và chấm dứt vô minh. Ta phải trực diện với nỗi niềm hoàn toàn trống vắng, cô đơn, hiu quạnh trong nội tâm, và không tự cho phép mình trốn tránh sự thực. Điều đặc biệt được gọi là sự “cô độc” đó chính là cốt tủy của “Bản ngã”, với tất cả mánh lới, sự xảo trá, đảo điên và mạng lưới của nó, khiến cho tâm trí bị mắc vào bẫy. Chỉ khi nào cái tâm có khả năng vượt qua được sự cô đơn, hiu quạnh tối hậu ấy thì mới có tự do, sự tự do tuyệt đối giúp giải phóng hoàn toàn khỏi nỗi sợ hãi. Và chỉ khi đó ta mới tự thấy được thế nào là thực tại, là cái sức sống vô lượng, vô biên, vô thủy, vô chung.

Lo âu và sợ hãi là cũng điều bình thường trong cuộc sống con người. Không ai thoát khỏi tình trạng bất hạnh này của tinh thần chừng nào còn ở trong cuộc sống thế tục. Tuy nhiên, sợ hãi cũng mang lại những lợi ích cho chúng ta trong bước đầu của quá trình thay đổi nhận thức và hành vi, nó giúp ta chuyển hoá khi biết sợ những điều bất thiện như: Sát sanh, trộm cắp, nói dối, tà dâm, uống rượu và các chất gây nghiện, sợ gieo nhân bất thiện, sợ không thấy ra được ý nghĩa của cuộc đời này, sợ không học gì từ cuộc sống, sợ sự tham lam, sân hận và si mê, sợ sự đố kỵ, cố chấp, sợ không biết về cái không biết (vô minh) của mình v.v...

Tuy nhiên, khi bước lên mức độ cao hơn của nhận thức và trí tuệ thì ta có thể sẽ đủ “nội lực” để đón nhận tất cả mà không còn bị kẹt vào cái sợ hoặc không sợ. Nó chỉ là những diễn biến của tâm khi ta ở vào hoàn cảnh nào đó. Chúng ta đừng vì sợ hãi mà không dám khám phá đời sống, khám phá chính mình. Nếu ta thực sự có “ước nguyện” tìm hiểu một cách chân thành thì ngay nơi mình đã là một thế giới có đầy đủ tất cả, chỉ cần ta mạnh dạn bước vào, lặng lẽ ngắm nhìn và cùng trôi chảy theo sự vận hành của đời sống tự nhiên. Đến một lúc nào đó ta có thể chợt nhận ra rằng cái gì đến vì nó phải đến, cái gì đi hãy để nó đi một cách tuỳ nghi. Chỉ khi đó ta mới thực sự được giải thoát.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 75
    • Số lượt truy cập : 6345964