Thông tin

TQ14 - NÂNG TẦM TRÍ TUỆ TRONG PHẬT GIÁO

NÂNG TẦM TRÍ TUỆ TRONG PHẬT GIÁO (1)

HOÀNG VĂN LỄ

 

 

Để thành tựu đạo quả Chánh đẳng Chánh giác, tức thành Phật, người tu tập cần đạt 10 pháp Ba-la-mật: Bố Thí, Trì Giới, Xuất gia, Trí tuệ, Tinh tấn, Nhẫn nại, Chân thật, Quyết định, Tâm từ và Tâm xả.

Trí tuệ là bậc trung bình của yêu cầu thành Phật. Nâng tầm trí tuệ là một phương thức tu tập của Phật tử. Để thực hành việc nâng tầm trí tuệ chúng ta cần lưu ý các mức độ và cách tu tập sau đây:

1. Văn huệ: Là mức độ ban đầu với cách nâng cao trí tuệ qua nghe lời dạy của người khác, nhất là quý thầy. Ngài A-nan-da, một trong muời đại đệ tử của Phật lúc còn tại thế, với danh hiệu Đa văn thần thông; là người trực tiếp nghe Phật thuyết giảng giáo lý nhiều nhất; do đó Tôn giả A-nan-da là nhân vật quan trọng bậc nhất trong kết tập kinh điển lần 1 sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn. Lúc bấy giờ chưa có sách vở, in ấn gì cả nên các đệ tử đến nghe Phật giảng rồi ghi nhớ nằm lòng; A-nan-da là thị giả của Phật suốt 40 năm liền, là người có trí nhớ siêu việt, nên khi kết tập đã nêu lại cho 500 vị A-la-hán bàn thảo thống nhất, thành quả đó để lại cho chúng ta ngày nay các giáo lý đầy chất trí tuệ cao cả của Đức Phật.

Ngày nay, với phương tiện thông tin đa dạng, phong phú, hiện đại các Phật tử có thể truy cập rất nhiều bài thuyết giảng của quý thầy, nhất là các cao tăng, không chỉ trong nước mà là người nước ngoài (qua chính văn hoăc thông dịch); do đó cách tiếp thu giáo lý của Phật đà không vướng mắc nhiều như vài chục năm trước đây. Tuy vậy, nhiều Phật tử với lòng tôn kính quý thầy thường về chùa để trực tiếp nghe thầy giảng, nhìn thầy với sự ngưỡng mộ chân thành nhất; các địa điểm thuyết pháp ở các chùa ngày càng đông Phật tử về nghe Phật pháp.

2. Tư huệ: Là cách nâng cao trí tuệ qua suy luận, có thể rất trừu tượng, song có thể được thực nghiệm kiểm chứng. Các trường thế học ngày nay, càng lên cao càng sử dụng cách thức này. Người Âu - Mỹ đã phát huy cách thức này, đưa ra hàng vạn môn học rất chi li và không ngừng phát triển trong tư duy gọi là tư duy khoa học. Từ vốn học được đúc kết, các nhà nghiên cứu khoa học suy luận và thực nghiệm để tìm kiếm khám phá các điểm chưa biết trong lĩnh vực mà mình ham thích theo đuổi. Có nhà khoa học cả đời chỉ theo đuổi đến cùng một mục tiêu khoa học nào đó, đến mức phát minh, phát kiến khoa học mới, có khi làm đảo lộn các kiến thức đã có.

Những nhà văn hóa nghệ thuật học với vốn tri thức nhân loại được tiếp thu theo bối cảnh cụ thể và với tài năng của mình đã tạo ra muôn vạn ức tác phẩm nghệ thuật vô cùng tận.

Các phương thức Tư huệ hiện nay được phổ biến không những trong thế học mà cả trong các viện Phật học.

Văn huệ và Tư huệ giúp mở mang kiến thức trong phạm vi luân lý của mọi người, rất cơ bản là phần chủ yếu của phát triển xã hội, nhưng chỉ trong phạm vi thế tục, chưa thấu triệt tâm linh phần tu học của Bồ tát.

3. Tu huệ: Bằng thiền tập, Phật tử nhất là tu sĩ, Bồ tát khai thông trí tuệ, trở nên sáng suốt; có thể trực giác chứng nghiệm những chân lý ngoài phạm vi của lý trí. Đây là phương pháp trau dồi tâm trí, một nỗ lực linh động và tích cực, khơi sáng Phật tánh vốn có ở mỗi con người. Thiền tập giúp người tu vượt qua cảnh giới vật chất, tư đặt mình một nếp sống kỷ cương, kiểm soát thân tâm, tâm và trí phát triển, trở nên sáng suốt hoàn toàn.

Đức Phật thực hành thiền qua nhiều tầng nấc, với tâm thức giác ngộ đã nhìn rõ hàng vạn ức kiếp trước của mình, rồi có thể nhìn rõ kiếp trước của người khác; hiểu thấu tiến trình phát triển xã hội và chỉ ra hàng vạn pháp môn tu tập để cứu giúp chúng sinh tu tập tự mình tìm đến bờ giác, giải thoát vòng luân hồi sinh tử.

Các bậc Thiền sư Lạt-ma Tây Tạng, qua thiền tập đúc kết các giai đoạn chuyển kiếp của con người. Đó là 7 giai đoạn của cái chết, từ việc phân hủy tứ đại của thân (đất, nước, lửa, khí) đến tâm thức tan biến, tìm kiếm các nẻo đường tiếp theo tùy vào nghiệp chướng của mỗi người để chuyển kiếp thích hợp. Chủ động với cái chết là điểm nhấn tất yếu của các Thiền sư, giúp mỗi người nhận thức đúng đắn cái chết, tự tu tập để bình tâm chọn lựa việc tái sinh của mình hơn là hốt hoảng, lo sợ cái chết vốn không trừ một ai.

Tóm lại, trí tuệ là nhân tố rất cơ bản, rất quan trọng trong Phật giáo. Chánh kiến đứng đầu trong Bát chánh đạo, khẳng định tri thức cần có để tạo lập chính kiến đúng đắn, suy nghĩ đúng giúp ta hành động đúng, tạo nghiệp lành, chuyển kiếp thuận lợi trên bước đường tu tập mưu cầu giải thoát. Tuệ, phần đỉnh cao của trí tuệ, là một trong bảy nhân sinh Quả Bồ Đề. Tuệ là một trong bốn năng lực để thành đạt Tứ Thần Túc, nghiệm chứng bốn phép thần thông (dục, niệm, tấn, huệ)... Nâng cao năng lực trí tuệ là yêu cầu và nhiệm vụ trong tu tập của tất cả chúng sinh, Phật tử.

Chính nhờ trí tuệ mà mọi người tu hành tiến đến trạng thái hoàn toàn thanh tịnh, giải thoát.


1. Tham khảo sách Đức Phật và Phật pháp, của Thiền sư Nãrada Nahã Thera (Phạm Kim Khánh dịch), tr. 608-610. 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 28
    • Số lượt truy cập : 6704894