Thông tin

TQ14 - NGÔI NHÀ NGŨ UẨN

NGÔI NHÀ NGŨ UẨN

TRẦN CAO LỘC

 

Chính là thân ta được xây đắp bằng 5 uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức.

Có được thân người, tức là đã sống vô số chu kỳ, hay nhiều kiếp, không những đã từng làm người, mà có thể đã từng làm nhiều loại sinh linh khác nhưng vì vô minh mà quên tất cả, khi tái sinh, chúng sinh trở thành ngây thơ, ấu trĩ, dại khờ.

Vô minh là “khoen đầu” tiên của 12 nhân duyên. Vô minh thường làm cho ta thấy ngược lại: Hại cho là lợi, khổ cho là vui, thương cho là ghét, tốt cho là xấu,... Khi hết vô minh, bậc giác ngộ có TÚC MẠNG THÔNG biết rõ mọi kiếp trước nhưng vì chúng ta vô minh nên không thể có được.

Ngôi nhà ngũ uẩn của chúng ta  (Paícakhandhđ) là tập hợp gồm Sắc, Thọ, Tưởng, HànhThức trong một con người:

* Sắc uẩn là những gì tập hợp thành xác thân,

* Thọ uẩn là những gì tập hợp thành cảm giác,

* Tưởng uẩn là những gì tập hợp thành nhớ chấp,

* Hành uẩn là những gì tập hợp thành tư cách tạo nghiệp,

* Thức uẩn là những gì tập hợp thành cái biết.

Chúng không bền vững, không thường hằng nên trong Ngũ uẩn thí dụ kinh cũng như trong Kinh Tương Ưng có nêu ví dụ về tính cách vô thường này.

1/ SẮC UẨN:

Sắc (rupaskandhah): Trung Hoa dịch “biến ngại vi nghĩa” nghĩa là lấy biến ngại làm nghĩa. “Biến” nghĩa là biến dịch, thay đổi, chuyển biến vô thường. “Ngại” là đối ngại, ngăn ngại giữa cái này và cái khác, giữa căn và trần. Như vậy, khi căn tiếp xúc với trần, sắc sẽ biến đổi vô thường.

Sắc là pháp hợp tan, có điều kiện, có chu kỳ. Trong Kinh Phật ví nó như đám bọt nước trôi theo dòng sông nên có lúc phải ly tán

Trong Ngũ uẩn Thí dụ kinh nói về tính chất của sắc:

 “... một thời, Đức Phật đến thăm nước Mị Thắng. Khi đi qua sông ngài thấy một đám bọt nước to tụ lại trôi theo dòng sông, Ngài bèn nói với các Tỳ kheo rằng: Chư Tỳ Kheo, đám bọt nước to tụ lại trôi theo dòng sông này, cho một người có một cặp mắt quan sát, suy xét thì biết đám bọt nước này là không hằng hữu, là hư vô, là không thật và tiêu tan một cách nhanh chóng. Vì sao vậy? Vì bọt nước này không kiên cố”.

Trong kinh Tương Ưng, Thế Tôn  nói về tính chất của sắc khi nhìn thấy các bọt nước trên sông Hằng:  “...sông Hằng chảy mang theo đống bọt nước lớn. Có người có mắt nhìn đống bọt nước ấy, chuyên chú, như lý quán sát. Do nhìn chuyên chú, như lý quán sát, đống bọt nước ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không, hiện rõ ra là không có lõi cứng...”.(1) 

Ngũ uẩn Thí dụ kinh cũng nói về tính không thực của sắc:

“... Cũng như vậy, các Tỳ kheo, tất cả các sắc mà ta thấy trong quá khứ, tương lai và hiện tại, ở trong hay ở ngoài, to hay nhỏ, tốt hay xấu, xa hay gần, nếu các tỳ kheo nhận xét kỹ càng thì sẽ thấy sắc là không hằng hữu, là hư vô và không thực.

Tương tự như trong kinh Tương Ưng có nói: “... phàm có sắc gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần... Do vị Tỳ kheo nhìn chuyên chú, như lý quán sát sắc, sắc ấy hiện rõ ra là trống không, hiện rõ ra là rỗng không...”(2)

Ngoài ra, nó còn các tính chất khác như: Không thật, không thường, nó là khổ não, là hư không, là vô ngã.

Chính vì không thật nên nó vô thường, nếu chấp thân này sẽ sinh khổ não. Và vô ngã là như thế nào? Làm sao để đối trị nó?

Vô ngã ở đây gọi là Phi thân, tiếng Phạn là anatman, tiếng Anh là non-self. Nó chỉ là một dạng tâm thức luôn luôn thay đổi biến thiên không ngừng.

Phi thân là một trong chín điều gọi là cửu tuyệt: 1) Chỉ, 2) Quan, 3) Bất tham, 4) Bất khuể, 5) Bất si, 6) Phi thường, 7) Vi khổ, 8) Phi thân, 9) Bất tịnh.

Và dùng Cửu tuyệt để  đối trị với cửu phẩm: 1) Si, 2) Ái, 3) Tham, 4) Khuể, 5) Hoặc, 6) Thọ, 7) Canh, ở đây có nghĩa là Xúc  8) Pháp, 9) Sắc.(3) 

2/ THỌ UẨN:

Thọ hay cảm giác đều do duyên hợp mà thành, nó chỉ chấm dứt khi không còn điều kiện để tồn tại, chứ nó không chiều theo ý muốn của ta. Từ đó tâm sinh ra bất mãn, hay bất toại nguyện với cái vừa ý không kéo dài, hay với cái không vừa ý chẳng chấm dứt sớm.Cảm giác thuận hay nghịch ấy chẳng phải chỉ xảy ra trong quan hệ với ngoại cảnh, mà nó còn xảy ra ngay trong chính thân tâm con người và tin tưởng rằng cái ta cảm thọ này có thật.

“ Thọ” trong kinh ví như bong bong nước:

“Chư Tỳ kheo, lại như mưa tạo ra những bong bóng nước, những bong bóng này sinh sinh diệt diệt. Cho một người có một cặp mắt quan sát, suy xét thì biết những bong bóng nước này không hằng hữu, là hư vô, không thực và tiêu tán một cách nhanh chóng”.

Vì sao vậy? Vì những thống khổ là hư vô và không thực.

Trong kinh Tương Ưng, Phật dạy cho một vị gia chủ khi thân thọ khổ cần phải học tập: “Dầu cho thân tôi có bịnh, tâm sẽ không bị bệnh”.(4) 

Ngài Xá Lợi Phất giải thích thêm do bị ám ảnh sắc thân này là của ta nên khi bị biến hoại, đổi khác sẽ khởi lên sầu, bi, khổ, ưu não; tương tự, thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.

3/ TƯỞNG UẨN:

Tưởng (samjnaskandhah): Trung Hoa dịch “ thủ tượng vi nghĩa” lấy cái ảnh tượng bên ngoài đưa vào trong tâm gọi là tưởng.

Tưởng uẩn hay nhận thức, tri giác. Tưởng uẩn là sự vận hành của thức. Chức năng của tưởng là so sánh, phân biệt. Tác dụng của tưởng tuỳ thuộc vào trình độ, kinh nghiệm của hành giả. Ví dụ: Khi đụng tay vào lửa, đứa trẻ khóc và rút tay ra, nhưng lần sau nó vẫn tiếp tục lấy tay sờ lửa, vì bé mới có thọ chưa có tưởng. Nhưng người lớn khi bị bỏng tay vì lửa, sau thấy lửa liền tránh, vì người lớn đã có tưởng...

Có sáu loại tưởng uẩn: Sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, sở xúc tưởng, pháp tưởng.

Trong Ngũ uẩn Thí dụ kinh có nói về tính chất của tưởng như sau:

“Các Tỳ kheo, lại như mùa hè nóng bức, ánh nắng mặt trời đang lúc giữa trưa, cho một người có một cặp mắt quan sát, suy xét, thì biết nóng bức này là không hằng hữu, là hư vô, là không thật và tiêu tán một cách nhanh chóng. Vì sao vậy? Vì nóng bức này không kiên cố”.

Do vì không kiên cố nên nó cũng như hư vô và không thực.

4/ HÀNH UẨN:           

Hành (samskaraskandhah): Có hai nghĩa:

- Thiên lưu: Các pháp luôn biến dịch, trôi chảy mãi như một dòng nước nên gọi là hành.

- Tạo tác: Mọi hành động của thân, khẩu, ý đều là sự tạo tác nên gọi là hành.

Hành uẩn: Những tạo tác của tâm, như thiện ác, tốt xấu... Nó chính là tư tâm sở (cetana), nhân tố quyết định nghiệp, vì tưởng mới chỉ là ý nghĩ, còn khi quyết định làm, hành động thuộc về hành.

Có hai loại hành: Thân hành thì gây tội lỗi, oan trái, kết nghiệp. Tâm hành thì lẫn lộn giả với chân, thiện với ác, khổ với vui, thường với vô thường. Và căn bệnh nặng nhất của tâm là sở tri chướng.

Trong Ngũ uẩn Thí dụ kinh nói về tính chất của hành như sau:

“ Các Tỳ kheo, lại như một người vào rừng tìm gỗ tốt  thấy một cây chuối to đẹp thật thẳng, bèn đốn cây xuống, cắt ngọn và lá đi  bóc từng lớp lớp vỏ đi để tìm gỗ tốt, nhưng tìm không thấy cái lõi cứng chắc của cây đâu cả”.

Chính vì không tìm được lõi cứng nên cây chuối này là không thật và cũng không có gì bền vững cả.

5/ THỨC UẨN:

Thức (Vijnanaskandhah): “Liễu biệt vi thức” nghĩa là biện biệt một cách rõ ràng.

Thức là một phản ứng có căn bản như nhãn thức (cakkavin-nàna) có con mắt làm căn bản và hình sắc làm đối tượng... Thức (manavinana) có ý (manas) làm căn bản và ý niệm hay tư tưởng làm đối tượng. Thức được gọi tên tuỳ thuộc điều kiện mà nó phát sinh; Ví dụ: Do duyên con mắt và sắc thức sinh thì gọi là nhãn thức; do duyên tai và tiếng thức sinh gọi là nhĩ thức, tương tự ta có tỉ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Nó tương tự một ngọn lửa được gọi tên tùy theo nhiên liệu như lửa củi, lửa rơm...

Trong Ngũ uẩn Thí dụ kinh ví thức uẩn như một trò ảo thuật nên nó cũng không thật.

“Các Tỳ kheo, lại như một thầy làm ảo thuật và những đệ tử ở một ngã tư đường biểu diễn ảo thuật cho công chúng xem, làm nhiều màn ảo thuật nào là đàn voi đi, đàn ngưa chạy”.

Khi ví thức như một trò ảo thuật thì ngay chính bản thân nó là ảo nên không có  thật.

Nói chung, trong Ngũ uẩn Thí dụ kinh cũng như trong kinh Tương Ưng đều cho năm uẩn dù ở “quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng... xa hay gần...”, tất cả phải như thật quán và không chấp trước vì: “Không có cái gì ở trong đời ta chấp trước mà không có phạm tội”, và đó chính là “tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này”. 

Với tính chất của năm uẩn trên, trong kinh này Phật nói bài kệ như sau:

“ Sắc như bọt nước tán tụ , thống khổ sinh diệt như bong bóng nước,

Tưởng như cái nóng của mùa hè, hành động trống bọng như thân cây chuối.

Thức như những ảo thuật, chư Phật nói như vậy”.

Những ví dụ về uẩn trong Ngũ uẩn Thí dụ kinh cũng giống như trong kinh Tương Ưng:  

Sắc ví với đống bọt

Thọ ví bong bóng nước

Tưởng ví ráng mặt trời

Hành ví với cây chuối

Thức ví với ảo thuật

...

Hãy quán uẩn như vậy,

Vị Tỳ kheo tinh cần ,

Suốt cả đêm lẫn ngày,

Tỉnh giác chánh tu niệm.(5)

Tương tự kinh Tạp A HàmHoa Nghiêm nói về sự vô ngã của năm uẩn:

Quán sắc như bọt nước,

Thọ như bong bóng nước,

Tưởng y như sóng nắng,

Các hành như cây chuối,

Các thức là vô ngã.

Như vậy, tính chất của năm uẩn là không thực như những bọt nước, bóng nước, sóng nắng, cây chuối... không có gì là bền vững.

Trong Ngũ uẩn Thí dụ kinh cũng có nói “Quả thật tất cả là hư không, thấy mọi điều đều vô thường cả”. Do đó là người trí phải dứt trừ “tam sự” thì sẽ thấy thân nầy không có giá trị gì cả. Tam sự ở đây có thể hiểu là tham, sân, si, đó chính là tam độc. Vì biết ngũ uẩn như vậy, Phật khuyên các Tỷ kheo hãy tinh cần, chánh trí để đạt được  an lạc, tịch diệt.

Tóm lại con đường (magga) của đạo Phật là giải thoát sự trói buộc của nghiệp, có nghĩa là sự giải thoát khỏi sự trói buộc của năm uẩn. Vì nghiệp là sự vận hành của năm uẩn.

Thực ra, cái ta gọi là “linh hồn”, “cá thể”, “tôi”... chỉ là cái tên gọi hay nhãn hiệu để đặt cho sự nhóm họp của năm uẩn, vốn là vô thường, hằng biến. Một sự vật biến mất, làm nhân duyên cho sự xuất hiện của vật kế tiếp trong chuỗi dài nhân quả. Không hề có gì là bản thể bất biến ở đằng sau chúng  mà chúng ta có thể gọi là cái ngã trường cửu (àtma), cá thể, hay cái “tôi” thật sự.

Không có yếu tố sắc, thọ, tưởng, hay hoạt động nào thuộc hành uẩn hay thức uẩn có thể gọi là “cái tôi”. Vì sao? Vì nếu cái tôi ấy là sắc hay thọ, hay tưởng, hay hành, hay thức, thì chúng ta có thể điều khiển nó như thế này hay thế khác! Nhưng trong thực tế, chúng ta không thể điều khiển được chúng bởi luật vô thường, biến hoại.


1. Kinh Tương Ưng, tập III, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Phẩm Hoa, Nxb. Tôn giáo, 2000, tr252

3. Ngũ uẩn Thí dụ kinh (chú thích thứ 6).

4. Kinh Tương Ưng, tập III, Op.cit. , tr. 10.

5. Kinh Tương Ưng, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Phẩm Hoa, Nxb. Tôn giáo, 2000, tr. 256.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 15
    • Số lượt truy cập : 6714838