TQ14 - PHẬT PHÁP GIỮA ĐỜI THƯỜNG (tt)
PHẬT PHÁP GIỮA ĐỜI THƯỜNG (tt)
CAO THĂNG BÌNH
Đời và đạo
Tiếc rằng đường đời ta hoang phí và không ngừng tạo nghiệp, trong khi đó đường Đạo ta không hề cất bước, để đến khi đối mặt vói tử thần thì mới hối hận vì đã một đời hoang phí.
Khi còn nhỏ, tôi thường thắc mắc tại sao ta lại có mặt trên cõi đời này? Tại sao ta xúm lại ở đây, cất nhà, sinh sống loanh quanh một chỗ cho đến chết. Cuộc đời thật tẻ nhạt, cứ lặp lại ngày này qua ngày khác, nhiều khi ta cũng không biết mình đang cần gì, tìm gì?
Mục đích của cuộc sống này có phải là để tạo dựng nhà cửa, đất đai, sinh con đẻ cái không? Vật chất chỉ là phương tiện giúp cuộc sống ta dễ dàng hơn nhưng không phải là mục đích của cuộc sống. Chắc là có một cái gì đó lớn lao hơn mà ta cần phải làm trong cuộc đời này.
Nếu có cái gì đó có thể đi theo ta từ cuộc đời này sang cuộc đời khác thì đó sẽ là trí tuệ và nghiệp lực. Không có vật chất nào ta có thể mang theo. Tiếc rằng đường đời ta hoang phí và không ngừng tạo nghiệp, trong khi đó đường Đạo ta không hề cất bước, để đến khi đối mặt vói tử thần thì mới hối hận vì đã một đời hoang phí. Với cách sống đó thì ta chỉ biết những gì ta đã biết, còn những gì chưa biết thì mãi mãi vẫn không biết.
Người mù và ngọn nến
Sống trên đời này chúng ta ai cũng phải có khát vọng thắp sáng lên con mắt trí tuệ của chính mình để từ đó soi đường cho bước chân ta khỏi lạc lối...
Một đêm, người mù đến thăm bạn, trước khi về anh bạn bảo:
- Anh chờ tôi một chút để tôi thắp cho anh ngọn nến để đi về. Người mù cười: Anh quên rằng tôi mù sao, đối vói tôi ngày cũng như đêm, tôi đâu cần đến nến. Ngừng một chút, người bạn trả lời: Ờ, tuy anh không cần nến, nhưng nếu anh cầm nó người ta sẽ thấy và tránh anh. Người mù nghe có lý nên vui vẻ nhận lời.
Đi được một quãng, bỗng có người ngược đường đâm sầm vào người mù. Người mù hét lên: Ông không thấy gì à? Tôi đang cầm nến mà sao anh lại đâm vào tôi? Người kia vội vàng xin lỗi: Xin lỗi anh, tôi thành thật xin lỗi anh, nhưng ngọn nến trên tay anh đã tắt từ lâu rồi!
Đối với người có con mắt trí tuệ thì phương tiện trợ duyên sẽ rất hữu ích, nhưng đối với người mù mắt trí tuệ thì dầu có kinh sách chất đầy nhà cũng không giúp ích được gì. Sống trên đời này, chúng ta ai cũng phải có khát vọng thắp sáng lên con mắt trí tuệ của chính mình để từ đó soi đường cho bước chân ta khỏi lạc lối.
Rùa mù chui bọng cây
Để có mặt trên cuộc đời này còn khó hơn con rùa mù kia chui được vào bọng cây
Bên bờ biển Đông có con rùa mù một trăm năm mới nổi lên mặt nước một lần. Bên kia bờ Tây có một bọng cây khô có một lỗ vừa đúng bằng con rùa. Biển to sóng lớn, để con rùa mù ngoi lên mặt nước, tìm và chui được vào bọng cây thật khó biết dường nào, huống chi một trăm năm nó mới nổi lên một lần.
Để có mặt trên cuộc đời này còn khó hơn con rùa mù kia chui được vào bọng cây. Khi chúng ta biến mất khỏi cuộc đời này, biết bao giờ mới có thể quay lại đây một lần nữa?
Thế mới biết cuộc đời này quý. Nhưng vẫn có người đang giết chết thời gian quý báu của đời mình. Họ sẵn sàng dành hết thời gian để đổi lấy tiền tài, vật chất, danh vọng. Tiền bạc khi mất còn có thể tìm, còn thời gian đã qua thì không bao giờ trở lại. Ngưòi tỉnh giác luôn yêu quý từng ngày cuộc sống, kẻ si mê luôn chạy theo ảo mộng để hoang phí một đời.
Tin tức khác
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập II
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập I
- Trình tự của cư sĩ học Phật - Chánh Trí Mai Thọ Truyền
Bình luận bài viết