Thông tin

TQ14 - TỪ THIỆN XÃ HỘI TRONG GIÁO LÝ PHẬT GIÁO

TỪ THIỆN XÃ HỘI TRONG GIÁO LÝ PHẬT GIÁO

CHỬ THỊ KIM PHƯƠNG

 

1. MỘT SỐ KHÁI NIỆM LIÊN QUAN ĐẾN TỪ THIỆN XÃ HỘI

Bố thí. Bố thí là hạnh đầu tiên trong sáu hạnh của Bồ tát. Nguyên âm chữ Phạn nghĩa là sự cho, dịch sang tiếng Việt là sự Bố thí. Bố là khắp, thí là cho, cho khắp tất cả. Như vậy, với Phật giáo, Bố thí nghĩa là sự cho, tặng, biếu, cúng dường.

Nhập thế. Khái niệm “Nhập thế” thường được sử dụng với nghĩa là sự tham gia của các chức sắc, tín đồ tôn giáo vào các hoạt động của đời sống xã hội. Sự nhập thế của Phật giáo trong xã hội hiện nay được biểu hiện bằng các hoạt động thực hiện việc đời bên cạnh việc tu tập của Tăng ni, Phật tử. Hoạt động từ thiện luôn gắn chặt với tinh thần nhập thế. Hoạt động từ thiện không chỉ đơn giản là việc quyên góp tiền bạc theo sự vận động để thỉnh thoảng đem ban phát, mà hơn nữa, những gì được quyên góp phải được triển khai thành những đề án. Đề án đó nhằm phát triển xã hội ở lĩnh vực nào thì tùy theo từng tổ chức.

Từ bi. Theo Từ điển Phật học, Từ (Metta) là sự thương yêu chúng sinh và tạo cho chúng sinh sự an lạc; Bi (Karuna) là sự đồng cảm với nỗi khổ của chúng sinh.

Từ thiện. Theo Từ điển Tiếng Việt, Từ thiện là (người có của) có lòng thương người, sẵn sàng giúp đỡ người nghèo khổ để làm phúc.

Theo Từ điển Phật học, Từ thiện là những việc cứu giúp kẻ nghèo khổ, tật bệnh, hoạn nạn trong đời dựa trên cơ sở của lòng từ ái.

Từ thiện, theo quan điểm của Phật giáo, thường được hiểu là bố thí (xem: Bố thí).

Từ thiện xã hội. Khái niệm Từ thiện xã hội được sử dụng trong bài viết này với nghĩa là những hoạt động giúp đỡ, cứu trợ những người nghèo khổ, tật bệnh, hoạn nạn, khó khăn trong cuộc sống. Với Phật giáo, từ thiện xã hội là sự thể hiện lòng từ bi và tinh thần nhập thế, sự dấn thân của các vị tăng sĩ và Phật tử vào đời sống xã hội thể hiện qua những hoạt động cụ thể để cứu giúp những mảnh đời khổ hạnh.


2. VẤN ĐỀ TỪ THIỆN XÃ HỘI TRONG GIÁO LÝ PHẬT GIÁO

2.1. Về Hạnh Bố thí

Từ thiện, theo Phật giáo, thường được hiểu là Bố thí. Bố thí là một đức hạnh tối quan trọng trong cách thức tu tập, hành trì và hoằng dương Phật pháp của cả tăng sĩ lẫn cư sĩ trong các tông phái của Phật giáo. Trong 6 pháp Ba La Mật (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tiến, Thiền định) của Phật giáo Đại thừa hay trong 10 pháp Ba La Mật của Phật giáo Nguyên thủy thì Bố thí luôn là hạnh đứng đầu.

Với Phật giáo, Bố thí có ba loại: Tài thí, Pháp thí, Vô cực thí (Bố thí vô cực).

Tài thí là bố thí tài vật như của cải, vật chất, nhà cửa, tiền bạc,... Đối với Tài thí, theo Phật giáo, điều quan trọng không hoàn toàn ở giá trị của tài vật mà là ở thái độ và động cơ của hành động bố thí. Tài thí không chỉ là việc bố thí của cải vật chất, mà đôi khi còn bố thí cả các bộ phận trên thân thể và thậm chí cả thân mạng. Do cách hiểu tài thí như vậy nên mới có sự hình thành những tổ chức từ thiện Phật giáo kêu gọi Phật tử hiến máu, hay hiến thận, hiến xác sau khi chết cho khoa học.

Pháp thí là bố thí Phật pháp, nghĩa là giáo dục Phật pháp cho người khác, cho người khác những lời nói tốt đẹp và có ích lợi. Pháp thí không chỉ được hiểu là đem đến với người khác, mà còn là việc truyền trao hay định hướng nghề nghiệp (theo tinh thần Phật giáo), trực tiếp hướng dẫn làm giảm đi những tệ nạn xã hội. Thực hành Pháp thí, các tăng sĩ và Phật tử đã mở các trường học, những nơi dạy nghề, những trung tâm tư vấn xã hội, v.v... Theo Phật giáo, phương thức bố thí này đem lại kết quả tốt, có tác động mạnh đến đời sống của nhân loại.

 Bên cạnh Tài thí và Pháp thí, trong Phật giáo còn có hình thức Bố thí Vô cực. Trong tác phẩm Lục Độ Tập Kinh, viết vào thế kỷ III, nhà sư Khương Tăng Hội đã giải thích về Bố thí Vô cực như sau:

“Bố thí vô cực nghĩa là gì? Là từ bi dưỡng dục người và vật, thương xót những người lầm theo tà đạo. Vui mừng cho người hiền được siêu độ, cứu hộ chúng sinh, ân trạch vượt trời đất, sâu hơn biển. Bố thí chúng sinh, đói cho ăn, khát cho uống, rét cho mặc, nóng cho mát, bệnh cho thuốc”. Như vậy, về hình thức, Bố thí Vô cực chủ yếu là bố thí của các bậc cao tăng, cụ thể là các vị Bồ tát. Về bản chất, Bố thí Vô cực chủ yếu là Tài thí, tức là bố thí của cải vật chất, không tiếc của cải lớn nhỏ, không giới hạn kể từ tính mạng đến tài sản, từ vợ con của mình, ngôi vua của mình đến quốc thổ của mình,... Theo Nguyễn Duy Hinh, “xuất phát điểm của lý luận Bố thí Vô cực là lý luận Vô Ngã, nghĩa là không có cái gì là của Ta và xa hơn nữa là tư tưởng Không”(3).

2.2. Nguyên lý “Phụng sự chúng sinh tức là cúng dường chư Phật” của Phật giáo

Phật giáo quan niệm rằng, thấy người làm việc lành, việc đúng, mình tán thán bằng lời, hoặc góp một phần công, giúp một phần của để thành công việc lành ấy. Tam bảo là cây cầu đưa chúng sinh từ bến mê qua bờ giác, là con thuyền cứu vớt chúng sinh đang chìm trong bể khổ đưa đến bờ Niết bàn, là ngọn đèn soi đường cho chúng sinh khỏi lạc trong rừng tối vô minh. Người phát tâm tán trợ bồi bổ tô đắp cho Tam bảo thường còn ở thế gian là cúng dường. Tất cả những sự bao bọc giúp đỡ gìn giữ để Tam bảo thường còn đều gọi là cúng dường.

Tam bảo gồm Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo. Phật đã quá khứ chỉ còn lại hình tượng. Pháp bắt nguồn từ chữ Phạn đến chữ Hán còn nằm sẵn trong kho tàng nhà chùa. Tăng là những tu sĩ theo Phật học chính pháp. Tam bảo đều quý kính, song quan trọng nhất là Tăng. Bởi vì, Tăng là những vị gìn giữ chùa chiền, giảng dạy chính pháp. Thế nên, cúng dường Tam bảo, với mục đích Tam bảo tồn tại ở nhân gian. Người Phật tử chân chính khi phát tâm cúng dường chỉ vì mong cho Tam bảo thường còn ở thế gian để đưa chúng sinh ra khỏi đau khổ, mê lầm. Vì Tam bảo thường còn ở thế gian để làm lợi ích cho chúng sinh, trong chúng sinh đã có bản thân mình. Nhờ sự cúng dường chân chính của Phật tử và nhân dân thúc đẩy Tăng ni đã cố gắng càng cố gắng hơn trong nhiệm vụ cao cả của mình. Tăng sĩ và Phật tử phụng sự chúng sinh tốt chính là cúng dường chư Phật.

Câu tuyên bố nổi tiếng của đức Phật: “Phụng sự chúng sinh tức là cúng dường chư Phật” là nguyên lý nhập thế căn bản của đạo Phật. Đức Phật chưa bao giờ và không bao giờ dạy con người rằng, muốn được an vui hạnh phúc ở Niết bàn, muốn được kết quả phúc báu trên cuộc đời, cuộc sống thực sự có ý nghĩa hãy phục vụ Ngài. Đức Phật thay thế sự phục vụ Ngài bằng phụng sự chúng sinh, tức đem phúc lợi xã hội đến với mọi người, mọi loài. Đạo Phật dạy cho con người mở lòng từ bi ở chỗ thể hiện lòng từ bi đó không giới hạn ở bất kỳ biên cương, bờ cõi, màu da, sắc tộc, giới tính, tuổi tác... Mọi người đều cần được chăm sóc, yêu thương lẫn nhau. Cách thức mở rộng tình thương yêu này làm tâm con người không bị giới hạn bởi bất kỳ hạn cuộc nào.

Bản chất câu tuyên ngôn “Phụng sự chúng sinh tức là cúng dường chư Phật” của Đức Phật là một đẳng thức hóa, nâng tầm giá trị an vui lợi lạc của chúng sinh đến chỗ cao quý nhất được dâng cúng cho Ngài và các bậc giác ngộ. Đức Phật thấy rõ, mục đích sự có mặt của Ngài trong cuộc đời không phải để phục vụ Ngài, mà mong thông qua lời dạy của Ngài, con người phụng sự con người, mang lại lợi lạc và hạnh phúc cho tha nhân.

Các Tăng ni, Phật tử luôn khắc ghi lời Đức Phật dạy: “Phụng sự chúng sinh tức là cúng dường chư Phật”. Đây là phương châm nhập thế cơ bản của đạo Phật. Giá trị an vui lợi lạc của chúng sinh được nâng tầm đến chỗ cao quý nhất để dâng lên Đức Phật và các bậc giác ngộ. Thông qua lời dạy của Ngài, con người phụng sự con người, mang lại lợi lạc và hạnh phúc cho nhân gian.


Ban điều hành Quỹ từ thiện Sala (Chùa Phật học Xá Lợi) ra mắt và trao quà cho đồng bào nghèo Phường 7, Quận 3

2.3. Lòng từ bi

Lòng từ bi, hay tình thương, là nguồn an ủi chúng sinh đang đau khổ, là bể nước mát ngọt để cho người đang bị lửa trần gian thiêu đốt nhảy ùm xuống tắm gội. Song tình thương này phải hoàn toàn vị tha, không nhuốm một chút mùi vị kỷ. Nếu là tình thương vị kỷ, chẳng những không làm vơi được nỗi khổ của chúng sinh, trái lại còn dìm họ chìm sâu trong biển khổ. Từ bi là cho vui cứu khổ đến mọi người. Sự vui khổ của người xem như vui khổ của chính mình, chia vui sớt khổ cho nhau đấy là lòng từ bi. Vì thế, cho vui cứu khổ đến mọi người mà không thấy ta là kẻ ban ân, kia là kẻ thọ ân. Tận tâm, tận lực vì người, không có một niệm vì mình là từ bi, mới là tình thương chân thật. Tình thương từ bi là tình thương đồng hóa khổ vui của người như của mình. Mọi xót thương cứu giúp người, không vì mình, mới đúng thật là lòng từ bi vậy.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 23
    • Số lượt truy cập : 6114335