Thông tin

TQ14 - VẤN ĐỀ ĂN CHAY

VẤN ĐỀ ĂN CHAY

HỮU CHÍ

 

 

Cháu Lan!

Hôm tuần rồi, chắc má cháu cằn nhằn ba cháu nhiều về việc ba cháu ăn chay trường phải không? Dì hỏi thế là vì ba má cháu, cả hai, đều có than phiền với dì về việc này. Má cháu thì khóc, ba cháu thì nét mặt dàu dàu.

Má cháu buồn, buồn tha thiết. Má cháu nói ba cháu yếu, ăn chay trường e chết sớm. Vả lại ăn bò lụi, chạo tôm ngon, mà tội gì ba cháu lại không ăn để ăn cực, ăn khổ. Hơn nữa, cái vui về ăn uống, má cháu không còn chia sớt cho ba cháu được. Má cháu nói: “Nướng một miếng thịt ngon, em ngồi ăn một mình, em ứa nước mắt...”, rồi má cháu khóc mướt.

Dì là một người đàn bà, có chồng, có con, nên dì hiểu má cháu. Thân gái có chồng là đem tấm thân liễu yếu nương tựa bóng tùng, nếu cây tùng không may rụng lá, gãy cành, thì lấy ai mà che sương gió cho gia đình? Vả lại, vợ chồng yêu nhau, vui buồn luôn luôn có nhau nay chia phôi trong việc ăn uống thì làm sao không buồn?

Nhưng dì cũng hiểu ba cháu, có thể nói dì hiểu hơn má cháu; vì dì trọng tuổi hơn và có dịp tìm hiểu cuộc đời nhiều hơn. Ba cháu nói: “Chị nghĩ coi, trên ba năm nay, em muốn ăn chay mà nhà em cản mãi, em muốn làm vui lòng vợ con nên ăn mặn. Nhưng nay đã đến lúc, em không còn ăn thịt cá được. Tâm trạng em đã thay đổi nhiều. Là vì từ lâu, em tập thương người, thương vật và cố gắng không gây đau khổ cho ai, dẫu con thú cũng vậy. Đến nay, em lại hiểu, lại tin trong vạn vật đều có Phật tánh, đều có sự sống thiêng liêng nghĩa là có Trời, có đức Thượng Đế là Đấng cha chung của muôn loài. Thế làm sao em còn giết hay nhờ người giết gà vịt, trâu bò cho em ăn được? Nhưng em sẽ còn ăn mặn, nếu không xảy ra một việc nhỏ nó là giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước đã đầy. Một hôm đi chợ Lái Thiêu về lối 8 giờ, nhà em làm cho em một tô nem bún ăn sớm. Em bận chỉ cho chú làm vườn trồng mấy cây bưởi mới chiết, nên lật đật ngồi ăn trong nhà bếp. Trước mặt em, trên vách có treo một xâu thịt mỡ; và một con gà làm rồi mới mua trên chợ. Xâu thịt và con gà gây ở lòng em nhiều cảm tưởng nặng nề em không muốn thấy nó, nhưng mỗi lần ngước mắt lên thì con gà ngó em, áo não, than phiền, trách móc. Bún hôm ấy lại mới quá, nhão quá, em có cảm giác ăn thịt sống nên nghe rờn rợn. Em cố nuốt cho rồi, để không thấy con gà, để xô đuổi những cảm giác bực dọc. Từ đó về sau, em không còn ăn nem, ăn thịt được. Rồi lần hồi em ăn cá cũng hết ngon. Trên mâm cơm, em chỉ ăn rau cải chấm qua loa với nước thịt, nước cá, mà ăn không ngon thì làm sao em ăn mặn được, làm sao em khỏe mạnh được”.

Ba cháu nói một hơi dài. Phải là người tu hành mới hiểu tâm trạng của ba cháu. Một cố gắng của người tu và cũng của mọi người tốt – là mở lòng nhân, lòng bác ái để thương yêu tất cả mọi người, tất cả chúng sanh. Chúng sanh đây chính vạn vật vì vạn vật, - như ba cháu nói, đều ham một sự sống thiêng liêng. Và khi lòng bác ái mở rộng để bao trùm vạn vật, con người có cảm giác vạn vật (kể cả nhân loại) là con một cha, là anh em một nhà, từ kẻ ăn mày xó chợ đến con chó ghẻ đầu đường. Do đó, người chân tu yêu thương tất cả và không nỡ gây đau khổ cho một ai, đến bẻ một cành cây, ngắt một cọng cỏ để chơi, cũng không đành. Tâm trạng ấy là lạ phải không cháu, nhưng cháu phải nhìn nhận với dì rằng: nó đẹp, rất đẹp.

Ba cháu nói: “Nhà em tưởng em ép xác nhưng em có ép xác bao giờ? Chị biết người tu lo cho xác thân, cho sức khỏe hơn tất cả mọi người? Còn nói ăn chay kham khổ quá, đó là nhà em lấy cái tâm trạng mình mà xét em. Ăn mặn đối với em mới kham khổ chớ! Trước mâm cơm mặn, không thấy vui, không thấy ngon, ăn để làm vui lòng con vợ, đó mới là khổ. Trái lại, với một mâm cơm chay, mình thấy mình cũng nuôi sống được như mọi người mà không giết hại con vật nào, mình thấy sung sướng biết bao, mà sung sướng thì ăn ngon, thì khỏe mạnh. Tại sao nhà em lại cản không cho em được cái sung sướng ấy?”.

Cháu thấy không cháu Lan? Ba cháu có những lý lẽ rất vững chắc.

Ba cháu tiếp: “Nhà em cứ tưởng em ăn chay, em sẽ chết lần chết mòn. Em giải thích thế nào nhà em cũng tưởng em bày chuyện để tự biện hộ. Lần chót, em đưa cho nhà em đọc bài báo của bác sĩ  Đào Tuấn Kiệt trong tạp chí Liên Hoa. Trong ấy bác sĩ chứng minh rất khoa học rằng: Ăn chay hợp vệ sinh và đủ chát bổ mà nhà em cũng có vẻ không tin. Nhà em tưởng một cách ngây thơ rằng muốn có da thịt, phải ăn thịt. Em nói con voi có ăn thịt đâu mà nó rất to lớn, thì nhà em nói tại trời sanh...”.


Ba cháu còn muốn nói gì nữa nhưng lại thôi, có lẽ ba cháu không muốn nói trước mặt má cháu, nhưng dì đoán được những điều ba cháu muốn nói. Mấy năm sau này ba cháu tập tĩnh tọa, tham thiền, mục đích là rèn luyện những đức tính tốt theo phương pháp của J.Payot trong quyển “Léducation de la volonté”, một quyển sách rất có tiếng mà có lần dì nói với cháu. Một mục đích khác quan trọng hơn, là đem một ít an tĩnh ở lòng. Trong thời buổi hiện tại, con người sống rất vất vả, nghèo vất vả, đã đành, giàu càng vất vả hơn với trăm công ngàn chuyện. Do đó, làm người lúc nào cũng có vẻ hấp tấp, vội vàng, lo âu, sợ hãi. Tâm họ như dòng nước dưới trận cuồng phong, luôn luôn xao động, lúc thì buồn ê chề, khi thì vui tột độ, thường thì la lối vang nhà vì một việc không đâu. Đời sống như thế thì khổ lắm, khổ cho mình mà nhất là cho con, vợ và mọi người chung quanh. Hơn nữa, về một vài phương diện, họ giống như kẻ mất trí, giống như điên nên có hành động sai lầm, có khi mê xuẩn, tai hại. Ba cháu muốn tránh cái tâm trạng ấy. Ba cháu cố giữ lòng lúc nào cũng thản nhiên, an tĩnh như dòng nước lặng trong.

Cháu có dịp ngắm một dòng nước lặng trong chưa? Nó trong suốt, vì cặn cáu đều lắng xuống: một hạt sạn dưới đáy cũng hiện rõ. Ba cháu muốn tắm mình trong an tĩnh, sáng suốt như thế, ngoài ra ba cháu cũng nhằm mục đích nâng tâm thức đến cõi trực giác, cõi Huệ để thông cảm với vạn vật, hòa hợp với đất trời. Mà muốn được vậy, phải tránh bảo, tránh gió nghĩa là phải tránh mọi kích thích như cà phê, thuốc hút, mà nhất là rượu thịt. Đó là lý do khiến ba cháu ăn chay mà nhiều lần ba cháu có giãi bày cùng dì.

Hôm nay, dì có vẻ biện hộ cho ba cháu, nhưng dì thành thật. Bây giờ, để giảng hòa ba má cháu, dì thấy có một giải pháp. Mối lo lớn nhất của má cháu về việc ba cháu ăn chay là sức khỏe của ba cháu. Vậy cháu nghiêm trang đề nghị như vầy: Cháu đưa ba cháu đi cân trước mặt má cháu và ghi trọng lượng trên một miếng giấy, rồi bắt cả hai ký tên vào, vì má cháu có tật hay quên. Sau mỗi tháng ăn chay, dẫn ba cháu cân lại, nếu sụt cân và sụt liên tiếp trong ba tháng, lối vài ba kí lô thì ba cháu phải tái mặn. Còn nếu không sụt thì phải để ổng ăn chay luôn. Đề nghị này phải thỏa thuận dưới hình thức một cam kết. Ngoài ra nên có một phụ chú như vầy: “Thực đơn phải do ba quyết định và phải được thi hành đúng đắn”. Phụ chú này đây, dì nói nhỏ với cháu – rất quan trọng. Bằng không, má cháu sẽ cho ba cháu ăn muối tiêu với cải mặn hoài thì trong ba tháng, ổng sẽ trở thành cọng sậy. Sẵn dịp, dì tưởng nên lưu ý cháu: Người ăn chay không phải là người ép xác: người ấy cũng phải cần ăn ngon, ăn bổ mới có sức khỏe. Vậy cháu phải tìm cách thay đổi món ăn cho ba cháu như hồi còn ăn mặn. Còn về việc nấu ăn, mỗi bữa Chủ nhật, dì sẽ xuống chỉ má cháu nấu một vài món ngon mà dì đã học. Nếu cần, dì sẽ nhờ bà Tâm ở gần nhà dì, bà nấu chay xuất sắc và sẵn sàng chỉ bảo cho mọi người.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 26
    • Số lượt truy cập : 6704838