Thông tin

TQ14 - VÌ MỘT XÃ HỘI TỪ ÁI

VÌ MỘT XÃ HỘI TỪ ÁI

Tuổi trẻ hôm nay và tội ác

 NGUYÊN CẨN

 

Gần đây, đọc báo chúng ta thấy hầu như ngày nào cũng có trọng án. Hung thủ ngày một trẻ hơn, tàn bạo hơn. Nhiều tội phạm dưới 18 tuổi như Lê Văn Luyện hay ngoài 20 như Nguyễn Hải Dương, những sát nhân giết cả một gia đình. Báo chí tập trung khai  thác dày đặc  các bài phóng sự của mình. Cả xã hội chìm trong nỗi hoang mang, ngập tràn những câu chuyện tội ác, người dân sống trong tâm trạng bất an, cảm thấy cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào, từ những tên sát thủ không ngờ nhất, có thể là gã hàng xóm mở nhạc ồn ào, tên trộm chó cho đến những kẻ bán kẹo kéo trên đường, xuất phát từ những vụ việc tưởng chừng không có gì nghiêm trọng như va quẹt xe, đi nhầm phòng karaoke, nhìn thấy ghét (!) Không thiếu những clip đưa lên mạng về những vụ  bạo lực học đường...

Giáo dục lại lòng khoan dung

Các nhà giáo dục hay xã hội học trên thế giới nói rằng tuổi trẻ hôm nay đã quên hai chữ F – Forgive (tha thứ) và Forget (Quên) mà họ quá chấp vào cái Tôi xấu xa của mình để luôn hành xử bạo lực khi gặp chuyện không vừa ý. Nguồn gốc sâu xa là sự thiếu sót trong hệ thống giáo dục những bài học về lòng từ bi hay rộng hơn, những kỹ năng sống trong tập thể. Ngoài ra, phải kể đến tác động của môi trường, không cứ là văn hóa hay phim ảnh ca tụng bạo lực, mà sâu xa hơn, là mầm mống của những xung đột và nổi loạn tiềm tàng trong những vấn đề xã hội và kinh tế. Sự nghèo đói, cô đơn, cảm giác bị bỏ rơi chính là mảnh đất màu mỡ sinh ra hành vi bạo lực, là bà đỡ cho chủ nghĩa khủng bố - khi con người có rất ít hy vọng vào việc cải thiện cuộc sống bằng một nền giáo dục hoàn thiện, thông qua những quyền công dân được tôn trọng và những cơ hội mưu sinh tốt đẹp mở rộng cửa cho mọi tầng lớp. Họ dễ dàng bị những kẻ cực đoan khích động sử dụng bạo lực. Ở đây, có một bài học đơn giản cần phải quán triệt, đó là hành động bạo lực hay chủ nghĩa khủng bố không thể bị xóa bỏ triệt để đơn thuần bằng sức mạnh của các cơ quan hành pháp hay lực lượng cảnh sát hoặc hành động quân sự thuần túy. Các nhà xã hội học trên thế giới vì vậy tin rằng những xung đột gây ra là do sự thiếu lòng tin, thiếu hiểu biết và quan trọng hơn hết, thiếu lòng khoan dung. Khoan dung trong tiếng Anh là tolerance cũng bao gồm cả sự chịu đựng và nhẫn nhịn. Hay nói cách khác khi ta khoan dung với người thì có nghĩa ta cũng chấp nhận những khác biệt. Phải chăng, bao dung theo giáo lý nhà Phật là một mặt của hỷ và xả vô lượng tâm vì năng lực phá tan lòng ganh tỵ hay ích kỷ, xóa bỏ tâm thức cái của mình, tư duy, tôn giáo chính kiến của mình, dân tộc mình, giáo phái, chủ nghĩa của mình là duy nhất, là chân lý tuyệt đối.

“Người có hỷ tâm vô lượng luôn luôn ca ngợi và tán dương sự thành công của tha nhân, không khời tâm đố kỵ làm trở ngại sự tiến bộ, sự phát triển của tha nhân mà sẵn sàng san sẻ niềm vui chung với mọi người, không phân biệt oán thù, chủng tộc, giai cấp, tôn giáo và ý thức hệ”.

Người ta đã chứng minh trong thực tế cuộc đời rằng những người khoan dung thường có những ưu điểm sau:

1. Họ là người hạnh phúc

Vì họ sẵn lòng dành thời gian, tài sản và khả năng của mình để đóng góp cho gia đình và xã hội. Đối với họ, hạnh phúc chính là “cho đi” hơn “nhận lại”. Đây chính là ý nghĩa nhân sinh xuất phát từ đáy lòng họ với người khác trong cuộc sống này.

2. Họ có cuộc sống thư thái

Người khoan dung rộng lượng dựa vào cái tâm chân chính của mình để sống, không của cải hay bạc tiền nào có thể ảnh hưởng hay mua chuộc được họ.

Họ không quan tâm kiếm được nhiều hay ít, vì  họ không sống “nô lệ” cho đồng tiền. Họ có cuộc sống bình an và thoải mái.

3. Họ làm việc chăm chỉ

Đặc điểm chung của người rộng lượng là “chịu thương chịu khó” đối với bất kỳ công việc nào được giao. Chính vì thế, họ được cấp trên đánh giá cao, giao phó những việc lớn hơn. Vì sự tận tâm, tận lực với công việc, họ dễ nắm bắt được thành công.

4. Họ là người tử tế

Bạn hiếm khi tìm được những người rộng lượng mà không tử tế.

Nhà văn người Mỹ – Zig Ziglar từng nói: “Bạn có thể có mọi thứ bạn muốn trong cuộc sống nếu bạn giúp người khác có cái họ muốn”.

5. Họ là người tự do

Nhà tù mạnh nhất trên thế giới này được xây dựng bằng sự tham lam, ham muốn và ích kỷ của con người. Những thứ không tốt đó như một sợi dây xích đang trói bạn lại, hạn chế tất cả niềm hy vọng và thành công của bạn. Điều duy nhất để phá vỡ những mắt xích này là tấm lòng bao dung và rộng lượng.

6. Họ có các mối quan hệ tốt đẹp

Điều rõ ràng trong các mối quan hệ của người khoan dung rộng lượng là sự bền vững và lâu dài. Phẩm chất và nhân cách của họ, sự thật lòng thật dạ, không tính đếm thiệt hơn khiến các mối quan hệ của họ ngày càng trở nên khăng khít.

7. Họ là người tin vào luật nhân quả

Điều đặc biệt, người khoan dung rộng lượng rất tin vào luật nhân quả, họ tin rằng thiện hay ác – tất cả đều có báo ứng. Vì vậy, tham lam, ham muốn và ích kỷ không có trong “từ điển” của họ. Họ làm tất cả vì mọi người bằng cả con tim và khối óc. (Theo Cafeland).

Thế giới đã làm gì?

Liên Hiệp Quốc trước năm 2000 đã ra Nghị quyết chọn 10 năm đầu của Thế kỷ XXI sẽ là 10 năm thực tập thương yêu bất bạo động, thực tập an lạc, hòa bình. Ở Tây Ban Nha, Quốc hội lập ra một đạo luật đề cao sự thực tập các môn học hòa bình và bất bạo động, đưa vào chương trình từ tiểu học lên đại học, qua đó  giảng dạy học sinh, sinh viên cách chuyển hóa khổ đau và hận thù. Giám đốc Unesco từng đề nghị Thiền sư Nhất Hạnh viết tác phẩm Creating to Peace để phổ biến cho giới trẻ sau cuốn Anger (Giận) đang là sách bán chạy nhất hiện nay. Thiền sư cũng đã từng  đề nghị Unesco tổ chức một Trung tâm huấn luyện cho thầy cô bậc tiểu học và trung học về phương thức chuyển hóa bạo động để họ có thể ứng dụng hay giảng dạy ngay trong trường lớp của mình môn học đó. Người nhận định rằng sở dĩ chúng ta lâm vào tình trạng khổ đau bạo động chiến tranh vì số những con người tỉnh thức quá ít, cho nên cần phải có sự tỉnh thức tập thể (collective awakening). Làm sao nhận diện được hạnh phúc, qua nhận diện khổ đau để chuyển hóa, làm sao thấy rằng cuộc sống hiện tại đang đáng yêu đáng sống biết mấy trong tình anh em (brotherhood), xa hơn cao hơn nữa là pháp hữu (brother or sister in dharma). Lòng từ hay tình thương yêu trong sáng. Sự thực tập rèn luyện huân tập lòng từ là khắc chế những hờn giận tiêu cực, làm nảy sinh cảm xúc tích cực yêu đời, trong cuộc sống chung sống với đồng môn, đồng nghiệp và đồng bào.

Những Hội đoàn thanh niên hay sinh viên trên thế giới đã  khẳng định trách nhiệm của mình trong việc xây dựng một mái nhà hạnh phúc chung qua những phương tiện truyền thông truyền thống và hiện đại, xây dựng một chương trình hành động cụ thể thông qua báo chí, truyền hình, website, blog, facebook gởi trao những thông điệp hoà bình, thúc đẩy sự trao đổi, giao lưu giữa thanh niên của  những tôn giáo khác nhau, nhằm xoá bỏ những định kiến, thu hẹp khoảng cách giữa những dân tộc và tôn giáo khác nhau.

Nói như Đạt lai Lạt ma XIV thì... “Chúng ta nên nhớ rằng các tôn giáo lớn trên thế giới đều chuyên chở chung một thông điệp và khuyến khich phát triển những phẩm chất tốt đẹp của con người... Trên căn bản mẫu số chung này, thông điệp của tình yêu từ bi sẽ được tung ra khắp tận cùng thế giới nếu tất cả những ai bước đi trên hành trình tâm linh cùng ngồi lại làm việc với nhau trong tinh thần hòa điệu và tương kính” (Dalai Lama – Beyond Dogmas).

 Chúng ta đang làm gì?

Trong tháng 10-2015, tại Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Đà Nẵng diễn ra Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện giáo dục bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới đối với học sinh trung học. Hội thảo do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng và Tổ chức Hòa bình và Phát triển (Tây Ban Nha) phối hợp tổ chức. Sau Hội thảo là “Hành trình yêu thương”, một chương trình giáo dục được triển khai thí điểm tại 10 trường THCS trên địa bàn TP Đà Nẵng. Học sinh các khối lớp 6 và 7 được học về giới, bình đẳng giới, nhận biết bạo lực... để được nâng cao nhận thức và bồi dưỡng kỹ năng duy trì các mối quan hệ hạnh phúc và lành mạnh.

“Hành trình yêu thương” giới thiệu một phương pháp tiếp cận đầy hứa hẹn trong việc phòng chống bạo lực bằng cách tác động đến các em học sinh nam, nữ nhằm phòng ngừa bạo lực trước khi xảy ra.

Qua khảo sát, người ta  ghi nhận - 38% HS từ 12 - 13 tuổi đã từng chứng kiến ba đánh mẹ trong gia đình; - 67% đã từng bị giáo viên thực hiện các hình phạt thân thể, trong đó 34% bị đánh bằng tay và 33% bị đánh bằng đồ vật khác... Thế nên, theo ông Nguyễn Minh Hùng - Phó GĐ Sở GD&ĐT Đà Nẵng, đồng Giám đốc Dự án "Hành trình yêu thương" - Sau hơn một năm thực hiện chương trình thí điểm tại thành phố, dự án đã đạt được những kết quả rất khả quan về thay đổi nhận thức và hành vi của học sinh, giáo viên về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới trong nhà trường. “Đây là bước đầu của những chương trình giáo dục rộng hơn sâu hơn về lòng từ ái, đức khoan dung”...

Nếu biết vun trồng hạt nhân từ ái, chúng ta sẽ gặt quả bình yên và hạnh phúc. Tình trạng bạo lực cũng sẽ giảm đi rất nhiều dù chưa thể triệt tiêu ngay được.

Chúng tôi nghĩ các chùa hay tự viện cũng cần tham dự tích cực vào việc tổ chức những khóa giáo lý ngắn ngày, khóa tu ngày chủ nhật qua hoạt động hướng đạo Phật tử. Phật tử trẻ tuổi phải đi đầu trong việc tuyên truyền hay “hoằng pháp“, làm giảm bạo lực trong giới trẻ hiện nhiều nơi vẫn chưa được triển khai tốt.

Tuổi trẻ Phật giáo trước hết sẽ là những người luôn huân tập tâm hồn để hình thành một thái độ sống, một triết lý sống  tràn trề vô ngại, vượt lên trên mọi si mê kiến chấp.

 Cũng như thế, nếu chúng ta  phát huy những tình cảm tốt đẹp, từ ái khoan dung, biết nuôi dưỡng hoài bão và hy vọng, những phẩm chất mà  thanh niên  đang cần và đang thiếu  vắng hôm nay, hướng đến  xây dựng và vun đắp một xã hội từ tâm an bình. Đó chẳng phải là ước mơ của chính chúng ta hôm nay và nhân loại từ ngàn xưa sao?

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6345862