Thông tin

TQ14 - Ý DẪN ĐẦU CÁC PHÁP

Ý DẪN ĐẦU CÁC PHÁP

HUỲNH VĂN ƯU

Ngày xưa ở tỉnh Bắc Ninh có thầy đồ Đàm Thuận Huy nổi tiếng là người học rộng và đức độ. Một hôm trời đang đổ mưa to, các học trò của ông không về được.

Để thử tài học trò, ông ra câu đối cho cả lớp đối lại. Vế xuất của ông ra là: 雨 無 鐵 鎖 能 留 客  “Vũ vô thiết tỏa năng lưu khách”  (Mưa không có khóa sắt mà có thể giữ khách ở lại). Ông có ba người học trò giỏi, người thứ nhất là Nguyễn Giản Thanh đối: 色 不 波 濤 易 溺 人 “Sắc bất ba đào dị nịch nhân” (Sắc đẹp chẳng phải sóng lớn mà dễ nhấn chìm người). Người thứ hai Nguyễn Chiêu Huấn  đối: 月有 鵉 弓 不 射 人 “Nguyệt hữu loan cung bất xạ nhân” (Trăng có hình cung nhưng chẳng bắn người nào). Người thứ ba đối: “Phẩn bất uy quyền dị úy nhân” 糞 不 威 拳 易 畏 人 (Phân chẳng có uy quyền nhưng dễ khiến cho người ta sợ).

Sau khi nghe ba người học trò đối, ông đồ Đàm nhận xét: Người thứ nhất thông minh uyên bác nhưng tính tình phóng đãng nhuốm mùi sắc dục, tự do buông thả, không giữ lề lối, phép tắc, nặng về nữ sắc, e sau này lụy đến thân. Người thứ hai tuy câu đối không sắc sảo bằng nhưng có tính chất hiền hậu, sau này sẽ làm nên và trọn đời yên vui. Người thứ ba tính tình ti tiện bẩn thỉu...

Quả nhiên, Nguyễn Giản Thanh sau này đậu trạng nguyên (Trạng Me), làm quan to nhưng vì mê gái, mang không ít tai tiếng về chuyện tình ái nên mất thanh danh sự nghiệp. Còn Nguyễn Chiêu Huấn tính tình phúc hậu cũng làm quan, nhưng là quan thanh liêm và nhân đức, cuộc đời được yên ổn từ trước đến sau. Người thứ ba có chức phận lại giàu sang nhưng tính tình xấu xa hiểm ác bị mọi người khinh miệt lánh xa...

Khi ý thành lời, khẩu khí phát ra có thể đoán biết tính tình, phẩm hạnh phần nào về tương lai số phận người đó. Bởi vì tâm (ý) tạo ra hành động. Suy nghĩ, lời nói, hành động (thân, khẩu, ý) của con người đều theo khuynh hướng của nghiệp, do năng lực nghiệp dẫn dắt. Mà cái nghiệp đó được tích lũy trong đời hiện tại và những đời trước của chúng sinh. Và khi xét về ý nghiệp mà chúng sinh ấy thể hiện từ hành động, lời nói suy nghĩ (thân, khẩu, ý) chúng ta có thể đoán biết được đường tương lai chúng sinh ấy phải thọ hưởng theo ý dẫn dắt.

Ví dụ: Có hai cậu học trò cùng học chung một lớp, một cậu học trò từ nhỏ siêng năng chuyên cần đèn sách không phút lêu lổng. Trò thứ hai cũng cấp sách đến trường lấy lệ theo lệnh gia đình, nhưng không quan tam đến bài vở, đi thì có, học thì không, thậm chí còn cúp cua bỏ học. Đến ngày thi, cậu học trò thứ nhứt dùng hết tâm huyết để làm bài bằng kiến thức và năng lực của chính mình thu lượm từ bài giảng của thầy, cô. Cậu học trò thứ hai thì xảo quyệt, luồn lách quay cóp bằng mọi chiêu trò để làm bài được điểm, mong cầu danh lợi.

Kết quả cả hai cậu học trò đều thi đậu. Và chắc hẳn đa phần ai cũng biết rằng: Thí sinh thứ nhất học siêng năng chăm chỉ lễ độ nghe lời thấy cô giảng dạy học tập, thi cử tuân theo nội quy, đó là bản lề tốt đẹp không xê dịch, hẳn sau nầy sẽ trở thành người tốt với xóm làng, khi ra làm quan sẽ là quan thanh liêm, biết giữ gìn luật pháp nghiêm minh, sống có nhân hậu. Ngược lại, cậu học trò thứ hai đã huân tập lâu ngày thói xấu xa từ nhỏ, lừa thầy, dối bạn, gạt cha mẹ, bỏ học khó tránh khỏi vết nhơ mang theo ban đầu, không ít học trò loại nầy đỗ đạt bằng những hành vi bất minh gian lận, miễn sao có được bằng cấp, Với ý tưởng xấu xa ắt sau nầy sẽ theo con đường tráo trở, lật lọng, tham ô. Vì ngay ban đầu đã gieo ý tưởng bất thiện mất đạo đức...

Như vậy qua tâm (ý) chúng ta có thể đoán biết phần nào về tính tình, phẩm chất và hiệu quả ảnh hưởng đến tương lai người đó. Bởi tâm tưởng tạo ra hành động theo nghiệp lực dẫn dắt. Mà cái ý đó đã được tích lũy trong nhiều đời và cả hiện tại đeo bám.

Nói về tâm (ý), chúng ta lại nhớ lời Phật dạy trong kinh Pháp Cú, mà người học Phật đều được nghe biết và luôn coi đây là bài học suốt cuộc đời trong bước đường tu tập:

- Tâm (ý) dẫn đầu các pháp        Tâm (ý) chủ, tâm tạo tác

Với tâm tư thanh tịnh                  Nói lên hay hành động

Hạnh phúc sẽ theo ta.                 Như bóng không rời hình.

 

- Tâm (ý) dẫn đầu các pháp        Tâm (ý) chủ, tâm tạo tác

Nếu với tâm (ý) nhiễm ô             Nói lên hay hành động

Khổ não sẽ theo ta.                    Như xe theo vật kéo.        

Ý con người rất quan trọng, trong đời sống phàm phu cũng như trong thời gian tu tập theo đường hướng đạo Phật. Vì ý làm chủ, tạo tác mọi vấn đề trong cuộc sống, tốt hay xấu đều do nó mà sinh ra.

Trong cuộc sống đầy biến động ngày nay, con người dễ dàng dao động vấp ngã và hệ lụy với thế giới hình tướng mỹ miều dục vọng bên ngoài. Nếu không may thiếu sự nhận thức mà bị lầm lạc bởi những hành động bất thiện thì không nên chán nản thất vọng. Tâm lành, hành động lành sẽ có công năng chuyển hóa và thiêu hủy các tội lỗi mà chúng ta không lường hết được. Điều đó giúp ta có một sức mạnh nội tại và khẳng định lòng tịnh tin của mình trong cuộc hành trình tìm cội rễ giải thoát. Giải thoát và giác ngộ cho chính sự nghiệp của mỗi chúng ta, không ai làm thay ai được cả.

Để cuộc sống đem lại lợi lạc cho chúng sanh, chúng ta nên cố gắng khơi mạch thiện trong mỗi người để từng bước lòng yêu thương sự sống sẽ phủ trùm lên hành tinh nầy như không khí. Và cũng để được làm người tốt, làm người có ích cho gia đình và xã hội, điều cần và đủ là phải có suy nghĩ, lời nói, hành động trong sáng. Vậy ngay từ bây giờ, chúng ta phải tạo cho mình một tâm (ý) tốt, huân tập mỗi ngày phải làm được một việc thiện, việc tốt cho mình và những người chung quanh, luôn năng làm, năng học, chớ bảo ngày nay không học còn có ngày mai, chớ bảo năm nay không học còn có năm sau. Ngày tháng đi qua, năm chẳng vì ta mà kéo dài được.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 8
    • Số lượt truy cập : 6126828