Thông tin

TRẦM TÍCH A-DI-ĐÀ

TRẦM TÍCH A-DI-ĐÀ

 

ĐINH ĐÌNH CHIẾN

 


 

Sư thầy Tịnh Tâm đặt bản kinh lên chiếc bàn mộc đen, hạ mục kỉnh xa xăm hướng tâm về những điều Phật dạy. Trời đất bao la, vạn vật vô biên, con người nhỏ bé vô lường, vậy mà đã ba mươi sáu năm cởi áo lính đi về cõi Phật. Ba mươi sáu năm sư thầy đi tìm mộ đồng đội, ba mươi sáu năm cầu an cực lạc, siêu thoát cho những linh hồn chết trận và ba mươi sáu năm lui tới nhà những đồng đội của mình. Chùa Gia Lạc nơi thầy trụ trì đã thành trung tâm thuốc nam trị bệnh miễn phí cho cả một vùng…

Tên thật của thầy là Quốc Bình. Thầy sinh năm Giáp Ngọ -1954. Cái lớp của thầy sinh vào năm chiến thắng Điện Biên đều có cái tên na ná nghĩa như nhau: Hòa Bình, Thanh Bình, Thái Bình, Đình Chiến, Chiến Thắng, Quyết Thắng, Toàn Thắng. Rồi những cái tên ấy với nghĩa nhân lên thành: Việt Hòa, Đức Toàn, Văn Quốc, Hiệp Quốc, Quốc Thanh, Quốc Thái, Thái An, An Bình… Năm 1972, tổng động viên, đang học lớp cuối bậc phổ thông các bạn của thầy lần lượt ra mặt trận. Nhận giấy gọi đi bộ đội trước giấy báo đại học hai tuần, ngày 15 tháng 9 năm 1972 thầy lên đường…

Ngày giải phóng, cái làng Đông bé nhỏ có bảy người bạn học cùng lớp nhập ngũ khi trở về chỉ còn lại có ba: Đức Toàn, Thái Hòa và thầy. Ra quân, Toàn tính chuyện lấy vợ và kiếm kế làm ăn. Thái Hòa ôn thi và đậu cao đẳng lâm nghiệp, đi làm rồi chịu khó học tại chức. Có cái bằng đại học, Hòa được đề bạt từ đội trưởng lên trưởng phòng và lên giám đốc một lâm trường. Riêng Quốc Bình cầm quyết định xuất ngũ về lại Trường Đại học Bách khoa, khoa Vô tuyến theo giấy báo. Bình rất vui. Bao nhiêu năm ao ước được trở về khoác áo sinh viên. Trước khi nhập học, anh làm một chuyến thăm lại bạn bè thời chiến trận.  Anh đến nhà Hoàng, người lính hy sinh vào những ngày cuối của cuộc chiến. Mẹ Hoàng mắt đã mù, sờ nắn đôi vai anh rồi đưa hai bàn tay ôm mặt anh mà khóc. Con mẹ và nhiều đồng đội  hy sinh vẫn chưa tìm được hài cốt. Bình về Quảng Bình thăm gia đình người đại đội trưởng đơn vị tên lửa của mình. Sau một hồi vòng vo hỏi thăm đường. Trước mắt anh là một ngôi nhà tôn thấp, nhỏ. Thủ trưởng từ trong nhà bước ra, sau một giây ngỡ ngàng, chạy ào đến ôm chầm lấy anh rồi bật khóc. Bao nhiêu cay đắng, tức tưởi của nhiều ngày dồn lại tan ra thành những giọt nước mắt nóng ướt trên vai Bình:

- Anh đau lắm Bình ơi…

Đại đội trưởng đưa anh vào nhà và chỉ lên chiếc nong, trên đó có hai sinh vật cựa quậy chưa phải hình nhân. Cái đầu chúng to khác thường, cặp mắt lồi, khuôn mặt méo xệch. Tay, chân là những đoạn thịt lồi ra nhỏ xíu. Từ nơi chúng nằm bốc lên mùi khai ẩm. Chúng không nghe, không nói, không thể ngồi lên. Lúc đói thì kêu, tiếng kêu phát ra âm thanh eo éo. Ăn, uống và mọi sinh hoạt khác chúng không thể tự làm.

- Anh nghĩ chỉ xui xẻo một đứa nên gắng sinh thêm đứa nữa. Ai ngờ…!

Chiến tranh đã kết thúc mà gia đình anh thì càng trở nên khốc liệt. Anh bị nhiễm chất độc da cam. Giọng anh ứ nghẹn. Bình chỉ còn cách ôm anh thật chặt. Hôm đó, có thứ gì có thể  Bình để lại hết. Sau chuyến đi ấy, anh đột ngột quyết định đi tu dù ba mẹ, bạn bè can ngăn. Người phản đối kịch liệt nhất là Thái Hòa. Hòa cho rằng Quốc Bình đi học đại học là xứng đáng vì Bình học giỏi. Bình học là thực hiện những mơ ước cho bao nhiêu bạn bè đã ngã xuống. Có bao nhiêu cách để giúp đỡ mọi người, đồng đội. Nhưng ai nói gì cũng không được. Hòa đã nóng nảy nói với Bình: - Được rồi để xem ai sẽ giúp được hơn ai…

Quốc Bình đi tu và đã trở thành sư thầy Tịnh Tâm, trụ trì  chùa Gia Lạc, trên núi Chứa Chan…

- Bạch thầy có khách. Tiếng chú tiểu kéo sư thầy ra khỏi những mông lung. Sư thầy ra cửa thấy bạn:

- Mô Phật, sao Hòa không gọi điện báo trước…

- Nam Mô A Di Đà Phật. Bạch thầy!

- Sư thầy đi Tây Ninh vừa về?

- Chuyến này tôi đi gần mười ngày. May mắn có người giúp đã tìm được mộ của Hoàng. Đưa hài cốt về tận Ninh Bình, bà mẹ Hoàng đã mất hơn năm. Ông anh xin chính quyền cho Hoàng được nằm bên mộ mẹ, không đưa vào nghĩa trang liệt sĩ. Tôi phải thay mặt gia đình lo xin thủ tục mãi mới được.

♦ ♦ ♦

 Đã nửa đêm, hai người vẫn ngồi trầm tư bên ly trà nghi ngút khói. Trăng thượng tuần xuyên qua tàn cây để lại trên khoảng sân chùa những vùng tối sáng di động qua về. Gió vi vút từ trên đỉnh Chứa Chan nài nỉ đưa tiếng chuông chùa trôi xa về tận dưới xuôi. Không gian thiền tịnh ru đưa lòng người những suy tư kiếp giới. Sư thầy biết bạn mình đang trong tâm trạng phân thân thể phách, một quan niệm tu sống lung lay…

- Bẩm sư thầy… à Quốc Bình ạ, cái ngày không cản được cậu lên chùa mình ấm ức lắm và coi bạn như  một kẻ vô trách nhiệm, chạy trốn cuộc đời. Mình tự hứa ngấm ngầm thi đua với cậu. Ai sẽ giúp được bạn bè nhiều hơn. Từ suy nghĩ ấy mình đã cố gắng rất nhiều và cũng làm nhiều. Nhưng bây giờ, sau ba mươi sáu năm nghiệm lại, mình thất bại. Thất bại chua chát…

Tin ông Nguyễn Thái Hòa Giám đốc Nông trường Đức Tín, gia trưởng trù dập công nhân, cắt lương khi người ta phạm lỗi, đánh cán bộ phòng hành chánh và đặc biệt có đơn tố cáo ăn hối lộ lan truyền khắp nông trường trước khi ông Hòa nhận được văn bản của huyện ủy và của giám đốc sở yêu cầu làm rõ các nội dung trên.

Sư thầy nhìn mái tóc trắng bạc dưới trăng của bạn nao nao nhớ về những cố gắng Hòa đã làm theo lời nhắn gửi của Toàn khi hấp hối: - Những lúc khó khăn, nhờ các bạn giúp mẹ con cô ấy.

Đức Toàn ra quân về quê lấy vợ và tính chuyện làm ăn. Chịu khó nên Toàn làm ăn giỏi. Cuộc sống đang êm ấm thì phát hiện Toàn bị ung thư gan ở tuổi năm ba. Biết mình mang trọng bệnh, Toàn tranh thủ cưới vợ cho cậu con trai một Nguyễn Đức Chính và nhờ Hòa xin cho cháu về làm gần nhà để có mẹ, có con. Thương bạn, Hòa đi nhiều nơi quen để xin cho cháu nhưng không được. Cuối cùng anh tìm cách xin cho Chính về nông trường của mình mặc dù hơi trái nghề. Chính học Công nghệ môi trường. Chuyện rồi cũng ổn, Chính được phân về bộ phận tổng hợp văn phòng ở nông trường bộ.

- Cháu về làm việc với Hòa mình vui. Bây giờ có nhắm mắt mình cũng yên lòng.

Hai năm sau Toàn mất. Hôm giỗ đầu của Toàn, khi khách khứa ra về Chính và mẹ mời sư thầy và Hòa ở lại xin ý kiến về chuyện gia đình. Chính báo đã thi đậu cao học và đặt vấn đề xin đi học. Bài toán khó đặt ra cho Hòa. Những năm gần đây cán bộ đi học quá đông nên lãnh đạo tỉnh có chủ trương người đi học cao học phải là những người nằm trong quy hoạch. Còn nếu đi học theo dạng tự túc cơ quan cũng phải làm kế hoạch trước một năm. Chính đi học trái nghề, cấp trên đời nào chịu. Hôm đó, khi ra về sư thầy nói với Hòa: - Thằng bé được nuông chiều, cặp mắt chứa đầy tham vọng, giúp nó nhưng bạn cũng phải xem chừng…

Cả tuần Chính liên tục đưa mẹ vào năn nỉ. Hòa giải thích thế nào cũng không được. Cả hai mẹ con cứ nghĩ quyền giám đốc của Hòa thì cho ai đi học mà chẳng được:

- Việc khó như xin cháu về nông trường chú còn làm được thì chuyện này chú cố giúp dùm, rồi may ra cháu học về có thể kiếm được việc hợp với chuyên môn. Cháu nó đã thi đậu, chuyện đã rồi trăm sự mẹ con tôi cậy nhờ vào chú.

Vậy rồi Hòa cũng xách gói ra đi. Anh gặp gỡ thuyết phục lãnh đạo sở chủ quản và sở Nội vụ về hoàn cảnh của Chính để mọi người thông cảm mà xin học theo diện tự túc.

Hai năm học qua nhanh, hôm nhận bằng tốt nghiệp, Chính tổ chức ăn mừng rềnh rang lắm. Kể từ đó đi đâu, lúc nào Chính cũng khoe cái bằng với mọi người như một tấm gương rèn luyện về học vấn. Không giấu giếm khi biết anh trưởng phòng được điều về sở, Chính tuyên bố ghế đó là của mình. Một số người cũng nghĩ thế vì cha Chính là bạn chiến đấu với giám đốc, cho dù anh chỉ đang làm tổ phó tổ văn phòng. Sự phụ họa tung hô của một số người càng làm Chính tin điều đó như một tất yếu..

Nhưng chuyện lại không như Chính tính. Ban giám đốc thống nhất đề cử đồng chí phó phòng đảm trách nhiệm trưởng phòng, anh này có bề dày công tác, có kinh nghiệm chuyên môn, cũng đang theo học đại học tại chức. Không đạt được ý muốn, Chính bắt mẹ chạy hết chỗ này chỗ kia khóc lóc. Đôi mắt Chính long lên khi biết là không thể. Rồi một ngày gặp Hòa,
Chính tức giận:

- Ba cháu là người học hành dang dở nên phải thua thiệt bạn bè, vì vậy cháu đã cố học để bù vào khoản đó. Chú là bạn ba cháu, chú đã hứa với ba cháu là giúp cháu. Còn năm nữa chú nghỉ hưu, sao cơ hội này chú lại không ủng hộ...

Chính không đắn đo giữ ý, cơn cuồng danh lên tới đỉnh điểm làm hắn mất bình tĩnh:

- Ba cháu và những người như ông đi bộ đội vào sống ra chết để rồi được cái gì? Con cái được cái gì. Ông chết yên phận ông đi, đằng này còn mang bệnh làm ảnh hưởng thằng con của cháu khờ khờ, dại dại. Chú và mọi người còn được làm ông nọ, bà kia…

Không giữ được bình tĩnh, Hòa đưa tay nhằm mặt Chính tát một bạt tai như trời giáng  làm hắn lạng người sang một bên:

- Đồ mất dạy. Cấm không được nói về ba mày như thế. Tất cả những người tham gia đánh Mỹ không ai ra đi để rồi đòi hỏi phải được gì. Còn ba mày mất vì bệnh ung thư chứ không phải chất độc da cam. Thằng bé chỉ bị tự kỉ một chút thôi. Việc sinh và nuôi dạy con cái không nên sao lại đổ lỗi cho ông ấy. Mày ra khỏi phòng ngay…

Cầm ly trà nguội ngắt, Hòa uống như đổ hắt vào miệng, nói với Sư thầy mà cứ tưởng anh nói với chính mình: - Đau quá. Thằng Chính làm đơn tố mình không trách, người làm mình giận là vợ Toàn. Cô ấy là người kí đơn tố cáo mình nhận hối lộ mười triệu để lo cho thằng Chính học cao học vì nó không nằm trong quy hoạch. Nhiều người đã tin vào điều đó. Bạn bè họ nghĩ gì về mình?  

Có tiếng xe máy vọng lên rồi ánh đèn pha lấp loáng. Chiếc xe máy chạy phía sau phòng trai. Một lúc sau có hai người bước đến: - Bạch thầy!

- Ấy chết, anh chị sao lại về tối thế. Đoạn sư thầy quay sang Hòa: - Hòa nhận ra ai không? Hòa ào đến ôm chầm người kia và thốt lên trong nghẹn ngào: - Đại đội trưởng Đắc. Hai người lính của ba mươi sáu năm gặp lại mừng tủi ôm chặt. Như họ tựa vào nhau không muốn rời ra.

- À, đây là Minh Châu vợ mình.

- Sao anh chị vào được đây?

Lại có tiếng xe dừng trước sân chùa. Có chuông vọng từ Tam bảo, sư thầy nói với mọi người: - Có Phật tử đến thăm chùa vào giờ này, chắc là có việc trọng. Anh em trò chuyện, tôi vào trong một lúc.

Hòa nắm tay Đắc thật lâu:

- Gặp được anh chị ở đây, em mừng lắm.

- Mọi việc là nhờ Bình cả. Lần Bình đến thăm mình để về trường đại học chia tay gần năm, thấy Bình trở lại trong chiếc áo tu hành mình ngạc nhiên lắm. Bình đi với một đoàn có cả người nước ngoài. Lần đó, Bình đã giúp anh chị làm được căn nhà. Làm được hồ sơ cho anh hưởng chế độ trợ cấp bệnh binh. Gia đình cũng bớt được gánh nặng kinh tế. Nhưng các cháu chỉ sống được bảy năm. Sau khi các cháu mất, anh chị có liên hệ với Bình để tham gia các đợt đi tìm mộ liệt sĩ. Mới đây, sau đợt tìm được mộ Hoàng, anh chị quyết định giao ngôi nhà lại cho xã làm phòng học một lớp mẫu giáo, rồi khăn gói vào đây nương nhờ cửa Phật, giúp việc trong chùa. Sư thầy đồng ý…

Sư thầy trở ra, theo sau cô con dâu của Toàn, vợ Chính. Thấy Hòa, cô bước nhanh tới rồi quỳ sụp xuống khóc: -  Con thay mặt mẹ con, chồng con xin lỗi chú. Việc anh Chính viết đơn sai sự thật để tố cáo chú, ai cũng biết. Anh ấy lồng lộn như một kẻ điên bắt mẹ cháu kí vào đơn tố cáo. Bây giờ, mẹ cháu xấu hổ với chú, với bạn bè của ba, bà ấy bây giờ tội nghiệp lắm. Chú tha thứ cho mẹ cháu. Thú thực, nếu không vì bà ấy, cháu cũng đã định bồng con bỏ nhà đi rồi vì không chịu nổi sự ngông cuồng của anh Chính. Cô bé nói như chia sớt nỗi lòng bao nhiêu lâu phải chịu đựng.

Hòa cúi xuống đỡ con dâu của Toàn đứng lên.

- Chú ơi, ngày mai là ngày giỗ ba cháu, cháu sợ không có chú, không có sư thầy, chắc  mẹ con cháu sẽ xấu hổ lắm với bà con lối xóm, với vong linh của ba con. Cô khóc nấc.

Sư thầy đến bên: - Con khỏi phải lo, ngày mai nhà con sẽ có nhiều khách lắm đó. Ta đã gọi điện cho nhiều đồng đội của ba con rồi. Đây vợ chồng bác Đắc từ Quảng Bình đã vào kịp. Ta và chú Hòa sẽ là chủ nhà tiếp khách ngày mai.

- Bạch Thầy, bác ơi, chú ơi ngày mai ở trên trời, ba con sẽ là người rất hạnh phúc.

Cô khóc, tiếng khóc đã bớt đi phần chua xót. 

Tiếng chuông chùa cất lên từ chính điện trầm lắng trầm tích ngân vọng không trung. Đằng đông phớt hồng truyền thuyết.

Một ngày mới bắt đầu.

Tháng 4/2015

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 33
    • Số lượt truy cập : 6058088