Thông tin

TRÊN QUÊ HƯƠNG QUAN HỌ

TRÊN QUÊ HƯƠNG QUAN HỌ

 

LÊ HẢI ĐĂNG

 

 

 

Tiếng hát Quan họ từ lâu đã đi vào lòng văn hóa vùng Kinh Bắc. Nhờ tiếng hát Quan họ mà Bắc Ninh trở thành địa danh được nhiều người biết đến. Rồi qua làn sóng phát thanh, truyền hình, Internet, hoạt động giao lưu văn hóa, hát Quan họ đã vượt không gian biên giới đến với những vùng đất xa xôi. Với mật độ tập trung nhiều làng, phường Quan họ, Bắc Ninh ngẫu nhiên trở thành mỹ hiệu “quê hương Quan họ”.

Trong nghệ thuật hát Quan họ, hát Hội chỉ là một trong nhiều hình thức khác nhau. Xưa kia, hát Quan họ quán xuyến nhiều sinh hoạt văn hóa, từ hát Canh, hát Thờ, hát Cầu đảo, hát Giải hạn, hát Mừng, hát Kết chạ cho đến hát Hội. Mỗi hình thái đều có những đặc điểm riêng và chung để gắn kết với nhau thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa xã hội.

1. Hát canh

Như tên gọi đã phản ánh được phần nào, hát canh thường diễn ra vào ban đêm. Mỗi canh hát kéo dài khoảng 7-8 tiếng, bắt đầu từ tối hôm trước đến sáng sớm ngày hôm sau. Vào thời điểm làng tổ chức lễ hội, các liền anh, liền chị hẹn nhau tham gia hát canh. Canh hát có thể kéo dài 2, 3 ngày liên tiếp.

Hát canh trong Quan họ trải qua thời gian dài định hình về thể thức, quy cách, nguyên tắc mang tính quy phạm. Một Canh hát gồm ba giai đoạn:

Thứ nhất: hát giọng lề lối

Thứ hai: hát giọng vặt

Thứ ba: hát Giã bạn

Hát giọng lề lối hay còn gọi là giọng cổ bao gồm những bài ca cổ truyền, có tính chất nghiêm ngặt về xoang điệu. Giọng lề lối theo truyền thuyết có tới 36 giọng. Song, đây chỉ là con số ước lệ nhằm chỉ số lượng nhiều. Ngày nay, bài bản thuộc giọng lề lối được biết đến như Hừ la, Đường bạn, La rằng, Tình tang, Cây gạo.

Giọng vặt là những bài lẻ đạt đến mức độ chuẩn mực, kinh điển về nghệ thuật được nhiều thế hệ truyền thừa. Ngoài ra, giọng vặt còn thể hiện mức độ phong phú, khả năng dung nạp, tích hợp nhiều loại hình nghệ thuật, làn điệu khác nhau, như giọng Huế, giọng hãm, giọng bỉ, giọng Chèo, năm canh, Chầu văn…

Giã bạn là hát lúc chia tay. Hát Quan họ được biết đến nhiều nhất là lối hát Giã bạn. Xuất phát từ tập tục hát đối đáp, giao duyên, kết nghĩa giữa các liền anh, liền chị, nên khi chia tay, người Quan họ hát bài ca Giã bạn nhằm thể hiện tình cảm thắm thiết, quyến luyến... Chính vì hát lúc chia tay, nên Giã bạn tập trung những làn điệu mang đậm chất trữ tình, thắm đượm tình sâu nghĩa nặng, lời ca ưu mỹ, ngọt ngào, kết tinh cao độ giá trị nghệ thuật của lối hát Quan họ và nhiều bài nổi tiếng như: Người ơi người ở đừng về, Chia rẽ đôi nơi, Kẻ Bắc người Nam, Con nhện giăng mùng…

2. Hát hội

Hát hội là Quan họ trong không gian lễ hội, nổi tiếng có hội Lim vào mùa xuân và hội đình vào mùa thu. Đây là dịp để các liền anh, liền chị giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Hát hội có hai hình thức chính: hát vui và hát thi.

Hát vui là hoạt động giải trí thuần túy. Các nhóm Quan họ có thể tham gia với tư cách tự do, đến hội gặp đâu vui đấy hoặc những nhóm đã kết bạn, kết nghĩa thì rủ nhau tới hội hát để “mở rộng đường đi lối lại, học đòi đôi lối, đôi câu”.

Hát thi có phần nguyên tắc hơn.

Thứ nhất: cần phải có ban tổ chức (ban cầm chịch), thường do những vị cao niên am hiểu sâu sắc về lề luật hát Quan họ, có uy tín trong làng. Một ban cầm chịch từ 3 đến 5 người, người đứng đầu gọi là “quan đám”.

Thứ hai: cần có một nhóm Quan họ đứng ra “giữ giải” cho nhóm khác tham gia giật giải.

Thứ ba: thành phần tham gia phải thông thạo lề lối, làn điệu hát Quan họ, đặc biết sở đắc nhiều làn điệu, có thêm bài bản mới để gây khó cho đối phương.

Trình tự hát thi bắt đầu bằng Giọng cổ (giọng lề lối) với những làn điệu kinh điển, như La rằng mang ý nghĩa chúc tụng, Hừ la, Đường bạn (Đương bạn), Cây gạo, Cái hời cái ả. Bên giữ giải hát trước năm bài, rồi đến bên giật giải hát đối lại năm bài. Hình thức đối đáp dựa trên nguyên tắc, giọng đối giọng, lời đối lời, nam đối nữ, đôi nam đối với đôi nữ… Nhờ hát thi mà nghệ thuật Quan họ không ngừng nâng cao, đạt tới trình độ thẩm mỹ kinh điển.

3. Hát thờ

Hát thờ vừa là một lối hát, chủ yếu sử dụng làn điệu La rằng, vừa là nghi thức trong hát Quan họ diễn ra ở đình làng vào mỗi mùa hội. Trước khi lễ hội bắt đầu, nhóm Quan họ sắm sửa lễ vật, như trầu cau, hương nến, trái cây… tới thi lễ tại đình như một hình thức trình báo với thần linh, rồi nhân đó bố cáo với nhân dân. Mặc dù hát thờ không phải là một nghi thức bắt buộc, nhưng góp phần nâng cao vị thế người hát cũng như tạo cơ hội gắn kết cộng đồng.

4. Hát cầu đảo

Ngày nay, hát cầu đảo không còn dư địa để tồn tại, nhưng khi xưa, vào những năm hạn hán hay lũ lụt, người dân Quan họ sử dụng tiếng hát để cầu thần linh mưa thuận gió hòa. Xuất phát từ quan niệm âm dương, ngũ hành, nên trong cuộc sống và sinh hoạt văn hóa, người Quan họ cho rằng: Nếu năm nào dương thịnh, âm suy, thời tiết biểu hiện tình trạng hạn hán, mùa màng bị sâu bệnh phá hoại… Năm nào âm thịnh, dương suy có lũ lụt, gió bão… Để khắc phục tình trạng cho mưa thuận gió hòa, người dân Quan họ tổ chức cầu đảo. Lối hát này chỉ có Quan họ nữ, sử dụng duy nhất làn điệu La rằng. Trước khi hát, họ tập hợp tại đền thờ, giữ gìn chay tịnh, ăn ngủ ở đó và hát liền 2 ngày 3 đêm.

5. Hát giải hạn

Hát giải hạn nói theo ngôn ngữ đương đại chính là hình thức trị liệu bằng âm nhạc. Khác với âm nhạc trị liệu ngày nay chủ yếu thông qua tác dụng của hiệu quả âm thanh, đồng thời kêu gọi sự tham gia hỗ trợ của các bác sĩ trị liệu, nhạc sĩ và bản thân người trị liệu, xưa kia, người dân Quan họ sử dụng tiếng hát để xua trừ tà ma, đuổi dữ đón lành. Vì, tiếng hát Quan họ tượng trưng cho sự may mắn, niềm hy vọng. Khi liền anh, liền chị tới nhà ca hát bản thân người bệnh đã vơi đi phần nào tâm lý sợ hãi. Có những gia chủ mời vài nhóm Quan họ tới hát giải hạn. Không khí vui tươi, nhộn nhịp của họ giúp cho gia chủ an tâm vượt qua bệnh tật. Hát giải hạn chủ yếu sử dụng làn điệu La rằng, không nhất thiết phải đối đáp theo lề lối, mà chỉ cần hát hết bài này tới bài khác với nội dung tình cảm, gắn bó, thề nguyện. Cuối cùng là hát giã bạn, hát chúc.

6. Hát mừng

Hát mừng tổ chức vào những dịp khánh chúc, như mừng nhà mới, lên lão, thăng quan tiến chức. Bằng hình thức mở tiệc khao, ăn mừng, nhiều gia đình vùng Quan họ tổ chức tiệc kèm theo hát Quan họ góp vui. Có khi hát kéo dài mấy đêm. Hát mừng tuy duy trì hình thức nam nữ “hát với nhau nghe”, nhưng không nhất thiết tuân thủ nguyên tắc đối đáp, giọng đối giọng, lời đối lời… mà chỉ cần hát luân phiên, chọn những làn điệu thuộc giọng Vặt với lời ca tình tứ, mua vui, chân tình…

7. Hát kết chạ  

Hát kết chạ hay giao duyên, kết nghĩa… là một hình thức nguyên ủy của hát Quan họ. Nhiều người gọi hát Quan họ là hát giao duyên xuất phát bởi tính chất kết chạ này.

Xưa, dân Quan họ ở làng này tới làng khác hát kết chạ, rồi từ đó gắn bó keo sơn qua một hay nhiều thế hệ. Vào mùa lễ hội, những nhóm Quan họ đã kết chạ với nhau có thể cùng tham gia hát hội. Vì là hình thức kết chạ, nên ngôn ngữ, văn hóa giao tiếp của các liền anh, liền chị đạt đến những chuẩn mực nhất định về nguyên tắc ứng xử, từ ăn mặc, đi đứng, mời chầu cho đến sử dụng lời ca tiếng hát của mình theo vào trong sinh hoạt diễn xướng. Vẻ đẹp trong hoạt động giao tiếp, sinh hoạt, cũng như nghi tiết, ứng xử trong ca hát là nét đẹp văn hóa nổi trội trên quê hương Quan họ. Có điều, Giao duyên, kết chạ trong Quan họ mang ý nghĩa tượng trưng thôi, chứ không nảy sinh tình cảm luyến ái giữa nam và nữ. Nếu nhóm nào có cặp đôi nam nữ nảy sinh tình cảm luyến ái thực sự, mối quan hệ đã thiết lập mang ý nghĩa tượng trưng kể như bị phá vỡ. Vì, nó đã vi phạm quy định bất thành văn của tục hát kết chạ trong nghệ thuật Quan họ.

Lối hát kết chạ sử dụng hầu hết làn điệu Quan họ, như lề lối, giọng vặt, giã bạn giống như hát thi, nhưng không có tính chất ăn thua, mà chỉ hát cho “đủ lối, đủ câu” nhằm mục đích kết ước, thề nguyền, gắn bó keo sơn.



Năm 2009, hát Quan họ chính thức được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cùng một năm với Ca trù. Trước đó, nước ta chưa từng có một loại hình dân ca nào công nhận di sản văn hóa thế giới. Nhã nhạc là loại hình đầu tiên, nhưng thuộc loại hình âm nhạc cung đình triều Nguyễn với cơ cấu Đại nhạc, Tiểu nhạc đồ sộ. Còn Quan họ vốn chỉ là một loại hình dân ca thuần túy, xưa kia hát Quan họ không hề có nhạc cụ đêm, nhưng bằng lời ca tiếng hát ngọt ngào, tình tứ… cũng với hàng loạt những phong tục tốt đẹp đi kèm, Quan họ không ngừng được lưu truyền hết thế hệ này qua thế hệ khác, phổ biến trên khắp nước ta. Tầm ảnh hưởng của hát Quan họ từ lâu đã vượt khỏi không gian, lãnh thổ của một địa phương, trở thành di sản văn hóa không chỉ của đất nước mà đã thuộc về nhân loại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6130788