Thông tin

TRIẾT LÝ THIỀN CỦA THIỀN SƯ CHÂN NGUYÊN

TRONG TÁC PHẨM THIỀN TỊCH PHÚ

 

THÍCH TÂM CHÁNH

 


 

Trong sự nghiệp sáng tác các tác phẩm văn học mang âm hưởng thiền học; đặc biệt trong chí nguyện phục hưng lại những giá trị cốt lõi về tư tưởng thiền học của Phật giáo Trúc Lâm đời Trần1, rõ ràng, ngài Chân Nguyên Tuệ Đăng (1646- 1726), chính là vị thiền sư nổi bật tiêu biểu trong vai trò khơi gợi, làm sống lại cả một dòng Thiền Trúc Lâm ở thế kỷ XIV của Phật giáo Việt Nam bằng những trước tác thi văn nổi tiếng trong dòng văn học Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVII. Đặc biệt, với tác phẩm Thiền tịch phú một bài phú chữ Nôm được trích lục từ trong quyển Thiền tông bản hạnh một trước tác nổi tiếng của Thiền sư Chân Nguyên được ngài đặc biệt trình bày với nội dung tư tưởng triết lý thiền học mang nhiều sắc thái, từ ngữ đậm nét thuần túy của nền văn học Phật giáo Việt Nam.

Tác phẩm Thiền Tịch phú được chính Thiền sư Chân Nguyên trực tiếp miêu tả bằng những bút pháp ngôn từ mộc mạc, gần gũi về những năm tháng hành đạo tu niệm tại chùa Long Ðộng vốn do ngài trụ trì. Toàn bộ tác phẩm bao gồm 722 từ, kể cả tên nhan đề tác phẩm2, với tổng số 72 câu thơ được trình bày theo thể phú, với kết cấu ý tứ văn tự cũng như số lượng các câu thơ trong tác phẩm có thể nói được trình bày rất đa dạng, chặt chẽ; từ đó tác phẩm Thiền tịch phú thể hiện được những nét sinh hoạt truyền thống nơi chốn thiền môn của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVII mà chẳng có sự nhầm lẫn nào khác đến từ các nền Phật giáo khác.

Thiết lập đời sống phạm hạnh trong nếp sống xuất gia

Vốn tìm đến đời sống xuất gia tu đạo từ sự cảm mến Thiền sư Huyền Quang - đệ Tam Tổ Trúc Lâm cùng việc ảnh hưởng bởi tư tưởng tu tập từ tác phẩm Tam Tổ thực lục của Phật giáo Trúc Lâm, do đó, ngay chính từ những bước chân cốt yếu nơi tư tưởng của Thiền sư Chân Nguyên trong việc thiết lập một nếp sống phạm hạnh, bổ trợ cho đời sống lý tưởng xuất gia là điều cần phải hướng đến thực thi trước tiên. Sự kiện toàn lý tưởng theo ngài Chân Nguyên chẳng phải tốn công, mệt sức mà tìm kiếm, chỉ cần con người gắn chặt tâm nguyện xuất gia của mình vào trong mục đích rõ ràng, nơi lý tưởng cao cả. Đương nhiên, dù có xuất hiện trong hoàn cảnh nào, vị trí nào, kể cả trong chốn thành đô náo nhiệt, nơi rừng núi vắng vẻ hay chốn chùa chiền cổ xưa… “Lọ phải thành đô, Nào nề tuyền thạch. Dù ngồi nơi cảnh trí danh lam, Hoặc ở chốn chùa chiền cổ tích, Đâu cũng dòng phúc đức trang nghiêm. Đây cũng vốn tu công thiền tịch”. Cũng ví như “Mình ngồi thành thị, Nết dụng sơn lâm. Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính, Nửa ngày rồi tự tại thân tâm”3 mà Sơ Tổ Trúc Lâm - Trần Nhân Tông đã từng minh họa, dẫn dụ chẳng khác. Con người vẫn phải luôn cố gắng vun trồng phước đức, trang nghiêm tự thân mình trong mọi điều kiện, bối cảnh mà huân tu thích ứng4 với đời sống xuất trần, chẳng dám trễ nải, buông lòng phóng túng bản thân mình. “Đêm đông trường, khi mật niệm, gióng tiếng chuông thánh thót lênh kênh; Ngày hạ tiết, lúc tụng kinh, nện dùi mõ khoan mau lịch kịch. Chỉn chuộng một bề đạo đức, Miệng chẳng hiềm ăn đắng ăn cay; Vốn yêu hai chữ từ bi, thân nào quản mặc lành mặc rách. Khi dưa giấm chua lòm, Bữa canh suông nhạt thếch. Mũ viền sô nhuộm mực đen sì. Quần áo vải nâu sòng cũ rích”5. Tất cả những việc làm đó, đều nhằm hướng đến một đời sống phạm hạnh được tiết chế từ việc khắc phục những tâm niệm hưởng thụ nhu cầu cái đẹp, cái tốt trong ăn mặc, ngủ, nghĩ… Mà thay vào đó người xuất gia hãy nên siêng năng thực hành các hạnh lành như đánh chuông, tụng kinh, vun trồng đạo đức phạm hạnh dù trong bất cứ hoàn cảnh khổ cực về ăn uống, hay có khi đêm đông lạnh giá cùng những ngày hạ nóng bức…

Con người vẫn luôn cố gắng nỗ lực thực thi khắc phục những tập khí chướng ngại; nhất là việc thoát khỏi vòng lưới của sức mạnh ái nghiệp, tiền tài vật chất… với chỉ để hướng đến mục đích cần cầu đạo giải thoát, vượt ải sanh tử luân hồi thì có sá chi đến những việc thỏa mãn dục vọng vật chất, tình cảm6

Rõ ràng, đối với Thiền sư Chân Nguyên muốn thành tựu giác ngộ thì điều tiên quyết trước nhất người xuất gia phải cố gắng thực thi một đời sống phạm hạnh với đầy đủ những lý tưởng, mục đích, tâm lượng cao cả hướng đến tha nhân… Hầu mong duy trì được nếp sống thánh thiện trong tâm thức người xuất gia như thế dù chốn thiền môn hay ngoài xã hội náo nhiệt cùng cực.

Thiết lập tư tưởng “Phật tại Tâm”

Quan điểm về điều kiện để làm Phật, trở thành bậc giác ngộ hiện hữu ngay giữa cuộc đời này trong tư tưởng thiền học của Phật giáo Trúc Lâm khởi xướng chính bởi “Tâm tịch nhi tri thị danh chơn Phật” nghĩa là “Lòng lặng mà biết đó đúng là chơn Phật”7. Và tiếp nối đến thế kỷ XVII, thiền sư Chân Nguyên vẫn nỗ lực phục hồi lại giá trị tư tưởng này trong “Thiền tịch phú”. Con người cần phải thực thi phản chiếu vào nội tại tâm thức của chính mình bạn “Khuyên đáng đại thừa. Bảo loài tiểu chích. May gặp được minh sư đạo đức, một phen liền biết, nào hề chi chữ nghĩa tìm đòi. Phúc lại thấy tri thức lành, mấy chốc mà nên, lọ là phải văn chương ngóc ngách”. Bởi lẽ, Phật luôn ở trong tâm của mỗi con người. Chỉ cần ở đâu có con người thì nơi ấy có sự chứng ngộ của chân tâm và đương nhiên có giá trị của hạnh phúc bình an nội tại.

Do đó, thiết lập giá trị thiền học cốt yếu trong tu tập theo Thiền sư Chân Nguyên không gì khác hơn chính khơi gợi bản tính giác ngộ trong mỗi con người đang hiện hữu. Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội, con người của Phật giáo Đại Việt lúc bấy giờ đang rơi vào tình cảnh khủng hoảng tư tưởng. Chính vì thế, tinh thần khơi gợi ý thức tìm lại bản tâm, tìm lại tấm lòng vô ngã, vị tha của mỗi con người được thể hiện ngay trong nếp sống đạo: “Mộ đạo tu hành, Xả đường kinh lịch. Chí dốc lòng nên Phật Tổ siêu thăng, Lòng nguyện độ chúng sinh trầm nịch”8. Và chính khi ấy, mọi cá nhân đều tự nguyện xả bỏ những ham muốn vị kỷ, để hướng đến tinh thần đối xử bình đẳng ngang nhau, chẳng còn có sự phân biệt đẳng cấp, nam nữ, sang hèn, giàu nghèo…, vì họ đều có khả năng để làm Phật9. Từ đó, mọi người sẽ cảm thông, chia sẻ giúp đỡ cho nhau nhiều hơn: “Chỉn chuộng một bề đạo đức, miệng chẳng hiềm đắng cay. Vốn yêu hai chữ từ bi, thân nào quản mặc lành mặc rách”10, ví như “Mình ngồi thành thị, Nết dụng sơn lâm. Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tính, Nửa ngày rồi tự tại thân tâm”11 mà Sơ Tổ Trúc Lâm - Trần Nhân Tông đã từng minh họa, dẫn dụ chẳng khác.

“Không phân biệt là sống giữa đời hay sống ẩn dật trong rừng, không phân biệt là tại gia hay xuất gia, tăng hay tục, chỉ cốt biện tâm”12. Con người một khi nhận thức rõ vai trò trách nhiệm của mình thì dù sống trong bất cứ hoàn cảnh như thế nào cũng luôn cố gắng thực thi tinh thần thái độ lạc quan nhất có thể “trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc; sơn lâm chẳng cốc, họa kia thực cả đồ công”13. Đó cũng chính là ý nghĩa mà Thiền sư Chân Nguyên chủ trương tinh thần “Cầu đạo xả thân vốn giữ nếp nhà thiền cục kịch” để con người tích cực sẵn sàng đi vào đời mà làm cho đời thêm giá trị sau khi đã nhận chân ý thức được “Phật tại tâm” ở mỗi con người đều sẵn có, kiến tạo nên những mẫu người Phật tử biết đem đạo ứng dụng vào đời thật hữu ích. Khi ấy, giá trị tư tưởng nhập thế tùy duyên mà ngài Chân Nguyên chủ trương con người sống giữa thế gian nhưng trái lại tâm thức đã siêu xuất thế gian, nên đối với họ Ta-bà cũng là Tịnh độ. Niết-bàn ngay ở nơi đây, trong lúc này, chứ không phải là cái gì xa xôi phải chờ xả bỏ thân tứ đại mới biết được. Đây là điểm then chốt của Thiền, là bản lĩnh của Thiền gia.

Vượt thoát tư tưởng lầm chấp, phân biệt Nhị nguyên

Sự mê mờ, lầm chấp trong các khái niệm đối đãi nơi tâm thức con người luôn là nguyên nhân cốt lõi phát xuất nên các trạng thái khó chịu, mất phương hướng, đưa đến kết quả khổ đau, trói buộc nơi cuộc sống hiện hữu của con người. Với Thiền sư Chân Nguyên trong “Thiền tịch phú”, quan niệm về sự phân biệt đối đãi của con người đối với các hiện tượng hiện hữu chẳng bằng nơi sự lầm chấp, phân biệt hơn thua giữa tư tưởng Nho gia, Lão gia đối với tư tưởng nhận thức của Phật giáo. Con người xuất hiện giữa các nền triết lý tư tưởng của ba tôn giáo này cần phải nên: “Chơi rừng Nho len lỏi suối khe, Dạo bể Thích luồn tuồn ngòi rạch”. Điều đó, thể hiện ngay nơi sự dung hòa giữa các tôn giáo mà chẳng có sự so sánh, lầm chấp về đường hướng tu tập… Theo Thiền sư Chân Nguyên con người trong xã hội phải có chánh kiến cá nhân mà chẳng dựa vào tư kiến, nhận thức từ người khác. Chạy theo các khuynh hướng điên đảo vọng tưởng nơi tâm thức cố chấp giữa có-không, ngã-nhân…“Khuyên người ở đời đừng bắt chước sự đời, trước ra không, sau lại về không, nữa luống công nghĩ tiếc khuâng khuâng; Bảo kẻ có chí phải theo đòi thánh chí, nhân đà tỏ, quả càng thêm tỏ, rồi đắc ý cười riêng khích khích”14.

Bởi thế, theo Thiền sư Chân Nguyên, người tu đạo đúng hướng thì luôn có thái độ bình thản nơi tâm thức, chẳng có sự vọng chấp hơn thua, được mất nơi quan hệ đối đãi… mà chỉ nên giữ tâm trạng mình ở trạng thái quân bình, vắng lặng nhất, chẳng chút gợn sóng như mặt hồ tỉnh lặng.

“Thích ca Phật Tổ năng kiến tính, ngồi Tuyết Sơn, khô khẳng gầy gò;

Di Lặc Tiên Quang bởi vô tâm, đi vân thủy đẫy đà phục phịch”.

Đức Phật thực hành khổ hạnh tại Tuyết Sơn cuối cùng thành tựu được giác ngộ. Trong khi, Di Lặc Bồ Tát chính bởi do sự vô tâm khi tiếp xúc với trần cảnh mà cảm thấy tự tại, ung dung đến lạ kỳ. Tất cả chẳng có gì là dị biệt, lầm tưởng cả. Mọi sự vật, hiện tượng chúng vẫn là một trong quan hệ tương duyên mà chẳng có sự cách ngăn, cản trở nào cả từ sự kết hợp nơi các pháp trong ý nghĩa tương quan, tương tác với nhau. Khi đó, việc “Đức Huệ Năng bát nguyệt thung phường, Tổ Đạt Ma cửu niên diện bích, Thần Quang đoạn tý, lúc còn mê, mặt ngó đăm đăm; Ca-diếp nhãn đồng, thoắt chốc ngộ, miệng cười hệch hệch”15.

Tất cả đều quy về sự nhất như, tương đồng trong ý niệm mà chẳng phải có sự hơn thua, cao thấp trong trạng thái chứng ngộ, cũng như quả vị tu chứng nơi tâm thức chứng ngộ. Khi đó, mới hay “Dầu người quyết lòng học đạo, hỏi cho hay sừng thỏ lông rùa”; chính là chí nguyện thiết thực nhất muốn vượt lên các tham chấp hữu lậu vốn có, mà chỉ có sự trực nhận bằng thực chứng mới khám phá được. Đặc biệt, phải huân tập cho bản thân mình ý chí kiên định vững chắc trước những giả huyễn của các pháp hữu vi16. Đừng có tham đắm, lầm chấp chúng mà cuối cùng phải rơi vào trong tình cảnh đau khổ. Nhất là sự nguy hại cùng cực trong việc muốn phá bỏ quy luật tương duyên, tương thuộc giữa các hiện tượng hiện hữu17 của con người trong chiều hướng nhận thức. Đặc biệt, cốt lõi nhất theo Thiền sư Chân Nguyên vẫn phải thấu triệt được lẽ sống chết thì con người mới tự tại mà chẳng ràng buộc. Muốn thế, con người cần phải thực thi tinh thần buông bỏ, bám víu vào các hiện tượng hiện hữu đang tồn tại. Chỉ khi nào con người kiên quyết thoát khỏi sự lầm chấp từ ý niệm buông xả từ thô đến tế, từ yếu tố vật chất cho đến vấn đề tinh thần… khi ấy con người mới tự do, mở miệng cười mà chào đón sự chứng ngộ thật sự trong đời sống tu đạo của bản thân18.

Thiết lập tư tưởng Thiền - Tịnh song tu

Và đương nhiên, nếu như Trần Nhân Tông, vị sơ Tổ của dòng Thiền Trúc Lâm chủ trương khởi xướng tinh thần triết lý “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương; Di Đà là tự tánh sáng soi, mựa phải hòng tìm về Cực Lạc”19 thì Chân Nguyên có lẽ chính là vị thiền sư tiếp nối tinh thần này một cách tích cực. Không chỉ thể hiện qua phương diện trước tác các tác phẩm trình bày cốt yếu về nội dung yếu nghĩa Tịnh độ như “Long thư Tịnh độ văn”, “Tịnh độ yếu nghĩa” mà trong “Thiền tịch phú”, vị thiền sư đặc biệt chú trọng phương thức hành thiền trên cơ sở của niệm Phật: “Quả bồ-đề ăn ngọt xớt, muôn kiếp hằng no. Hoa ưu-bát ngửi thơm tho, ngàn đời chẳng nịch. Sang Tây phương bệ ngọc đứng chơi. Về Đông độ tòa vàng ngồi trịch”20. Mọi pháp môn tu tập trong Phật giáo cốt yếu vẫn đem lại giá trị an lạc, giải thoát nơi đời sống tâm thức của từng cá nhân. Từ đó, biểu hiện một cách cụ thể nơi hiện thực cuộc sống; nhất là đời sống thăng tiến nơi kết quả tu tập cá nhân. Chính vì thế, việc thiết lập các phương thức tu tập trong Phật giáo theo Thiền sư Chân Nguyên vốn dĩ thích ứng, phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh, căn cơ dị biệt mà có sự thiết lập thích hợp. Niệm Phật cốt yếu cũng giúp tâm thức người hành giả đi đến trạng thái “nhất tâm”; hành Thiền cốt lõi cũng nhằm hướng hành giả làm chủ được thân tâm - trạng thái của sự tập trung chuyên nhất vào từng đối tượng khác nhau. Do đó, chẳng có sự dị biệt nào cả giữa pháp môn niệm Phật và hành Thiền theo như quan điểm của Thiền sư Chân Nguyên. Trái lại, giữa hai pháp môn tu tập căn bản này, còn có sự tương trợ bổ khuyết cho nhau; đôi khi chúng còn được thực thi cùng lúc, khó có sự phân biệt nhận chân. Mục đích thực tiễn của Thiền chính là giải phóng con người ra khỏi những sự ràng buộc của hình sắc, danh tướng để trở về với thế tánh chân như hay còn gọi là kiến tánh.

Và đương nhiên, tâm như tường vách, bất động trước ngoại cảnh chính là hình ảnh lý tưởng của Thiền gia, người đã thoát ra khỏi sự cám dỗ của thế gian, đã làm chủ được tâm, điều phục được ngũ căn. Sự thành bại, nhục vinh, hơn thua, được mất, khen chê… hết thảy đều không gây nên chút vướng vấn, ràng buộc nơi tâm thức “Trà bát đức sẵn đà lưu loát, chẳng phải lo củi nấu kỳ tầm. Bánh tam thừa vốn đã chứa chan, nào có nhọc bột đâm thì thịch”21. Từ đây, có thể thấy hương vị của chất liệu giải thoát vẫn luôn bàn bạc rộng khắp cho những ai có đầy đủ cơ duyên để thể nhập, chiêm nghiệm mà chẳng có sự phân biệt cách ngăn giữa các phương thức tu tập. Con người tự tại giải thoát chính là thấu đạt được lẽ cốt yếu này trong cách hành trì, dụng tâm. Điều đó tất nhiên được Thiền sư Chân Nguyên đặc biệt chú trọng trong bối cảnh tu niệm thời bấy giờ của thế kỷ XVII.

Thay lời kết

Có thể nói, việc Thiền sư Chân Nguyên xuất hiện tu đạo và nổi bật trong tư tưởng thiền học của lịch sử Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XVII mang đến một ánh sáng mới trong việc khẳng định giá trị thiết thực của triết lý chứng ngộ Phật giáo vẫn luôn thích ứng với mọi điều kiện, bối cảnh khác nhau. Qua nội dung tác phẩm “Thiền Tịch phú” của Thiền sư Chân Nguyên, chúng ta thấy được trong Phật giáo vẫn luôn có sự tiếp nối, kế thừa cũng như bổ túc giữa các triết lý tu tập bằng ý nghĩa biểu đạt phương diện chứng ngộ của các vị thiền sư. Việc chủ trương những tư tưởng thiền học mới nhưng vẫn y cứ trên giá trị triết lý chứng ngộ của thiền học Việt Nam thời Trần mà ngài Chân Nguyên muốn phục hưng và phát triển chúng; chứng tỏ con đường đi đến chứng ngộ, giải thoát có thể thực hiện bằng nhiều phương cách khác nhau, miễn sao chúng thích ứng được với những điều kiện bối cảnh lịch sử và đối tượng tiếp nhận chúng có được an lạc, giải thoát hay không. Đó chính là vấn đề tư tưởng thiền học của ngài Chân Nguyên qua tác phẩm “Thiền tịch phú” đã giải bày và định hướng trong tiến trình tiếp biến, phát triển bức tranh thiền học của lịch sử Phật giáo Việt Nam được trở nên đa màu sắc triết lý nhưng vẫn duy trì bảo lưu được giá trị tinh túy nhất của Thiền học Việt Nam so với Thiền tông của Phật giáo Trung Hoa.

 


1. Nguyễn Lang (2009), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, tập 2, Nxb. Văn Học - Hà Nội, tr. 405.

2. Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 2, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 721.

3. Viện Văn học (1998), Thơ văn Lý - Trần, tập 2, Nxb. KHXH, HN, tr. 502.

4. Thích Thanh Từ (1998), Thiền tông bản hạnh giảng giải, Nxb. TP. HCM, tr. 324.

5. Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 2, sđd, tr. 727.

6. Thiền tông bản hạnh giảng giải, sđd, tr. 272.

7. Thơ văn Lý - Trần, tập 2, sđd, tr. 27.

8. Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 2, sđd, tr. 726.

9. Lấy ý muốn thiên hạ làm ý muốn mình, lấy tấm lòn thiên hạ làm tấm lòng mình; Thơ văn Lý - Trần, tập 2, sđd, tr. 27- 629.

10. Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 2, sđd, tr. 727.

11. Thơ văn Lý - Trần, tập 2, sđd, tr. 502.

12. Thơ văn Lý - Trần, tập 2, sđd, tr. 62- 65.

13. Thơ văn Lý - Trần, tập 2, sđd, tr. 506.

14. Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 2, sđd, tr. 729.

15. Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, sđd, tr. 729.

16. Thiền tông bản hạnh giảng giải, sđd, tr. 268.

17. Thiền tông bản hạnh giảng giải, sđd, tr. 272.

18. Thiền tông bản hạnh giảng giải, sđd, tr. 360.

19. Thiền tông bản hạnh giảng giải, sđd, tr. 505.

20. Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 2, sđd, tr. 728.

21. Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, tập 2, sđd, tr. 728.     

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6126936