Thông tin

TỪ ĐẠI DỊCH SARS-COV-2, NGHĨ VỀ TU TÂM

VU GIA

 


 

Thiện ác, tốt xấu luôn tồn tại trong mỗi con người, nếu kích thích điều ác, điều xấu thì điều ác, điều xấu sẽ nổi lên. Ma theo tâm mà sinh, nên một khi tâm hướng thiện thì điều ác, điều xấu không thể xảy ra.

Những ngày này, đất nước ta lâm vào cuộc chiến mới - cuộc chiến chống đại dịch SARS-CoV-2. Một số tỉnh thành đã và đang thực hiện nghiêm các quy định của Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, ai ở đâu ở đó; cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường… Ấy mà nào có yên. Người thì lợi dụng mạng xã hội nói năng lung tung gây hoang mang trong lòng dân chúng; người thì vỗ ngực xưng tên, bằng này cấp nọ dọa nạt những người đang thi hành công vụ; người thì dùng thói côn đồ để vượt qua các chốt kiểm dịch; người thì khoe “có chỗ dựa” mà được tiêm thuốc loại này, loại kia; người thì khai gian báo lận để được nhận tiền trợ cấp của nhà nước, vân vân và vân vân. Những vụ việc đã xảy ra như thế đã được các cơ quan chức năng xử lý thích đáng và đã được sự đồng tình của cộng đồng.

Tại sao như thế? Bá nhơn bá tánh ư? Chín người mười ý ư?

Tôi đã sống qua những ngày đất nước bị chiến tranh, nên đã ngộ ra rằng khi không gặp phải nguy hiểm đứng trước sống chết, thì bất kỳ kẻ xấu xa độc ác nào thoạt nhìn cũng giống như thánh nhân, bởi bản chất đê hèn ấy khó mà lộ ra. Những ngày căng thẳng vừa qua, từ những thông tin trên báo, kể cả những tiếng xạo xự vì những combo hàng không được như ý muốn, vì gói quà trợ cấp nhà này nhiều hơn nhà kia,… của những người chung quanh vọng vào nhà không nghe không được, và… bóng dáng bản chất không mấy tốt đẹp tiềm ẩn trong con người từng bước lộ ra, cho thấy tâm họ bất ổn.

Truyện Kiều có câu: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Tâm động sẽ gây trở ngại cho việc nhận thức rõ ràng những sự vật, hiện tượng xung quanh chúng ta. Từ xa xưa, các bậc thức giả đều nhắc nhở con người tu tâm để tâm không xáo động trước mọi chuyển biến của đời thường, giúp cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Một khi tâm không được tĩnh lặng sẽ bị ngoại cảnh chi phối dễ dẫn đến tạo tội, tạo nghiệp mà bản thân không hay biết. Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Phật thấy được điều này: “Tất cả chúng sinh đều có bản tâm thanh tịnh. Chúng sinh chẳng nhận thấy được vì bị vô minh che lấp”.

Sách bói toán của Đạo gia, viết: “Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sinh/ Hữu tướng vô tâm, tướng tùng tâm diệt” (Có tâm mà không có tướng, thì tướng sẽ do tâm mà sinh ra/ Có tướng mà không có tâm, thì tướng ấy sẽ bị mất đi theo cái tâm ấy). Tướng mạo con người sẽ tùy theo cái tâm thiện - ác của người đó mà thay đổi.

Nho gia Tuân Tử cũng viết: “Xem tướng ngoại hình không bằng xem tướng tâm, luận về tâm không bằng luận về đức”. Sách “Tứ Khố Toàn Thư” ghi rằng: “Chưa cần xem tướng người, mà trước tiên hãy nghe giọng nói của người ấy. Chưa cần nghe giọng nói người ta mà trước tiên hãy quan sát hành vi của người ấy. Chưa cần xem hành vi người ta mà trước tiên hãy xem xét cái tâm của người ấy". Đây cũng là nhấn mạnh rằng cái tâm của con người khi đã thay đổi thì không chôn giấu được mà biểu hiện ra bên ngoài.

Nói vậy, chắc có người cho là nói lung tung, thiếu cơ sở khoa học, song thực ra rất khoa học. Trong Đông y có 4 phương pháp được sử dụng để xác định bệnh, thường được gọi là “tứ chẩn”: vọng, văn, vấn, thiết.

- Vọng: Là nhìn xem diện mạo, màu sắc, hình dạng, cử chỉ.

- Văn: Là nghe giọng nói, tiếng ho, hơi thở, tiếng nấc hoặc ngửi thấy mùi khác thường từ người bệnh (hơi thở, đàm, phân, nước tiểu).

- Vấn: Là hỏi để biết thêm các thông tin liên quan đến bệnh.

- Thiết: Là bắt mạch, sờ nắn vùng đau, vùng không đau.

Các phương pháp vọng, văn, vấn, thiết của các thầy thuốc Đông y tương tự như nhìn, sờ, gõ, nghe của các thầy thuốc Tây y.

Điều này cho thấy khi tâm niệm nảy sinh sẽ tác dụng lên thân thể. Nếu tâm niệm an hòa tĩnh tại, thì thần thanh khí sảng, cách nhìn rộng mở, lỗi lạc quang minh, khiến cho khí huyết hài hòa, ngũ tạng an định, các chức năng, các cơ quan nội tạng, các tuyến nội tiết hoạt động bình thường, thân thể khỏe mạnh, và sẽ thể hiện ra mặt mũi sáng sủa, thần thái ngời ngời, khiến ai trông thấy cũng cảm thấy thoải mái, cảm thấy thân thiện an hòa, và tự nhiên muốn gần gũi, muốn được kết giao cùng. Do đó, việc tu tâm đúng với mọi thời, mọi lúc.

Tâm là gốc của thân. Tâm có yên thì gốc mới vững. Muốn thân khỏe mạnh thì cố gắng làm cho tâm tĩnh lặng, trong sáng. Trong Kinh Pháp Cú, Phật dạy: “Tâm dẫn đầu các pháp/ Tâm làm chủ, tâm tạo/ Nếu với tâm ô nhiễm/ Nói lên hay hành động/ Khổ não sẽ theo ta”. Vì thế, không tu tâm để cho tâm vẩn đục do tham lam, ích kỷ, đố kỵ, ghen ghét, lo lắng, sợ hãi,… sẽ làm cho thân bệnh hoạn.

Sở dĩ cuộc đời có nhiều khổ đau vì con người thường tự làm khổ chính mình và làm khổ người khác, do các tâm: tham lam, sân hận và si mê. Từ thực tế cuộc sống, chúng ta dễ thấy một khi lòng tham nổi lên, con người sẽ chìm đắm trong dục giới, lúc nào cũng chỉ muốn thỏa mãn lòng tham, sẵn sàng làm tất cả những chuyện xấu xa đồi bại nhất để đạt được mục đích, nên lúc nào cũng vất vả, bôn ba vì những thứ chưa chắc đã thực sự có ý nghĩa. Khi lòng sân hận nổi lên, con người sẽ chìm trong sắc giới, sinh sự bất mãn, tự mình làm khổ mình, dễ sinh ra đố kỵ, ghen tỵ mà làm việc ác. Khi lòng si nổi lên, ngu dốt u mê tăm tối, không thấy đúng sai, không phân biệt phải trái, dễ mê lầm. Vì thế, nhà Phật xếp tham, sân, si là “tam độc” cần phải diệt trừ, mà muốn diệt trừ cần phải tu tâm. Và từ thực tế này, tôi thích bài kệ của Thiền sư Đạo Tế, còn gọi là Tế Điên Hòa Thượng, Tế Công Hoạt Phật (1130-1209), nói về phong cách tu hành của mình: “Cổ thi Phật Tổ để một phong/ Dạy khuyên tu miệng lẫn tu lòng/ Người nay tu miệng, lòng không sửa/ Bần tăng lòng sửa, miệng thì không”.

Cuộc đời xưa nay vốn thế, nói thì dễ, làm mới khó. Dân gian có câu: “Nam mô bồ dao găm”, “Khẩu Phật tâm xà”, “Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối”… nên tu tâm, dưỡng tâm cần thường xuyên rèn luyện để không làm trái với bản tâm. Dao tốt phải năng mài, nếu không năng mài thì chỉ là một mảnh sắt đơn thuần không hơn không kém.

Trong những ngày chiến đấu đánh giặc xâm lăng, thống nhất đất nước, nhân dân ta nhất tề “toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”. Nay, trước đại dịch SARS-CoV-2, chúng ta cũng phải “toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến” để đem lại sự yên lành cho mọi người, bởi Nhà nước đã kêu gọi ngay từ khi phát hiện dịch bệnh: “Chống dịch như chống giặc”. Càng ngày, chúng ta càng thấy giặc này nguy hơn gấp nhiều lần giặc xâm lăng trong lịch sử, bởi nó không hình không bóng. Và một khi lâm vào cuộc chiến, thì sẽ có rất nhiều người khổ hơn mình. Cứ nghĩ vậy cho đời thêm vui. Triết gia cổ đại Hy Lạp Plato (427-347 TCN), từng nhắc nhở: “Hãy có lòng nhân ái, bởi vì bất kỳ ai bạn gặp đều đang chiến đấu gian khổ hơn bạn”. Muốn có lòng nhân ái, thì tâm phải rộng mở. Kinh thánh cũng viết: “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác”, vì “Hạnh phúc không tùy thuộc vào bạn là ai, bạn làm gì mà tùy thuộc vào bạn nghĩ gì”.

Từ khi trời đất xuất hiện chưa tồn tại cái gọi là công bằng. Trời vĩnh viễn vẫn là trời. Đất vĩnh viễn vẫn là đất. Nếu như quả thật có công bằng thì qua một thời gian, trời đất phải hoán đổi vị trí cho nhau, nhưng chưa từng thấy chuyện ấy xảy ra. Ngay cả con người cũng thế; ai cũng được cha mẹ hoài thai chín tháng mười ngày, cũng có đầu mình và tứ chi, nhưng người được sinh ra trong lầu son gác tía, người được sinh ra trong ổ rơm mục nát, người được sinh rớt trên đường, có người mở mắt chào đời đã không có cha, có người vừa lọt lòng mẹ thì không còn mẹ,… Công bằng ở đâu? Đi đâu tìm công bằng đây?

Trong Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật có dạy: “Nhứt thiết duy tâm tạo”, nghĩa là mọi sự mọi việc đều do tâm tạo ra tất cả. Công đức cũng do tâm tạo, nghiệp chướng cũng tự tâm sinh. Và mỗi người nghiệm chứng qua chính bản thân mình bằng suy nghĩ của mình, hành vi của mình, chứ không cầm tay chỉ việc cụ thể được. Vì thế, trong vấn đề tu tâm, người nào tu đến đâu, tự người đó biết. Nói đơn giản như dân gian mà chính là mấu chốt: “Ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng”. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, đức Phật có dạy: “Tùy tâm biến hiện”, nghĩa là mọi sự mọi việc trên thế gian này, như: tốt hay xấu, lành hay dữ, đúng hay sai, phải hay quấy, được hay mất,… đều do tâm của chúng ta biến hiện ra chứ không do ai khác, không có thế lực siêu hình nào dẫn dắt. Sự cảm thụ tùy theo tâm trạng, tùy theo cá nhân, không ai giống ai, không lúc nào giống với lúc nào, không thời nào giống với thời nào, không nơi nào giống với nơi nào. Nhân ma nhất niệm, nhất niệm thành ma, nhất niệm thành người. Do vậy, trước mỗi sự việc, mỗi người tự quyết định lấy.

Dục vọng là động lực cũng là căn nguyên; một khi dục vọng triệt để lấn át lý trí, có thể tùy ý giẫm đạp lên nhân sinh, thì đó chính là ma tính. Thiện ác, tốt xấu luôn tồn tại trong mỗi con người, nếu kích thích điều ác, điều xấu thì điều ác, điều xấu sẽ nổi lên. Ma theo tâm mà sinh, nên một khi tâm hướng thiện thì điều ác, điều xấu không thể xảy ra.

Khi tâm bất động thì sự bình an sẽ trở về và chúng ta sẽ nhìn những thứ trước đây, như: tham lam, thù hận, ghét bỏ, tránh né,… sẽ dễ dàng chấp nhận, tha thứ. Tốt xấu do tâm khởi mới sinh ra buồn vui, yêu ghét. Nếu tâm thanh tịnh thì sẽ thấy cảnh thanh tịnh và sẽ thấy cuộc đời đáng sống, đáng yêu hơn.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6059498