Thông tin

TỰ DO VÀ TỰ TẠI

TỰ DO VÀ TỰ TẠI

  

                                                               CHÁNH TRÍ

 

 

Có lẽ không ở thế kỷ nào mà nhân loại bàn và đòi hỏi về tự do bằng thế kỷ thứ XX này. Nào tự do cá nhân, tự do tư tưởng, tự do ngôn ngữ, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại, tự do kinh doanh,v.v… Đây là không kể những cái tự do thông thường như tự do ăn mặc, tự do ăn ở… mà mỗi người được quyền sắp đặt tùy ý và tùy túi tiền mình.

 Tuy nhiên, như chúng ta biết, các thứ tự do đó đều là những tự do tương đối, có giới hạn: mỗi người được tự do làm những gì mình muốn miễn đừng đụng đến tự do của người khác, hay miễn đừng phương hại đến an ninh công cộng, quyền lợi chung của số đông, sinh tồn của xứ sở… Bị hạn chế như thế vì những tự do của thế gian không ít thì nhiều đều có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với đời sống duy vật, hữu vi, mê chấp của chúng sinh. Còn sống trong xác thịt, vì xác thịt, trong cảnh giới hữu hình hữu tướng, mỗi người đều tự thấy khác với bao nhiêu người xung quanh, mỗi chúng sinh chẳng những muốn giữ chặt phần của mình mà còn muốn khuếch trương là khác, thì bảo làm sao có tự do tuyệt đối được.

Xét cho thật kỹ, đi thật sâu vào vấn đề, chúng ta sẽ thấy những tự do hạn chế đó lắm khi vì lỗi lầm của mỗi người mà hóa ra con số không.

Như tự do cá nhân, thí dụ: Khi bản thân chúng ta không bị bắt bớ giam cầm, tù tội một cách vô cớ, trái với luật pháp, thì chúng ta tự cho là tự do cá nhân của chúng ta được tôn trọng. Đúng như vậy, nhưng chỉ đúng với đối lập, còn tự ta đối với ta, ta có thể từ ngày lập gia lập thất, mỗi người chúng ta tự truất cái quyền tự do cá nhân rồi. Câu “Vợ dây con trói” là một nhận xét rất chân xác của người xưa về cảnh con người tự bắt bớ, tự cột trói lấy mình. Thêm vào đó còn gia nghiệp, càng to lớn bao nhiêu lại càng giam cầm, làm tù làm tội con người bấy nhiêu.

Hay một thí dụ khác: Tự do đi lại. Có quyền đó rồi mà cứ mắc lo giữ của giữ nhà, sợ hao sợ mất, hóa ra một tấc đường chẳng dám ra đi. Vậy cái tự do đi lại có cũng như không.   

Đến những cái tự do khác, như tự do tư tưởng, tự do ngôn ngữ, tự do tín ngưỡng… cũng đều tùy thuộc ta mà có hay không, mà bị hạn chế nhiều hay ít. Tâm ta có hướng về một vấn đề nào đó mới phát sinh những tư tưởng, ngôn ngữ, tin tưởng về hướng đó, còn không thì thôi. Không là vì hướng ấy bị che khuất, bị chướng ngại.

Tóm lại, vì con người thế gian bị vấp ngã chấp, pháp chấp, chưa thấy được cái Chân, cái Thật của mọi sự vật cho nên không thông đạt với muôn sự muôn vật, hóa ra vốn tự tại mà lại bị ngăn ngại.

 

 

Tự tại là tự do hoàn toàn trong cái thấy nghe hay biết sự nhận định không chân xác thành ra bao nhiêu hành động phải bị hạn chế theo.

Con người thật là Tâm là Tánh, nhưng chúng ta chấp thân và ý làm “ta” cho nên những hoạt động về thể xác cũng như tinh thần của chúng ta phải bị sự hạn cục của thân và ý chế ngự. Tiếp xúc với ngoại cảnh, chúng ta không thể đi quá mức thấy của mắt, nghe của tai… Tư tưởng suy tư, chúng ta không vượt qua nổi bức tường rào của những tri kiến, thành kiến, tập quán, phong tục tích tụ trong đầu óc chúng ta.

Bồ tát tu hành đến mức độ cao (đệ bát bất động địa) là đã thấy rõ cảnh Chân, trái với cảnh giả của thế gian, và năng thông đạt với tất cả các pháp (muôn sự muôn vật), vì vậy mà được tự do hoàn toàn hay đắc viên dung tự tại. Rồi từ cấp thứ tám lên cấp thứ mười, Bồ tát mới dứt khoát với những tư tưởng phân biệt nhân ngã, thân tâm thanh tịnh, ở trong hoàn cảnh nào, lòng vẫn thanh tịnh, không thấy buồn thấy vui, hết còn bị phiền não nghiệp phược làm chướng ngại nữa, tha hồ mà ban bủa lòng thương, thuyết pháp hóa độ chúng sanh một cách bình đẳng.

Tự do của thế gian không thể so sánh với tự tại của các bậc giải thoát.

Trích Từ Quang số 238
tháng 12/1972 – (P.L. 2516)

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 59
    • Số lượt truy cập : 6113081