TỪ HUYỀN THOẠI NHẪM DƯƠNG
TÌM VỀ CỘI NGUỒN THIỀN PHÁI NAM TÔNG TÀO ĐỘNG
TT. TS. THÍCH ĐỒNG BỔN*
Ai trong chúng ta ít nhất cũng hơn một lần hành hương về cội nguồn chốn tổ của mình, nhất là tín đồ đạo Phật tìm về với cội nguồn tông phái của mình, nhưng cội nguồn đó đã trở thành thắng tích hay chỉ là phế tích?
I. Từ huyền thoại
Chúng ta bắt đầu thắng tích này từ hai huyền thoại:
- Huyền thoại thứ nhất về hang Thánh Hóa với Sơ Tổ Thông Giác Thủy Nguyệt: "Sư Tổ Thủy Nguyệt đã đi nhiều nơi trong cả nước để thuyết pháp, cuối cùng tới Hạ Long thì dừng lại để phổ độ chúng sinh. Sau một thời gian ở đây, người đã nói với chúng sinh rằng: “Nay ta lên chơi trên núi Nhẫm Dương nếu 7 ngày không trở về, các ngươi tìm thấy chỗ nào có mùi thơm thì ta ở đấy”. Đợi đúng 7 ngày không thấy nhà sư trở về, phật tử cùng nhau kéo lên núi Nhẫm Dương nghe gió thổi mùi hương ngào ngạt, mọi người tìm đến một cái hang thấy Sư ngồi kiết già trên tảng đá trong hang, ông mất năm 1704, thọ sáu mươi tám tuổi"[1].
- Huyền thoại thứ hai về chùa Thánh Quang với Nhị Tổ Tông Diễn: "Vị đệ tử được Thánh tổ Thủy Nguyệt truyền tâm ấn và trở thành vị Đệ nhị Tổ của phái Tào Động là Quốc sư Tông Diễn hiệu Chân Dung. Vì vậy, Quốc sư Tông Diễn là vị khai sáng chùa Thánh Quang và cũng là vị tổ sư thứ hai khai sáng chùa Hoè Nhai. Tổ Tông Diễn, là một Quốc sư nổi tiếng thời Lê Hy Tông. Ngài từng thẳng thắn tâu với vua về những lỗi lầm trong phép trị nước, an dân và về những đóng góp của đạo Phật đối với xã tắc. Vua Lê Hy Tông thể hiện sự sám hối, bằng việc cho tạc pho tượng kép: Phật tọa trên lưng vua. Tượng này hiện còn thờ ở chùa Hoè Nhai và thờ ở chùa Thánh Quang. Tháp táng xá lợi của cả 2 vị tổ đều ở Nhẫm Dương, hiện vẫn còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn"[2].
Và còn đâu đó, chúng tôi còn nghe những giai thoại truyền miệng khác về huyền thoại chùa Nhẫm, như việc Tổ cưỡi hạc bay đi bay về chùa Hòe Nhai... chưa thấy đưa vào sách vở. Chính những huyền thoại như thế, đã sống mãi với nhân gian và làm tò mò bao lớp du khách, bao nhà nghiên cứu ra công góp nhặt để công bố vào những cuộc hội thảo về chốn tổ này, cho những huyền thoại được xác tín.
II. Đến thực tế
Phật giáo lan tỏa trải dài trên đất nước Việt Nam ta, đã và đang có trên dưới mười thắng tích cội nguồn các tông phái như sau:
- Miền Bắc thì có:
+ Thắng tích Trúc Lâm Yên Tử, là cội nguồn của thiền phái Việt Nam do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập ở núi Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh (Sơ tổ thiền phái Trúc Lâm).
+ Thắng tích chùa Bút Tháp, là cội nguồn thiền phái Lâm Tế tại đất Bắc, do Thiền sư Viên Văn Chuyết Chuyết truyền bá (đời thứ 34 dòng kệ Lâm Tế)
- Miền Trung thì có:
+Thắng tích chùa Chúc Thánh ở TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam do Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo xuất kệ truyền thừa khai sáng Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh (đời thứ 34 dòng kệ Lâm Tế).
+ Thắng tích chùa Thiền Tôn ở núi Thiên Thai, Huế, là cội nguồn Thiền phái Lâm Tế Liễu Quán, do Thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán xuất kệ truyền thừa khai sáng (đời thứ 35 dòng kệ Lâm Tế).
- Miền Nam thì có:
+ Thắng tích tổ đình Giác Lâm ở vùng đất Phú Thọ, tỉnh Gia Định xưa, nay là quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, là cội nguồn của Thiền phái Lâm Tế Gia Phổ, do Thiền sư Tiên Giác Hải Tịnh khai sáng (đời thứ 37 dòng kệ Lâm Tế).
+ Thắng tích chùa Thiên Thai, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, là cội nguồn Thiền phái Thiên Thai Thiền Giáo tông, do Thiền sư Huệ Đăng khai sáng (đời 41 dòng kệ Lâm Tế Liễu Quán)
+ Thắng tích chùa Tôn Thạnh ở tỉnh Long An, là cội nguồn của Thiền phái Thiên Thai Giáo Quán, do Thiền sư Liễn Thiền là sơ tổ hoằng truyền (đời thứ 21 dòng kệ Thiên Thai Giáo Quán).
+ Thắng tích chùa Bửu Quang ở Gò Dưa, Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, là cội nguồn của Hệ phái Phật giáo Nguyên thủy Nam tông, do Thiền sư Hộ Tông truyền bá (Sơ tổ Phật giáo Nguyên thủy ở Việt Nam).
+Thắng tích Pháp viện Minh Đăng Quang xây dựng mới ở TP. Hồ Chí Minh có thể gọi là cội nguồn đại diện của Hệ phái Khất sĩ hiện nay, Hệ phái do Thiền sư Minh Đăng Quang khai sáng ở miền Nam (Sơ tổ Hệ phái Khất sĩ Việt Nam).
Và nay đây, tại tỉnh Hải Dương miền Bắc, chúng ta còn có thắng tích chùa Nhẫm, là cội nguồn Thiền phái Nam tông Tào Động, do Thiền sư Đạo Nam Thông Giác Thủy Nguyệt là thánh tổ của dòng thiền Nam tông Tào Động tại Việt Nam và là truyền thừa đời thứ 36 tông Tào Động.
Như vậy, trong hệ thống thắng tích cội nguồn tông phái của Phật giáo Việt Nam, đến nay đã phát triển trọn vẹn các di sản này thành điểm đến tâm linh cho những người con Phật khắp nơi hành hương tìm về những chốn phát tích, để dâng hương lễ bái tưởng nhớ ân khai sáng của từng dòng thiền Phật giáo, đã và đang phát triển rộng khắp trên đất nước Việt Nam.
Trong mười địa danh cội nguồn xuất phát điểm của các dòng thiền này, thì chốn tổ Nhẫm Dương là một trong những chốn tổ do chính các tổ sư người Việt khai sáng. Đó là:
1. Phật hoàng Trần Nhân Tông của thiền phái Trúc Lâm;
2. Thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt của thiền phái Nam tông Tào Động;
3. Thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán của dòng Lâm Tế Liễu Quán;
4. Thiền sư Tiên Giác Hải Tịnh của dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ;
5. Thiền sư Huệ Đăng của dòng Thiên Thai Thiền Giáo tông;
6. Thiền sư Liễu Thoàn của dòng Thiên Thai Giáo Quán tông;
7. Thiền sư Hộ Chơn của hệ phái Nguyên Thủy Nam tông;
8. Thiền sư Minh Đăng Quang của hệ phái Khất sĩ.
Chỉ có hai thắng tích còn lại có nguồn gốc từ các thiền sư Trung Quốc sang truyền giáo và ở lại thị tịch trên quê hương này. Đó là:
1. Thiền sư Viên Văn Chuyết Chuyết của thiền phái Lâm Tế miền Bắc;
2. Thiền sư Minh Hải Pháp Bảo của dòng Lâm Tế Chúc Thánh miền Trung;
Nhìn lại lịch sử phát triển của Phật giáo miền Bắc, chủ yếu chỉ là hai dòng thiền phát triển phổ biến, là Trúc Lâm và Tào Động. Nói cho đúng hơn, dòng Tào Động là dòng thiền phổ biến dân gian ở miền Bắc, còn được gọi nôm na là "thiền của tứ dân". Trong khi đó, dòng thiền Trúc Lâm thì phổ biến trong tầng lớp nhân sĩ học thức. Ở phía Đàng Trong, thì phổ biến chủ đạo lại là các dòng thuộc thiền phái Lâm Tế và những giáo phái khác.
Ngày nay, Phật giáo Việt Nam đã có công thống nhất các tổ chức Phật giáo về một mối, nhưng sự thống nhất ấy cũng vô tình làm mờ nhạt tính đặc thù của các tông phái, khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn, thế nào là mới nhận biết đó là Tào Động? Thế nào mới nhận biết đó là Lâm Tế? Hình thức sinh hoạt cá biệt của tông phái Trúc Lâm hiện nay có phải đúng như tông chỉ của Trúc Lâm xưa... Thế thì chùa Nhẫm ngày nay có những gì gọi là tôn chỉ của Tào Động? Chắc chắn, mọi người hành hương về thắng tích này không chỉ để chiêm bái đảnh lễ một cội nguồn là phế tích hay di tích mà thôi.
III. Hỗ trợ cho chốn tổ Nhẫm Dương.
Để trở thành một thắng tích thật sự lợi lạc cho mọi hành giả hành hương về chốn này, chúng ta không chỉ tu tạo, tôn tạo di tích từ quá khứ, mà còn phải làm sáng tỏ tôn chỉ đặc thù của thiền phái Tào Động của Việt Nam. Ý chúng tôi muốn nói là Thiền phái Nam tông Tào Động, như cách gọi của cố Hòa thượng Kim Cương Tử, một vị môn hạ kiệt xuất của tông phái Tào Động, đã do thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt truyền lại.
Về mặt nghiên cứu, chúng ta cần phải làm rõ Nam tông Tào Động có khác gì với tông Tào Động các nước, hoặc tông Tào Động được đưa vào Đàng Trong từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu không? Trong lịch sử truyền thừa, tôn chỉ tu tập hành đạo qua các thế hệ tăng ni kế thừa đã có những ai làm rạng rỡ tông môn như thế nào? Có cứ liệu gì để minh chứng và cho mọi người tìm cầu học hỏi thực hành?... Đó mới là điểm chính yếu để khởi phát lại cội nguồn thắng tích chùa Nhẫm Dương ngày hôm nay.
Một điều cần lưu tâm nữa, hiện nay các tông phái khác ở Việt Nam đã và đang thực hiện được phả hệ pháp phái, thống kê được bao nhiêu ngôi chùa của tông phái trong sự nghiệp truyền thừa của dòng phái mình, điển hình như sách về Thiền phái Trúc Lâm của Thiền sư Thích Thanh Từ; sách về Thiền phái Chúc Thánh của Đại đức Như Tịnh; sách về thiền phái Thiên Thai Giáo Quán của Thượng tọa Thích Tắc Phi...
Thế thì dòng Nam tông Tào Động đã có làm được việc tương tự chưa? Nếu có thì đó là một tin mừng cho những người nghiên cứu chúng tôi, học hỏi và bổ sung vào kho tàng di sản Phật giáo Việt Nam trên lĩnh vực lịch sử truyền bá. Còn như vẫn chưa tiến hành, mong rằng chư tôn đức trong sơn môn tông phái, hãy xem như là "những việc cần làm ngay" cho tông phái mình được rạng rỡ đồng hành trong thế kỷ 21 này.
Chúng tôi nghĩ rằng, tông môn Nam tông Tào Động đã có những chốn tổ danh tiếng đến hiện nay như chốn tổ Hòe Nhai, chốn tổ Trấn Quốc...là những tòng lâm vững chải làm thế chân kiền hỗ tương cho chốn tổ Nhẫm Dương, thì "ba cây chụm lại" chắc chắn sẽ làm thành kỳ tích thời hiện tại của tông phái Nam tông Tào Động vậy.
Chùa Xá Lợi, ngày 28. 11. 2015
* Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phật Giáo Việt Nam; Trụ trì chùa Phật học Xá Lợi, 89 Bà Huyện Thanh Quan, Phường 7, Quận Ba, Tp. Hồ Chí Minh.
[1] Trích từ: "Đề cương hội thảo khoa học quần thể di tích Nhẫm Dương" của Viện Nghiên cứu Tôn Giáo (Sđd).
[2] Trích từ: "Những giá trị đặt biệt ở di tích danh thắng Nhẫm Dương Hải Dương"; www. baodulich.net.vn.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết