TƯ LIỆU HÁN NÔM CHÙA PHẬT TÍCH
PGS.TS ĐINH KHẮC THUÂN*
Chùa Phật Tích, còn có tên là chùa Vạn Phúc hay chùa Tiên Du ở chân núi Lạn Kha, xã Phật Tích, huyện Tiên Du. Nay là xã Phượng Hoàng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, là đại danh lam thắng tích từ thời Lý. Tuy là đại danh lam, có lịch sử lâu đời, từng lưu truyền kho tàng tư liệu Hán Nôm đồ sộ. Song do thời gian và chiến tranh, tư liệu bị thất lạc nhiều. Số liệu tư liệu hiện biết so với một số đại danh lam khác thì thật sự không tương xứng với bề dầy lịch sử danh thắng này. Tư liệu về di tích này thường được biết đến qua một số bộ chính sử thời Lê, Nguyễn như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục,... Ngoài ra, tư liệu Hán Nôm về chùa Phật Tích còn được đề cập rải rác trong một số bộ địa chí, cũng như trong văn bia hiện còn ở di tích. Bài viết này bước đầu tập hợp các tài liệu trên, qua đó góp phần nghiên cứu đầy đủ hơn về lịch sử di tích này.
1. Tài liệu địa phương chí
Danh thắng Phật Tích, được chép trong một số sách địa chí, như trong Bắc Ninh tỉnh chí, kí hiệu A.569, được dịch như sau:
Chùa Vạn Phúc(xã Phật Tích)
Chùa này ở sườn núi Lạn Kha, do vua Thánh Tông nhà Lý dựng. Trong chùa có tượng đá cao năm thước, to sáu thước, cạnh chùa có rất nhiều tháp đá. Từ Thức gặp nàng Giáng Tiên ở đây.
Sử chép: Khoảng niên hiệu Xương Phù nhà Trần, thi khoa Thái học sinh, niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê mở yến hội lớn, đều ở chùa này, cho nên người ta cho đây là nơi thắng tích.
Bắc Ninh toàn tỉnh địa dư chí, kí hiệu thư viện A.2889, chép về Núi Lạn Kha(huyện Tiên Du):
Nối liền với núi Nguyệt Thường. Ngọn núi có bàn cờ đá. Tương truyền có người tiều phu lên núi, gặp hai ông già bày trận cờ dưới bóng tùng, bèn chống rìu đứng xem, trận cờ tàn quay lại nhìn thì cán rìu đã mục nát. Cho nên đặt tên như thế. Trên núi có nhà đá, ao rồng (Long Trì). (Nhà đá ba gian, ba mặt đều là đá. Dưới gian nhà đá có ao thơm, bốn bên đều kè đá.)
Sườn núi có chùa cổ. (Chùa tên là Vạn Phúc). Cảnh trí u nhã. Tương truyền do triều Lý dựng nên. Từ Thức cởi áo chuộc tiên nữ tại đây.
(Truyện Chùa núi Lạn Kha chép trong Truyền kỳ lục: Tháng hai thường có hội hoa mẫu đơn, người xem rất đông. Có một cô gái xinh đẹp, bẻ cành mẫu đơn, bị tăng nhân trói lại. Vừa lúc Huyện doãn huyện Tiên Du tên là Từ Thức qua đây, cởi áo cầu[1] chuộc cho. Sau Từ Thức từ quan, du lãm sơn thủy, đến động Thanh Hoa thì gặp người con gái ấy. Người con gái ấy là tiên nữ non Bồng.)
Lại theo tên xã gọi là núi Phật Tích. Còn có tên khác là núi Tiên Du. Sử ký chép Triệu Úy Đà đóng quân tại núi Tiên Du giao chiến với Thục An Dương Vương, chính là nơi này vậy. Theo Đại Minh lễ chí, núi Tiên Du là một trong 21 ngọn núi nổi tiếng của An Nam. Năm đầu niên hiệu Hồng Vũ [1368] ban chiếu cho tế giao cùng với núi sông Trung Quốc. Năm thứ 3 [1370] sai người sang [10b] xem xét, vẽ lấy hình thế mang về, non nước đẹp đẽ như vậy.
Phần cổ tích trong Bắc Ninh toàn tỉnh dư địa chí, quyển Hạ ghi:
Chùa Vạn Phúc: Thuộc xã Phật Tích, huyện Tiên Du. Chùa ở sườn núi Lạn Kha, do Lý Thánh Tông xây dựng. Ở giữa chùa có tượng đá, cao khoảng 5 thước, to khoảng 6 thước. Bên cạnh chùa có rất nhiều tháp cổ. Từ Thức gặp tiên ở nơi đây (đã chép rõ ở trên). Sử chép, trong những năm niên hiệu Xương Phù đời Trần, tổ chức thi Thái học sinh ở nơi đây. Đời Lê Cảnh Hưng đã tổ chức tiệc lớn cũng ở nơi đây. Đều vì nơi đây là nơi thắng cảnh đệ nhất.
Nguyễn Sưởng hiệu Thích Liêu thế kỷ XV, có đề thơ:
Tiên Du Vạn Phúc tự:
Phật thổ trang nghiêm xỉ vạn kim
Tùng phong xuy khởi hải triều âm
Vân tàng cổ tự sơn nam bắc
Tháp ỷ tằng tiêu thế cổ kim
Cấp giản quy tăng hành mộc diểu
Thính chung miên khách ý hoa âm
Lạn Kha vấn trước tiên kỳ sự
Thạch thượng đài y tích tiệm thâm
Nghĩa là:
Chùa Vạn Phúc ở Tiên Du
Chùa Phật trang nghiêm tốn vạn vàng
Thông reo gọi sóng triều vang
Mây vờn chùa cổ, mờ đầu núi
Tháp dựa mây xanh vút mấy tầng
Suối xiết sư về dò gậy bước
Nép hoa tiên khách mộng còn vương
Lạn Kha chuyện cũ ai tìm hỏi
Vách đá rêu đầy với nắng sương.
Nguyễn Trãi có bài thơ Vịnh cảnh chùa Tiên Du:
Đoản trạo hệ tà dương
Thông thông yết thượng phương
Vân quy thiền sáp lãnh
Hoa lạc giản lưu hương
Nhật mộ viên thanh cấp
Sơn không trúc ảnh trường
Cá trung chân hữu ý
Dục ngữ hốt hoàn vương
Nghĩa là:
Bóng xế thuyền con buộc
Vội lên lễ Phật đài
Mây về giường sái lạnh
Hoa rụng suối hương trôi
Chiếu tối vượn kêu rộn
Núi quang, trúc bóng dài
Ở trong dường có ý
Muốn nói bỗng quên rồi
(Đào Duy Anh dịch).
2. Văn bia chùa Phật Tích
Văn bia xây dựng chùa không nhiều, chủ yếu là bia tháp mộ, gồm các bia sau:
1. Hiển Quang tháp kí
Bia tháp, 1 mặt, khổ 55 x 85cm, kí hiệu thác bản Viện Nghiên cứu Hán Nôm, N.22516. Bia khắc năm Vĩnh Trị thứ 5 (1680).
Văn bia tháp Hiển Quang. Thiền sư vốn họ Đào, khi nhỏ theo Nho học, sau tu tập Phật Pháp. Sư thọ 77 tuổi, mất năm Canh Thân, tháng mạnh thu ngày 8. Gần đến ngày mất vào ngày mồng 1 tháng 7, sư ngâm bài kệ rằng:
Hành bộ nang truy hoài vạn thặng
Thủy thuyền phàm trạo tích thiên sai
Ngã hướng nhất gia thân khúc tử
Thùy dung trắc nhĩ thị nghê gia
Kim kê bão noãn hàm cố quốc
Thiết thụ thạch đầu dĩ khai hoa.
Sư đọc đi đọc lại, sau đó liền ba ngày không nói gì cả, đến ngày mồng 8 hỏi nay là ngày nào? Đệ tử thưa nay là ngày mồng 8. Nhà sư nói rằng xưa tổ không quá ngày rằm. Vậy cũng không quá được ngày này.
Bất tri sinh tử bất tương cán
Tư phát chuyển thông thiên khung
Kim thời ngô vãng thượng đầu khai.
Đọc xong, giờ Ngọ nhập điện hiệu Hiển Quang tháp ma kha tì khưu minh nghĩa, sắc phong Hoằng giác huệ trạch hiển đức quốc sư hoa thân bồ tát.
2. Mật (Minh) Hành thiền sư am kí, kí hiệu thư viện: 22517
Bia 1 mặt, khổ 80 x 85cm, chân chạm hoa sen, 26 dòng, chữ Hán. Bia khắc năm Kỷ Mão, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 20 (1759),
Mật Hành thiền sư, pháp hiệu Diệu Hưng, hóa thân bồ tát. Ngài vốn tộc họ Nguyễn, thường đọc kinh Quan âm, mất tháng 7 năm Đinh Sửu. Pháp tử hiệu Diệu Thấm học trò đứng ra xây tháp, mua 4 sào ruộng
3. Phụng tự đoan bi ký/ Phổ Quang tháp bi ký, kí hiệu: 22518-19
Bia 2 mặt, khổ 55 x 120cm, 36 dòng, không hoa văn trang trí.
Bia dựng năm Vĩnh Trị thứ 5. Ghi quan viên hương lão già trẻ trên dưới hai giáp Đông, Đoài xã Phật Tích, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn có cổ tích danh lam là Vạn Phúc Thiền tự. Năm Cảnh Trị thứ 7 (1611), có Hoàng tôn Đại tỳ khưu ni Diệu Tuệ, sắc phong Thánh thiện bồ tát vân du đến xứ này thấy danh tích mà tôn sùng Phật pháp, cúng tiền cho bản xã xây tháp đá. Nhân đó Hoàng tôn dựng bảo tháp. Lại mua ruộng 3 mẫu 5 sào giao cho 2 giáp xã Phật Tích cày cấy phụng thờ.
Hải Dương Quảng An đẳng xứ trấn thủ Tả Thắng cai cơ quan thự vệ sự Luân Quận công Trịnh Tuyên quận chúa phu nhân Trịnh Thị Ngọc Đương vốn có thân cô là Tỳ khưu ni hiệu Diệu Tuệ, sắc phong Thánh Thiện bồ tát, xuất gia tu hành chùa Hưng Sùng, thấy bản xã Phật Tích có danh lam cúng dựng bảo tháp, mua ruộng 4 sào, 2 giáp Đông Đoài phụng thờ tổ sư.
4. Phổ Quang tháp bi ký, kí hiệu: 22520
Bia tháp chùa Vạn Phúc, 1 mặt, khổ 77x100cm, 40 dòng toàn văn chữ Hán. Văn bia do nhà sư người nước Đại Minh là Dật sư Tưởng Quang Đình soạn. Bia dựng năm Cảnh Trị thứ 2 (1664).
Văn bia kể lại sự nghiệp tu hành của công chúa pháp hiệu Diệu Tuệ, do bà Hoàng thái hậu họ Trịnh sinh ra. Công chúa đã lấy chồng, sống sung túc, nhưng mộ đạo Phật, được ông ngoại là chúa Trịnh Tráng yêu quý đã cho mời nhà sư Chính Giác về lập đạo tràng và dạy cho. Bà tu hành hơn 10 năm, khi Chính Giác viên tịch, bà được truyền y bát. Năm 49 tuổi, bà cho xây tháp Phổ Quang và mua ruộng giao cho xã cày cấy để phụng thờ hương hỏa. Quan viên chức sắc trong xã nhận ruộng và cam kết lo việc phụng thờ mãi mãi.
5. Thiên Trúc Viên Dung bi kí, kí hiệu: 22521.
Văn bia ghi dựng tháp Viên Dung năm Kỷ Mùi.
Ma kha khưu nậu tì khưu sắc phong Vô tế Hòa thượng, Phổ Minh bồ tát.
Dựng tháp Viên Dung để báo đáp ân sâu sư ma kha a nậu tỳ khưu.
Thiệu Long trụ trì Vạn Phúc địa thiền tổ sư.
6. Viên Quang tháp bi kí, kí hiệu: 22522
Bia tháp Viên Quang, khắc 1 mặt, khổ 68 x 95cm, 22 dòng, toàn văn chữ Hán, diềm dưới bia chạm hoa thú. Bia khắc năm Chính Hòa thứ 5 (1684).
Văn bia cho biết đây là bia mộ tháp nhà sư trụ trì chùa này là Lê Ngọc Nghênh tự Chân Phúc, người xã Tam Lư, huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên, xứ Thanh Hoa. Sau khi viên tịch, các đệ tử dựng tháp và an tàng xá lị tại tháp này. Tì khâu ni Diệu Huệ cúng ruộng 1 mẫu 2 sào giao cho xã hưng công Tam bảo.
7. Vạn Phúc tự bi, kí hiệu: 22523-24
Bia 2 mặt, khổ 75 x 120cm, toàn văn chữ Hán, mờ nhiều, chạm rồng hoa lá. Bia khắc năm Thành Thái thứ 10 (1898).
Bia ghi người công đức tu sửa chùa, có các vị chức sắc trong vùng như Tri phủ phủ Thuận An, Tri châu châu Bạch hạc, Giáo thụ phủ Bắc Hà, Thái y viện...
8. Vạn Phúc tự bi kí, kí hiệu: 15530-31
Bia 2 mặt, khổ 70 x 110cm, toàn văn chữ Hán, chạm rồng hoa lá. Bia khắc năm Thiệu Trị thứ 6 (1846).
Văn bia cho biết chùa Vạn Phúc được xây dựng từ đời Lý đến đời Lê được trùng tu, có lịch sử hơn 500 năm. Đây là một danh thắng, nhưng trải lâu ngày hư hỏng. Nay có quan Án sát bản tỉnh thăng Bố chánh sứ, Hưng Yên tuần phủ quan phòng là Nguyễn Công Tạc tới thăm chùa, thấy chùa đổ nát, hỏi dân làng biết dân nghèo không thể xây dựng được, nên đã đứng ra vận động góp tiền tu bổ chùa. Tháng 10 năm Ất Tỵ khởi công, mùa xuân năm Bính Ngọ hoàn thành, khắc bia ghi lại. Kê số ruộng chùa gồm 60 mẫu.
9. Vạn Phúc Đại thiền tự bi, kí hiệu: 2146-47
Bia chùa Vạn Phúc, khổ 112 x 173cm, 2 mặt, toàn văn chữ Hán, 33 dòng, chạm mặt trời, hoa lá. Bia dựng năm Chính Hòa thứ 7 (1686).
Chùa Phật Tích là thắng địa, có từ đời Lý, có bảo tháp cao nghìn trượng, ruộng Tam bảo hơn trăm mẫu, là nơi trụ trì của Chuyết Chuyết thiền sư. Sư mất ngày 15 tháng 7 năm Giáp Thân, đệ tử bảo quản thi thể. Đến năm Nhâm Dần, cung tần chiêu nghi họ Trần, hiệu Pháp Giới mới dựng tháp phụng thờ và tu sửa chùa to đẹp để báo đáp tổ sư. Kê số ruộng chùa.
3. Nhận xét
So với một số danh thắng từ thời Lý khác như chùa Thầy, chùa Phật Tích hiện còn khối lượng tư liệu Hán Nôm khá khiêm tốn. Tuy nhiên, tài liệu này hoàn toàn phù hợp với tài liệu chép trong chính sử, và là nguồn sử liệu quan trọng về lịch sử ngôi chùa này.
- Về lịch sử chùa, tài liệu Hán Nôm cũng như tư liệu trong chính sử đều cho biết chùa Phật Tích được khởi dựng vào năm Thái Bình thứ tư (1057) thời Lý Thái Tông. Tiếp đó, năm 1066, vua Lý Thánh Tông lại cho xây dựng một cây tháp cao. Thời Lý, chùa Phật Tích là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng và là nơi cảnh quan tươi đẹp lại gắn với hàng loạt những câu chuyện huyền thoại, nên các vua Lý và sau này là các vua Trần thường xuyên lui tới thăm viếng.
Thời Lý, vua Lý Thánh Tông đến yết kiến chùa, tự tay viết chữ Phật dài 1 trượng sai khắc vào bia đá dựng trước chùa. Đến thời Trần, chùa đổi tên là Vạn Phúc. Vua Trần cũng đến, vua Trần Nghệ Tông cho dựng điện Bảo Hòa và thư viện Lạn Kha ở gần chùa, thường đến đọc sách, nghỉ ngơi. Tại đây, vua Trần Nhân Tông đã sáng tác tập thơ Bảo Hoa dư bút gồm 8 quyển. Vào năm Xương Phù thứ 8 (1384), vua Trần Nghệ Tông đã dùng chùa này làm nơi thi Thái học sinh.
Đến thời Lê trung hưng, chùa và tháp đổ nát, Hoàng hậu Nguyễn Thị Ngọc Ánh và cung tần góp tiền công đức, dựng chùa mới trên nền chùa cũ vào năm Bính Dần, niên hiệu Chính Hòa (1686).
Khi này, chùa được xây dựng lại với quy mô rất lớn như đoạn văn bia ghi lại sau: "Trên đỉnh núi mở ra một tòa nhà đá, bên trong sáng như ngọc lưu ly. Điện ấy đã rộng lại to, sáng sủa lại kín. Trên bậc thềm đằng trước có bày mười con thú lớn bằng đá, phía sau có Ao Rồng, gác cao vẽ chim phượng và sao Ngưu, sao Đẩu sáng lấp lánh, đầu rồng và tay rồng với tới trời sao".
Chùa được kiến trúc theo kiểu "nội công ngoại quốc", sân chùa là cả một vườn hoa mẫu đơn rực rỡ. Bên phải chùa là miếu thờ Đức chúa, Đệ nhất cung tần của chúa Trịnh Tráng tu ở chùa này. Bà chẳng những có công lớn trùng tu chùa mà còn bỏ tiền cùng dân 13 thôn dựng đình. Bên trái chùa chính là nhà tổ đệ nhất thờ Chuyết Chuyết Lý Thiên Tộ. Ông mất tại đây năm 1644, thọ 55 tuổi, hiện nay chùa còn giữ được pho tượng của Chuyết Công đã kết hỏa lúc đang ngồi thiền. Phía sau chùa là khu vườn tháp gồm 39 ngọn xây bằng gạch và bằng đá (nay còn 34 ngọn).
- Các ngôi tháp này chính là tháp mộ của các vị tổ chùa khá mổi tiếng, như tháp Hiển Quang, tháp Mật Hành, tháp Phổ Quang, tháp Viên Dung, tháp Viên Quang. Trong số đó, có Tỳ khưu ni hiệu Diệu Tuệ, sắc phong Thánh Thiện bồ tát vốn là công chúa do bà Hoàng thái hậu họ Trịnh sinh ra. Công chúa đã lấy chồng, sống sung túc, nhưng mộ đạo Phật, tu hành và được nhà sư Viên Giác truyền y bát cho. Bà có nhiều công sức xây tháp tổ chùa và cúng ruộng hương hỏa cho chùa.
Ngoài ra là tháp Tháp Viên Quang, tháp mộ nhà sư vốn có tên tục là Lê Ngọc Nghinh, tự Chân Phúc, người xã Tam Lư, huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên, xứ Thanh Hoa. Tháp Viên Quang, khi tu sửa, người ta phát hiện cuốn sách đồng gồm 2 tờ 4 trang khổ 12 x 19cm, trên khắc kinh Bát nhã Ba la mật đa tâm kinh. Đây là bộ kinh trong kinh sách Đại thừa được yểm trong mộ tháp. Cũng như trên ngọn tháp chùa Bút Tháp mới phát hiện bộ sách đồng khắc kinh Phật.
Chùa Phật Tích nằm gần sát chùa Dâu, trung tâm Phật giáo trong nhiều thập kỷ. Vào đầu thế kỷ XVI, chùa Phật Tích cùng với chùa Bút Tháp là cái nôi của dòng thiền Lâm Tế. Năm 1633, Thiền sư Chuyết Chuyết và đệ tử Minh Hành từ phương Bắc phiêu dạt sang phương Nam, tới kinh đô Đại Việt. Thầy trò thiền sư đã được vua Lê, chúa Trịnh cùng hoàng thân quốc thích Lê triều mộ đạo sùng tín. Tổ sư Chuyết Chuyết về trụ trì chùa Phật Tích sau mới chuyển sang trụ trì chùa Bút Tháp. Vì thế tại khu mộ tháp chùa Phật Tích có cả tháp mộ Thiền sư Chuyết Chuyết và đệ tử Minh Hành.
So với một số đại danh lam khác, thì tư liệu Hán Nôm về chùa Phật Tích hiện còn là khá khiêm tốn. Cần sưu tập mọi nguồn tài liệu gốc, trong đó có các nguồn tư liệu Hán Nôm ở tại di tích, như các văn tự trên các mộ tháp, mà hiện tại mới chỉ biết được năm sáu văn bản như nêu trên. Đồng thời tổ chức khảo cứu, dịch chú để có tập tư liệu hoàn chỉnh về ngôi chùa thời Lý đặc sắc này.
Bình luận bài viết