TỪ TRÀ KINH, NGHĨ VỀ THIỀN
TỪ TRÀ KINH, NGHĨ VỀ THIỀN
VU GIA
Thật lòng mà nói, với tôi, pha ấm trà Thái Nguyên ngồi tán dóc với bạn bè thấy sảng khoái hơn ngồi ở những quán trà đạo. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy tâm mình còn vọng động lắm lắm, rất cần phải học thiền.
Cách đây không lâu, Thượng tọa Thích Đồng Bổn (Chùa Phật học Xá Lợi - TPHCM) tặng lại tôi bài Trà kinh từ một Phật tử người Nhật Bản tặng thầy trong dịp đến viếng chùa lễ Phật. Bản Trà kinh này được sao chụp trên giấy sáp, nên thấy cũng… bắt mắt. Tôi mang về lồng khung treo lên tường, ai nhìn vào cũng khen đẹp. Bản Trà kinh này, chắc người Nhật in lại từ bản gốc để quảng cáo trà hoặc để bán cho du khách muốn "chơi" loại chữ vuông. Tôi không biết bản Trà kinh có mấy quyển, chỉ biết bản tôi đang lồng kính treo trong nhà là "Trà kinh thượng quyển", tức quyển đầu, do ông Lục Vũ tự Hồng Tiệm ở Cảnh Lăng thời nhà Đường viết, và ông Trịnh Ân tự Duẫn Vinh ở Tấn An thời nhà Minh hiệu khảo.
Trà kinh, trà đạo/ trà thiền
Đọc vài lần văn bản, tôi thấy nội dung bài viết cũng… rứa rứa. Lật Từ điển Tiếng Việt, thấy chữ Kinh có hai nghĩa: 1- Sách do các nhà triết học Trung Quốc thời cổ viết, những lời trong đó dùng làm khuôn phép dưới chế độ phong kiến. Kinh Thi, Kinh Dịch, 2- Sách giáo lý của một tôn giáo. Kinh Phật, Kinh thánh. Đọc qua 2 trang của quyển thượng này, tôi thấy đây là sách viết về cây trà (chữ Hán kinh có nghĩa là sách), dành cho những người trồng trà, uống trà. Về đại thể, trang 1 viết: "Trà là loại cây quý ở miền Nam. Thân nó cao một, hai thậm chí cả chục thước, ở vùng Hiệp Xuyên Ba Sơn có cây to hai người ôm, phải chặt xuống mà hái. Thân trà như thân cây hồ lô, lá như lá cây chi tử, hoa như hoa tường vi trắng, quả như quả bôn lư, gốc như gốc cây đinh hương, rễ như rễ cây hồ đào (cây hồ lô sống ở vùng Quảng Châu giống trà rất đắng chát. Bôn lư thuộc họ nhà cọ, có trái giống trái trà. Hồ đào và trà đều có rễ đâm xuống mạnh, khi gặp vật cứng mới đội đất cao lên)". Trang 2 viết: "Về tên gọi của trà thì có năm cách: 1 là Trà, 2 là Giả, 3 là Thiết, 4 là Mính, 5 là Suyễn (Chu công nói: Giả là trà đắng. Dương Hùng nói: Người ở phía Tây Nam đất Thục gọi trà là Thiết. Quách Tượng nói: Hái sớm gọi là Trà, hái muộn gọi là Mính hoặc gọi là Suyễn).
Về đất, loại trà hạng tốt là thứ mọc ở nơi sỏi đá, loại trà hạng trung là thứ mọc ở chỗ sa khoáng, loại trà hạng xoàng là thứ mọc trên đất vàng. Trồng không cẩn thận thì cây sẽ ít lá. Chăm trà kỹ như chăm dưa thì ba năm là có thể hái. Trà mọc hoang ngon hơn trà trồng trong vườn. Trà mọc nơi rừng rậm sườn núi nhiều nắng thì loại màu tía ngon hơn loại màu xanh, loại chồi ngon hơn loại búp, loại lá cuốn ngon hơn loại lá bung. Loại trà mọc trong hang vực vùng núi tối tăm thì không nên hái dùng, vì uống vào sẽ mắc chứng ngưng trệ kết tụ trong người.
Về việc dùng, trà có vị hàn nên dùng làm thức uống là tốt nhất. Người bình thường nếu khô khát, buồn phiền, nhức đầu, khô mắt, chân tay bải hoải, xương cốt không thoải mái, thì chỉ cần uống bốn năm ngụm, tất sẽ cảm thấy sảng khoái như được uống đề hồ, cam lộ. Song hái không đúng lúc, làm không kỹ để lẫn cỏ rả vào thì uống sẽ sinh (bệnh)".
Đọc thấy cũng hay hay, tôi bỗng nhớ lời Hòa thượng Thích Thanh Từ phát biểu tại Lễ Khánh thành Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (Chùa Lân) tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, ngày 14-12-2002. Theo Hòa thượng Thích Thanh Từ, Phật giáo Thiền tông Việt Nam có vị trí rất vững mạnh so với Phật giáo Thiền tông của các nước Phật giáo bạn, như Thiền tông Ấn Độ, Thiền tông Trung Hoa, Thiền tông Nhật Bản,… Cụ thể là: Thiền tông Ấn Độ: Trực chỉ, siêu lý giải. Thiền tông Trung Hoa: Trực chỉ, táo bạo. Thiền tông Nhật Bản: Trực chỉ, nghệ thuật và thông tục. Thiền tông Việt Nam: Trực chỉ, thi vị và tùy cơ. Ngài giải thích từng vấn đề. Với Thiền tông Nhật Bản, Hòa thượng Thích Thanh Từ nói: "Thiền sư Nhật Bản thích tạo Vườn thiền, Trà thiền hay Trà đạo… Vườn thiền là thu gọn thiên nhiên vào một khung cảnh nhất định, như những khối đá, gò núi, cội tùng, khóm hoa, lùm trúc, cây cầu bắt ngang dòng suối, con đường trải sỏi…, để nói lên thiên nhiên thầm lặng tịch tĩnh không lời, người đi vào vườn tâm tư yên tĩnh hòa nhịp với thiên nhiên, chính đây là Thiền. Trà đạo là những người bạn đồng tu cùng đến uống trà trong không khí yên tĩnh thầm lặng, súc bình, chế trà, dọn chung dĩa, bỏ trà vào bình, rót trà vào chung, bưng chung trà lên uống, mọi hành động đều trong thầm lặng, nhẹ nhàng, thanh thoát mà vô ngôn. Chính đây là đồng nghĩa với Thiền sư Tùng Thẩm ở Triệu Châu, Trung Hoa, mời khách “Uống trà đi”. Vườn thiền, uống trà đều là nghệ thuật. Người Nhật lại phổ thiền vào các ngành nghề, như Nhu đạo là đánh võ, Kiếm đạo là đánh kiếm, … Đây là Thiền thông tục".
Những năm gần đây, hằng năm, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM thường tổ chức ngày hội văn hóa Nhật Bản, và tôi cũng được đôi lần thưởng thức Trà đạo do chính những cô gái Nhật Bản pha chế, phục vụ. Nhiều anh bạn tò mò cũng hay rủ tôi đi uống… trà đạo. Thật lòng mà nói, với tôi, pha ấm trà Thái Nguyên ngồi tán dóc với bạn bè thấy sảng khoái hơn ngồi ở những quán trà đạo. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy tâm mình còn vọng động lắm lắm, rất cần phải học thiền. Hiện nay, Chùa Phật học Xá Lợi - TPHCM, có lớp học thiền, nhưng tôi không có thì giờ, và chắc cũng không đủ kiên nhẫn ngồi thiền dẫu tuổi tác không còn trẻ nữa.
Mon men chạm tới chữ Thiền
Qua sách vở, dù kiệm lời khen cách mấy, tôi cũng không thể không khen người Nhật. Cũng từ chữ Hán, họ biến thành chữ Nhật của riêng họ mà đơn giản hơn chữ Hán, chứ không phải như chữ Nôm của mình. Cũng từ cách chơi cây cảnh của người Trung Hoa với những thế trực, nghinh phong, phụ tử, mẫu tử…, họ biến ra lối chơi bonsai rất riêng của Nhật. Vườn cảnh, người Trung Hoa cũng có lịch sử lâu đời, nhưng qua Nhật trở thành vườn thiền riêng có của Nhật. Cũng từ cách trồng trà, hái trà, ướp trà… của người Trung Hoa, họ có lối uống trà rất riêng của họ gọi là trà đạo/ trà thiền. Mà thiền cũng từ Trung Hoa sang chứ phải của người Nhật đâu, thế mà khi họ phổ thiền vào cuộc sống đều trở thành "đạo", và đều được thế giới đón nhận, ngưỡng mộ.
Năm rồi, tôi có đi du lịch Myanmar mấy ngày, thấy chuyện học thiền, tu thiền ở đó sao mà… đơn giản thế. Phần lớn người dân Myanmar, ai cũng biết thiền. Họ hành thiền, tọa thiền, ngọa thiền... Đường phố ở những nơi tôi đặt chân đến chỉ thấy xe ô tô, họa hoằn lắm mới thấy chiếc xe máy. Vì sao? Theo mấy người dân Myanmar mà tôi tiếp xúc, thì với cung đường khoảng mươi cây số trở lại thì họ đi bộ, bởi đó cũng là cách… hành thiền! Chiều đi làm về, phần lớn ai nấy đều lo cơm nước rồi vào chùa tọa thiền, ngọa thiền. Thiền là vậy ư? Đọc láp nháp đây đó về thiền, tôi thấy cũng dễ… tẩu hỏa nhập ma, chứ chẳng chơi. Và tôi tạm dừng lại chỗ đơn giản nhất theo sự hiểu biết của mình: Thiền là sự tĩnh tâm, loại bỏ những ý nghĩ tạp nhạp, không thuần khiết. Những người sống bằng ngòi bút như chúng tôi, hoặc những người làm khoa học, những người làm nghiên cứu rất cần sự tĩnh tâm này để tập trung vào vấn đề, đề tài nào đó. Khi tâm an thì trí sáng. Trí sáng thì sẽ giải quyết được những vấn đề đặt ra tưởng chừng nan giải. Phải chăng đó cũng là thiền?
Những ngày đọc tư liệu để thực hiện kịch bản bộ phim tài liệu Phật giáo Việt Nam, những nẻo đường hoằng hóa, tôi thấy trong một bài giảng về Thiền của Hòa thượng Thích Thanh Từ, ngài nói Thiền là tự thắc mắc một vấn đề quan trọng, tìm tòi theo dõi luôn đến khi sáng được vấn đề đó mới thôi. Và ngài khẳng định "chủ yếu của thiền là phát minh, cũng gọi là giác ngộ". Đọc đến đó, tôi khấp khởi mừng vì lâu nay mình cũng chạy quanh được cái rìa của thiền. Chuyện trái táo rơi giúp Isaac Newton (1642-1727) tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn; Archimède (287 TCN) trong khi tắm phát hiện ra lực đẩy của nước từ đó có định luật mang tên mình… là nhờ họ dồn hết tâm lực vào một vấn đề, đến khi chín mùi bỗng dưng phát sáng. Hòa thượng Thích Thanh Từ cho rằng: "Người tu thiền cũng thế, khi nhận thấy một vấn đề quan trọng mà không giải quyết được, chú tâm nghiền ngẫm mãi đến một phút giây nào đó liền phát ngộ. Sự ngộ này là thực tế khoa học, chớ không phải tưởng tượng huyền bí". Rất chi là thú vị! Qua bài Trà kinh được dẫn ở trên, tôi thích lối "Thiền thông tục" của người Nhật, bởi chẳng có gì xa lạ với cuộc sống thường ngày của con người cả. Tu thiền mới khó chứ học thiền (nói như tôi là chạy ngoài rìa) để áp dụng vào công việc của mình, thì luôn gặt được những niềm vui và thường có kết quả không tồi. Nói như Thiền sư Đạo Giai (1043-1118): Châu trung hữu hỏa quân tu tín/ Hưu hướng thiên biên vấn thái dương (Trong châu có lửa anh tin lấy/ Thôi đến bên trời hỏi thái dương), hoặc như Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông (1258-1308): Gia trung hữu bảo hưu tầm mích/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền (Trong nhà có báu, thôi tìm kiếm/ Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền), thì tôi cố gắng "chạy ngoài rìa" trong việc học thiền là đã vui lắm rồi, chứ không dám mơ tới chuyện tu thiền, bởi cõi Ta bà đầy quyến rũ này… “vui quá”!Chính Hòa thượng Thích Thanh Từ giảng thiền dễ hiểu như thế (đối với tôi), mà ngài còn khẳng định: "Nói đến tu thiền là phải quyết tâm, gan dạ và bền bỉ, có dám chết mới được sống. Thiền đào tạo những con người hùng dũng, phát minh và sáng tạo, chính là cốt lõi của đạo Giác Ngộ Giải Thoát", thì cỡ lèng phèng như tôi gắng mong tiếp tục "chạy ngoài rìa" thôi.
Tin tức khác
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
- TỪ QUANG Tập 13 - tháng 8 năm 2015 (P.L.2559) SỐ ĐẶC BIỆT VỀ ĐẠI LỄ VU LAN
- TỪ QUANG Tập 11 Xuân Ất Mùi - Tháng 1 Năm 2015 (PL. 2558)
- TỪ QUANG Tập 12 - Tháng 04 năm 2015 (P.L.2559)
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX - Tập II
Bình luận bài viết