Thông tin

TƯ TƯỞNG, CHỦ TRƯƠNG CỦA HÒA THƯỢNG KHÁNH HÒA

TRONG PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO

 

PGS.TS. TRẦN HỒNG LIÊN*

 

Trong suốt cuộc đời hành đạo của mình, Hòa thượng Khánh Hòa luôn ghi khắc trong tâm điều cốt tủy, tinh yếu của một người tu sĩ, đó là việc cần thiết trang bị nội lực cho chính bản thân mình.

Đầu thế kỷ XX là giai đoạn có nhiều biến động trong lịch sử Việt Nam. Đó là giai đoạn mở đầu cho phong trào chấn hưng Phật giáo, mà cũng là giai đoạn manh nha của sự hình thành một đảng phái chính trị, lãnh đạo toàn dân đấu tranh chống áp bức phong kiến và ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, ở thời điểm mà thế giới, đặc biệt là tại các nước châu Á, phong trào chấn hưng Phật giáo đang bùng phát mạnh mẽ, từ Ấn Độ đến Trung Quốc. Phật giáo Việt Nam đã tiếp thu và hưởng ứng từ những luồng gió mới chấn hưng này.

Bối cảnh chính trị - xã hội Nam kỳ đầu thế kỷ XX

Đây cũng là lúc tình hình chính trị - xã hội Việt Nam đang xảy ra nhiều sự kiện lớn. Sự tái chiếm đóng trực tiếp của Pháp tại Nam kỳ, sau khi chúng nổ phát súng xâm lược đầu tiên tại Đà Nẵng vào năm 1858, và từng bước, Phật giáo ngày càng mất đi vai trò quan trọng trong xã hội. Tình trạng suy thoái toàn diện của Phật giáo ở Nam kỳ kéo dài đến đầu những năm 20 của thế kỷ XX. Đó cũng là giai đoạn manh nha trong bản thân Phật giáo, trong tâm tư các tăng sĩ hết lòng vì đạo pháp và dân tộc những đòi hỏi bức bách phải đi đến sự thay đổi, phải bắt tay xây dựng lại một nền Phật giáo mới, mang màu sắc dân tộc, và điều đó trước hết đã tạo tiền đề cho công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ, nơi phát xuất phong trào đầu tiên trong cả nước.

Tuy nhiên, cần thấy rằng chính sự suy yếu của Phật giáo lúc bấy giờ, thể hiện qua sự suy giảm uy tín và ảnh hưởng của Phật giáo đối với dân chúng những năm đầu thế kỷ XX và của giới tăng sĩ, do một số đông không còn chuyên tâm tu hành đúng chánh pháp, chỉ lo ứng phú đạo tràng để kiếm lợi, là nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp thúc đẩy sự hình thành phong trào chấn hưng Phật giáo. Hòa thượng Khánh Hòa đã nhận xét: Phật pháp suy đồi, tăng đồ thất học và không đoàn kết, cho nên muốn chấn hưng Phật giáo phải thực hành 3 việc: chỉnh đốn tăng già; kiến lập Phật học đường và diễn dịch, xuất bản kinh sách Việt ngữ1.

Những tư tưởng, chủ trương của Hòa thượng Khánh Hòa

Để có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa và giá trị cống hiến của người đứng đầu, khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, cần thiết tìm hiểu thêm về tư tưởng và chủ trương của Hòa thượng Khánh Hòa.

Cần nhận thức rằng, đứng trước tình cảnh suy yếu của Phật giáo, thể hiện qua sự suy thoái về đạo hạnh của tăng đồ, qua tình trạng tu học của tăng ni còn biệt lập, thưa thớt và riêng lẻ trong từng ngôi chùa, thì chính những vị cao tăng đạo hạnh là những người trăn trở, xót xa cho vấn đề này nhiều nhất! Như vậy, cần thiết phải làm gì trước tình trạng đó, chính là câu hỏi lớn nhất, là chìa khóa để khai mở ra dần các nội dung chủ yếu phải thực hiện, ngõ hầu làm thay đổi từng bước, tiến dần đến sự chấn chỉnh toàn diện và có kế hoạch cụ thể cho phong trào.

Với tư cách là một nhà sư, ngài Khánh Hòa đã cùng các chư sơn thiền đức ngồi lại để trao đổi cặn kẽ, nhằm thực hiện một cách có hiệu quả những mục tiêu cơ bản nhất đã đề ra. Như vậy, các vị cao tăng thạc đức, dưới sự chủ trì của Hòa thượng Khánh Hòa, trước hết đã vận dụng có hiệu quả tinh thần của 3 cuộc cách mạng tại các nước châu Á, tức là tiến hành đồng thời cuộc cách mạng về giáo lý, giáo chế và giáo sản. Từ ba mục tiêu cơ bản này, các vị Hòa thượng đã cụ thể hóa thành những nội dung chủ yếu. Đó chính là việc phải chỉnh đốn tăng già; kiến lập Phật học đường và diễn dịch, xuất bản kinh sách ra Việt ngữ.

Như vậy, để có thể thực hiện được toàn bộ những kế hoạch đã đề ra, các vị hòa thượng hết lòng vì đạo pháp, mà đặc biệt là nhà sư Khánh Hòa, đã tiến hành các mục tiêu trên theo một đường lối như thế nào?

Tinh thần bất bạo động

Trước hết, vốn là một tu sĩ, dựa vào những yếu tính căn bản của Phật giáo là từ bi và trí tuệ, Hòa thượng Khánh Hòa đã chủ trương phát triển phong trào trên tinh thần bất bạo động. Bất bạo động không có nghĩa là ngồi yên một chỗ, mà chính là ứng xử bằng thái độ, bằng hành động không dùng bạo lực, không sử dụng vũ khí để đấu tranh. Tư tưởng yêu chuộng hòa bình, hết lòng phụng sự cho đạo pháp và dân tộc đã thấm nhuần trong hòa thượng, một vị cao tăng đã “xã thân cầu đạo” kể từ những ngày còn rất trẻ. Đến đầu thế kỷ XX, trong thời điểm bắt đầu nổ ra phong trào chấn hưng Phật giáo cả nước, ngài Khánh Hòa đã gần 50 tuổi. Với tuổi đời đã khá cao, và là một tu sĩ, ngài không thể hy sinh thân mình ra chiến đấu chống ngoại xâm như những tăng sĩ, tín đồ trẻ khác được.

Tinh thần vô úy

Tuy vậy, Hòa thượng Khánh Hòa vẫn có thể tiến hành một phương cách nhẹ nhàng, mềm mỏng trong việc thể hiện tâm tư, tình cảm và hành động của mình cho đạo pháp, cho dân tộc. Sự hy sinh, quên mình cho đạo pháp, là hành động vô úy, không sợ hãi, không màng đến bản thân mình. Chính ở đây, giáo pháp Phật giáo đã được hiển lộ, bộc bạch thông qua hành động. Đó cũng là một hành động bao trùm các pháp, thể hiện sự thấm nhuần giáo lý vi diệu của Đức Phật, qua hành động quên mình để vì mọi người, thể hiện rốt ráo tinh thần vô ngã, vị tha. Chính từ tư tưởng và hành động ấy, sức sống và ngọn lửa tranh đấu của phong trào chấn hưng Phật giáoViệt Nam đầu thế kỷ XX, tuy không mang tính bạo lực, nhưng sâu lắng, thâm trầm, mà lại có sức lan tỏa rộng lớn.

Từ phong trào chỉ phát triển trong một khu vực Nam kỳ, đã nhanh chóng lan rộng ra cả Trung và Bắc Kỳ trong một thời gian ngắn. Sức lan tỏa ấy có được, chính từ sự xuất hiện của các tổ chức Hội. Đây là sự thể hiện của cuộc cách mạng về giáo chế. Với thiết chế của tổ chức, những người khởi xướng phong trào có điều kiện tập họp đông đảo tăng ni, Phật tử tham gia, để có điều kiện phổ truyền các nội dung hoạt động của phong trào. Nam kỳ Nghiên cứu Phật học (NKNCPH) hội là tổ chức Hội đầu tiên (1931) của phong trào chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX. Bằng trí tuệ siêu việt của mình, ngài Khánh Hòa và các tăng sĩ đương thời đã “tương kế, tựu kế”, để hình thành Hội NKNCPH. Chính quyền Pháp, tất nhiên không thể tạo điều kiện cho những cuộc hội họp đông đảo, vì điều này sẽ có nguy cơ đưa đến các cuộc bàn bạc, trao đổi để lật đổ “mẫu quốc Pháp”. Tuy nhiên, ở một mặt khác, chính quyền Pháp, với tư cách là “những người đi khai hóa”, họ đã cho rằng đến xứ Đông Dương để giúp cho những người tại đây có cơ hội thể hiện “quyền dân chủ” của mình, trong đó có quyền tự do hoạt động, hình thành các tổ chức, nên chính quyền Pháp buộc phải cấp phép hoạt động cho nhiều tổ chức hội, nhưng phải dưới sự giám sát của Pháp. Chính từ sự vận dụng linh hoạt tính chất hai mặt này của chính quyền Pháp, mà Hội NKNCPH đã ra đời vào năm 1931, có Chánh Hội trưởng Danh dự của Hội là người Pháp, ông J.Krautheimer, và đã mang tên gọi là Hội Nghiên cứu Phật học và Bảo tồn Phật giáo tại Việt Nam (Association pour l’étude et la conservation du Bouddhisme en Cochinchine).

Cần thấy rằng, trụ sở của Hội đã được đặt tại chùa Linh Sơn, quận 1, Sài Gòn lúc bấy giờ, vì đây là trung tâm quan trọng về kinh tế và văn hóa của Nam kỳ, nên có nhiều thuận lợi trong việc đi lại; đặt quan hệ với các chùa; trong việc in ấn kinh sách, dịch kinh sách ra chữ quốc ngữ; thuyết giảng tại các chùa và phát hành báo, tạp chí…tuyên truyền cho phong trào. Vì vậy, tạp chí Từ bi âm đã có dịp ra mắt bạn đọc vào năm 1932, một năm sau sự xuất hiện của Hội NKNCPH.

Thái độ ôn hòa, tránh tranh luận, tránh bút chiến

Vận dụng tư tưởng bất bạo động, có thái độ ôn hòa trong việc thực hiện nội dụng họat động của phong trào đã được thấy rõ qua tạp chí Từ bi âm. Khi đưa ra giáo lý cơ bản và đường lối tu tập theo pháp môn Tịnh Độ, với cái nhìn trung đạo, Hòa thượng Khánh Hòa cũng đã phân tích, lý giải, làm sáng tỏ giáo lý Phật đà để tránh cho độc giả không sa vào mê tín dị đoan. Trong đường hướng nhắm vào mục tiêu phổ hóa chánh pháp và kêu gọi lòng từ bi, hướng thiện thông qua các hoạt động xã hội, Hòa thượng đã cố gắng giữ gìn thái độ ôn hòa, tránh mọi tình trạng bút chiến, tranh luận vì tinh thần được mất, hơn thua… mà cần thiết đưa tư tưởng hòa bình, sử dụng có hiệu quả tinh thần tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả của Phật giáo. Bởi vì lúc bấy giờ, không ít kẻ vụ lợi đã mượn diễn đàn báo chí để bỉ thử, thị phi lăng nhục nhau. Một vị ni tên Diệu Tu, đã phản ánh tình hình này trên tờ Từ bi âm số 110, ra ngày 15-7-1936, cho thấy tình cảnh bút chiến, tranh luận vì lý do cá nhân như sau; “dè đâu các ngài không lo đạo mà lo trả thù riêng, mượn tạp chí để rao lời hủy báng, nay thấy kẻ hội này chê bai người hội khác, mai thấy người viết báo nọ mắng nhiếc kẻ viết báo kia, nào tiếng thị phi, nào lời bỉ thử, nào câu lăng nhục, nào chuyện oán cừu, hô hào inh ỏi không khác gì giữa chốn thị trường, làm cho chư phương độc giả nghe phải điếc tai, thấy phải gai mũi, mà đành đoạn một nỗi ôm buồn”2.

Trong suốt cuộc đời hành đạo của mình, Hòa thượng Khánh Hòa luôn ghi khắc trong tâm điều cốt tủy, tinh yếu của một người tu sĩ, đó là việc cần thiết trang bị nội lực cho chính bản thân mình. Tuy nhiên, trên bước đường hành đạo đầy cam go, thử thách, Hòa thượng cũng luôn tâm niệm rằng bên cạnh nỗ lực của cá nhân, cũng cần thiết phải có tín tâm đối với chư Phật, chư Bồ tát… để nhận được tha lực từ các ngài. Điều này sẽ giúp cho hành giả an tâm, tự tại hơn trong việc hành đạo.

Tiếp nhận từ cả hai phía, tự lực của bản thân và cả tha lực tức Phật lực, Hòa thượng Khánh Hòa đã an nhiên trên con đường hành đạo, không quá bị vướng bận vào những nhận xét, đánh giá như thế nào về cá nhân mình. Nếu cho rằng, trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ, ngồi yên tụng kinh gõ mõ đâu có đánh đuổi được giặc ngoại xâm. Như vậy, không đi ra chiến trường, không cởi áo cà sa khoác chiến bào là không yêu nước sao? Là người sớm đã có ý thức rất rõ ràng về tình hình, bối cảnh của Phật pháp, của đất nước, nếu không sao Hòa thượng có thể đứng lên kêu gọi, dấy động phong trào của cuộc chấn hưng? Nếu không yêu nước, thương dân thì sao Hòa thượng có thể dâng hiến chiếc đại hồng chung, vốn là bảo vật của từng ngôi chùa, để đúc vũ khí, súng đạn chống Pháp? Hòa thượng cũng đã kêu gọi, vận động cho 47 tăng sĩ lên đường, ra biên cương chống giặc. Như vậy, Hòa thượng đã hết lòng vì đạo pháp và cho dân tộc theo phong cách của một nhà sư.

Kết luận

Tìm hiểu tư tưởng của Hòa thượng Khánh Hòa, được thể hiện qua đường lối, chủ trương thực hiện đồng thời 3 cuộc cách mạng về giáo lý, giáo chế và giáo sản, đã cho thấy được lòng yêu nước, thương dân, tinh thần “vì đạo pháp và dân tộc” của Hòa thượng theo phong cách một nhà sư. Hòa thượng cũng chính là người đã đặt viên đá đầu tiên cho lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam qua nguyệt san Pháp âm vào năm 1929. Hòa thượng đã phát huy nội lực, nhẫn nại hy sinh cho Phật pháp, vận động sự đồng tình ủng hộ của nho sĩ, trí thức và toàn thể tăng ni, tín đồ để tiến hành công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam theo tư tưởng bất bạo động, chủ trương ôn hòa, tránh bút chiến và tranh luận.

Hòa thượng đã thể hiện cả tâm lực và trí lực của mình để góp phần tạo nên một lực lượng tăng ni trẻ, có kiến thức về đạo và đời để có thể tiến hành việc phổ hóa và phổ tế cho Giáo hội đương thời và cả về sau này.

Là người có công đầu trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, Hòa thượng Khánh Hòa đã thể hiện, kế thừa và phát triển truyền thống Phật giáo đồng hành cùng dân tộc qua mọi thời đại.

Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX, là bài học quý báu cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay trong việc phát triển và xiển dương Phật pháp, giúp cho chánh pháp được trường tồn miên viễn.

 


* Phó Giám đốc TTNCPGVN-Viện NCPH Việt Nam-TP.HCM.

1. Chùa Phước Hậu (1968) Tháp Đa Bảo và tiểu sử 5 vị tổ. Chùa Phước Hậu, Trà Ôn, Vĩnh Long ấn hành, tr.28.

2. Nguyễn Đại Đồng – Nguyễn Thị Minh (2010) Phong trào chấn hưng Phật giáo, NXB Tôn giáo, tr. 182.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 21
    • Số lượt truy cập : 6061200