Thông tin

TƯ TƯỞNG CỦA HẢI HÒA (NGUYỄN ĐĂNG SỞ) TRONG TÁC PHẨM TRÚC LÂM TÔNG CHỈ NGUYÊN THANH

TƯ TƯỞNG CỦA HẢI HÒA (NGUYỄN ĐĂNG SỞ)

TRONG TÁC PHẨM TRÚC LÂM TÔNG CHỈ NGUYÊN THANH

 

HOÀNG THỊ THƠ

 

     

1. Nguyễn Đăng Sở và tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh

1.1. Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở (1754 - 1840) sinh ở làng Hương Triện, Gia Bình, Bắc Ninh, trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, pháp danh là Hải Hòa, tên hiệu là Kiên Trai1. Cụ được hưởng truyền thống giáo dục của dòng tộc từ nhỏ và sớm thành danh, sớm tham gia quan trường. Cuộc đời và danh tiếng của cụ gắn liền với sự thịnh suy của ba triều đại (Lê, Tây Sơn và Nguyễn2) nên sớm trải nghiệm “vô thường” của thế sự để có cái nhìn biện chứng. Đó là: 23 tuổi (1777) đỗ Hương cống; 33 tuổi (1787) đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ khoa thi Đinh Mùi niên hiệu Lê Chiêu Thống3 và cụ được bổ chức Hiệu lý học sĩ ở Viện Hàn lâm, tước Hương Lĩnh bá; 36 tuổi (1790) giữ chức Quốc Tử Giám tư nghiệp và được ban tước Hòa Nghĩa hầu; 48 tuổi (1802) ra giúp vua Quang Trung (1753 – 1792) triều Tây Sơn (1778- 1802), được bổ nhiệm Tả Thị lang bộ Lại và còn làm Phó sứ trong Sứ Bộ cuối cùng của nhà Tây Sơn đi sứ nhà Thanh (theo Đại Nam thực lục)4. Khi Ngô Thì Nhậm mở Trúc Lâm Thiền viện (1798) tại phường Bích Câu, gần Văn miếu Hà Nội hiện nay, cụ đã tham gia với pháp danh Hải Hòa, cùng Ngô Thì Nhậm và một số học giả khác đồng sáng tác cuốn Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh5 (TLTCNT); Nhà Tây Sơn mất, nhà Nguyễn (1802-1945) lên thay, cụ lui về quê ở ẩn, rồi cáo quan xin nghỉ hưu (73 tuổi) nhưng vẫn mở trường Gia Hương (1827) dạy học, và thường thăm các chùa ở Chí Linh, Thanh Hà, Thanh Lâm thuộc Hải Dương6; Cụ mất vào giờ Tuất ngày Rằm tháng Năm năm Canh Tí, niên hiệu Minh Mệnh thứ 21 (1840) tại quê nhà, thọ 87 tuổi7.

1.2. Tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh là một tác phẩm độc đáo trong toàn bộ trước tác tư tưởng Việt Nam nói chung và trước tác của các Nho gia hay Phật gia thế kỷ XVIII nói riêng. Tác phẩm là sự kết hợp tam giáo (Nho, Phật và Đạo) cả về nội dung và hình thức lẫn phương pháp, với mục đích rõ ràng là nhằm giải thích, bảo vệ, chấn hưng Thiền Phật giáo Trúc Lâm, thông qua việc khẳng định và phát huy tinh thần nhập thế, yêu nước của Tam tổ Trúc Lâm. TLTCNT là sự phản ánh những đúc kết giá trị tư tưởng Tam giáo của những trí thức đang hướng về phục hưng Thiền Phật giáo ở Đại Việt thế kỷ XVIII.

+ Về hình thức văn bản, TLTCNT do 6 người, đều là đại trí thức có tước vị, cùng tham gia viết các phần khác nhau:  Hải Lượng Thiền sư - tức là Ngô Thì Nhậm viết Chính văn, là tác giả chính8;  Hòa thượng Hải Âu - tức Vũ Trinh, cháu rể thi hào Nguyễn Du và  Hải Hòa - tức Nguyễn Đăng Sở cùng viết Thanh chú;  Hải Huyền tức Ngô Thì Hoành, em ruột của Ngô Thì Nhậm viết Thanh dẫn;  Bạch Túc Hải Điền Nguyễn Đàm Tử (còn gọi Nguyễn Hữu Đàm) hay Nguyễn Hành, tức cháu ruột thi hào Nguyễn Du, con trai thứ của Nguyễn Điều, viết Thanh tiểu khấu;  Phan Huy Ích viết Lời tựa.

+ Về tên gọi: Tác phẩm này có 6 tên gọi: Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh Đại Chân Viên Giác Thanh, Nhị Thập Tứ Thanh, hay Thái Chân Viên Giác Thanh9, hay gọi tắt là Kinh Viên Giác10. Phan Huy Ích còn gọi tác phẩm này bằng hai tên khác: Bộ sách “Hai mươi bốn thanh” hay Thuyết Tân Thanh11.

Chữ Thanh này đã được định nghĩa rõ ràng: “... chính là cái thanh âm đứng đầu để phù trì Đạo lớn12”. Cuối tác phẩm này có một bản đồ Hai Mươi Bốn Thanh Phối Khí Ứng Sơn, nhằm “thể hiện 24 tên mới đặt cho Bồ tát Quan Âm, mỗi tên ứng với mỗi thanh”13. Vậy, ở đây Thanh hàm ý như một phạm trù căn bản tích hợp được cả Nho và Phật. Đây cũng là một minh họa thú vị về mối liên hệ tư tưởng Nho - Phật ở Việt Nam thế kỷ XVIII.

+ Về kết cấu, căn cứ theo các nguồn văn bản14 thì TLTCNT có thể chia thành 4 phần: 1- Lời tựa; 2- Nội dung chính là Đại Chân Viên Giác Thanh nói về 24 thanh, mỗi thanh lại chia làm 3 phần: thanh dẫn, chính văn, thanh chú; 3- Đại Chân Viên Giác Thanh Tiểu Khấu như một Phụ lục tóm lược lại những tư tưởng chính của từng thanh; 4- Phần Tam Tổ Hành Trạng lược truyện ba vị tổ của Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Đến nay, cấu trúc 4 phần này của TLTCNT vẫn được thừa nhận.

+ Về mục đích: Phan Huy Ích trong Lời tựa đã nêu rõ mục đích là muốn “phù trì Đạo lớn” qua việc làm rõ mối quan hệ giữa Nho và Phật là “Cái thể thì đồng, nhưng cái dụng thì dị. Đồng là gốc mà dị là ngọn”, nhằm khắc phục tình trạng “đả kích nhà Phật, đến nỗi Nho và Phật đối lập nhau... trở thành chia rẽ môn đình...”15 thời đó.

+Về Phương pháp: Tác phẩm chủ yếu dùng phương pháp so sánh, đối chiếu và thông diễn Phật qua Nho, Đạo: “... đem hết những chỗ u huyền của nhà Phật,... mở toang những gì là tinh vi uẩn áo,... để tỏ rõ rừng Thiền” và để “tám bộ Phạn vương (Phật) không ra ngoài cung tường của Tố vương (Khổng Tử)”16. Thực chất, đó là sự tích hợp Nho, Phật và Đạo vì lúc đó cả Nho và Phật đều đã khẳng định được vị trí quan trọng trong nhận thức về chính trị, đạo đức, tôn giáo của người Việt. Các tác giả cùng viết tác phẩm này đều là Nho gia và Phật gia và đều thấy được sự “giống nhau về nguyên tắc, và chỉ khác nhau về cách thức ứng phó”17 giữa hai giáo, mà Phan Huy Ích gọi đó là “khu Thích dĩ nhập Nho”, còn Ngô Thì Nhậm thì khẳng định nguyên lý chung là “... đến chỗ cực kỳ tinh vi thiết yếu, thì chẳng có gì vượt ra ngoài Đạo lớn kia được18”. Tuy nhiên, để thực hiện được sự kết hợp này các học giả và Nguyễn Đăng Sở phải đạt tới chỗ cốt yếu của cả hai đạo. Ở đây, để làm rõ hơn tư tưởng của Nguyễn Đăng Sở, bài viết này sẽ tập trung vào phần Thanh chú do Hải Hòa viết.

 

 

2. Tư tưởng cơ bản của TLTCNT và tư tưởng của Hải Hòa trong Thanh chú

2.1. Tư tưởng cơ bản của TLTCNT: Nhìn tổng thể, TLTCNT được triển khai tựa như một tác phẩm tổng hợp cả triết học - đạo đức - chính trị - tôn giáo gồm 24 thanh. Có thể tạm chia nội dung của tác phẩm thành 4 phần:

Phần thứ nhất bàn về những vấn đề triết học cơ bản có tính nền tảng cho toàn tác phẩm (bản thể luận, nhận thức luận), gồm 5 chương đầu: 1. Không Thanh lập luận về bản thể Tính Không; 2. Ngộ thanh bàn về biện chứng Trung đạo của mọi thái cực của tồn tại và phát triển; 3. Ẩn thanh phân tích Tính Không là khởi nguồn và trở về của tất cả nhưng vô hình vô tướng; 4. Phát tưởng thanh nêu nguồn gốc nhận thức và phân loại nhận thức; 5. Kiến thanh phân tích khả năng nhận thức chân lý tối hậu.

Phần thứ hai vận dụng quan điểm triết học trên vào những vấn đề lý luận triết học - tôn giáo, đạo đức mà trí thức Đại Việt quan tâm từ góc độ Nho, Phật, Lão thể hiện qua 2 chương: 6. Hoán thanh kêu gọi sự thức tỉnh để biết khổ và thoát khổ; 7. Thoát thanh mở ra con đường cho sự phát triển mới.

Phần thứ ba là ứng dụng lý luận vào nhiều chủ đề đa dạng như: quan hệ tam giáo, đạo đức (phân loại Bồ tát và thánh nhân; quan hệ đức - tài), chính trị (trị quốc - trì quốc), tôn giáo (xuất gia và giải thoát; sinh - tử và giải thoát), văn hóa (định kiến; bình đẳng văn hóa) qua 13 chương19.

Phần thứ tư một lần nữa hệ thống lại những tư tưởng triết học cơ bản của TLTCNT và khẳng định mục đích “phù trì Đạo lớn” của Phật giáo Thiền Trúc Lâm qua 4 chương cuối: 21. Tàng thanh; 22. Hưởng thanh; 23. Lưu động thanh; 24. Dư thanh với các chủ đề: Vô ngôn, vô tướng, vô thanh và Đạo; Phật, Nho, Đạo và biện chứng cuộc sống; Biện chứng phổ quát của nhân - quả; Suy tôn Trúc Lâm Tam Tổ.

2.1. Tư tưởng cơ bản của Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở (Hải Hòa) qua các “Thanh chú” chủ yếu minh họa thêm cho phần Chính văn, song nhiều chỗ phát triển rộng thêm một số ý mới khá độc đáo, và có thể chia thành 4 nhóm vấn đề: Về tam giáo, Về giáo lý Phật giáo, Về bình đẳng văn hóa, Ca tụng Đức Phật và Tam Tổ, Về chấn hưng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

+ Về tam giáo: Nhất quán mới mục đích của TLTCNT, cụ luôn bám sát tư tưởng “Đạo chỉ có một mà thôi” như nguyên tắc chung để triển khai “Chỗ huyền diệu của Nho tức là Thiền, chỗ tác dụng của Thiền tức là Nho” hoặc để “... tìm cái gọi là Đạo, thì [Nho và Phật] có thể nhất quán được”20. Trên cơ sở đó cụ luôn đối chiếu có sàng lọc song trên tinh thần kế thừa cả Nho, Phật và Đạo: “Gạt bỏ văn từ kỹ xảo [Nho] và giới hạnh tầm thường [Phật] mà tìm cái gọi là Đạo” để thấy được “[Nho và Phật] có thể nhất quán được”21. Chẳng hạn, cụ đã lấy kiến thức uyên thâm về Dịch và Âm Dương Ngũ Hành để luận về sự bền vững của Phật giáo: “... Phật sinh ở phương Tây thuộc KIM, CANH TÂN, được cái chính khí của KIM… Gọi là “bảo kiếm kim cương bất sinh bất diệt” chỉ có kim cương là không vỡ nát…”23. Hay cụ dùng thuyết Âm - Dương tương ứng để giải thích quy luật nhân - quả, phúc - họa của Phật giáo rất thú vị: “Dương thì cứng khỏe, Âm thì chứa ẩn. Cứng khỏe là cái thể, chứa ẩn là cái dụng,... Hỏa (lửa) bắt gốc từ âm mà tác dụng ở dương, cho nên ngoài sáng trong tối... người kia làm được một việc thiện thì khoe... lại muốn được trời báo trả, như thế gọi là có “dương đức”. Mà có dương đức thì có “âm phạt” như thế gọi là không biết dụng âm. Thủy (nước) bắt gốc ở dương mà tác dụng ở âm, cho nên ngoài thì tối mà trong thì sáng... cũng như người kia suốt đời làm việc thiện... không muốn được trời báo trả, như thế gọi là có “âm đức”. Mà có âm đức thì tất có “dương báo”, như thế gọi là biết dụng âm24”. Cụ còn dùng cặp nghĩa “Dụng” - “Vô dụng” của Lão Trang để phân tích tại sao Phật giáo bền vững: “… vô dụng, đó là dấu mình ở chỗ kín vậy. Thuật có ẩn (kín) mới tinh, pháp có ẩn mới linh… cái vô dụng được sống lâu hay sao… Phật sinh ở phương Tây không những là vì bẩm thụ được cái cứng rắn của hành kim, mà cũng vì dấu mình ở trong cái vô dụng nên không gì hủy hoại được25”. 

Sang chủ đề đạo đức, cụ đã phân tích Nghĩa - Lợi, Vị kỷ - Vị nhân của Nho gia và Phật gia trong đánh giá nhân phẩm và làm rõ mối quan hệ chung riêng của chúng ở hai đạo: “Lấy nghĩa mà nói thì VỊ KỶ là quân tử, mà VỊ NHÂN lại là tiểu nhân; Lấy lợi mà nói thì VỊ NHÂN là quân tử mà VỊ KỶ lại là tiểu nhân… Muốn công tư cho rạch ròi, ... thì phải cân nhắc chữ NGHĨA và LỢI, nhưng muốn phân biệt NGHĨA và LỢI, thì lại phải ngược lên cho đến cái Tâm cái Tính của mình. Vì vậy cho nên nhà Nho nói phải chính tâm, phải thành tính, nhà Phật nói phải minh tâm, phải kiến tính, đều là cái người ta gọi là “đạo người quân tử rộng khắp mà kín đáo26”. 

Cụ đã truy nguyên chữ “Thiện” của Nho gia để cắt nghĩa lại chữ “Thiền” của Phật gia khá độc đáo: “Chữ “Thiện” nghĩa đúng của nó là lần lượt truyền thụ. Ngày nay vì nối nghiệp tổ sư thì gọi là (thiện sàng, thiện tọa)… Có biết đâu... không phải là truyền thụ cái ngôi vua, mà là truyền thụ cái tâm. ... Ngày nay các tăng chúng chỉ biết “tĩnh tọa, tức tâm” gọi là thiền định, bàn giảng chữ THIỀN ĐỊNH là “an định”, như thế là sai hẳn cái nghĩa chữ THIỀN (thiện)... THIỀN ĐỊNH là truyền thụ cho nhau cái tâm tĩnh định27”.  Ở chương Định thanh, cụ cắt nghĩa chữ “gia” trong chữ “xuất gia” của Nho và Phật tuy khác nghĩa nhưng lại cùng về một chỗ, từ đó đánh giá cao việc Trần Nhân Tông lên Yên Tử dựng chùa như một chiến lược chính trị quân sự, tuy chưa tường minh nhưng rất thú vị: “Lấy vô số chúng sinh làm nhà, đó là cái nghĩa thiên hạ nhất gia vậy. ... Nếu cho rằng có xuất gia mới thành Phật thì Bồ tát xuất gia sao có trăm nghìn vạn ức quyến thuộc đi theo?... Người ta thấy Điều Ngự đệ nhất tổ đến ở chùa Hoa Yên thì bảo là [ngài] xuất gia. Ta biết rằng đức ngài lúc bấy giờ biết xem thiên hạ là công, trong nước vô sự, nhưng ở phía Bắc vẫn có nước láng giềng mạnh mẽ, chưa được an tâm... Cho nên nhằm được ngọn núi Yên Tử là núi cao nhất, phía Đông nhìn về Yên Quảng, phía Bắc liếc sang hai tỉnh Lạng, dựng lên ngôi chùa,... để xem động tĩnh, cốt để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm, thật là một vị Vô Lượng Lực Đại Thế Chí Bồ tát28”.

Cụ thấy rõ điểm chung “Đạo lớn phù trì” của Tam giáo và phân tích một cách thuyết phục, độc đáo ý nghĩa siêu vượt của đạo TRÌ QUỐC theo tinh thần đề cao Phật giáo nhập thế: “Tam giáo một nguồn: cái yếu lĩnh của đạo TRÌ QUỐC là lấy cái vô vi làm gốc. Lấy vô vi làm gốc thì cần gì phải TRỊ QUỐC... Các vị tổ sáng lập ra tam giáo, sinh ra đồng thời, đều muốn kéo trở lại cái  phong khí... mà chỉ có Thích Ca hành đạo ở Tây phương thu được kết quả... Khốn một nỗi là người hâm mộ thì nhiều mà người biết thì ít, người giác ngộ lại càng ít, mà người thực hành thì tuyệt nhiên không có... cho nên cái chất thuần phác mất đi, muốn TRÌ mà không được đó sao?”29

+ Về giáo lý Phật giáo: Cụ thể hiện tầm tri thức vững vàng về biện chứng Trung đạo Tính Không khi phân tích cặp phạm trù CÓ - KHÔNG cơ bản nhất của Thiền Phật giáo, đặc biệt khi vận dụng một cách say sưa, sáng tạo vào những vấn đề mà người Việt thời đó đang quan tâm như: khổ - giải thoát, sinh - diệt, lý - dục, xuất gia - tại gia, dụng - vô dụng, v.v.

Trong chương Ẩn thanh cụ đã bàn về biện chứng phổ quát hữu - vô, sinh - diệt trên cơ sở kết hợp tri thức uyên thâm cả tam giáo: “... giáo lý bắt gốc từ hư vô, thì sinh đâu có phải là nhất thiết đi theo [hình khí]. Khi mà công hành đã trọn vẹn, thì tiếc gì mà không diệt, nhưng diệt mà vẫn chân như, tuy không còn biến hóa nữa mà cái thần vẫn còn ở khắp nơi, thế thì diệt đâu phải là không còn có gì... Phật nói bất sinh bất diệt là nói về cái thể của Đạo. Cũng như nói: “Khi thánh nhân chưa sinh thì Đạo ở trong trời đất, khi thánh nhân đã sinh thì Đạo ở trong thánh nhân, khi thánh nhân đã mất thì Đạo ở trong Lục kinh. Đạo không hề có thêm bớt, đó là ý nghĩa của chữ “bất sinh bất diệt”... Nguồn Đạo sinh ra không cùng...”30

Cụ phân tích quan điểm của Phật giáo về Khổ và Địa ngục là ở tại Tâm một cách bình dị, gần gũi với người Việt: “Kẻ nào triền miên ân ái thì mãi mãi không tìm ra đường giải thoát; kẻ nào đắm đuối danh lợi thì đau đớn quằn quại trong vòng nước sôi lửa bỏng, ăn nằm trong cảnh phiền não lo âu, vô hình chung sa xuống địa ngục, vượt không khỏi, chạy không thoát”. Từ đó cụ chỉ rõ con đường giải thoát đúng đắn bằng MINH TÂM, KIẾN TÍNH mà đức Phật dạy là để tâm trở về Tâm Không: “Khi người ta biết MINH TÂM, thì [thấy] tâm vốn là trong suốt... mà thành được Phật đạo, không nhơ không sạch, không thêm, không bớt, lìa hẳn được mọi nỗi khổ”31. Nhấn mạnh, tư tưởng cốt yếu của Phật giáo là chỗ “tâm đắc bên trong” chứ không phải chạy theo cái bề ngoài: “Đức Phật dạy người, chỉ quy ở chỗ tâm đắc bên trong, không cần người ta biết... Ở Nho mà có từ chương, ở Thích mà có chay cúng, đều là cái thô của Lý... Nếu bó hẹp trong từ chương chay cúng mà thôi, tức là làm hại Đạo vậy!”32. Cụ cho rằng yêu Phật đích thực là tại tâm chứ không phải chạy theo hình thức: “... kẻ nào biết Phật mà thành tâm thích Phật, thì không cần phải trang hoàng bảo tướng, phụng sự kim dung, không cần phải niệm luôn luôn, lạy luôn luôn mà tự dưng có Phật ở trong lòng vậy. Đạt Ma Thiền sư nói: “Tâm là Phật, Phật là tâm, không nên đem tâm mà rối Phật, không nên đem Phật mà rối tâm”, như thế thì cần gì phải kính mộ Phật?”33. Quan điểm này rất tiến bộ mà đến nay vẫn có ý nghĩa nhắc nhở chúng ta.

Trong chương Lưu động thanh, cụ giải thích Kiếp, Luân hồi, Phúc, Họa của Phật giáo bằng đạo đức, tuy đơn giản và cũng không hẳn y nguyên giáo lý, song rất dễ hiểu và dễ noi theo: “Kiếp người có sinh hóa,... sinh ra rồi lớn lên, lớn lên rồi già đi, già đi rồi chết, chết rồi mà tinh thần không mất, lại thụ hình mà sinh... chăm làm mọi điều thiện, khi chết không rơi vào ma chướng, kiếp trước làm người, kiếp sau cũng làm người; phú quý mà vẫn cần kiệm, giữ khỏi cảnh nghèo, ngày nay phú quý, ngày mai lại phú quý, [người hữu đạo] được luân hồi như thế. Người vô đạo, thì kiếp trước làm người, kiếp sau làm súc sinh... Cái thuyết luân hồi của thầy ta, thật ra là từ Thích Ca...”34 Cụ phân tích “tại tâm” là cái gốc của đạo đức Phật giáo, coi đó là cái quyết định mọi sự đúng đắn: “…làm thiện, làm ác, chỉ ở nơi tâm…  cần phải từ cái tâm của ta mà nhìn... Cái đó gọi là Chân Tướng, Chân Kiến”35

Cụ đặc biệt đề cao phương pháp thiền định của Thiền tông để nội quán làm lộ rõ “thiên chân” vốn có và tự sáng tỏ được “cái tâm của chính mình”; “… đó là công phu của TỊCH DIỆT vậy, TỊCH là cái cơ động, DIỆT là cái triệu của khởi (dậy lên). Lòng dục lắng xuống (TỊCH), thì nhiên lý phát động; ... dập tắt (DIỆT) thì chân tính dấy lên (khởi). Nếu thật kiến được lòng dục và riêng hết thảy sạch lầu, thì cái thiên chân của ta sẽ trình lộ ra, ta sẽ tỏ rõ được cái tâm của chính mình, thấy được cái tính của chính mình… Chính vì biết lắng xuống (TỊCH), cho nên có sức hư không, chính vì có sức hư không, cho nên có mà cũng xem như không vậy”36.

+ Về bình đẳng văn hóa, cụ có quan điểm tiến bộ về văn hóa phi thần quyền, đặc biệt nhấn mạnh văn hóa là của nhân loại, không phải của riêng một vị thánh hay vị tổ nào và không phân văn hóa cao thấp hay quý tiện: “Tự trời mà xem, không chia bỉ thử, nào phải đây là Trung Hoa thì quý, đó là Di Địch thì tiện! Tuy rằng tập tục bất đồng, ngôn ngữ khác nhau, nhưng những người bẩm thụ cái khí tốt đẹp của núi sông mà làm thánh hiền, thì chỗ nào chẳng có37”. Theo đó cụ lập luận rằng “... đạo thống truyền đi từ một cái nguồn, không phải nó sinh ra từ thánh nhân, nhưng có Khổng Tử sinh ra mà vạn thế văn minh không bao giờ tắt. Nguồn Đạo tuôn ra không cùng, không phải có Phật mới sinh, nhưng có họ Mâu Ni sinh ra thì bánh xe đạo pháp thường chuyển, không có lúc nào diệt38”. Từ đó, đề cao tiêu chuẩn “tại tâm” của Phật giáo: “Đông Di, Tây Nhung, Nam Man, Bắc Địch, vốn không khác gì Trung Quốc. Những ai giữ trọn được cái tâm ấy đều là thánh hiền hào kiệt... Áo cà sa của Thích Thị cũng chỉ là y phục của nước Thiên Trúc thôi! Phàm những người làm đồ đệ của Thích Ca thì tuân theo giáo huấn của Phật là quan trọng hơn mặc theo y phục của Phật... Giáo huấn của Phật là gì? Xin nói rằng nó ở trong chữ Tâm” và “... nhân nghĩa lễ trí do trời phú ở trong tâm, đều là giống nhau... Những ai giữ trọn được cái tâm ấy, đều là thánh hiền hào kiệt, đều biết chủ trì nước mình, làm quân trưởng cho dân mình39”. Tới đây, hình như cụ đã ngầm dự báo về cái đẹp “tiềm ẩn” của Việt Nam trong so sánh không kém gì văn hóa Trung Hoa thời đó: “U thâm là cái chưa phát lộ. Vậy thì những chỗ xa vời hẻo lánh, với văn tự quăn queo, ngôn ngữ lúi lường mà cái đẹp còn chưa phát lộ, cũng sẽ đến thời thì phát lộ40”. Như vậy, cụ đã đạt tới quan niệm bình đẳng văn hóa theo nghĩa hiện đại nhất từ rất sớm.

+ Ca tụng Đức Phật và Tam Tổ: Được cụ tiếp tục vận dụng biện chứng siêu vượt CÓ - KHÔNG vào phân tích thực chất giác ngộ và giải thoát Tâm của Phật và Tam Tổ: “Thích Ca thần thông... bảy ngày chỉ có một hạt gạo... đã bằng lòng đi xin ăn mà  không chịu àm phép lạ, vì sợ mở đường cho điều quái gở. Cho nên nước ta rất nhiều cao tăng mà chỉ suy tôn Trúc Lâm Tam Tổ, ấy là vì không lưu truyền việc quái đản vậy..., vì lấy tâm mà tu đạo, lấy đạo mà làm cho tâm sáng tỏ, thì tự nhiên thành Phật,...”41. Cụ nhiều lần nhắc lại tấm gương dấn thân, nhẹ nhàng rũ bỏ danh vọng, quyền lực của Tổ: “… có nó (tiền tài, địa vị) mà bỏ được nó mới là khó… không có mà xem như là có, lại càng khó hơn nữa… Đạt nhân không nên vì có mà mừng, hãy nên bắt chước đức Giác Hoàng ta, đầy một lòng đạm nhiên đến mức xem rẻ hết thảy, không muốn tham dự… Mà cũng không nên vì không mà buồn, hay nên bắt chước Chuyết Công ta, nuôi cái khí hạo nhiên của mình, đến mức xem ngược hết thảy, ta không thiếu gì… Giác hoàng biến hóa phú quý, Chuyết Công biến hóa bần tiện, cho nên thành Phật.”42; “Điều Ngự ngôi cao thiên tử... thế mà xem lục cung như bụi bặm, bỏ thiên hạ như dép rách, tuyệt không lưu luyến một mảy may43”. 

+ Về chấn hưng Thiền Trúc Lâm Yên Tử: Ở chương cuối (Dư thanh), cụ đã vận dụng biện chứng nhân - quả để khẳng định tất yếu phục hưng Thiền Trúc Lâm từ những việc làm của Tổ Trần Nhân Tông: “... phúc là cái đối lập với họa, phúc mà hưởng hết thì họa sinh; công là cái đối lập với với quá (lỗi), công mà kể hết thì quá (lỗi) sinh. ... Điều Ngự Giác Hoàng sang sông đánh tan quân Nguyên, làm vua một nước mà không đoái hoài quyền vị. ... Dịch nói: “quả lớn không ăn, người quân tử  được xe”. Có lẽ ngày nay Trúc Lâm hưng khởi, cũng là cái lý quả nhiên, tất nhiên44”.

 Thay lời kết: Tên tuổi và tư tưởng của Hoàng Giáp Nguyễn Đăng Sở được lưu trong chính sử, trên một số bia chùa, và đặc biệt trong tác phẩm TLTCNT với một số lập luận và phân tích độc đáo, tiến bộ trên phương diện đạo đức, chính trị, tôn giáo, lịch sử... với pháp danh Hải Hòa - người viết Thanh chú. Đến nay, khi bàn về tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII các nhà khoa học vẫn không thể bỏ qua tác phẩm này, trong đó có đóng góp tư tưởng của cụ.


1. Ông nội của cụ là Nguyễn Đăng Hài, đỗ Tiến sĩ năm 1721, làm quan đến chức Hàn lâm viện thị chế, bố là Nguyễn Đăng Tôn, nho sinh trúng thức Chiêu Văn quán [Tham khảo: Bia ký: “Hương Triện lưu thạch” và “Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở và việc in kinh Phật” (2008) Thông báo Hán Nôm học].

2. Đó là triều đại: Lê trung hưng (1533–1789), triều Tây Sơn (1778 - 1802), và triều Nguyễn (1802-1945).

3. “Tư liệu mới về hành trạng hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở”, Báo Bắc Ninh: baobacninh.com.vn/.../tu-lieu-moi-ve-hanh-trang-hoang-giap-ngu...

4. Xem: Hoàng Xuân Hãn (1969). Bắc Hành Tùng Ký.

5. Mai Quốc Liên (chủ biên, 2001), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, (t.1,4), Nxb. Văn học & Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Hà Nội; “Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở và bài kí trên chuông chùa Cổ Am (TBHNH 2012)” trong Thông báo Hán Nôm: www. Hannom.org.vn; “Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở - Người đề xuất Quốc hiệu Việt Nam”: baobacninh.com.vn.

6. “Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở và việc in kinh Phật (TBHN 2008)”. Nguồn: hannom.vass.gov.vn/noidung/ thongbao/ Pages/baiviet.

7.  “Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở - Người đề xuất Quốc hiệu Việt Nam”: baobacninh.com.vn/pagenews_detail.

8. Ở đây xưng danh ở ngôi thứ ba là “Hải Lượng Thiền sư”, chứ không xưng ở ngôi thứ nhất. Có thể do người khác hoặc chính Ngô Thì Nhậm viết.

9. Ngô Thì Nhậm tác phẩm (2002), t 3, Sđd. tr. 137.

10. Ngô Thì Nhậm tác phẩm (2002), t 3, Sđd. tr. 211.

11. Bài Tựa của Phan Huy Ích nhắc tên “Trúc Lâm Đại Chân Viên Giác Thanh” trong  Ngô Thì Nhậm tác phẩm (2002), t 3, Sđd. tr. 142.

12. Ngô Thì Nhậm tác phẩm (2002), t3, Sđd. 143. 

13.  Nguyễn Lang (1994), Sđd. tr. 272.

14. Theo Nguyễn Lang (1994) Sđd. tr. 269-271 và Ngô Thì Nhậm tác phẩm (2002) t3, Sđd. tr. 126-128, thì tổng số còn ba văn bản của Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh là: - A.2181 (chữ Hán khắc in, bị mất một số tờ), - A.460 (còn đủ) - MC 4207 TG (chép tay); Trong đó bản A 460 tương đối nguyên vẹn nhất.

15. Ngô Thì Nhậm tác phẩm (2002), t3, Sđd. tr. 141-143.

16. Ngô Thì Nhậm tác phẩm (2002),t3,  Sđd. tr. 141.

17. Nguyễn Tài Thư (cb.,1989), Sđd. tr. 335.

18. Ngô Thì Nhậm tác phẩm (2002),t3,  Sđd. tr.141.

19. 13 chương đó là: 8. Thu thanh; 9. Định thanh; 10. Tịch nhiên vô thanh; 11. Trác thanh; 12. Nhất thanh; 13. Xu thanh; 14. Biểu lý; 15. Hành thanh; 16. Đỗng thanh; 17. Minh thanh; 18. Phán; 19. Túc thanh; 20. Bất quả thanh.

20. Ngô Thì Nhậm tác phẩm (2002),t3,  Sđd. tr.149. Chữ “Thiền” có nghĩa Phật giáo Thiền tông.

21. Ngô Thì Nhậm tác phẩm (2002), t3, Sđd. tr.149.

22. Theo Hà Đồ Lạc Thư phối hợp 4 phương 5 hành và 10 can, thì CANH TÂN thuộc phương Tây; trong 5 hành thì hành KIM thuộc phương Tây.

23. Ngô Thì Nhậm tác phẩm (2002), t3, Sđd. tr.173.

24. Ngô Thì Nhậm tác phẩm (2002), t3, Sđd. tr. 213.

25. Ngô Thì Nhậm tác phẩm (2002), t3, Sđd. Tịch nhiên vô thanh: tr. 180.

26. Ngô Thì Nhậm tác phẩm (2002), t3, Sđd. tr. 179-180.

27. Ngô Thì Nhậm tác phẩm (2002), t3, Sđd. Biểu lý thanh: tr.192.

28. Sđd. Định thanh: tr. 176.

29. Sđd. Đỗng thanh: tr. 197.

30. Sđd. Ẩn thanh: tr. 158-159.

31. Sđd. Thoát thanh: tr. 172-173.

32. Sđd. Hành thanh: tr. 194.

33. Sđd. Phán thanh: tr. 205.

34. Sđd. Lưu động thanh: tr. 219.

35. Sđd. Kiến thanh: tr. 162.

36. Sđd. Tịch nhiên vô thanh: tr. 182.

37. Sđd. Tàng thanh: tr. 210.

38. Sđd. Phát tưởng thanh: tr.159.

39. Sđd. Phán thanh: 202.

40. Sđd. Bất quả thanh: tr.210.

41. Sđd. Hưởng thanh:215-216.

42. Sđd. Trác thanh: tr.186.

43. Sđd. Ngộ thanh: tr.154.

44. Sđd. Dư thanh: tr. 223.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 89
    • Số lượt truy cập : 6367899