Thông tin

TƯ TƯỞNG THIỀN CỦA TRẦN THÁI TÔNG VÀ TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ

TƯ TƯỞNG THIỀN CỦA TRẦN THÁI TÔNG

VÀ TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ

         

CN. TẠ VĂN TRƯỜNG*
NCS. DƯƠNG NGÔ NINH**

 


 

Các vua Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông... khi điều hành đất nước vẫn nghiên cứu về Phật giáo và để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm có nội dung tư tưởng Phật giáo sâu sắc, ngay như vua Trần Nhân Tông cũng quyết định rời bỏ cung điện vàng ngọc ở kinh đô Thăng Long để lên núi Yên Tử tu hành, thống nhất các Thiền phái sáng lập ra Phật giáo Trúc lâm Yên Tử. Tuệ Trung Thượng Sĩ (anh ruột của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) được coi là  “ngọn đèn tổ của Phật hoàng, lấy tâm truyền tâm… làm phấn phát ngọn gió lành nhà Phật1. Ông không chỉ là một Thiền gia đắc đạo, một ẩn sĩ, thi sĩ, mà còn là một vị tướng có nhiều công trạng trong hai cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông vào những năm 1285 và 1288. Tư tưởng Trần Nhân Tông nói riêng và tư tưởng của Phật giáo Trúc Lâm nói chung, là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời khỏi hệ thống tư tưởng Thiền đời Trần, trong đó nổi bật lên vai trò chủ đạo có ảnh hưởng chi phối của tư tưởng Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ.

1. Tư tưởng về Thiền của Trần Thái Tông

1.1. Vài nét về Trần Thái Tông

Vua Trần Thái Tông (1218-1277), tên thật là Trần Cảnh, vị vua đầu tiên của triều Trần, lên ngôi năm Ất Dậu (1225) khi mới 7 tuổi. Ông từng muốn bỏ ngai vua đi tu trên núi Yên Tử và để nhiều tâm sức vào công việc nghiên cứu, hoằng dương Phật giáo. Theo Thiền tông chỉ nam tự chép: “Vả thuở trẫm còn niên thiếu, hiểu biết mới võ vẽ, được nghe loáng thoáng lời dạy của thiền sư đã dập tắt ngay mọi điều vương vấn; lòng thốt nhiên trong lặng, để tâm và nội giáo (đạo Phật), tham cứu đạo Thiền, dốc lòng tìm thầy, thành khẩn mộ đạo… Trẫm tự bảo mình: trên đã không có cha mẹ để nương tựa, dưới lại e chẳng xứng với lòng dân trông đợi, biết làm thế nào? Suy đi nghĩ lại, không gì hơn lui về chốn núi rừng tìm học đạo Phật, để hiểu rõ nghĩa lớn của việc sống chết, cùng đền đáp công ơn khó nhọc của mẹ cha, thế chẳng tốt hơn sao? Thế là chí trẫm đã quyết. Đêm mồng 3 tháng 4 năm Bính Thân, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 5 (tức ngày 09/5/1236), trẫm cải dạng ra khỏi cửa cung rồi bảo với tả hữu rằng: Trẫm muốn ra ngoài chơi để lắng nghe tiếng nói của dân, xem xét lòng dân, ngõ hầu biết được mọi khó khăn của công việc2.

Trần Thái Tông đã góp phần quyết định vào việc xây dựng đất nước thịnh trị, mở đường cho cả ba trào lưu tư tưởng Nho - Phật - Đạo phát triển lên một tầm cao mới. Ông đã cùng quân dân cả nước đánh tan cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Nguyên - Mông (1257). Ông nhường ngôi cho con, lên làm Thái thượng hoàng năm 1258, từ đây chuyên tâm học Phật và hai mươi năm sau mới qua đời. Tác phẩm của tác gia hoàng đế Trần Thái Tông hầu hết đều liên quan đến Phật giáo: Khóa hư lục, Thiền tông chỉ nam ca, Lục thì sám hối khoa nghi…

1.2. Tư tưởng về Thiền

Tư tưởng về Phật giáo của Trần Thái Tông được thể hiện tập trung trong tác phẩm Khóa hư lục.

1.2.1. Quan niệm về thiền định

Quan niệm về Thiền định của Trần Thái Tông rất đặc sắc, thể hiện trên 3 điểm cơ bản:

- Đó là quan điểm tam giáo, không những Thích Ca ngồi thiền mà Tử Cơ, nhân vật trong sách Trang Tử thuộc Đạo giáo cũng ngồi thiền, Nhan Hồi học trò của Khổng Tử cũng ngồi thiền.

- Cách giải thích tứ thiền cũng hoàn toàn khác với phàm phu, tiểu giáo, đại giáo. Đây là điều chưa thấy trong Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa.

- Cách giải thích đi, đứng, nằm, ngồi đều là thiền như trong kinh Phật đề cập. Trần Thái Tông cho rằng, các động tác đi, đứng, nằm không thích hợp với thiền định, duy ngồi thiền là thích hợp nhất.

1.2.2. Về Giới - Định - Tuệ

 Trần Thái Tông đưa ra Giới - Định - Tuệ, tức tam học là con đường để giải thoát, muốn được giải thoát phải thực thi tam học. Đây chính là tư tưởng Bát Nhã. Cách giải thích Giới - Định - Tuệ của Trần Thái Tông mang nhiều nét độc đáo, sáng tạo. Trần Thái Tông cho rằng: “Luận giải thoát nói, “Giới - Định - Tuệ gọi là đạo giải thoát”. Giới nghĩa là uy nghi, Định có nghĩa là chẳng loạn, Tuệ là nghĩa giác tri. Lấy Giới để trừ ác cấu, lấy Định để trừ triền cấu, lấy Tuệ để trừ sử cấu. Cho nên, dùng giống thiện này (Giới - Định - Tuệ) mà theo đạo, gọi là sơ thiện, trung thiện và hậu thiện…”3.

1.2.3. Về sinh, lão, bệnh, tử

Trần Thái Tông cho rằng: “Nguyên là, tứ đại vốn không, ngũ ấm chẳng có. Do không khởi vọng, vọng thành sắc, sắc tự chân không. Vọng ấy từ không, không hiện vọng, vọng sinh các sắc. Đã trái không sinh không hóa, mải làm có hóa có sinh, có hóa có sinh nên có sinh có hóa. Hoặc sinh thánh hiền ngu trí, hoặc hóa vảy cánh lông sừng. Luôn luôn chìm đắm nơi bến mê, mãi mãi trôi lăn trong biển khổ. Mờ mờ, mịt mịt, nào biết, nào hay, rối rắm lăng xăng, chẳng tỉnh chẳng ngộ. Trọn là buông tâm chạy đi, đều không nắm mũi heo về. Khiến đến qua lại sáu đường, xuống lên bốn núi. Bốn núi là: sinh, già, bệnh, chết4.

1.2.4. Về niệm Phật luận

Ông chia người tu đạo thành ba bậc: Thượng trí, trung trí, hạ trí. Bậc thượng trí thì tâm tức là Phật, chẳng nhờ tu thêm, Phật tức là thân ta, không có hai tướng. Bậc trung trí, ắt nương niệm Phật, chú ý chuyên cần, niệm Phật chẳng quên, tự tâm thuần thiện. Khi niệm là diệt đi ý niệm ác, trở về với chính đạo, thấy được Niết bàn, tìm được “Thường - Lạc - Ngã - Tịnh”. Bậc hạ trí, miệng siêng lời niệm Phật, tâm muốn thấy tướng Phật, thân nguyện sinh về nước Phật. Nhờ ngày đêm siêng năng tu hành, được chư Phật dạy bảo chính pháp, chứng được quả Bồ Đề cũng vào quả Phật5.

2. Tư tưởng về Thiền của Tuệ Trung Thượng Sĩ

2.1. Vài nét về Tuệ Trung Thượng Sĩ

Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230 - 1291), tên thật là Trần Tung, hiệu Tuệ Trung Thượng Sĩ, người làng Tức Mặc lộ Thiên Trường (nay thuộc Tp. Nam Định). Trần Tung là con trai Trần Liễu, anh ruột Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và từng theo học Thiền sư Tiêu Dao. Ông là một trong những nhà thiền học có bản lĩnh. Ông được vua Trần Thánh Tông tôn làm sư huynh và vua Trần Nhân Tông tôn làm thầy. Cũng như các vương hầu thân tín của nhà Trần, Trần Tung tham gia cuộc kháng chiến chống giặc nguyên Mông, nhiều lần trực tiếp tham gia cầm quân đánh giặc. Tuệ Trung chính là người có ảnh hưởng nhiều nhất đến Trần Nhân Tông, Thiền tông bản hạnh ghi rằng:

Tuệ Trung Thượng Sĩ chỉ nam,

Nhân Tông tác lễ mới tham đạo thầy.

Tuệ Trung trỏ bảo liền tay

Tức tâm thị Phật xưa nay Bụt truyền.

Tâm kinh vốn thấy căn nguyên,

Tâm là nhất tự pháp môn thượng thừa6.

2.2. Tư tưởng về Thiền

Quan niệm về thiền của Tuệ Trung Thượng Sĩ rất độc đáo, sống hết mình theo quy luật, theo tâm, không cần ai, không cần canh ai, đó là thiền rồi, đi cũng thiền, ngồi cũng thiền.

Tuệ Trung Thượng Sĩ gắn liền tâm với Phật. Trong bài Phật tâm ca, ông cho rằng:

Nếu khi tâm sinh là Phật sinh

Nếu khi Phật diệt là tâm diệt

Diệt tâm còn Phật chuyện không đâu

Diệt Phật còn tâm khi nào hết7.

Tuệ Trung làm sáng tỏ cái bên trong của tâm và Phật tác động đến con người. Đó là lý vạn pháp trong tâm, vạn pháp là thế giới bên ngoài, hiện tượng xung quanh ta, là sự vận động nối tiếp, tuần hoàn của tự nhiên. Ông bác bỏ những ràng buộc của nhà Phật như ăn chay, giữ điều răn:

Ăn rau cùng ăn thịt

Chúng sinh nỗi sở thuộc”8.

Không giữ giới:

“Giữ giới cùng nhẫn nhục

Chuốc tội chẳng chuốc phước

Chẳng giữ giới nhẫn nhục9.

Chữ không trong thơ Trần Tung mang nội hàm phong phú với tư tưởng căn cội của Phật giáo, sự hiện hữu không gian thiên nhiên khoáng đạt và xúc cảm nhân sinh sâu lắng. Không ở đây vừa là không diễn đạt theo ông đó là cái tôi, là hiện cảnh, tôi là thế giới hiện tượng, hành do tâm hiện ra, hành lẫn tâm đều là không, có mà không, không mà có. Tư tưởng này ông thể hiện qua bài kệ:

Ngày ngày khi đối cảnh

Cảnh cảnh từ tâm sinh

Tâm cảnh xưa nay không

Chốn chốn ba la mật10.

Đối với Tuệ Trung Thượng Sĩ, đạo và đời không tách rời nhau. Ông đã xem cuộc đời này là nơi tốt nhất để tu đạo, hành Thiền và đạt đến giải thoát. Ông đã thể hiện rõ quan điểm này trong bài Dưỡng chân (Nuôi dưỡng chân tính):

Suy táp hình hài khởi túc vân,

Phi quan, lão hạc tị kê quần.

Thiên thanh vạn thủy mê hương quốc,

Hải giốc thiên đầu thị dưỡng chân”.

(Tấm thân suy yếu kể chi mà,

Hạc nội nào đâu lẩn tránh gà.

Muôn tía nghìn xanh tràn đất nước,

Chân trời góc bể dưỡng chân tính của ta)11.

Trong bài Phật tâm ca, Tuệ Trung đã thể hiện rõ quan niệm của mình về hành Thiền. Ông viết:

Hành diệc Thiền,

Tọa diệc Thiền;

Nhất đóa hồng lô hỏa lý liên12.

Thay lời kết

Tinh thần các vị thiền sư thời Trần, không những chỉ là ở trong pháp niệm Phật và pháp tu thiền, còn dung hòa luôn cả Khổng giáo, Lão giáo, không chia rẽ, không đối nghịch. Lấy Thiền tông làm chỗ dựa để dung hợp Lão, Khổng thành một. Tư tưởng Trần Thái Tông có sự dung hợp của ba yếu tố Nho - Phật - Đạo, trong đó lấy Phật giáo làm trung tâm. Cách lý giải kinh Phật của ông có nhiều điểm sáng tạo, có chứa đựng những yếu tố mới. Trong quan niệm về Tứ sơn Trần Thái Tông, kết hợp tư tưởng Bát Nhã tứ đại giai không, với lý luận Âm Dương. Trong vấn đề sinh lão bệnh tử, thể hiện cái nhìn của ông về cuộc đời, ông đã nhìn thấu lẽ sinh tử của cuộc đời.  Ở Tuệ Trung nổi bật lên một tinh thần phá chấp triệt để. Ông quan niệm rằng, mọi sự đối lập giữa mê và ngộ, sắc và không, giữa phàm và thánh, giữa ta và người, Phật và chúng sinh, phải và trái, chính và tà, giữa phiền não và bồ đề… Chính tinh thần cởi mở, phóng khoáng, phá chấp triệt để, không biến mình thành nô lệ của giới luật mà Tuệ Trung đã đạt đến trình độ thượng thừa của Thiền, được Trần Nhân Tông suy tôn là Thượng Sĩ. Trong Thiền học Việt Nam, bên cạnh Thiền học của Trần Thái Tông, Tuệ Trung vẫn thể hiện được cái riêng của mình với những quan niệm mới, độc đáo và sâu sắc, từ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa Thiền học Việt Nam với phong cách tiêu dao, phóng túng của Lão - Trang.

 


* Cử nhân, tỉnh Bắc Giang.

** Nghiên cứu sinh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

1. Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý - Trần, t.2, Quyển thượng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.594.

2. Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, Sđd, tr.28.

3. Thích Thanh Từ (2008), Khóa hư lục giảng giải, Nxb Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh, tr.204.

4. Thích Thanh Từ (2008), Khóa hư lục giảng giải, Sđd, tr.71.

5. Thích Thanh Từ (2008), Khóa hư lục giảng giải, Sđd, tr.230-231.

6. Hoàng Thị Ngọ khảo cứu, phiên âm và chú thích (2009), Thiền tông bản hạnh, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.76.

7. Thích Thanh Từ (2008), Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục giảng giải, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, tr.62.

8. Thích Thanh Từ (2008), Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục giảng giải, Sđd, tr.62.

9. Thích Thanh Từ (2008), Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục giảng giải, Sđd, tr.63.

10. Thích Thanh Từ (2008), Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục giảng giải, Sđd, tr.62.

11. Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, Tập 2, Q. Thượng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.226.

12. Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, sđd, tr.273-277.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 141
    • Số lượt truy cập : 6357640