TỤC ĐỐT “GIẤY TIỀN VÀNG BẠC” Ở MIỀN NAM
TỤC ĐỐT “GIẤY TIỀN VÀNG BẠC” Ở MIỀN NAM
NGUYỄN THIỆN ĐỨC
Miền Nam(Lục tỉnh Nam Kỳ) nước ta là nơi sống hòa hợp của nhiều cộng đồng dân tộc. Mỗi cộng đồng đã đóng góp những tập tục của mình làm phong phú di sản văn hóa ở đây, với phần khung là văn hóa miền Thuận - Quảng theo bước chân của tiền hiền định đất mang vào phương Nam. Bên cạnh những mỹ tục thuần phong còn có những hủ tục như tục đốt “giấy tiền vàng bạc”. Ở miền Nam, vàng mã bao gồm: giấy tiền vàng bạc, xá, phướn, lầu kho, giấy quần áo, thế thân,… thường được gọi ngắn gọn là giấy tiền vàng bạc.
Qua các di chỉ khảo cổ, chúng ta thấy từ thuở bình minh của văn minh nhân loại, việc tôn trọng xác người chết và chôn theo đồ tùy táng, hiến tế đã xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Theo sự phát triển của con người và hoàn cảnh sống, nhiều dân tộc đã từ bỏ hủ tục này, một số khác lại biến tấu thành các hình thức khác (Từ chôn theo, hiến tế các vật dụng, lương thực,… đến tạo các vật dụng với kích thước nhỏ để chôn theo hay tế gọi là đồ minh khí, tế vật đến làm các vật dụng bằng giấy để đốt tức là từ vật thể đi dần đến phi vật thể) và tồn tại dai dẳng đến ngày nay với nhiều biến tướng mang đầy màu sắc mê tín. Ở miền Nam nước ta, tục đốt “giấy tiền vàng bạc” cũng từng rất phát triển trong cộng đồng người Kinh và người Hoa, nhất là giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Người Khmer và người Chăm không theo tục này.
Những ngày đầu vào vùng đất mới, người dân “lưu xứ” mang theo những nghi lễ từ quê hương, sau đó hội nhập, giao lưu cùng nhau tạo nên những đặc thù nghi lễ xứ này. Tuy nhiên, lúc đầu đời sống kinh tế còn khó khăn, phải vật lộn với cuộc sống, địa bàn cư trú chưa ổn định,… nên các lễ nghi cũng chỉ ở mức tối thiểu. Một thời gian sau, nhờ chính sách đúng đắn của các Chúa Nguyễn, sự ưu đãi của thiên nhiên, đất phương Nam trở nên trù phú. Phần đông, người dân có đời sống ổn định, với truyền thống tôn kính tổ tiên, hướng về nguồn cội, con người nhớ đến ông bà tổ tiên đã vất vả, gian lao… mà đôi khi chưa hưởng được chút gì thành quả thì đã mất nên người xưa có những hành động “bù đắp” cho người đã khuất mà cũng phần nào thể hiện khát vọng của người đang sống. Ban đầu, với sự giáo huấn khéo léo của các vị Tổ Phật giáo, việc đốt “giấy tiền vàng bạc” chỉ mang hình thức “có lệ” như một lễ vật dâng cúng giống bông, trái, nhang, đèn,… Khi Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp, những chân giá trị của cuộc sống bị xáo trộn, tập tục trở thành hủ tục. “Giấy tiền vàng, bạc” xuất hiện hầu hết trong các nghi lễ cúng tế của người Kinh và người Hoa nơi đây; trong mọi giai đoạn của đời người từ cúng đầy tháng, “thôi nôi”,… “đám ma”, “đám giỗ”, “tảo mộ”; trong mọi lễ tiết trong năm từ “cúng giao thừa” đến đưa Ông Táo, tất niên; trong mọi không gian từ tư gia đến miễu, đình. Riêng với chùa, các tăng sĩ chính thống của Phật giáo thì không chấp nhận đốt “giấy tiền vàng bạc” trong các nghi lễ cúng Phật. Tuy nhiên, ở giai đoạn này bên cạnh chùa thường là miễu ngũ hành thì việc này lại rất phổ biến. Trong “đám ma”, “làm tuần”, các tăng sĩ Phật giáo không yêu cầu mà còn khuyên bảo người nhà hạn chế việc đốt “giấy tiền vàng bạc” nhưng bên cạnh đó lại có các “thầy cúng”, “thầy dưng bông” lại mượn Phật giáo để phát triển hình thức này nhằm trục lợi cá nhân. Chỉ qua quan điểm của người dân thời đó về việc đốt “giấy tiền vàng, bạc” đủ thấy sự nhiễu nhương của xã hội miền Nam lúc bấy giờ: giải quyết mọi vấn đề bằng đồng tiền, thần thánh trở thành kẻ nhận hối lộ, muốn được việc phải “rải” tiền mãi lộ, mua mạng, chuộc mạng,… Các Tăng sĩ Phật giáo cũng như những nhà lập giáo ở miền Nam đa phần đều lên án hủ tục này.
Từ nửa đầu thế kỷ XX về trước, ở miền Nam có các loại vàng mã truyền thống như sau:
- Giấy tiền vàng bạc – đây là loại phổ biến nhất được sử dụng khắp nơi từ tư gia đến miễu, đình trong tất cả đám cúng, không cần có thầy cúng. Có hình dạng là giấy mỏng in hình đồng tiền điếu bằng mực đen. Nếu giấy có tráng lớp nhũ kim gọi tiền vàng, giấy có tráng lớp nhũ bạc gọi tiền bạc. Loại giấy tốt đốt trong các lễ cúng còn loại trên giấy xấu để rải trong đưa “đám ma” đi chôn.
- Xá gồm có Xá hạc và xá mã – là hình nộm bằng giấy tạo dáng hạc và ngựa đưa các sứ giả mang phướn, sớ đến thiên đình, địa phủ,... Loại này phải có “thầy dưng bông” hành lễ khai quang, điểm nhãn. Có thể “cò bay, ngựa chạy” là tác phẩm cải biên, giản hóa từ xá để dùng trong lễ đưa Ông Táo.
- Phướn là một lại cờ cho sứ giả mang đi khi đến thiên đình hay địa phủ…
- Sớ là giấy viết nguyện vọng của con người bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm để sứ giả mang đến thiên đình, địa phủ,… cho thánh, thần cứu giúp.
- Lầu kho là nhà cửa, kho đụn, vật dụng làm bằng nan tre và giấy màu,… dùng trong “đám ma” và “làm tuần”. Loại này phải có “thầy dưng bông” làm lễ.
- Giấy quần áo, gấm vóc là các loại giấy có in hoa văn hoặc trơn nhiều màu, để nguyên là gấm vóc hoặc cắt thành “quần áo”. Loại này không cần “thầy dưng bông”. Được dùng nhiều trong cúng giỗ, cúng cô hồn, cúng đàng binh (binh lính chết trận, khác với âm binh).
- Thế thân là một dạng hình nhân thế mạng bằng giấy in hình người nam gọi là thế thân nam, người nữ gọi là thế thân nữ. Thường dùng trong cúng tam tai, giải hạn. Có hoặc không có “thầy dưng bông” cũng được.
Tất cả các loại hình này đều có bản in, mẫu và quy trình tạo tác tương đối chuẩn mực, được truyền lưu theo hình thức “cha truyền con nối” hoặc những người trong gia đình, thân thuộc. Các mẫu giấy tiền vàng bạc ở đây ảnh hưởng khá rõ nét loại hình tương tự làng Sình ở Huế nhưng mộc mạc hơn. Ngoài những loại hình cơ bản kể trên, các “thầy dưng bông” cùng những người làm nghề hàng mã này còn chế ra nhiều loại đặc biệt như: Tôi tớ, trâu, bò, heo, gà,… bất kỳ cái gì mà xã hội đương thời đang có. Có thể nói, các “nghệ nhân” làm giấy tiền vàng bạc đã “giấy hóa” những gì “vàng son” của quá khứ và xã hội đương thời của họ từ những hình thức thô thiển đến nghệ thuật. Người miền Nam không dùng riêng lẻ loại nào mà dùng phức hợp nhiều loại tùy theo “đám” và khả năng tài chính của gia chủ. Người ta tranh đua nhau để phô trương sự giàu có, thể hiện sự hiếu thảo một cách giả tạo, bán thánh buôn thần,… làm đau lòng những ai nghĩ đến tiền đồ văn hóa nước nhà thuở đó.
Tục đốt “giấy tiền vàng bạc” ở miền Nam có nguồn gốc sâu xa trong dân gian, vừa kế thừa truyền thống vùng Thuận – Quảng, vừa giao lưu văn hóa với cộng đồng dân tộc ở đây và không có liên quan đến các tôn giáo chính thống: Phật giáo, Nho giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Bà la môn giáo,… Ban đầu xuất phát từ sự thành kính tri ân ông bà tổ tiên, người có công,… ít nhiều mang tính nhân văn. Về sau, dưới tác động của thời cuộc, lòng tham của con người đã biến thành hủ tục và bị lên án gay gắt của nhiều tầng lớp xã hội kể cả giới tôn giáo. Từ sau những năm 90 thế kỷ XX, hủ tục này phát triển trở lại và biến tướng mang đậm màu sắc mê tín không thua ngày trước, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế - xã hội, đời sống tinh thần ở miền Nam cần được sự đóng góp của các tầng lớp mà quan trọng nhất là tôn giáo giúp người dân hiểu rõ mà từ bỏ. Song, dù là mỹ tục hay hủ tục thì nó vẫn là một phần có thực trong dòng chảy văn hóa của miền Nam nói riêng và di sản văn hóa Việt Nam nói chung nên cần có phương thức bảo tồn thích hợp. Đặc tính của các sản phẩm này làm ra là để đốt nên ngày nay việc sưu tầm hiện vật của chúng theo góc nhìn văn hóa và nghệ thuật rất khó. Vì vậy, những khuôn in, mẫu và phương thức chế tác của “giấy tiền vàng bạc” cần được quan tâm, nghiên cứu và bảo tồn trên bình diện là một môn nghệ thuật dân gian đã đồng hành cùng người dân phương Nam hơn ba trăm năm lẻ.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 18 – THÁNG 10 NĂM 2016 (PL. 2560)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 17 – THÁNG 7 NĂM 2016 (PL. 2560)
- TỪ QUANG TẬP 16 – THÁNG 4 NĂM 2016 (PL. 2560)
- TỪ QUANG XUÂN BÍNH THÂN (TẬP 15) – THÁNG 1 NĂM 2016 (PL. 2559)
- KÝ ỨC MỘT THỜI - Cư sĩ THIỆN MINH
- TỪ QUANG Tập 14 - Tháng 10 năm 2015 (P.L.2559)
Bình luận bài viết