Thông tin

TUỔI GIÀ HỌC PHẬT

TUỔI GIÀ HỌC PHẬT

 

VU GIA

 

 

 

Tuổi già học Phật, tôi thấy duyên đến duyên đi, nhân quả tuần hoàn, thế nên vào thời khắc này mới có định ước trước mắt. Tuy ta có thể hiểu rõ được bản thân mình, nhưng chưa chắc đã minh bạch được việc trước mắt. Càng cố chấp càng dễ mất, sẽ đi vào đường rẽ, chi bằng cứ để tùy duyên, đừng nên miễn cưỡng.

Người xưa có câu: “Trẻ vui nhà, già vui chùa”. Với óc hiếu tri, tôi tò vè hỏi đôi ba người, song mỗi người nói một phách, chẳng biết ai đúng, chẳng biết ai chưa mấy đúng. Khi lớn tuổi, hệ thống lại những gì đã đọc, tôi lại lý giải theo cách của mình. Đúng sai mình chịu, miễn sao thấy vui là được, bởi chẳng ảnh hưởng tới cuộc sống của ai. Sách Luận ngữ, thiên Học nhi, Khổng Tử viết: “Đệ tử, nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân, hành hữu dư lực tắc dĩ học văn”. Nguyễn Hiến Lê dịch: “Con em (thanh niên) ở trong nhà thì hiếu, thảo với cha mẹ, ra ngoài thì kính nhường bậc huynh trưởng, thận trọng lời nói mà thành thực, yêu khắp mọi người mà gần gũi người nhân đức; làm được như vậy rồi mà còn dư sức thì sẽ học văn (tức học thi, thư, lễ nhạc, dịch…)”. Có lẽ từ lời dạy này mà người đời sau yêu cầu: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Như vậy, “trẻ vui nhà” không chỉ được gần gũi với người thân (ông bà, cha mẹ, chú bác, anh em,…), mà còn được “học lễ” từ người thân.

“Già vui chùa” cũng có cái lý của người xưa. Nhìn từ góc độ nào đó, có thể thấy đây cũng là sự tổng kết từ thực tế bao đời. Ở xứ mình, xưa nay (dù tin hay không tin), chùa chiền là biểu tượng thiêng liêng hướng con người về với cái thanh tao, cái bí ẩn nhưng cao thượng và đẹp đẽ. Do đó, sau cuộc hành trình gian nan, lắm khi đầy bão táp của cuộc đời, không mấy ai còn ý tưởng muốn tranh danh đoạt lợi, mà muốn thanh thản chờ đón cuộc hành trình mới quen mà lạ, lạ mà quen, muốn tránh cũng không được. Và không gian thiêng liêng, yên tịnh ở chùa giúp cho tâm hồn tuổi xế chiều được bình an hơn. Nơi đó, giúp họ hướng vào cõi tâm linh trong sáng và lương thiện. Những vội vã, gấp gáp thời tuổi trẻ, họ bỏ lại phía sau và tìm thấy niềm vui mới là nét đẹp đơn giản mà thâm thúy nơi chốn thiền môn. Già rồi ngẫm lại, biết chịu thua cũng là một loại phẩm chất không tồi chút nào. Khi ta không còn sức đuổi theo, hãy biết dừng lại nhìn chung quanh, ắt sẽ thấy những thứ trong tầm tay với của mình tốt hơn suy nghĩ của mình rất nhiều.

Xưa nay, vấn đề sống chết cứ vây lấy con người. Đó phải chăng là trong một hành trình tạm thời, sự sinh tồn của con người không chỉ dừng lại ở chốn mộ phần? Vấn đề này chưa hề được giải đáp hoặc chứng minh. Ðáp án của tôn giáo, thiên đường địa ngục, rất có thể là một ước mơ của con người.

Đọc Cư trần lạc đạo phú của Phật hoàng Trần Nhân Tông, tôi rút ra được điều thú vị: “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên/ Cơ tắc xan hề khốn tắc miên/ Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/ Ðối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền” (Ở đời  vui đạo, hãy tùy duyên/ Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền/ Trong nhà có báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền). Tùy duyên là thuận theo tự nhiên. Nếu người cầu Phật thì người đã mất Phật; nếu người cầu đạo là người đã mất đạo, bởi không mất thì cần gì phải cầu. Bất kể ai tinh thông kinh luận, bất kể ai vương hầu lương tướng, bất kể kiến thức như sông sâu, bất kể ai thông minh trí tuệ,… quan trọng nhất vẫn là bản thân chân chính của mình. Muốn ngủ thì ngủ, muốn ngồi thì ngồi. Nóng tìm chỗ mát, lạnh tìm đến lửa… Ngẫm cho kỹ, con người ta trần trụi mà đến, rồi trần trụi mà đi, cả đời toàn theo đuổi những mục tiêu ngắn ngủi và tạm bợ. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, làm người mà nếu không biết lòng mình muốn gì thì còn đâu là lạc thú. Và tìm thấy niềm vui mới trong chặng cuối cuộc đời cũng là lạc thú, dẫu biết đó là mục tiêu ngắn ngủi và tạm bợ.

Tuổi già học Phật, tôi thấy duyên đến duyên đi, nhân quả tuần hoàn, thế nên vào thời khắc này mới có định ước trước mắt. Tuy ta có thể hiểu rõ được bản thân mình, nhưng chưa chắc đã minh bạch được việc trước mắt. Càng cố chấp càng dễ mất, sẽ đi vào đường rẽ, chi bằng cứ để tùy duyên, đừng nên miễn cưỡng.

Sống ở đời phải xác định rằng có phúc có họa, đã là họa thì muốn tránh cũng không được. Mặc kệ có chấp nhận hay không thì những sự việc xấu vẫn luôn luôn đến với con người. Có đôi khi chúng ta chỉ vì một sự việc mà tức giận đến điên đảo, có đôi khi lại thương tâm đến tuyệt vọng. Nhưng nếu đến thời điểm một năm sau nhìn lại sự việc đó, thì lúc này thấy được việc đó bất quá chỉ là chuyện nhỏ, thậm chí không đáng để nhắc tới nữa.

Sự việc phát sinh trong một ngày mà ở thời điểm một tháng sau nghĩ lại, thì nó cũng chỉ là việc nhỏ; sự việc phát sinh trong một tháng mà ở thời điểm một năm sau nghĩ lại, thì cũng chỉ là việc rất nhỏ; và những sự việc phát sinh trong một năm đối với thời gian cả đời suy nghĩ lại càng là một việc quá nhỏ.

Những sự việc phát sinh trong cả đời, nếu đặt trong dòng thời gian lịch sử mấy ngàn năm thì những sự việc đó cũng bị quên lãng và chôn vùi mà thôi, cho nên cần gì phải vì một việc nhỏ nhất thời mà làm ra những việc không thể vãn hồi, hơn nữa việc đó rất có thể sẽ làm cho mình hối hận cả một đời; cho nên mặc dù bất đắc dĩ mà sống thì cũng vẫn là còn sống, tại sao không sống cho có ý nghĩa một chút?

Kỳ thật suy nghĩ như vậy cũng là ích kỷ, nhưng cũng chỉ vì để cho chính mình không hối hận mà thôi. “Hối hận”, tuy hai tiếng này nghe rất bình thường nhưng trong nó lại bao hàm rất nhiều, rất nhiều sự bất lực cùng với sự bất đắc dĩ. Có những sự “hối hận” có thể vãn hồi, nhưng cũng có sự hối hận vĩnh viễn không cách nào vãn hồi và bù đắp được.

Đối với người chết thì vĩnh viễn không cách nào làm được, cho nên khi có thời gian rảnh, chúng ta hãy cố gắng ngẫm lại xem chính mình rốt cuộc phải nên sống thế nào. Thiện ác cũng chỉ trong nhất niệm, do đó trước khi hành động, con người cần phải suy nghĩ chín chắn.

Người thường chơi với lửa sẽ rất dễ bị lửa đốt bị thương; người thường dùng dao cũng sẽ rất dễ dàng bị dao làm thương tổn; chạy trên bờ sông sẽ lưu lại dấu chân,… đạo lý này ai ai cũng biết, chỉ tiếc rất nhiều người luôn hy vọng có may mắn đến với mình. Gieo hạt ớt mà mong quả ớt ngọt như cam sành là điều không thể. Tuổi già học Phật, tôi hiểu ra mệnh do mình tạo, tướng do tâm sinh, thế gian vạn vật giai thị hóa tướng, tâm bất động, vạn vật giai bất động, tâm bất biến, vạn vật giai bất biến!

Bây giờ, nhiều người nói đến thiền định. Một số chùa tổ chức những lớp tu thiền, ngồi thiền… Một số nhà văn hóa cũng dạy ngồi thiền… Với tôi, người tổ chức, người đăng ký theo học đều tốt cả, bởi chắc chắn nó tốt hơn nhiều so với ngồi nhậu, ngồi đánh bài, ngồi bàn kế hại người lợi ta… Tôi cũng đã có lần viết bài về thiền định, nhưng về già học Phật và ngẫm lại, dường như hồi ấy mình chỉ mới chạm chút da lông. Bây giờ cũng chưa chắc khá hơn, song sức nghĩ mới tới mức này: “Thiền” là ngoài không cần tướng, “định” là trong không động tâm. Thiền định cần phải từ “nhập định” tiến tới “chí tĩnh” rồi đến “tịch tĩnh”, để tiến vào cảnh giới vong ngã hư không. Tuy là vong ngã hư không, nhưng trong lòng vẫn lưu lại một điểm không minh, chứ không phải chỉ “giấc ngủ” như tôi từng nghĩ.

Bây giờ, những ngày lễ, ngày vía, người ta tới chùa đông đúc, hương khói mù trời, song tôi tin không mấy người học Phật một cách nghiêm túc. Nghe một số đĩa thuyết pháp, tôi cũng thấy một số tu sĩ chưa hiểu Phật một cách bài bản. Chính từ thực tế này mà không thiếu người cho rằng Phật giáo cũng chỉ là diễn giảng yêu thư, khuếch trương yêu pháp, trí trá làm đạo trung dung mà thôi. Cái gì mà gây tội nghiệt trước, tương lai sẽ phải chịu quả báo; bố thí một đồng tiền, sẽ nhận được báo đáp gấp vạn gấp trăm chứ, tất cả đều chỉ là một lũ mê muội vọng cầu công đức mà thôi. Nếu thật sự là vạn pháp giai không, thì còn tham mê những thứ đó làm gì?

Tôi tin có thế giới tâm linh, nhưng không tin gieo nhân xấu mà thu được quả tốt qua việc cầu khấn. Nhà Phật thiên kinh vạn nghĩa, nói không ngoài một chữ “Ngộ”, là từ thực tế giác ngộ ra “Như mộng huyễn phao ảnh” (Ảo tưởng như bọt nước), phát giác tất cả đều là không, lập địa thành Phật. Ý tứ của Phật chính là “Giác ngộ”, chứ không phải cầu khấn. Tôi nói tuổi già học Phật, chẳng qua cũng “nổ” cho vui, chứ nào có học được bao nhiêu. Nhớ đến ba tầng cảnh giới của nhà Phật là đã thấy… mịt mùng dễ chi chạm tới. Tầng thứ nhất, nhìn núi là núi, nước là nước. Đây là những gì con người ai cũng nhìn thấy được. Và con người cũng chỉ có thể nhìn thấy bề ngoài của sự vật mà không cách nào nhìn thấy bản chất bên trong của nó. Tầng thứ hai, nhìn núi không phải núi, nước không phải nước. Đây là cảnh giới đạt đến mức nhất định mới có thể cảm nhận được. Đến lúc này, con người có thể nhìn thấy được bản chất của sự vật, không bị mê hoặc bởi những gì ta nhìn thấy chung quanh. Tầng thứ ba, nhìn núi vẫn là núi, nước vẫn là nước, nhưng lúc này ta đã bước vào lĩnh vực trí tuệ siêu nhiên, tiến vào cảnh giới vô ngã, không có bất cứ thứ gì có thể cản bước tiến của ta.

Tầng thứ hai và tầng thứ ba nói đó là khoa học cũng được mà tâm linh cũng được, bởi nó vượt ra ngoài sự hiểu biết giản đơn của số đông. Đã thuộc phạm trù tâm linh thì tin hay không tin? Có thế giới tâm linh hay không? Ngay cả trong giới khoa học quốc tế cũng có người tin, có người không tin; có người nói có, có người nói không có, huống chi là kẻ lèng phèng như tôi. Nói như người xưa: “Tin do mình, không tin do mình”, vì thế chẳng nên khen ai cũng chẳng nên trách ai trong chuyện này. Bây giờ, không ít tài liệu còn trích lại ý kiến của nhà vật lý Brian Josephson (Nobel 1973), được đăng trên báo Daily Mail - 1974: “Chúng ta đang đứng trước những khám phá quan trọng về vật lý. Chúng ta đang đối mặt với một dạng năng lượng mới. Sức mạnh này hẳn phải có các định luật của nó. Tôi tin rằng những phương pháp nghiên cứu hiện nay sẽ cho chúng ta biết được nhiều về các hiện tượng tâm linh. Chúng thật bí ẩn nhưng cũng giống như nhiều vấn đề trong vật lý. Trong quá khứ, giới khoa học không muốn nghe về việc nghiên cứu tâm linh. Giờ đây cũng thế, nhiều người vẫn giữ ý kiến đó. Và tôi cho rằng họ đã sai lầm”. Mấy chục năm qua, ai quan tâm về vật lý vũ trụ sẽ thấy khi chuyển từ vật chất sang năng lượng, ngành vật lý đã hướng việc nghiên cứu đến các tiến trình cực kỳ tinh tế và thông minh. Một khi đã xác lập được trật tự trong vũ trụ, có lẽ ngành vật lý sẽ đạt đến một bình diện hiểu biết cao cấp hơn - trong đó, có những điều mà xưa nay, nhân loại còn băn khoăn có hay không, tin hay không nên tin?

Nhìn chung, chạm tới ba chuyện này là chạm tới chuyện của… muôn đời, chẳng biết tới lúc nào mới có câu trả lời chính xác. Và qua học Phật, “vui chùa”, tôi nghĩ rằng hãy tự thắp sáng ngọn nến trí tuệ của chính mình bằng thông tin từ nhiều nguồn khác nhau được thu nhận và xử lý một cách thông minh, độc lập trung thực, có chủ định và sáng tạo. Đó là cách tồn tại và phát triển thông minh trong một thế giới đầy biến động bất ngờ mà chúng ta đang sống. Đó cũng là đòi hỏi hàng đầu của quá trình hội nhập quốc tế.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6129633