Thông tin

TƯỢNG ĐÀI DÂNG MẸ

TƯỢNG ĐÀI DÂNG MẸ

 

VIÊN THẮNG

 

 

Ngàn năm tóc mẹ còn bay

Ngàn năm tình mẹ sống đầy trong con[1].

Viết về mẹ thì xưa nay có rất nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ đã viết lên biết bao tuyệt tác để lại cho đời, làm rung động lòng người, cho nên tình mẹ sống mãi với thời gian. Thế nhưng, tình mẹ dành cho con bao la như biển cả mà ngôn từ còn nằm trong giới hạn nên chúng ta không thể nào diễn tả hết tình mẹ. Vì thế, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã nói:

“Ngôn ngữ trần gian như túi rách

Đựng sao đầy hai tiếng Mẹ ơi!…”.

Thật vậy, hai tiếng “Mẹ ơi!” sao mà thiêng liêng cao cả vô cùng. Khi con còn vừa bắt đầu tập nói, tiếng nói đầu tiên là từ “Mẹ” cho đến khi con trưởng thành vẫn gọi mãi “Mẹ ơi”. Nhớ lúc con còn thơ bé chạy nhảy phá phách đến lúc mệt lả, bụng đói chạy về nhà réo lên: “Mẹ ơi! Con đói bụng quá!” thì mẹ như bà tiên xuất hiện, vội vàng đem thức ăn đến bên con, rồi âu yếm nhìn con ăn ngấu nghiến chỉ trong thoáng chốc hết sạch tô cơm. Con lại hét toáng lên: Mẹ ơi! Con khát nước! Mẹ ơi! Quần áo của con để đâu rồi? Mẹ ơi, mẹ ơi, v.v. Biết bao số việc, con cứ gọi mẹ thì mẹ luôn đáp ứng nhu cầu cho con không chút chậm trễ.

Khi con bắt đầu đi học, mẹ là người sát cánh cùng con, đưa đón con đến trường, mẹ tất bật công việc ở ngoài xã hội, về đến nhà với vô số việc không tên, nhưng mẹ vẫn tranh thủ thời gian dạy kèm con học, đọc truyện cho con nghe, hay dạy cho con hát, có lúc mẹ dạy con làm những công việc lặt vặt trong nhà, tập cho con quen tính tự lập. Khi con khôn lớn được mẹ chỉ dạy cách đối xử với mọi người, biết kính trên nhường dưới, biết thương yêu chia sẻ với mọi người, tạo cho con nền tảng đạo đức làm người, là hành trang để con bước vào đời.

Vì thế, chúng ta đủ thấy vai trò người mẹ có một ảnh hưởng rất quan trọng trong giáo dục con cái, từ khi còn bé đến khi con khôn lớn trở thành người có ích trong gia đình và xã hội. Vì nhờ tình thương của mẹ mà các con được lớn lên, được trưởng thành, được quân bình về các phương diện tâm sinh lý. Cho nên, mẹ là giáo sư dạy con về tình thương yêu, về đối nhân xử thế, là một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. 

Chúng ta muốn biết rõ về tình thương và sự hi sinh cao cả của mẹ thì hãy tìm đọc tiểu sử các bậc thánh như ngài Cưu Ma La Thập, nhờ có mẹ trợ giúp nên đã đóng góp cho ngài rất nhiều trên bước đường tiến tu đạo nghiệp. Hay bà Mạnh Mẫu vì con mà phải chuyển nhà ba lần để cho con trai mình được sống, học tập trong ngôi trường và môi trường giáo dục tốt nhất; sau này, Mạnh Tử trở thành bậc thánh nổi tiếng ở Trung Quốc.

Ngày nay, cũng có hàng triệu bà mẹ quên mình sẵn sàng hi sinh sự nghiệp để giáo dục con mình học hành đến nơi đến chốn. Có những chàng trai, cô gái đã nỗ lực học tập trở thành những người con làm rạng danh cho gia đình và xã hội. Vì thế, nhà thơ Nga từng viết:

“Thế gian đẹp nhất bông hồng

Mẹ nghèo sinh những anh hùng, thi nhân”.

Hình ảnh người mẹ từ xưa đã đi vào văn học nghệ thuật, đặc biệt là thế giới thi ca với những ngôn từ đẹp nhất, thành kính nhất để tưởng nhớ sự hi sinh của đấng sinh thành. Nhà thơ Vũ Đình Liên từng viết:

“Tôi nhớ mẹ tôi xưa

Vất vả như bà Tú[2]

Nuôi chồng và con nhỏ

Quanh năm miệng vẫn cười”.

Và Bersot cũng nói: “Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan đẹp nhất là trái tim của người mẹ”. Câu nói này khẳng định tình mẹ thật là cao quý, thiêng liêng, bất tử. Kỳ quan là chỉ cho các công trình kiến trúc, hoặc cảnh vật đẹp đến mức kỳ lạ hiếm thấy. Thế nhưng, trái tim người mẹ dành cho con một tình thương yêu vô bờ bến, cao đẹp nhất, chỉ biết cho đi mà không bao giờ đòi lại. Vì thế, có những người mẹ vì muốn con mình hiện hữu trên cuộc đời này mà sẵn sàng đánh đổi thân mình để dành sự sống cho con, cho nên có nhà thơ nói: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ…”.

Ngồi viết đến đây, tôi chợt nhớ đến câu chuyện Mẹ ung thư từ chối điều trị để con được sống, người mẹ trẻ đó là thiếu úy công an Đậu Thị Huyền Trâm ở Hà Tĩnh, mắc bệnh ung thư phổi ở giai đoạn cuối. Lúc đó, tế bào ung thư ăn tràn toàn thân, hạch dày đặc quanh cổ, phổi, di căn gan, thậm chí cả tim; vì để bảo vệ tính mạng con, em đã từ chối mọi biện pháp điều trị. Em cố sức chịu đựng những cơn đau hành hạ thân thể, chịu đựng đến giờ phút sức khỏe cạn kiệt để con được sinh ra. Trái tim người mẹ vĩ đại này thật là trong sáng và cao cả. Mặc dù em đã từ giã cuộc đời, nhưng để lại cho mọi người một bài học về tình mẫu tử thiêng liêng cao quý.

Thế nhưng, ngày nay chúng ta thường nghe, hay tận mắt thấy những đứa con ngỗ nghịch sẵn sàng đánh mắng cha mẹ, nếu chúng đòi tiền đi nhậu hay ăn chơi nhảy nhót mà cha mẹ không đưa thì chúng ra tay liền. Những chuyện này xảy ra trước mắt hàng ngày, chỉ cần chúng ta đọc trên báo chí, hay xem truyền hình; hoặc nhà làng xóm ở gần mình. Cho đến việc chăm sóc cha mẹ già yếu là bổn phận cơ bản nhất của mỗi người làm con, nhưng có những người con lại chối bỏ trách nhiệm, khi con hạnh phúc rồi thì lại quên mất cha mẹ, điều này là trái với đạo đức con người và khiến cho nhiều người thấy ai cũng xót xa. Mới đây, cộng đồng mạng đã cùng nhau chia sẻ một clip về người con trai liên tục rủa mẹ mình với những từ ngữ khó nghe: “Bà chết đi, sao bà mãi chưa chết, cả năm nay bà đã chết đâu?”. Bối cảnh clip gây bức xúc được cho quay tại phòng chờ của một bệnh viện ở Quỳnh Phụ, Thái Bình. Vì người mẹ già bị mắc bệnh hiểm nghèo, gây phiền phức cho các con, nên người con trai này mắng chửi mẹ mình giữa chốn đông người bằng những lời lẽ khó nghe, khiến cho nhiều người không dám xem đến hết clip vì quá sốc. Thật đúng như Ca dao nói:

“Cha mẹ nuôi con bể hồ lai láng,

Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”.

Nhân mùa Vu Lan lại về, càng làm cho con nhớ về công ơn mẹ mang nặng đẻ đau, ba năm bú mớm, ẵm bồng, mẹ chịu biết bao cực khổ để nuôi con khôn lớn. Giờ đây, con muốn báo đáp thâm ân cực nhọc mẹ đã hi sinh vì con thì mẹ đã không còn. Con không biết gì hơn xin thắp nén hương lòng cầu cho mẹ được sanh về thế giới Cực lạc, hình ảnh mẹ là tượng đài mãi hiện hữu trong con xin dâng lên mẹ.



[1] Thơ Bảo Cường 

[2] Bà Tú ở đây chỉ cho người vợ hiền của nhà thơ Tú Xương ở Nam Định.

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6058308