Thông tin

TQ14 - TƯƠNG KẾ TỰU KẾ

TƯƠNG KẾ TỰU KẾ

THÍCH VIÊN NHƯ

 

Truyện chim trĩ trắng

Vào đời Chu Thành Vương, Hùng Vương sai bề tôi tự xưng là người Việt Thường đem dâng nhà Chu chim trĩ trắng. Vì ngôn ngữ bất đồng, Chu Công phải qua nhiều lần dịch mới hiểu được.

Chu Công hỏi: “Tại sao dân Giao Chỉ cắt tóc ngắn, để đầu trần, xăm mình, đi chân đất như vậy là cớ sao?”. Sứ thần đáp rằng đáp: “Cắt tóc ngắn để tiện đi trong rừng. Xăm mình để giống hình Long Quân bơi lội dưới sông loài Giao long không phạm tới. Đi chân đất để tiện leo cây. Cày bằng dao, trồng bằng lửa. Ău trầu cau để trừ ô uế cho nên răng đen”. Chu Công hỏi: “Tại sao tới đây”? Người Việt Thường đáp: “Đời nay không có mưa dầm gió dữ, ngoài bể không nổi sóng lớn đã ba năm nay, ý chừng là Trung Quốc có thánh nhân xuất thế, nên tới đây vậy”. Chu Công than rằng: “Chính lệnh không thi hành thì quân tử không bắt kẻ khác thuần phục mình, đức trạch không có cho người thì quân tử không hưởng lễ của người. Còn nhớ Hoàng đế có nói rằng: “Giao Chỉ xa xôi ở cõi ngoài, không được xâm phạm đến”. Bèn ban thưởng cho phẩm vật, răn dạy rồi cho về. Người Việt Thường quên đường về, Chu Công bèn ban cho 5 cỗ xe, đều chế tạo cho hướng về phương Nam. Người Việt Thường nhận lấy mà đi theo hướng biển nước Phù Nam, Lâm Ấp, đi một năm thì về tới nước. Cho nên, xe chỉ Nam thường dùng để đi trước đưa đường. Về sau, Khổng Tử viết sách Xuân Thu, cho nước Văn Lang là một nơi hoang vu, chưa có văn hiến, nên bỏ trống không chép.

Truyện hiến rùa thần

Sách “Thông giám cương mục” chép: “Năm Mậu Thân đời Đường Nghiêu thứ 5 (2353 TCN), có Nam di Việt Thường thị đến chầu, hiến con rùa lớn”; sách Cương mục tiền biên cũng cho biết: “Vào đời Đào Đường thị, năm Mậu Thân đời Đường Nghiêu thứ 5, Việt Thường thị sang chầu dâng rùa thần”.

Sách “Thông chí” thì viết rõ hơn: “Đời Tào Đường, Nam di có Việt Thường thị qua nhiều lần thông dịch đến hiến một con rùa thần. Rùa được nghìn tuổi, rộng hơn 3 thước, trên lưng có chữ khoa đẩu, chép việc từ lúc khai thiên lập địa đến nay, vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là lịch rùa”...

GIẢI MÃ

Đây là hai câu chuyện nói về việc nước Việt Thường cống hiến phẩm vật cho các triều đại ở phương Bắc. Chẳng biết rùa và chim bạch trĩ có gì quý không mà nước Việt Thường lại mất cả năm mới tới nơi cốt chỉ biếu một con chim, lại qua mấy lần thông dịch mới hiểu, lẽ nào đây là loài đặc hữu chỉ riêng Việt Thường mới có. Câu chuyện cũng cho ta biết phương Bắc cũng chẳng yêu cầu nước Việt phải cống hai thứ này, tất nhiên triều cống là một chuyện có thật, phẩm vật nhất định có nhiều loại được xem là quý, nhưng chẳng thấy nói đến những phẩm vật đó, thay vào đó lại chỉ đề cập đến hai con vật này. Tại sao vậy? Đặt vấn đề như vậy để thấy rằng hai câu chuyện nói trên vẫn còn lưu lại cho đến ngày nay là có chủ đích.

Chủ đích đó là gì? Theo tôi tất cả không ngoài nguồn gốc Dịch.

Có hai thứ tiêu biểu đã hình thành nên nền văn hóa Trung Hoa đó là: Dịch học và chữ Vuông. Mặc dù vậy, nguồn gốc Dịch học và chữ Vuông theo lịch sử của họ hết sức mù mờ, tại sao vậy? Đối với các học giả Trung Hoa thì tại vì xuất tích của nó quá lâu đời nên không có nguồn gốc cụ thể, còn đối với các học giả Việt Nam thì câu trả lời là: Vì Dịch không phải của người Trung Hoa, nên họ chỉ khẳng định Dịch là của dân tộc họ bằng sức mạnh chứ không bằng lý lẽ. Có thể nói nguồn gốc của Dịch học vô cùng quan trọng trong mấy ngàn năm qua tại Trung Hoa cũng như Việt Nam, chính vì vậy mà có nhiều truyền thuyết nói về nó. Trong tinh thần cho rằng Dịch là thành quả văn hóa của người Lạc Việt, với tư cách là một kẻ yếu, bị tước đoạt mất cái văn hóa của mình, người Việt tìm mọi cách để ghi lại tác quyền của mình trong vấn đề Dịch học. Hai câu chuyện hiến rùa và chim bạch trĩ không ngoài mục đích đó.

1 -  Theo tôi chim Bạch trĩ cũng như chim Bạch hạc, một loài chim được đề cập tới trong truyền thuyết Mộc tinh, tượng trưng cho Vô cực hay bản thể, thuộc âm, nơi chứa đựng tất cả các hạt giống của nhân sinh, vũ trụ. Chim và màu trắng biểu tượng cho trời, trời ở đây không có nghĩa là bầu trời mà là cõi xa xôi nên người ta hầu như không thấy gì về nó vì vậy mà người ta dùng màu trắng để tượng trưng cho nó. Màu trắng là màu sinh ra mọi màu hay màu mẹ cũng như vô cực sinh ra vạn hữu vậy. Có thể vì con chim trĩ giống con gà, mà gà thì tượng trưng cho Âm nên người xưa đã dùng hình ảnh con chim trĩ trắng để đại diện cho vô cực.

“Lã Hậu” 呂后 nhà Hán tên là "Trĩ"  雉, vì kiêng huý nên gọi chim trĩ là "dã kê"野雞.

2 -  Rùa là con vật tượng trưng cho Thái cực, thuộc Dương, nơi diễn ra mọi biến dịch tạo ra thế giới hiện tượng. Sở dĩ người xưa dùng con rùa để tượng trưng cho Dịch là vì căn cứ vào hình ảnh của nó với các tiêu chí của Dịch như: Rùa có bốn chân tượng trưng cho khái niệm Vuông = Âm. Trong hình là số chẳn. Thân rùa có hình cong tròn tượng trưng cho Trời = Dương. Trong hình minh họa là số lẻ. Câu chuyện Rùa vàng trong truyền thuyết tiêu biểu cho khái niệm này. Âm trước Dương sau là Thái cực, tiêu biểu của nó là  Lạc thư – Hậu thiên bát quái. Xem hình minh họa tại phần giải thích câu “Thương cho thân phận con rùa , lên đình đội hạc xuống chùa đội bia” (trang 156). Cũng chính vì vậy mà khi xây Loa thành = Âm, cần phải có sự trợ giúp của thần Kim Quy = Dương. Có một con vật khác cũng tượng trưng cho Thái cực đó là con Cóc, từ con Cóc này mà người xưa đã dựa vào đó đặt tên cho sinh thực Nam là con Cạc còn gọi là con Bòi, được cụ thể hóa bằng chữ Bối貝. Vì Cóc – Cạc – Bối,  Bòi là tượng trưng cho Thái cực nên trong Thuyết văn giải tự mới nói “Cổ giả hóa bối nhi bảo quy” - Người xưa cho bối là rùa quý. Có như vậy nên mới có chuyện cắt bao quy đầu, chứ sao bổng nhiên đầu dương vật lại thành đầu con quy.


Cả hai câu chuyện đã diễn ra quá xa xôi trong quá khứ nên khó mà kiểm chứng sự thật hư của nó. Tuy nhiên, theo tôi, đây chỉ là những câu chuyện do người Việt dựng nên nhằm mục đích nói lên rằng “Dịch học và chữ Vuông là của người Việt”. Cả hai câu chuyện đều nói rằng người Việt Thường đem chim, rùa cống hiến cho phương Bắc. Câu chuyện lại kể lại với những lời lẽ có cánh, nào là “Có thánh nhân xuất hiện ở Trung Quốc”. Lúc ấy liệu đã có tên Trung Quốc chưa? Cách xây dựng cốt truyện với những tình tiết hạ mình như vậy là nhằm qua mặt giới cai trị phương Bắc mà thôi. Chứ nếu thông thường mà xét thì Rùa và Chim trĩ chẳng có giá trị gì lớn lao mà nhọc công đi cả năm trời. Còn nếu xét về góc độ văn hóa thì lẽ nào có cái chuyện đem văn hóa cốt lõi của mình đi biếu kẻ khác, hơn nữa văn hóa chỉ có thể học, nó có chứ là vật bỏ trong túi đâu mà có thể đem biếu mà được. Tóm lại, đây chỉ là những câu chuyện do người Việt dựng lên với lời lẽ của một nước nhỏ triều cống nước lớn, điều ấy khiến những kẻ hay chữ ở phương Bắc vốn đầy lòng ngạo mạn lấy làm đắc ý nên đã ghi lại trong nhiều sách. Như vậy là người Việt đã đạt được mục đích của mình. Mục đích đó là gì? Ấy là:

1 – Chuyện chim trĩ trắng cho biết rằng: Chu Công bèn ban cho 5 cỗ xe, đều chế tạo cho hướng về phương Nam. Làm gì có loại xe chỉ chuyên đi về một hướng (Nam). Sao lại ban cho 5 chiếc. 5 chiếc là NGŨ HÀNH,  Ngũ là năm, Hành là đi, Đi về đâu? Về phương Nam. Như vậy, thực chất đây chỉ là câu chuyện xây dựng nhằm khẳng định Dịch học ấy là của người phương Nam, cụ thể là của dân Lạc Việt.

2 – Chuyện hiến rùa có chữ Khoa đẩu – Nòng nọc nói lên rằng: Vâng! Hiện nay các ông đang sử dụng chữ Vuông đấy, các ông đang sử dụng lịch âm dương đấy nhưng nào có phải của các ông đâu, tất cả do chúng tôi biếu không cho các ông. Đấy là nói một cách khiêm hạ, chứ đời này ai chẳng biết làm gì có cái chuyện một dân tộc lại đem cái văn hóa cốt của mình biếu cho kẻ khác, cho dù có muốn cũng không được. Chỉ duy nhất là học, mà học thì phải chịu thân phận làm trò, chuyện này đối với những kẻ đã xưng là Hoàng đế thì ai chịu được, nên chi khi cướp được cái văn hóa ấy rồi thì cấm đoán kẻ bị hại không được nói là của mình. Dĩ nhiên, cấm đoán ấy nhất định đi kèm theo những biện pháp hà khắc nhất. Chấp nhận thực tế, người Lạc Việt dựng nên câu chuyện hiến rùa trong tư cách là nước chư hầu, người phương Bắc hả hê, thỏa mãn nên ghi vào sách nọ vở kia, thế là người Việt đã đạt được mục đích của mình đó là: Nói gì thì nói Dịch học kia, chữ Khoa đẩu nọ là của chúng tôi, chính các ông ghi vào sách đấy nhé.

Tóm lại, từ sau khi bị cưỡng chiếm cái văn hóa huyền vĩ của mình, lại bị cấm đoán không cho nhận lấy tác quyền về Dịch học và chữ Vuông, người Việt đã vận dụng mọi cách để truyền lại cái thông điệp rằng: Người Việt là chủ nhân của Dịch học và chữ Vuông. Một trong những cách ấy là tương kế tựu kế: “Vâng em xin chịu phép anh hai, em có cái quý nhất là Dịch học và chữ Khoa đẩu đây, xin biếu anh làm quà, bởi vì anh là vĩ đại, nước anh có thánh nhân”. Nghe ngọt ngào quá, thằng em bây giờ đã quá ư thần phục mình rồi, phải ghi lại cho hậu thế biết, có ngờ đâu rằng đấy là làm việc không công cho người Lạc Việt mà thôi.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 73
    • Số lượt truy cập : 6345950