TƯỢNG PHẬT QUAN ÂM CHÙA ĐA TỐN, HÀ NỘI
TƯỢNG PHẬT QUAN ÂM CHÙA ĐA TỐN, HÀ NỘI
NGÔ THỊ NHUNG
Tượng Quan Âm chùa Đa Tốn
Tượng Phật Quan Thế Âm (Avalokitesvara) có xuất xứ từ Ấn Độ, có nghĩa là Đấng nhìn xuống trần gian, hoặc là Đấng nghe được lời ca than của trần gian. Trong Đạo Phật, hình tượng Quan Thế Âm là biểu tượng của từ bi, xót thương các khổ nạn của chúng sinh mà ra sức cứu độ1. Thờ Quan Thế Âm là một hiện tượng phổ biến và độc đáo nhất của Phật giáo Việt Nam.
Tượng Quan Âm, không phải là cái gì riêng biệt đối với nghệ thuật Phật giáo Việt Nam, mà nó được thịnh hành trên bất cứ nước nào có đạo Phật. Song ở mỗi nơi, mỗi chỗ nó đều có những biến thái địa phương nhất định. Nguyên thủy ở Phật giáo Ấn Độ, Quan Âm là một nam thần. Phật giáo truyền qua phía Đông, Quan Âm lại trở thành nữ thần. Đây là một biến thái quan trọng nhất. Ngoài ra, biến thái được quy định bởi các dòng Phật giáo ở đó là dòng Tiểu thừa hay dòng Đại thừa. Nếu như dòng Tiểu thừa, tượng Quan Âm (Avalokitesvara) là sự ghép hợp giữa hình ảnh Quan Âm với nữ thần Tara (người mẹ đất trong thần thoại Ấn Độ) để trở thành Avalokitesvara – Tara như chúng ta đã tìm thấy tại Đồng Dương2; thì ở dòng Đại thừa Quan Âm hay Quan Thế Âm Bồ tát (Boddhi-salva – Avalokitesvara) là sự ghép hợp giữa hình ảnh Quan Thế Âm với một vị Bồ tát. Song thực ra dòng này người ta coi Quan Âm cũng như một vị Bồ tát. Quan niệm rộng rãi của dòng Phật giáo Đại thừa như vậy khác hẳn với những quy định ngặt nghèo của dòng Phật giáo Tiểu thừa.
Cũng là Quan Âm, người Trung Quốc gọi là Kuan-Yin, người Nhật Bản gọi là Kwan-On, riêng ở nước ta cũng có nhiều cách gọi khác nhau như Quan Âm, Phật bà Quan Âm, Quan Thế Âm Bồ tát... và người ta đã chia Quan Âm ra làm 6 loại khác nhau:
1. Quan Âm Chuẩn đề
2. Quan Âm Nghìn mắt nghìn tay
3. Quan Âm Tọa sơn
4. Quan Âm Quá hải
5. Quan Âm Niệm hoa
6. Quan Âm Tống tử (hay Quan Âm Thị Kính).
Trong bài viết này, tôi xin đề cập đến loại thứ hai là tượng Phật Quan Âm Nghìn mắt nghìn tay. Tượng Quan Âm ở chùa Đa Tốn, Hà Nội, tuy không có đủ số tay, mắt như vậy nhưng đây là lối gọi ước lệ của nhân dân ta vẫn hay dùng từ xưa đến nay.
Chùa Đa Tốn còn có tên là chùa Thánh Ân thuộc Đào Xuyên, xã Đa Tốn, Gia Lâm (Hà Nội), cách xã Bát Tràng 1 km rẽ trái là tới chùa. Không rõ chùa có từ bao giờ, theo văn bia thì năm 1635, chùa đã được tu tạo, các đời sau vẫn tiếp tục tu tạo, lần cuối cùng là vào năm Duy Tân thứ 10 (1916) làm lại hoàn toàn.
Cách bài trí tượng Phật trong chùa Đa Tốn giống như nhiều chùa ở miền Bắc nước ta. Trong điện thờ Phật, về cơ bản được phân ra làm bốn lớp chính.
- Lớp thứ nhất, trên cùng, là tượng Tam Thế.
- Tiếp đến lớp thứ hai là tượng Thích Ca, hai bên có Đại Thế Chí và Quan Thế Âm.
- Lớp thứ ba là tượng Thích Ca, hai bên có Văn Thù và Phổ Hiền.
- Lớp dưới cùng là tòa Cửu Long.
Phía trước tòa Cửu Long, có hương án; phía sau tòa Cửu Long là pho tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, ngự trên tòa sen sẽ được giới thiệu dưới đây. Tiếp ngay phía sau tượng Phật Quan Âm là tượng Quan Âm Thị Kính.
Nổi bật lên về hình thức cũng như về giá trị nghệ thuật trong toàn bộ Phật điện ở đây là pho tượng Phật Quan Âm Nghìn mắt nghìn tay.
Tượng Phật bà Quan Âm chùa Đa Tốn cũng mang phong cách và dáng dấp chung của tượng Quan Âm ở những chùa khác mà chúng ta đã biết, song tượng Quan Âm chùa Đa Tốn cũng có nhiều biểu hiện và nét độc đáo riêng. Tượng được tạc ở tư thế ngồi xếp bằng, cao 1,32 m, tính cả bệ thì cao 2,55 m. Những cánh tay tạo thành vòng sáng rộng 1,55 m. Tượng ngồi gần như bất động trong thế ‘tham thiền nhập định’ nhưng lại thoát ra cái động của nội tâm qua những cánh tay chính vung ra xung quanh với nhiều động tác khác nhau. Những người thợ tạc nên pho tượng này tài tình và khéo léo đến nỗi khách tham quan có thể đứng ở bất kỳ góc độ nào, chính giữa, phía trước, bên phải, bên trái, cũng có cảm tưởng như pho tượng đang nhìn về phía mình. Chính điều đó tạo ra nét sống động, chân thực của pho tượng.
Cũng giống như các pho tượng Phật Quan Âm khác, tượng Phật Quan Âm chùa Đa Tốn được trang trí theo hai tuyến, tuyến thật và tuyến tượng trưng.
- Tuyến thật là phần chính của tượng, với đầy đủ các chi tiết của một con người thực sự. Có khác chăng là con người ở đây không phải có 2 tay, mà có những 42 tay hoạt động trong các tư thế khác nhau theo từng cặp một. Toàn bộ sự khéo léo và tài tình của nghệ nhân biểu lộ ở cách xếp đặt các đôi tay rất phù hợp nên dù ở tư thế nào chúng vẫn mang tính chân thực của đôi tay người. Tuyến thật này được tạo nên theo phong cách tượng tròn.
- Tuyến tượng trưng (tuyến phụ) là phần vòng sáng ở phía sau, tạo bởi 610 cánh tay nhỏ, chia làm năm lớp. Tuyến phụ này được tạo nên theo phong cách phù điêu, và chính tuyến phụ này đã tạo nên cho pho tượng một cá tính thần thoại, siêu thoát, gây cho ta cảm giác như từ thân tượng tỏa ra một vòng sáng như ngàn tia hào quang rực rỡ, hay như tượng có đôi cánh xòe ra để nâng toàn bộ thân bay lên.
Đầu tượng phủ khăn bên ngoài, trong đội mũ, trên đỉnh của mũ có tượng Phật Thích Ca ngồi nhập định trên tòa sen.
Mặt tượng đầy đặn, đôn hậu, còn giữ được nhiều nét trần tục. Mắt hơi khép, mũi thẳng, má bầu, miệng để tự nhiên, tai dài và đeo hoa. Tóc mai chảy ngang qua tai. Cổ cao, nhưng chỉ có một ngấn. Thân tượng hơi đầy đặn mặc áo nhiều nếp chảy cả xuống mặt bệ. Ngang bụng thắt bao rủ xuống hai bên, lẫn vào nếp áo.
Các cánh tay có ống to, tròn và khỏe. Bàn tay với các ngón dài xòe ra theo động tác múa rất đẹp. Trừ đôi tay chính chắp trước ngực, còn 20 đôi tay phụ vung ra ở các tư thế khác nhau nhưng cũng rất khéo léo, hài hòa, sống động, nhiều tay nhưng không gây ra cảm giác thừa. 610 cánh tay nhỏ, kiểu thức tương tự như nhau, xếp đều thành năm lớp trước sau ở hai bên sườn.
Chân ngồi xếp bằng, bàn chân lẫn vào trong, chỉ để lộ ra phần đầu gối.
Là tượng Phật, nhưng tượng Phật bà Quan Âm chùa Đa Tốn không hẳn trang nghiêm và thoát tục, khuôn mặt còn giữ nguyên vẻ chân thật. Trong toàn bộ cấu trúc tạo hình, tượng có nhiều tuyến ngang, kết hợp với một số nếp cong nhịp nhàng nên vững và thoát, chín chắn và duyên dáng. Những khối phẳng kín luôn tương phản với khối phẳng lớn, cũng như tương phản với những mảng mờ và khoảng lõm một cách có cân nhắc3.
Tượng ngự trên tòa sen, do đầu rồng đỡ đưa lên từ mặt nước, tòa sen chính là mặt trên của phần bệ sáu cạnh.
Tòa sen cao 0,50 m bao gồm 13 cánh sen chính, 13 cánh sen phụ và 26 cánh sen cách điệu bố trí xen kẽ thành hai lớp trên và dưới. Đầu các cánh sen mập, hơi tròn, trong có trang trí hoa văn mây cuốn.
Phần đầu và tay rồng cao 0,23 m đỡ toàn bộ tòa sen. Các tay rồng đều có vảy và ba móng sắc, kiểu móng gà.
Phần bệ chính có hình khối lục giác không đều nhưng cân xứng, cao 0,50 m, ngang mặt 0,88 m, dọc mặt 1,15 m. Sau mặt xung quanh bệ chính được trang trí hoa văn theo từng mảng riêng biệt. Hoa văn chủ đạo ở đây là cánh sen nổi, cúc dây cách điệu, hoa văn chữ S nằm ngang và rồng là điển hình của thời Lê.
Toàn bộ phần tượng cũng như phần bệ đều được tạc bằng gỗ mít, tuy được ghép bằng nhiều mảng khác nhau, nhưng phần khép rất khít, có cân nhắc, lại được phủ ngoài bằng một lớp sơn son, thếp vàng, cho nên chúng ta có cảm giác như là tượng cũng như bệ được tạo bởi một khối gỗ nguyên. Do đã quá lâu ngày, cho nên một phần bệ, một số cánh tay phụ đã bị mục nát.
Cũng như những pho tượng Quan Âm khác, tượng Quan Âm chùa Đa Tốn là một công trình nghệ thuật tuyệt vời, có thể xếp vào loại kiệt tác của nghệ thuật tạc tượng Phật Việt Nam thời cổ (Phan Như Hồ, Nguyễn Mạnh Cường, 1983).
Một vài nhận xét:
Quan Âm nghìn mắt nghìn tay (hay Quan Âm thiên thủ, thiên nhãn) là tên gọi chung, là hình ảnh tựu trung nhất không cần có một sự lý giải nào về sự tồn tại của hình ảnh đó. Hơn thế nữa, người ta đã bỏ qua cả cái niêm luật chặt chẽ ‘nghìn mắt, nghìn tay’, mặc dù tượng Quan Âm ở chùa Đa Tốn ở đây chỉ có 42 tay lớn và 610 tay nhỏ, rồi pho tượng ở chùa Hạ (Vĩnh Phú xưa) chỉ có từ 32 đến 40 tay và một số nơi khác. Duy chỉ có tượng Quan Âm chùa Bút Tháp (Hà Bắc) là đủ cả nghìn mắt, nghìn tay. ‘Nghìn mắt, nghìn tay’ đã trở thành sự ước lệ và tiêu chuẩn đối với các nhà điêu khắc tượng Phật Việt Nam. Người Việt Nam không chỉ rộng rãi về ngôn từ, mà rộng rãi ngay cả trong khuôn mẫu của tượng. Những hình tượng học mà tạc nên là biểu tượng cho sự mong muốn cầu xin giải thoát mọi khổ đau của cuộc sống trần gian, muốn trở về với cõi Phật nhưng lại không lên Niết bàn.
Về niên đại, trên thân tượng không ghi niên đại của tượng, nhưng theo 2 nhà nghiên cứu Phạm Như Hồ và Nguyễn Mạnh Cường lấy phương pháp so sánh với niên đại của tượng Quan Âm chùa Bút Tháp làm mốc so sánh thì tượng Quan Âm chùa Bút Tháp được các nhà nghệ thuật và mỹ thuật Việt Nam xếp vào khoảng giữa thế kỷ XVII thì hai ông cho rằng niên đại của tượng Quan Âm chùa Đa Tốn có sớm hơn vì hai lẽ: Một là: Tượng Quan Âm chùa Đa Tốn giản lược hơn nhiều, số tay, mắt chẳng những ít hơn mà những đường nét, hoa văn trang trí cũng kém tinh vi, trau chuốt hơn, có đôi phần vội vàng theo khuôn mẫu; Hai là: Phần bệ tượng Quan Âm chùa Đa Tốn như trên đã trình bày, hoa văn chủ đạo ở đây là hoa sen cách điệu, hoa cúc dây, hoa văn chữ S nằm ngang và đặc biệt là hoa văn rồng lá, đó chính là những mô típ hoa văn điển hình của thời Lê. Hai ông lấy thế kỷ XVI làm mốc ra đời của pho tượng Quan Âm chùa Đa Tốn, nghĩa là nó xuất hiện sớm hơn tượng Quan Âm chùa Bút Tháp chừng một thế kỷ, là một trong những tượng có niên đại sớm nhất ở nước ta.
Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay chùa Đa Tốn là một trong những bảo vật quý, hiếm, và có niên đại sớm, rất có giá trị cần được bảo tồn, đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 53/QĐ-TTg về việc công nhận là một trong 12 Bảo vật quốc gia được công nhận đợt 3, Quyết định ban hành ngày 14 tháng 01 năm 2015, và trong văn bản cũng xác định là bức tượng có niên đại thế kỷ XVI.
1. http://www.phathoc.net/PrintView.aspx?Language=vi&ID=5E4059
2. Trần Phương Kỳ: ‘Pho tượng Bồ tát mới tìm được ở Đồng Dương’; trong Tạp chí Khảo cổ học, số 2-1979, tr. 60-62
3. Chu Quang Trứ: ‘Quan Âm chùa Đa Tốn’ Báo Quân đội nhân dân ngày 18-8-1979
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 20 – THÁNG 4 NĂM 2017 (PL. 2560)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 19 – THÁNG 1 NĂM 2017 (PL. 2560)
Bình luận bài viết