Thông tin

TƯỢNG QUAN THẾ ÂM CHÙA BÚT THÁP

 

DIỆU HỶ ĐAVIS LE

 


 

Pho tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn ở chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là một pho tượng độc đáo, đôi khi là đại diện cho nghệ thuật điêu khắc thế kỷ thứ XVII tại Việt Nam và đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia ngay đợt đầu tiên năm 2012.

Pho tượng này được tạo tác vào thế kỷ XVII (năm 1656), làm bằng gỗ phủ sơn son thếp vàng. Tổng thể tượng có kích thước: cao 370cm, rộng 210cm, dày 115cm, cánh tay xa nhất có chiều rộng 200cm1. Phong cách của tượng này rất đặc biệt có vài điểm khác biệt so với hầu hết các tượng cùng loại ở Việt Nam.

Ở trung tâm của pho tượng trước ngực là đôi tay của Bồ tát đang chắp lại với nhau mà chúng ta thường gọi là thế hiệp chưởng (chi tiết ra thì có đến 12 thế của cùng thể loại hiệp chưởng như: kiên thật tâm, hư tâm, vị liên, sơ các liên, hiển lộ, trì thủ, quy mạng, phản xoa, phản tịch, hoành trụ, phúc thủ, phúc thụ2). Các thế hiệp chưởng trong điêu khắc tượng cổ Quán Thế Âm ở Việt Nam như các tượng Quan Âm đời Mạc chùa Hội Hạ hiện ở Bảo tàng Mỹ thuật hay tượng ở chùa Đào Xuyên (huyện Gia Lâm) và chùa Bối Khê (huyện Thanh Oai) ở Hà Nội, thậm chí pho tượng lưu lạc bên Pháp tại Bảo tàng Guimet hay một vài tượng cổ của Trung Hoa           cũng đều thống nhất ở điểm đó là 2 lòng bàn tay áp sát vào nhau hay còn gọi kiên thực tâm hiệp chưởng (ngoài ra ở Việt Nam cũng tồn tại nhiều tượng như Quan Âm chùa Mễ Sở (Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) bắt ấn Chuẩn Đề trước ngực thì đây là dạng tượng hòa quyện của nhiều hình tượng Quan Âm như Thiên Thủ, Chuẩn Đề, Nam Hải). Còn tượng chùa Bút Tháp thì lòng 2 bàn tay không sát nhau, lưng bàn tay khum lại tạo một khoảng trống ở giữa có lẽ gọi hư tâm hiệp chưởng. Đây chính là tạo hình mang phong cách Tây Tạng và thường xuất hiện trên hình tượng Quan Âm nhiều khi còn tạc hẳn giữa lòng bàn tay một viên ngọc mani tượng trưng cho tâm Bồ Đề, Đại Bi viên mãn mọi tâm nguyện lợi lạc chúng sinh. Và người Tây Tạng cũng có thể chắp tay theo thế này phổ biến, rỗng ở giữa lòng 2 bàn tay song song với cách áp sát lòng 2 bàn tay như thường thấy.

 


12 thế ấn hiệp chưởng

 


Tượng Quan Thế Âm chùa Bút Tháp với thế hư tâm hiệp chưởng

Tượng Quan Thế Âm chùa Đào Xuyên với thế kiên thực tâm hiệp chưởng

 

Điểm thứ 2 đó là tượng chùa Bút Tháp tạo hình 11 đầu, chuyện có nhiều đầu không lạ gì trong điêu khắc cổ Trung Hoa nhưng từ đời nhà Nguyên về trước thì các đầu không được bố cục như pho ở Bút Tháp, các pho tượng Quan Âm niên đại nhà Liêu, Tống... thì đầu chính gồm một khuôn mặt và các đầu nhỏ bố cục ở trên nhưng không chia ra 3 khuôn mặt một tầng như tượng Quan Âm Thập Nhất Diện hay như pho ở Bút Tháp. Phần đầu chính gồm 3 khuôn mặt quay ra 3 hướng và các tầng trên cũng tương tự như vậy, bố cục kiểu này là của Quan Âm Thập Nhất Diện thường thấy ở phong cách Tây Tạng (chữ “của” dùng ở đây và cả phần tay hiệp chưởng cũng không hẳn là của theo nghĩa sáng tạo ra nhưng quả thực nó được dùng phổ biến nhất là tại Tây Tạng).

Ngoài vài điểm chính trên pho tượng nổi tiếng của chùa thì tại Bút Tháp cũng ghi nhận thêm vài nét văn hóa ảnh hưởng của sắc thái Tạng truyền như Cửu Phẩm Liên Hoa giống với kinh lân, luân tàng hay các pho tượng hoàng hậu, công chúa có đeo khăn nhất Phật trên vành trán mũ và 2 dải thắt buông vai giống khăn tam sơn:

“… Ở Việt Nam thời Lê Trung Hưng có một giai đoạn người ta biến các hậu, phi, công chúa thành hóa thân của Quan Âm Bồ tát, bằng cách cho các tượng của họ trong chùa đội khăn sikha thọ giới Bồ tát có hình Phật A Di Đà (Vô Lượng Thọ) trước trán. Đặc biệt là trên các tượng chân dung được tạo với cùng một phong cách và cùng thời điểm ở đầu thế kỷ XVII. Tượng chân dung các hoàng hậu, phi tần của vua Lê Dụ Tông ở chùa Mật, Thanh Hóa (nay trưng bày ở Bảo tàng Thanh Hóa) là minh chứng rõ nét nhất. Rõ ràng là họ đội khăn, vì hai dây buộc còn để thõng trước vai. Họ đều ngồi kiết già với tay bắt ấn như các Bồ tát.

Phải chăng việc họ đội loại khăn sikha này có nghĩa là họ được thụ giới từ các vị đại sư có ảnh hưởng và kiến thức của Mật giáo? Thay vì khăn năm đỉnh, họ đều đội khăn có tam sơn (trikuta) ba đỉnh, tựa như loại khăn hay thấy trên các hình tượng Avalokites-vara xuất hiện ở các nước Ấn Độ, Nepal và Tây Tạng trong các thế kỷ IX đến XII. Và khăn của họ đội đều là khăn Vô Lượng Thọ Phật của Quán Thế Âm Bồ tát. Điều này cũng thấy ở các tượng hậu của các hậu, phi, công chúa ở chùa Bút Tháp, Bắc Ninh. Tượng hai Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền ở chùa Bút Tháp cũng đội khăn 3 đỉnh Vô Lượng Thọ Phật này. Đây cũng là một trong những nét khác biệt của nền văn hóa Phật giáo của Việt Nam, đã được biến đổi tương đối so với các quy tắc nguyên thủy từ nơi Phật giáo xuất phát…”

 


Tượng hậu một bà phi ở chùa Bút Tháp, Bắc Ninh, với Phật A Di Đà trên tam sơn
(phiến trước bị mất phần trên), thế kỷ XVII
Ảnh: Nguyễn Khắc Chinh

 

Dòng ghi nên đại chế tác tượng Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn
chùa Bút Tháp. 
Ảnh: Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh

 

Tất cả những điều trên như nhắc nhở về một giai đoạn đặc biệt của lịch sử Phật giáo ở 2 nước Việt Nam và Trung Quốc thế kỷ XVII.

Đây là bức tượng được triều đình cung tiến cho chùa và là bức tượng duy nhất trong hệ thống tượng cổ Việt Nam có ghi niên đại năm tạc, tên người tạc. Trên tượng có ghi: “Tuế thứ Bính Thân niên, thu nguyệt, cốc nhật doanh tạo. Nam Đông Giao Thọ nam tiên sinh phụng khắc”.

Pho tượng này được làm năm Bính Tý 1656 bởi nghệ nhân Trương Thọ Nam (không rõ nghệ nhân này là người Trung Hoa cư trú nhiều đời ở Đại Việt hay mới sang ở khi đó?) có lẽ dưới thời của thiền sư Minh Hành Tại Tại (1596-1659) quê tỉnh Giang Tây được Chuyết Chuyết Viên Văn (1590-1644) từ bên Trung Hoa thu nhận làm đệ tử tại Đàng Trong Đại Việt năm 1633 cuối thời nhà Minh. Chuyết Công cùng các đệ tử ra Đàng Ngoài Đại Việt truyền đạo tại chùa Phật Tích (huyện Tiên Du) và Bút Tháp (huyện Thuận Thành) ở tỉnh Bắc Ninh. Với sự đóng góp của Chuyết Công và hai đệ tử Minh Hành và Minh Lương, Phật giáo Đàng Ngoài Đại Việt được hồi phục và phát triển, ngài được tôn là Đông Đô Thủy Tổ, Bút Tháp trở thành Đại Tổ đình thiền phái Lâm Tế và là chốn Tổ quan trọng của xứ Bắc sau này.

Chuyết Công đến từ Phúc Kiến khi nhà Mãn Thanh đã lớn mạnh và nhà Minh (1368-1644) bước vào giai đoạn suy tàn.

Nhà Minh được thành lập năm 1368 đóng đô tại Nam Kinh đến năm 1403 thì dời đô về Bắc Kinh đất đô cũ của nhà Nguyên nơi ghi dấu của Phật giáo Tạng truyền, vì cuối đời Tống, đầu nhà Nguyên thì Đạo giáo thắng thế, lấn át Phật giáo, thậm chí bị dỡ bỏ cơ sở thờ tự, bắt cải sang đạo sĩ, may đến giữa nhà Nguyên được một nhà sư Tây Tạng là Quốc sư Bát Tư Ba dòng Tát Ca hóa giải và hàng phục bọn đạo sĩ mà đứng đầu là Lí Chí Thường của Toàn Chân giáo (giáo này vốn nắm quyền lãnh đạo tôn giáo cả quốc gia từ thời Khưu Xử Cơ, Doãn Chí Bình... nên lộng hành ngang ngược) đưa Phật giáo về lại tầm vóc cũ, chính vì vậy Phật giáo nhà Nguyên đậm chất Tạng truyền. Đến đầu đời Minh thì yếu tố Tạng giảm đi nhưng đến trung và vãn kỳ thì lại tăng lên do ảnh hưởng của vị vua thứ 3 của nhà Minh là Thành Tổ Chu Đệ, cũng chính là người dời đô. Chu Đệ quy y với dòng Cát Mã Ba của Tạng và thường thỉnh Tăng đoàn đến kinh đô giảng đạo, hành pháp... Đến giai đoạn vua Vạn Lịch thời kỳ mà ngài Chuyết Công sinh ra và sống chủ yếu cũng ghi nhận văn hóa nghệ thuật của Tạng truyền trong nhiều công trình chùa chiền do vua và thái hậu đứng ra cho xây dựng. Ngay cả mô hình Tu Di an cung điện để trước Ung Hòa Cung ngôi chùa Tạng truyền Hoàng phái đời Thanh ngỡ như rất phù hợp với nơi này, thật ra cũng là công trình từ đời Vạn Lịch nhà Minh đã được đem về đây trong Cách mạng văn hóa những năm 60 của thế kỷ XX.

Như vậy, từ tượng chùa Bút Tháp mang nhiều dấu ấn nghệ thuật Tạng truyền cho chúng ta thấy những vị tổ Trung Hưng của Phật giáo Đại Việt đã đến đây từ cuối đời Minh mang theo cả văn hóa nhà Minh bấy giờ bằng cách nào đó đã thẩm thấu nhiều giá trị nghệ thuật Mật giáo Tây Tạng qua lịch sử giao lưu lâu dài giữa nhà Nguyên, nhà Minh với mảnh đất và nền Phật giáo đó.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. 1426/QĐ-TTg, ngày 1 tháng 10 năm 2012.

2. Hành trình truyền bá tông Lâm Tế của Chuyết Chuyết ra Đàng Ngoài, Nguyễn Đại Đồng.

3. Thời kỳ Hốt Tất Liệt và Phật giáo trung nguyên, Thích Tuệ Sỹ.

4. Tượng Phật nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, đăng ngày 25-7-2022 https://baotangbacninh.vn/ds-bao-vat/

 


1. Chắp tay có ý nghĩa như thế nào? Thích Phước Thái https://phatgiao. org.vn/chap-tay-co-y-nghia-nhu-the-nao-d42249.html

2. Nguồn gốc các mũ Phật giáo phổ thông ở Việt Nam , Trịnh Bách.

 

 

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 20
    • Số lượt truy cập : 6124972