VÀI CHUYỆN VỀ NẠN SÙNG BÁI CHỮ HÁN
VÀI CHUYỆN VỀ NẠN SÙNG BÁI CHỮ HÁN
NGUYỄN HẢI HOÀNH
Người Trung Quốc coi việc sáng tạo chữ Hán là phát minh lớn thứ 5 của họ, ngang hàng “Tứ đại phát minh” đã biết (phát minh la bàn, thuốc súng, nghề làm giấy và nghề in). Khác với hầu hết các loại chữ viết còn lại trên thế giới, chữ Hán có đặc điểm độc đáo là chủ yếu chỉ ghi ý (biểu ý), không ghi âm, mỗi chữ có một hoặc nhiều ý nghĩa xác định, nhìn mặt chữ có thể đoán ra nghĩa tuy không đọc được âm của chữ.
Trung Quốc đất rộng người đông, mỗi vùng nói một thứ tiếng khác nhau gọi là phương ngữ, cả nước nói hàng trăm phương ngữ, nghe không hiểu nhau. Thậm chí những người ở hai bờ cùng một con sông cũng nói hai phương ngữ khác nhau. Nhưng vì chữ Hán chỉ ghi ý nên mọi người có thể đọc chữ theo phát âm riêng của phương ngữ mình, tức có thể dùng chung chữ Hán, qua nhìn chữ, qua bút đàm mà hiểu nhau. Chữ Hán trở thành một loại văn tự siêu dân tộc, siêu phương ngữ; nhờ hiểu nhau qua chữ viết ghi ý mà cuối cùng người Trung Quốc thực hiện được việc thống nhất đất nước – sự nghiệp khó khăn nhất trong lịch sử nước này. Sau khi thống nhất Trung nguyên, Tần Thủy Hoàng đã thực hiện “Thư đồng văn”, tức cả nước thống nhất viết cùng một kiểu chữ, tuy vẫn nói khác tiếng, tức các phương ngữ vẫn tồn tại.
Tính siêu việt ngôn ngữ và công lao thần kỳ thống nhất đất nước của chữ Hán khiến nó được quý trọng tới mức thần thánh hóa. Người Hoa tin vào truyền thuyết thánh nhân bốn mắt Thương Hiệt làm chữ: mỗi lần tạo chữ mới thì bí ẩn của trời đất (thiên cơ) lại một lần bị lộ, vì thế quỷ thần sợ hãi khóc rống lên. Khi Thương Hiệt tạo chữ thành công, trời bỗng mưa ra thóc, đời sau quy định những ngày đó (19-21 tháng Tư) gọi là Tiết Cốc Vũ, thuộc vào 24 tiết (tiết khí) trong năm Âm lịch Trung Quốc.
Ngoài ra, tính chất ghi ý khiến cho chữ Hán ẩn chứa những triết lý cao siêu, chỉ người đức tài vẹn toàn, tức thánh hiền, mới hiểu được thấu đáo. Điều đó làm cho chữ Hán có tính chất thiêng liêng và được sùng bái như thần linh. Thơ phú làm bằng chữ Hán dùng rất ít chữ mà ý nghĩa sâu xa, vần điệu êm tai. Người Trung Hoa xưa quý trọng bất cứ mẩu giấy nào có chữ Hán, không cho phép để rơi xuống đất. Hơn nữa, đặc trưng hình vẽ tạo ra vẻ đẹp độc đáo cho chữ Hán, viết chữ Hán trở thành nghệ thuật hội họa gọi là thư pháp. Các bức thư họa trở thành vật trang trí quý giá có tính nghệ thuật và học thuật.
Do các nguyên nhân kể trên, chữ Hán không chỉ là hệ thống ký hiệu ghi Hán ngữ mà còn là vật mang, là biểu trưng, là kết tinh của 5.000 năm văn hóa Trung Hoa, thậm chí người Hoa cho rằng mọi thứ tốt, xấu của nền văn hóa ấy đều liên quan tới chữ Hán. Nói tới văn hóa Trung Hoa thì nhất định phải nói tới chữ Hán.
Chữ Hán lắm nét (nhiều nhất có tới 64 nét), nhiều chữ (khoảng trên dưới 100 nghìn chữ), vốn rất khó học khó nhớ lại bị thần bí hóa, được coi là chữ của thánh hiền, biết chữ trở thành một tri thức cao siêu khiến dân chúng kính nhi viễn chi, vì thế chữ ra đời đã hơn 3.300 năm mà chỉ có không quá 10% người Trung Quốc biết chữ (năm 1949). Thời phong kiến, tầng lớp cai trị xã hội cố ý duy trì sự độc quyền tri thức của mình, thi hành chủ trương ngu dân, để cho dân chúng suốt đời mù chữ, ngu dốt, cam phận làm nô lệ ngoan ngoãn chịu sự áp bức bóc lột của chúng.
Nạn sùng bái chữ sinh ra quan niệm lệch lạc người biết nhiều chữ là người tài giỏi, ai nhớ được nhiều chữ thì được cho là người tài. Từ đó hình thành một tầng lớp trí thức chỉ giỏi thuộc lòng, không giỏi sáng tạo, xa rời thực tế, giỏi văn thơ, lịch sử... mà chẳng biết gì về kỹ năng sinh tồn, khoa học công nghệ (KHCN). Sách Luận Ngữ viết Học nhi ưu tắc sĩ – ai học giỏi, tức biết nhiều chữ, ắt được làm quan cai trị. Xã hội bị những quan như thế cai trị khó có thể phát triển được sản xuất kinh tế, từ đó phát triển văn hóa, văn minh. Hậu quả là mấy trăm triệu dân suốt dăm nghìn năm lịch sử mà không có những cống hiến KHCN lớn cho nhân loại, nền văn minh tụt lại sau các nước phương Tây dùng chữ Latin.
Nạn sùng bái chữ Hán trở thành thứ tín ngưỡng độc đáo chỉ có trong xã hội Trung Quốc. Một biểu hiện điển hình là nạn mê tín dùng chữ để bói toán. Xuất hiện những thầy bói chữ (Trắc tự tiên sinh), lợi dụng tính ghi ý, tính đa âm đa nghĩa và đặc điểm nhiều chữ đồng âm của chữ Hán để chẻ chữ đoán hậu vận.
Từ năm 1989, người Trung Quốc lại nhao nhao bàn về thuyết chữ Hán ưu việt, cho rằng chữ Hán tiên tiến nhất thế giới. Không ít quan chức, trí thức kể cả viện sĩ cũng tin theo, dân thường lại càng tin.
CHẺ CHỮ ĐOÁN HẬU VẬN
Chẻ chữ đoán hậu vận (Trắc tự toán mệnh, 測字算命) là một biểu hiện điển hình của tâm lý sùng bái chữ Hán và thủ đoạn lợi dụng tâm lý đó để kiếm tiền bất chính. Một số người giỏi chữ đã lợi dụng tâm lý đó cùng đặc điểm tù mù khó hiểu và kết cấu phức tạp của chữ Hán để làm nghề bói toán kiếm tiền. Đó là các Thầy đoán chữ (Trắc tự tiên sinh).
Nghề đoán chữ có từ đời nhà Thương, một ví dụ quen thuộc là Gia Cát Thần toán 諸葛神算, một cách đoán chữ của Gia Cát Khổng Minh có lịch sử 1.700 năm. Nghe nói dùng cách này có thể đoán được sự vinh nhục của cá nhân, được mất của gia đình, thắng thua trong chiến tranh, vận mệnh quốc gia... Khổng Minh mỗi khi gặp khó trong công việc đều tắm gội sạch sẽ, thắp hương chắp tay quỳ xuống, viết lên giấy ba chữ Hán, chờ đợi sự giao lưu người - trời (Thiên Nhân hợp nhất) để nhận được sự chỉ dẫn của Trời. Hiện nay, có công ty Trung Quốc lập hẳn một website để đoán chữ theo Gia Cát Thần toán (bạn đọc có thể xem: http://www.smxs.com/zhuge).
Thầy bói đoán chữ thường có mặt tại những nơi danh lam thắng cảnh, nơi không khí thiêng liêng khiến du khách dễ tin vào những điều thần bí. Khách tùy ý viết lên giấy một chữ bất kỳ, thầy bói sẽ đoán ra những điều có liên quan tới tương lai hậu vận của khách.
Tương truyền thời xưa Chu Nguyên Chương trong khởi nghĩa chống nhà Nguyên, trên đường kéo quân xuống miền Nam một lần gặp thầy bói chữ, Chu lấy que vạch lên mặt đất một nét ngang. Thầy bói phán: “Ngài tất thành công lớn!”, và giải thích: Đất là chữ Thổ 土, nay có chữ Nhất 一 ở trên sẽ thành chữ Vương 王 (vua)! Quả nhiên, Chu Nguyên Chương về sau lên làm vua đầu triều Minh, tức Minh Thái Tổ.
Trong đời vua cuối cùng nhà Minh, Lý Tự Thành khởi nghĩa, khí thế như chẻ tre. Hoàng đế Sùng Chân sợ quá đi xem bói chữ. Đầu tiên, Hoàng đế viết chữ Hữu 友 (bạn bè), thầy bói phán: Hỏng rồi, đây là chữ Phản 反 ngóc đầu, có kẻ làm phản đấy ạ! Nhà vua vội chữa: Ta nhầm rồi, là chữ Hữu 有 (có) cơ. Thầy nói: Thế thì càng tồi tệ! Chữ Đại 大 ở trên bị mất một nửa, chữ Minh 明 ở dưới cũng mất một nửa, nghĩa là mất nửa giang sơn nhà Đại Minh rồi! Nhà vua lại chữa: Viết nhầm đấy, phải là chữ Dậu 酉 (vị trí thứ 10 trong Địa chi) cơ! Thầy bói nói: Thế thì nguy to rồi, chỉ sợ Hoàng thượng sắp sửa đầu một nơi, thân một nẻo. Rồi thầy viết chữ Tôn 尊 (trong tôn kính) và lấy tay che phần đầu và phần dưới, còn lại chữ Dậu 酉: Xem đây, Đức Hoàng thượng Chí tôn trên không đầu, dưới không chân. Quả nhiên về sau Lý Tự Thành chiếm được Bắc Kinh, chém Sùng Chân. Hai chữ Hữu 友 và 有cùng chữ Dậu 酉 nói trên đều cùng đọc một âm như nhau [you], tức chữ đồng âm, loại chữ này có cực nhiều trong Hán ngữ, làm cho Hán ngữ kém chính xác và khi dùng hay nhầm lẫn,
dễ bị lợi dụng khi bói chữ.
Một sinh viên Trung Quốc thời hiện đại kể chuyện: Anh đi tìm gặp một thầy bói chữ trông có vẻ đứng đắn, trí thức, và viết chữ Diệp 葉 (lá cây), thầy xem kỹ rồi hỏi: Tên một phụ nữ phải không? Thế thì người này gặp nguy rồi. Xem đây, chữ Diệp phồn thể gồm chữ Thế 世 (cuộc đời) ở dưới bộ Thảo 草 (cỏ), tức cuộc đời người này phủ cây cỏ, có nghĩa đã chết. Khách ngạc nhiên vì vừa gặp cô bạn này hôm qua, bèn viết chữ Nhất 一 (số một). Thầy cau mặt nói: Nhất là nét cuối cùng của chữ Sinh 生 (sống), cũng là nét đầu tiên của chữ Tử 死 (chết), như vậy người này đang ở giữa sinh và tử!
Mấy ví dụ trên cho thấy việc đoán nghĩa chữ Hán rất tùy tiện, muốn nói thế nào cũng đúng cả, tùy theo sự khôn ngoan láu cả của người giải nghĩa. Nếu đoán đúng thì chữ Hán càng tỏ ra có thần tính. Nếu đoán sai thì cũng chẳng sao, vì ai biết được hậu vận.
Như chữ Thiên 天 (trời), có thuyết giải thích Thiên gồm chữ Nhị 二 (hai) và chữ Nhân 人 (người). Khi khách xin đoán chữ là một cô gái, chữ Thiên 天 có thể được thầy đoán chữ giải thích là chữ Phu 夫 (chồng) bị cụt đầu, nghĩa là khách hoặc chồng chết, hoặc không thể lấy được chồng. Trong Cách mạng Văn hóa (1966-1976), có cán bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc giải thích Thiên 天 ghép bởi chữ Công 工 (công tác) và chữ Nhân 人, nghĩa là giai cấp công nhân ở địa vị cao nhất như ông trời, lãnh đạo tất cả các giai cấp khác. Ở đây, chính trị đã chen chân vào lĩnh vực bói toán.
Tóm lại, cần cảnh giác với tâm lý sùng bái chữ Hán và thói xấu lợi dụng tâm lý ấy để làm bậy hoặc kiếm tiền. Là người Việt Nam, chúng ta trước hết cần yêu tiếng mẹ đẻ của mình, tức tiếng Việt và chữ Quốc ngữ. Cách đây một thế kỷ, đại học giả Phạm Quỳnh từng nói một câu chí lý: Tiếng ta còn, nước ta còn! Nghĩa là muốn giữ lấy nước nhà thì trước hết hãy giữ lấy tiếng mẹ đẻ. Chúng ta càng yêu Tổ quốc mình thì lại càng yêu quý và giữ gìn mãi mãi tiếng Việt và chữ Quốc ngữ, chớ dại dột quý trọng chữ Hán hơn chữ Quốc ngữ.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 20 – THÁNG 4 NĂM 2017 (PL. 2560)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 19 – THÁNG 1 NĂM 2017 (PL. 2560)
Bình luận bài viết