Thông tin

VÀI NÉT SƠ LƯỢC VỀ CHÙA XIỂN PHÁP VÀ VỊ TỔ SƯ KHAI SÁNG

(Thuộc thiền phái Tào Động)

 

Tỷ khiêu ni THÍCH ĐÀM VÂN*

 

Trong suốt chiều dài lịch sử, từ khi du nhập vào Việt Nam, Đạo Phật luôn gắn bó cùng dân tộc, luôn là điểm sáng tâm linh đối với người dân Việt Nam nói chung và tín đồ Đạo Phật nói riêng. Ngày nay, tuy khoa học phát triển nhưng người ta vẫn cần đến Đạo Phật như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống tâm linh. Đó là thành quả từ tinh thần Từ Bi Hỉ Xả và trí tuệ của Đạo Phật, song chúng ta cũng không thể quên và phủ nhận những công lao to lớn của các bậc Danh Tăng, các vị Sư trụ trì tại các tự viện trải qua các thế hệ – những người đã duy trì chính pháp, đem tinh thần Phật pháp hòa quyện trong dân gian... Trong bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu vài nét sơ lược về chân dung và hành trạng của một vị Tổ Sư pháp danh Tính Định(1) cùng ngôi chùa do Ngài khai sáng thuộc Thiền phái Tào Động đã từng hiện hữu giữa chốn Hà Thành mang tên “Xiển Pháp Tự”.

1. Chân dung, hành trạng của Tổ Sư khai sáng chùa Xiển Pháp:

Theo 紀念碑記 “Kỷ niệm bi ký”(2) ký hiệu N0 25223/24, được khắc năm Bảo Đại, Đinh Mão 1927, hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và một số nguồn thông tin đáng tin cậy(3) cho biết: Ngài họ Hàn, tên Thái Ninh, tự Tâm Châu pháp danh là Tính Định (1842 – 1901) thọ 62 tuổi. Quê hương tại làng Đồng Dương – tổng Đồng Dương- phủ Thanh Oai nay là làng Đồng Dương, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Ngài xuất gia tại chùa Hồng Phúc (Hòe Nhai) Hà Nội, là đệ tử của Sư tổ Thích Chính Bỉnh đời thứ mười một thuộc thiền phái Tào Động Việt Nam, một trong hai tông phái lớn nhất (Lâm Tế và Tào Động) của Phật giáo miền Bắc Việt Nam. Ngài sinh ra trong một gia đình khá giả giàu lòng mộ đạo. Từ nhỏ, Ngài đã có lòng từ bi và tướng mạo hơn người. Vốn bản tính thông minh, Ngài được song thân hết mực thương yêu nuôi dưỡng và cho học hành đầy đủ chữ nghĩa văn chương. Đến khi Ngài trưởng thành và xuất gia thì sự siêu phàm ấy càng khiến cho người đời tôn kính. Trong khoa cúng Tổ chùa Linh Quang Tự(4) tả về dung mạo của Ngài: “三亭平滿, 堂堂出 世天姿, 五體圓明, 肅肅度人福相” (Tam đình bình mãn, đường đường xuất thế thiên tư, ngũ thể viên minh, túc túc độ nhân phúc tướng). Tạm dịch: “Thân hình vạm vỡ, hiên ngang tư chất siêu phàm, năm vóc đầy đặn sáng ngời, đoan nghiêm đầy đủ phúc tướng độ người.”

Sinh thời, Ngài độ được 5 vị đệ tử, tất cả đều thành đạt và có danh tiếng. Đệ tử thứ nhất của Ngài là Hòa thượng Thích Thanh Thức về sau kế đăng chùa Đồng Dương; Đệ tử thứ hai là Hòa thượng Thích Thanh Tri (cháu ruột của Ngài) kế đăng chùa Xiển Pháp; Đệ tử thứ ba là Hòa thượng Thích Thanh Chư khai sáng chùa Đông Tân(5); Đệ tử thứ tư là Hòa thượng Thích Thanh Mai khai sáng chùa Quang Minh, Đống Đa, Hà Nội; Đệ tử thứ năm là Hòa thượng Thích Thanh Hợp kế đăng chùa Cầu Nôm và chùa Đồng Tỉnh- xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên (có di ảnh và Tháp thờ Hòa Thượng Thanh Hợp tại chùa này).

Tổ Tính Định tự Tâm Châu là một bậc chân tu, đạo hạnh trang nghiêm, tinh thông kinh điển, Ngài là người đầu tiên thành lập đạo tràng, viết nhiều kinh sách, xiển dương pháp môn Tịnh Độ tại Miền bắc. Thời gian trụ trì tại chùa Xiển Pháp, Ngài đã cho khắc in rất nhiều các bộ Kinh sách nhà Phật. Trong bài viết Chùa Xiển Pháp, Hà Nội- ngôi chùa và những cuốn kinh Phật, TS Vương Thị Hường cho biết:     Chùa Xiển Pháp là một trong những địa chỉ in ấn nổi tiếng vào đầu thế kỉ XIX. Tổng số kinh Phật mà chùa Xiển Pháp in là 20 cuốn, hiện nay Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu trữ 15 cuốn. Trong số 20 cuốn đó thì có tới 7 cuốn được diễn âm bằng chữ Nôm, chiếm 1/3 tổng lượng sách được in(6). Theo bài 諸經演音引“Chư kinh diễn âm dẫn” của Tổ Tính Định, kinh diễn Nôm do Ngài khắc in có đến tám quyển chứ không phải bảy quyển. Bài “Chư Kinh Diễn Âm dẫn” viết: “Kinh quốc âm này tám quyển, là nhiều nghĩa Kinh Nhân Quả, biết rằng những đời trước làm thiện thì đời này được phúc, trước làm ác đời này chịu khổ để mà suy nhân. Kinh Bố Thí để mà biết sang hèn giàu nghèo; Kinh Mục Liên để mà biết ba đường dữ khổ. Kinh Di Đà để mà biết sung sướng lâu dài khỏi phải đày thân đói cốc; kinh Ngũ Vương để mà biết ở đời khổ, đói, như chiêm bao; kinh Xuất Gia biết rằng tu một ngày mà công đức cũng rộng lớn, kinh Thập Lục Quán để mà dễ tu, như thiền định, trí tuệ đại thừa càng rõ lắm. Còn Tịnh Độ là đường tu tắt, trăm nghìn người cũng chẳng sót ai. Lại có bài Bất Tịnh Quán để mà biết phép tu thiền định, lại kệ Vô Tướng Chân Không để sinh trí tuệ thẳng đến vô thượng Bồ Đề. Tám quyển này đủ cả pháp tu, lại chữ dễ học, dễ làm, dễ biết…”. Như vậy, rất có thể còn một quyển nữa đang bị thất lạc.

Trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu các bản kinh diễn Nôm được khắc in tại chùa Xiển Pháp, chúng tôi được biết những bản Kinh Phật trích yếu diễn âm này đều cùng một tác giả đó là Tổ Tính Định. Văn phong của Ngài giản dị, trong sáng, nghĩa lý thì cô đọng, dễ hiểu và dễ nhớ. Những cuốn sách Ngài đã khắc in, cùng các bài kinh Phật Ngài đã diễn Nôm, hiện là những di sản văn hóa, có giá trị rất cao về văn hóa và tâm linh, đang trở thành tài liệu quý hiếm cho các nhà nghiên cứu khoa học nói chung và giới tu sĩ Phật giáo nói riêng. Việc làm của Ngài không phải người xuất gia nào cũng có thể làm được.

Song song với việc in ấn kinh sách Ngài đã xây chùa, tô tượng đúc chuông, khai tràng thuyết pháp, xiển dương pháp môn Tịnh độ. Theo sự lưu truyền của sơn môn pháp phái chùa Xiển Pháp, Thượng tọa Thích Tiến Đạt cho biết: hai chữ “Xiển Pháp” chính là “Tông chỉ” của Sơn môn cũng chính là ý nghĩa của hai câu đối trước đây ghi tại chùa Xiển Pháp, nay được ghi trước Tổ đường chùa Cự Đà(7)): “闡淨土宗, 斯世易修还易証 -  法無上說, 信根難解且難 行”. Âm: “Xiển Tịnh Độ Tông, tư thế dị tu hoàn dị chứng- Pháp vô thượng thuyết, tín căn nan giải thả nan hành”. Tạm dịch: Xiển dương pháp môn Tịnh độ, thì đời dễ tu mà lại dễ chứng đắc. Diễn nói pháp môn vô thượng, vừa khó phát được lòng tin lại khó thực hành. 

Trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp- dân tộc, Ngài đã đứng lên xây dựng được 4 ngôi chùa: Một là chùa Xiển Pháp tức chùa Trại (đã bị phá mất trong thời chiến tranh); Hai là chùa Đồng Dương, tổng Đồng Dương- Phủ Thanh Oai nay là chùa Đồng Dương, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội; Ba là chùa Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội; Bốn là chùa Đồng Tỉnh nay thuộc xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Tất cả các chùa mà Ngài xây dựng như chùa Xiển Pháp, chùa Đồng Dương, chùa Ước Lễ, chùa Đồng Tỉnh đều được thiết kế và bài trí tượng Phật theo tư tưởng  Tịnh Độ tông, chính điện Tam Bảo không có các tượng: Phật Tam Thế, Phật Di Lặc, Tuyết Sơn… như những chùa thông thường khác ở miền Bắc, mà chỉ có tượng “Tây Phương Tam Thánh” tức Phật Di Đà (chính giữa) và tượng Bồ tát Quan Âm, Thế Chí thị giả hai bên, điều này thể hiện sự nhất quán trong pháp môn tu Tịnh độ của Ngài.

2. Chùa Xiển Pháp- dấu tích còn lưu

Trong quá trình tìm hiểu về hành trạng của Tổ Tính Định và chùa Xiển Pháp, chúng tôi đã trực tiếp tìm đến địa danh mảnh đất trước đây đã xây chùa.

Theo thông tin ghi trên cuốn sách kí hiệu AB.98(8) “Xiển Pháp tự, tả cận Văn Miếu, hữu cận Cát Linh…”, chúng tôi đã đến khu vực sân vận động Hàng Đẫy, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội để hỏi thăm nhưng không ai biết về chùa Xiển Pháp. Chúng tôi lại tiếp tục cuộc tìm kiếm và cuối cùng có người cho biết: “tìm chùa Trại phải đến ngõ 20 phố Cát Linh…”. Khi chúng tôi đến ngõ 20 phố Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội, ngay từ đầu ngõ chúng tôi đã được người dân cho biết: “nhà chùa đi thẳng đây, rẽ phải rồi rẽ trái mấy nhà trong đó đều ở trên đất chùa Trại…”. Đi vào phía trong ngõ chúng tôi được một ông cụ khoảng ngoài 70 tuổi chỉ dẫn: “nhà số 1 ngách 2 là chùa đấy, nhà có tấm bia đá thò ra ngoài đường, đó chính là chùa...”

Chúng tôi theo hướng chỉ đi đến nơi, nhìn phía bên ngoài thì đúng là đầu hồi chùa, kiến trúc và hoa văn hiện vẫn còn, tường được xây bằng gạch cũ kích cỡ khoảng 20cm x 16cm, gạch đã bị hư mục nên nét cổ kính lại càng hiện rõ. Bên dưới chân tường có một phiến đá hình dạng giống như tấm bia lộ hẳn ra ngoài lối đi (đây chính là mặt sau của tấm bia). Chúng tôi được chủ nhà mời vào trong nhà xem bia.

“Căn nhà”(9) quá chật hẹp, rộng chừng 2 mét, dài chừng 6 mét, chủ nhà kê 1 chiếc giường nhỏ, chỗ đất dư vừa để “xoay chân”, chỗ xoay chân ấy nhìn lên chính là 2 tấm bia. Một tấm bia tên 闡法寺碑記 “Xiển Pháp tự bi ký”  tấm còn lại không có tên bia. Hai tấm bia này được lập cùng một thời gian, vào thời Tự Đức thứ 34 tức năm Tân Tị (1881).

闡法寺碑記 “Xiển Pháp tự bi ký” ghi: “Tự Đức tam thập tứ niên, thập nhất nguyệt, nhị thập nhật lập”, tức là bia được khắc vào ngày 20 tháng 11 năm Tự Đức thứ 34 (1881). “Xiển Pháp tự bi ký” nói về tiểu sử lập chùa, không đề tên người lập bia. Phần do bia khắc đã lâu năm, nay lại ở ngay cạnh giường ngủ của gia đình nên tấm bia này bị mờ, vết gạch xóa rất nhiều không thể đọc hết từng chữ. Nội dung bia cho biết: Đất nơi dựng chùa Xiển Pháp trước kia vốn là vườn cũ của quan tổng đốc, thuộc phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, Hà Nội. Mùa xuân năm Nhâm Thân niên hiệu Tự Đức (1872), cụ Hàn Thái Ninh (tức Tổ Tính Định) đã đến đất này và cảm thấy nơi đây còn thiếu cảnh Phật, nên bàn với các đệ tử mua đất này (vườn của quan Tổng đốc) để làm chùa. Ngày mùng 2 tháng 5 năm Tự Đức thứ 25 (1875), thì lập xong khế ước mua đất và giao đầy đủ theo giá tiền là 20 quan…

Tấm bia còn lại vì không có tên nên chúng tôi tạm gọi là bia Vô đề. Nội dung bia vô đề phần trước nói về nhân duyên Tổ Tính Định ngộ đạo, phần sau miêu tả hệ thống kiến trúc của chùa Xiển Pháp và tên một số người phát tâm cúng tiền xây dựng chùa. Bia ghi: “Dư hạnh hữu duyên ư Phật giáo, ngộ đạo hữu quan Tâm Bình vị dư: “tụng kinh Lăng Nghiêm, tức năng liễu ngộ”. Dư độc chi, hậu tri kỳ như mĩ, như hoạch minh châu, ý dục xuất gia tu trì Phật giáo. Kinh hưng thượng thuyết, Xá Vệ Quốc hữu nhất trưởng giả, dĩ hoàng kim bố địa mãi đắc Thái tử Kỳ viên, thỉnh đắc Thế Tôn thuyết pháp. Dư hiện dữ trưởng giả tâm thậm tàm quý hà năng kiến tự, văn pháp. Ư Nhâm Thân niên, chư nhân khuyến mãi thị địa, chí Ất Hợi niên khởi nội điện nhất tòa tam gian, trung phụng A Di Đà Phật tượng, lưỡng biên Quan Âm, Thế Chí nhị vị Bồ Tát. Tả phụng Thánh Tăng Phật tượng, hữu phụng Thổ địa thần tượng. Tự danh Xiển Pháp, chính dục xiển dương Phật Pháp ư vô cùng dã. Kỉ Mão niên, trùng tu ngoại điện nhất tòa ngũ gian cập Tổ đường, trú gia ốc, chung cổ, tịnh thực thụ mộc hoa, cơ chỉ tạp thành hiệp thô vi nhất tiểu tùng lâm. Nghi lập bi ký, vĩnh cửu vân lạc trợ khởi tạo thiện tín tính danh liệt vu thạch, quan Tâm Bình hựu cúng tiền tứ bách quan, Đức Hanh hiệu tam thứ cúng tiền nhất bách quan, Công Thiện hội cúng tiền thất thập quan, Trần Quảng Xương cúng tiền nhị bách quan, Nguyên Ký cúng Sư Tử nhất song, tồn giả Hàn thị, Ngô thị cập thập phương cúng…

Bản tự trụ trì Bồ Tát giới Hàn Thái Ninh pháp danh Tính Định ký”.

Tạm dịch: “Tôi thật may mắn có duyên với Phật giáo, gặp đạo hữu quan Tâm Bình khuyên tôi tụng kinh Lăng Nghiêm thì có khả năng liễu ngộ. Tôi tụng rồi mới thấy rằng kinh Lăng Nghiêm thật tuyệt vời, giống như có được viên ngọc minh châu. Tôi liền muốn đi xuất gia tu trì theo Phật giáo. Trong kinh có nói: Ở nước Xá Vệ, có một trưởng giả, lấy vàng dải đất, mua được vườn của Thái tử Kỳ Đà, thỉnh được đức Thế Tôn thuyết pháp. Tôi bây giờ so với tâm của trưởng giả kia thật là xấu hổ, làm sao có khả năng xây chùa nghe pháp. Vào năm Nhâm Thân, khuyến hóa mọi người mua mảnh đất này, đến năm Ất Hợi bắt đầu xây ngôi Tam Bảo (nội điện) một tòa ba gian. Giữa thờ đức Phật A Di Đà, hai bên thờ Bồ Tát Quán Âm và Bồ Tát Thế Chí, bên trái thờ tượng Thánh Tăng (ngài A Nan), bên phải thờ tượng Thần Thổ Địa (Đức Ông). Đặt tên chùa là Xiển Pháp chính vì muốn Phật pháp được xiển dương mãi mãi vậy. Năm Kỉ Mão, lại xây thêm một tòa 5 gian tiền đường, và Nhà Tổ, phòng ở, gác chuông và trồng cây cối, hoa cỏ… tất cả gây dựng hợp lại cũng tạm gọi là một tiểu tùng lâm. Cũng nên làm bia đá để mãi mãi ghi lại tên tuổi của các thiện hữu đã hoan hỉ phát tâm cúng dàng trong những buổi đầu khởi tạo. Quan Tâm Bình lại cúng tiền bốn trăm quan, cửa hiệu Đức Hanh ba lần cúng tiền là một trăm quan, hội Công Thiện cúng tiền bảy mươi quan, Trần Quảng Xương cúng hai trăm quan, Nguyên Ký cúng một đôi Sư Tử, còn lại họ Hàn và họ Ngô cùng thập phương cúng dàng…

Bản tự trụ trì Bồ Tát giới Hàn Thái Ninh pháp danh Tính Định ghi”.

Qua nội dung 2 tấm bia trên chúng tôi có thể đưa ra một vài kết luận như sau:

- Người khai sáng chùa Xiển Pháp là Bồ Tát giới pháp danh Tính Định, thế danh Hàn Thái Ninh, Ngài cũng chính là tác giả của các bản kinh diễn âm.

- Chùa Xiển Pháp chính thức được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 25, tức năm Ất Hợi (1875).

- Hai tấm bia hiện còn tại số nhà 01 ngách 2 ngõ 20 phố Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, được khắc vào năm Tự Đức thứ 34, tức năm Tân Tị (1881)  sau chín năm kể từ khi bắt đầu xây dựng chùa.

- Theo địa danh trước đây trên bản đồ địa chính, chùa Xiển Pháp thuộc phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, Hà Nội. Nay địa phận đó được xác định tại khu vực số nhà 01 ngách 2 ngõ 20 phố Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Trên đây là những thông tin mà chúng tôi đã tìm hiểu được về ngôi chùa mang tên “Xiển Pháp Tự”.

Trong quá trình trò chuyện, chủ nhà và những người dân ở đây đã kể cho chúng tôi nghe: chùa Xiển Pháp trước đây đất đai rất rộng, Tam Bảo, nhà Tổ… được xây dựng nguy nga, cây cối xanh tươi, cảnh chùa sầm uất… Trong thời chiến tranh chống Pháp chùa đã bị bom đạn tàn phá, bộ đội cách mạng từng lưu trú nơi đây. Khi đó thầy chùa cũng phải đi sơ tán. Sau khi hết chiến tranh, nhân dân sơ tán trở về thì cảnh chùa tan hoang không còn như trước nữa, người dân tự dựng lều ở nơi đất chùa, rồi sau này thì nhà nước cấp giấy tờ phân chia đất chùa cho họ…

Nghe xong câu truyện về chùa Xiển Pháp, trong tôi trào dâng lòng cảm kích đan xen đôi chút ngậm ngùi. Cảm kích trước tài đức, trí tuệ và công lao của Tổ, lại ngậm ngùi oán ghét sự chiến tranh… Đúng là “cuộc đời vô thường, cõi nước mong manh”, nhưng trong cái “vô thường” kia vẫn còn có cái “thường”, cái mà người dân ngày nay còn nhắc tới, cái mà chúng tôi đang ngày đêm mải mê để kiếm tìm, tìm về cuội nguồn, tìm về nguồn pháp nhũ năm xưa…

Trong bài viết này chúng tôi đã giới thiệu sơ lược đến các độc giả về hành trạng và chân dung của Tổ Tính Định tự Tâm Châu, đồng thời cung cấp cho các độc giả, các nhà nghiên cứu một số thông tin về ngôi chùa mang tên “Xiển Pháp Tự”. Tuy nhiên, đây chỉ là một số thông tin chúng tôi tìm hiểu được, do dung lượng của số trang nên các vấn đề khác xin được tiếp tục nghiên cứu và trao đổi ở những bài viết sau để độc giả có cái nhìn bao quát hơn về một bậc chân tu - bậc thầy mô phạm đã dốc lòng vì Phật  Pháp.

 


Tài liệu tham khảo:

  1. Vương Thị Hường, (2013), Chùa Xiển Pháp, Hà Nội- Ngôi chùa và những cuốn sách kinh Phật, Tạp chí Hán Nôm (120).
  2. Nguyễn Thúy Nga- Nguyễn Văn Nguyên (chủ biên) (2007), Địa chí Thăng Long Hà Nội trong Thư tịch Hán Nôm, NXB Viện KHXHVN- Viện nghiên cứu Hán Nôm.
  3. Nhóm tác giả, (1991), Danh mục thác bản văn khắc Hán Nôm - Viện Hán Nôm (Lưu hành nội bộ).
  4. Mai Hồng- Nguyễn Hữu Mùi: Tìm hiểu nghề in của ta qua kho sách Hán Nôm, Tạp chí Hán Nôm số 1 năm 1986.
  5. 諸經演音引“Chư kinh diễn âm dẫn” ký hiệu: AB.98. Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
  6. 紀念碑記 “Kỷ niệm bi ký”  ký hiệu: N0 25223/24. Viện nghiên cứu Hán Nôm
  7.  闡法寺碑記 “Xiển Pháp tự bi ký” và Vô đề. Thực địa tại số nhà 01 ngách 2 ngõ 20 phố Cát Linh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.


* NCS. Đại Học Sư phạm I Hà Nội.

(1) Tổ Tính Định tự Tâm Châu thuộc đời thứ 12 Thiền phái Tào Động Việt Nam.

(2) Bia này hiện vẫn còn tại chùa Đồng Dương, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

(3) Thông tin có được từ Thượng tọa Thích Thanh Chính hiện đang trụ trì chùa Đồng Dương và Thượng tọa Thích Tiến Đạt- hậu duệ của Tổ Tính Định.

(4) Còn gọi là chùa Vũ Lăng, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Tp Hà Nội.

(5) Về sau đệ tử của Hòa thượng Thích Thanh Chư về trụ trì chùa Linh Quang, làng Vũ Lăng, trong khoa cúng Tổ của chùa Linh Quang, đường thỉnh đệ nhất Tổ sư là Ngài Tính Định, đệ nhị Tổ là Hòa thượng Thích Thanh Chư…

(6) Vương Thị Hường, Chùa Xiển Pháp và những cuốn sách kinh Phật. Tạp chí Hán Nôm số 5 (2013), tr  62-67.

(7) ) Linh Minh Tự- xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, nơi Thượng tọa Thích Tiến Đạt đang trụ trì.

(8) Sách đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

(9) Chỗ này chúng tôi nghi là cái dĩ đầu hồi chùa, vì trước đây chùa được xây theo kiến trúc kiểu chữ Nhị.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 53
    • Số lượt truy cập : 6794457