Thông tin

VÀI NÉT VỀ BIA HẬU Ở NGHỆ AN

 

HOÀNG THỊ THU HƯỜNG*

 

Phật giáo có mặt ở xứ Nghệ khá sớm, minh chứng cho quan điểm này, chúng ta có thể kể đến những chứng tích lịch sử như Nhạn Tháp (vào thế kỷ thứ VII hoặc thế kỷ XIII(?)) hay với con số thống kê chưa đầy đủ của các ban ngành trong tỉnh thì trước năm 1945, ở Nghệ An có khoảng trên dưới 300 ngôi chùa… trong đó có những ngôi chùa với bề dày lịch sử và được nhiều người biết đến như chùa Diệc Cổ, chùa Đại Tuệ, chùa Cần Linh… Song do chiến tranh, do thiên tai và nhiều nguyên nhân khách quan khác khiến cho hầu hết những ngôi chùa ở xứ này xuống cấp trầm trọng, một số chỉ còn lại nền móng xưa… Đi kèm theo đó, những hiện vật trong chùa cũng tan tác khắp nơi, những cuốn kinh, những cuốn sử chùa cũng ngày một mai một… Nhưng may mắn thay, trong số rất nhiều hiện vật nhà chùa đang dần dần vắng bóng thì nhiều tấm bia đá vẫn “hiên ngang thách thức với thời gian”.

Trong quá trình điền dã thực tế, các thành viên của đoàn Nghiên cứu liên ngành do Viện Nghiên cứu Tôn giáo cùng với các ban ngành tổ chức đã gặp và sưu tầm được một số thác bản văn bia trong chùa. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tham khảo thêm các nguồn tư liệu khác như: Tập Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 1993; sách Văn bia Nghệ An do Ninh Viết Giao chủ biên, Nxb Nghệ An năm 2004…

Trên cơ sở những nguồn tư liệu trên, chúng tôi xin giới thiệu một vài nét về bia hậu xứ Nghệ, trong đó đối tượng chính là những tấm bia Hậu trong chùa, hay cụ thể hơn, đó là Bia hậu Phật.

1.     Vài nét về tục lập Hậu và bia Hậu

Bia hậu là hệ quả, hay nói chính xác hơn là sản phẩm của tục lập Hậu ở Việt Nam. Trong dân gian, phổ biến có hai loại Hậu đó là Hậu thần và Hậu Phật, sau này còn có thêm một số Hậu khác như Hậu Thánh, Hậu Hiền, Hậu ngõ… Hậu thần thường được khắc bia thờ trong đình hoặc đền, Hậu Phật thì được thờ trong chùa, các loại Hậu Thánh, Hậu Hiền được khắc bia và thờ trong văn chỉ, văn từ… Vậy, Hậu ở đây được hiểu như thế nào?

Hậu vốn gốc từ Hán Việt, nghĩa là sau, Hậu Thần, Hậu Phật là những bậc sau Phật, sau Thần, vì vậy theo quan điểm của người Việt có thể hiểu tục thờ Hậu Thần, Hậu Phật là thờ những người có công lao hoặc có đóng tiền của cho làng xã, cho các cơ sở tôn giáo như đình, đền – nơi thờ thần  – nên gọi là Hậu Thần, hoặc tại chùa – nơi thờ Phật nên được gọi là Hậu Phật, tức là người có công đức cứu giúp cộng đồng đứng sau Thần, Phật và được thờ sau Thần, Phật.

Về thời gian và nguyên nhân sự ra đời của tục Lập Hậu, hiện nay có nhiều luồng ý kiến khác nhau, nhưng theo chúng tôi có 2 ý kiến đáng quan tâm và gần với các tư liệu lịch sử hơn cả.

Thứ nhất, theo nhà nghiên cứu Trần Kim Anh[1]: tục lập Hậu ra đời bởi lệ cúng dường vào gửi giỗ lên chùa của người dân Việt Nam và có thể ra đời sớm nhất vào thời Lê sơ (khoảng thế kỷ XV). Tuy nhiên, bia Hậu lại không xuất hiện cùng thời mà mãi sau này mới có. Cụ thể, qua khảo sát các thác bản văn bia hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho thấy, bia Hậu có niên đại sớm nhất là năm Quang Hưng (1578 - 1600) tức là vào cuối thế kỷ XVI và chớm sang thế kỷ XVII. Để giải thích sự chênh lệch giữa thời gian tục lập Hậu xuất hiện và thời gian bia đá ra đời, tác giả cho rằng: thời Lê sơ, do điều kiện kinh tế, trong dân gian, việc dựng một tấm bia không mấy dễ dàng và phổ biến, cho nên ở thời kỳ này, thuận lợi hơn cả là sử dụng văn khế viết tay để lập các bản giao kèo về lệ cúng Hậu. Về sau do thường bị lật lọng, hoặc qua binh hỏa dễ bị mất mát nên để làm yên lòng những người được lập Hậu, người ta đã sử dụng loại vật liệu bền vững là bia đá để lưu giữ được lâu dài bản giao kèo. Do đó có lẽ phải đến sau khi nhà Lê Trung hưng, vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVI, khi xã hội tương đối ổn định, kinh tế phát triển hơn, các công trình kiến trúc tôn giáo cũng như dân dụng được xây dựng nhiều, việc dựng bia đá đã trở nên phổ biến và dễ dàng nên lệ lập Hậu kèm theo dựng bia mới thực sự phát triển. Như vậy trên thực tế, bia hậu xuất hiện khá muộn sau khi tục lập Hậu phát triển và nó chính là bản giao kèo bằng đá thay thế các văn bản viết trên giấy của làng, hoặc của các cơ sở tôn giáo được nhận sự đóng góp đối với người được lập Hậu.

Thứ hai, theo TS. Nguyễn Ngọc Quỳnh, Viện nghiên cứu Ấn Độ và các nước Tây Bắc Á, trong bài viết Tục cúng Hậu và lập bia Hậu của nước ta trong lịch sử[2] lại cho rằng việc ra đời của tục cúng Hậu liên quan đến mấy yếu tố, đó là: chế độ tư hữu ruộng đất; sự phát triển của kinh tế hàng hóa, tiền tệ và sự thay đổi vai trò, vị thế của các tôn giáo. Từ đó, tác giả cũng đưa ra những cứ liệu lịch sử để chứng minh những luận điểm trên và đưa đến nhận định: tục cúng Hậu vào đình chùa ở nửa cuối thế kỷ XV là khá phổ biến. Và dựa vào việc khảo sát các văn bia hiện còn tại kho tàng bản của Viện nghiên cứu Hán Nôm để kết luận rằng việc khắc bia ký Hậu được xuất hiện muộn nhất là vào đầu thế kỷ XVI và nở rộ vào khoảng thế kỷ XVII – XVIII.

 Hai ý kiến trên, tất nhiêu đều đúng với các khía cạnh khác nhau nhưng theo chúng tôi là chưa hoàn thiện và chưa đầy đủ. Có lẽ nên chăng khi đưa hai quan điểm này chính là hai mặt của một vấn đề, chúng song hành bổ trợ cho nhau để trở thành nguyên nhân sự ra đời và phát triển của tập tục lập Hậu, tục khắc bia Hậu đặc sắc ở Việt Nam. Tức là tục lập Hậu có nguồn gốc sâu xa từ lệ cúng dường và tục gửi giỗ của người dân vào chùa, vào đình. Còn chế độ tư hữu ruộng đất; sự phát triển của kinh tế hàng hóa, tiền tệ và sự thay đổi vai trò, vị thế của các tôn giáo là những “chất xúc tác” khiến tục này phát triển với các đặc điểm khác nhau trong từng thời kỳ. Điều này lý giải tại sao ở những gia đoạn khó khăn trong lịch sử, như thời nhà Hồ ngắn ngủi, tục lệ này rất ít hoặc hạn chế phát triển; còn thời Lê và Mạc tuy Nho giáo lên ngôi nhưng tục cúng hậu và khắc bia hậu vẫn được cho là có sự bùng nổ trong giai đoạn này. Thực trạng này liệu có phải do nẩy sinh từ tâm lý “Phú quý sinh lễ nghĩa”, vì đất nước thịnh trị, cuộc sống sung túc nên bên cạnh các trường hợp con cái gửi vong cha mẹ, người thân vào đình, đền chùa mong được siêu thoát; những trường hợp đơn giản vì lòng từ bi hỉ xả mang của cải tư ra giúp cộng đồng và được lập Hậu… thì còn rất nhiều người khác cúng hậu nhằm nâng cao uy tín, địa vị của bản thân, của dòng họ… Hoặc trong đời Nguyễn sau này, tục cúng Hậu và khắc bia hậu vẫn tiếp tục thịnh hành song do nhiều nguyên nhân nên bia Hậu thời kỳ này đã giản lược hơn trước rất nhiều.

Hình thức bia hậu cũng rất khác nhau trong từng thời và ngay trong chính một giai đoạn nhất định. Nhưng về cơ bản loại bia này thường có kính thước khiêm tốn, ít bia lớn. Kích thước lớn nhỏ, xấu hay đẹp của bia còn phụ thuộc vào ngôi vị trong xã hội của người được lập hậu và số tiền của do người đó bỏ ra. Nhiều nhà nghiên cứu về văn bia đã đưa ra nhận định rằng: bia hậu đa dạng về kính thước và cũng đa dạng về cách trang trí. Nếu như bia thời Lê được đánh giá là đẹp, bên cạnh các họa tiết truyền thống như rồng chầu, phượng chầu mặt nguyệt, mây tua… trên trán, với diềm bia chạm dơi, cuốn thư nghiên bút, hoa văn kỷ hà và chân bia chạm đài sen sóng nước, nghê, sư tử… rất chuẩn mực, cho đến các trang trí phá cách mang đậm tính dân gian như hình các loại động vật chim, cò, cá, ếch… các loại tùng, cúc, trúc, mai đến những cây khoai nước, sen… thì bia Hậu ở các thời kỳ sau, đặc biệt là thời Nguyễn thường giản lược hơn cả về nội dung lẫn hình thức, nhiều bia không có trang trí diềm mà chỉ ghi nội dung.

Đặc biệt bia Hậu còn có dạng bia tạo tượng[3], tức là một mặt tạc tượng người được lập Hậu, mặt còn lại mài nhẵn để khắc chữ như thác bản bia có kí hiệu 10 – N05252[4]…; cũng có loại bia tạo tượng mà tượng được chạm ở giữa, xung quanh khắc chữ như thác bản văn bia có kí hiệu 9 – N05250… 

 

 

Bia tạc tượng Hậu ở giữa

  

Bia tạc tượng Hậu ở mặt sau

Về nội dung: mặc dù có sự ngắn dài và chất lượng bài viết khác nhau nhưng về cơ bản nội dung bia Hậu thường có “phom” chung: gồm bài ký và một bài minh đi kèm. Bài ký thường cung cấp tư liệu về nhân vật được lập Hậu, bao gồm tên tuổi, quê quán, chức vị, phẩm chất đạo đức… rồi đến lý do lập hậu. Bài minh thường tổng kết lại bài ký dưới dạng văn vần, trong đó có đan xen nội dung ca ngợi Hậu. Tiếp theo sẽ là phần ghi ngày giỗ (nếu có)[5], thể lệ cúng tế… Cuối cùng là phần ghi về vị trí ruộng đất hoặc tài sản do Hậu cung tiến. Dòng niên đại thường to, rõ ràng và đài cao lên một chữ; phần lạc khoản chữ nhỏ hơn sẽ cung cấp thông tin về người soạn thảo, người viết chữ cũng như người khắc bia. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp văn bia không có bài minh hoặc thiếu một vài chi tiết như mô tả ở trên.

2. Bia hậu ở Nghệ An

Qua khảo sát các nguồn tư liệu như đã nêu ở trên, số bia chùa ở Nghệ An hiện biết gồm 18 đơn vị, trong đó sách Văn bia Nghệ An có đề cập đến 16 đơn vị và dịch giới thiệu một số bia tiêu biều. Trong số văn bia hiếm hoi này, bia Hậu chiếm 8 đơn vị, gồm 2 bia hậu Thần và 6 bia hậu Phật. Đối tượng của bài viết này chính là những tấm bia Hậu Phật, cụ thể như sau:

1 – Hậu Phật bi ký lưu truyền vạn đại – chùa Giáng, xã Lộc Thọ, tổng Đặng Xã, huyện Nghi Lộc, dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 16 [1755]. Nội dung ghi: bà Đặng Thị Chữ người thôn Đoài, xã Phúc Thọ huyện Chân Phúc bỏ ra 120 quan tiền để xin làm hậu Phật.

2 – Hậu Phật bi ký – cũng ở chùa Giáng, dựng năm Cảnh Hưng thứ 26 [1765], ghi: nhà sư Pháp Điệu và vợ cúng vào chùa làm ruộng tam bảo 2 thửa và 20 quan tiền để cúng giỗ hậu Phật cho vợ chồng nhà sư Đại thừa hiệu Pháp Thường.

3 – Văn bia không có tiêu đề, ở chùa Hoành Sơn, xã Mỹ Trường, Nam Đàn, dựng năm Bảo Thái thứ 6 [1725], ghi: tín nữ Nguyễn Thị Đê không có con cái, xin hiến cho thôn 8 sào ruộng để gửi giỗ cho chồng và bản thân. Dân nhận ruộng và chấp thuật bầu ông bà làm Hậu Phật.

4 – Hưng sùng tác Tĩnh Sơn tự lưu truyền vạn đại bi ký – tại miếu Hậu thần xã Phục lễ (sau đổi là Hậu Mỹ), Hưng Nguyên, dựng năm Chính Hòa thứ 21 [1700], ghi: bà Lê Thị Đổ hiệu là Diệu Nghiêm người bản xã, lấy chồng ở xã Hoa Viên cúng cho xã 30 quan tiền và 1 sào ruộng làm của hương hỏa, dân xã tôn bầu bà làm Hậu Phật.

5 – Lưu truyền vạn đại bi ký – cũng ở xã trên, dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 13 [1717], ghi: bà Tạ Thị Sức hiệu là Diệu Công người bản xã đã cúng tiền và 1 mẫu 4 sào ruộng giúp làng tô tượng Phật, làm đền Đại vương, dân làng tôn bầu bà làm Hậu Phật, hậu Thần.

6 – Phụng sự hậu Phật bi ký – chùa Phổ An, phường Nghi Tân, thị xã Cửu Lò, dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 6 [1710], ghi: Đương triều Trung úy Đội phó Đội tả hiệu điển Triệu đình hầu Nguyễn Văn Miên, người xã Vạn Lộc huyện Chân Phúc và vợ chính là bà Nguyễn Thị Trác người xã Thượng Ốc, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây đã xuất tiền của trùng tu lại chùa. Toàn dân tôn bầu ông bà làm hậu Phật.

Với số lượng bia Hậu như trên, xét về số lượng 8/18 đơn vị, chiếm đến 44% trong tổng số. Trong đó, Hậu Phật chiếm 33% (6/18), một số lượng cũng khá lớn và hoàn toàn phù hợp với thực trạng của loại bia này ở Việt Nam, vì theo khảo sát và phân tích của một số nhà nghiên cứu, loại bia này chiếm gần nửa trong tổng số văn bia còn tồn tại.

Xét về niên đại, tất cả 6 bia Hậu Phật đều có niên đại vào thời Lê Trung hưng, cụ thể vào các thời: Chính Hòa thứ 21 [1700], Vĩnh Thịnh thứ 13 [1717], Vĩnh Thịnh thứ 6 [1710],  Bảo Thái thứ 6 [1725], Cảnh Hưng thứ 16 [1755], Cảnh Hưng thứ 26 [1765]. Tức là niên đại của các bia đều nằm vào khoảng đầu đến giữa thế kỷ thứ XVIII – thuộc giai đoạn mà bia Hậu phát triển mạnh trong lịch sử nước ta. Hơn nữa, xét về đối tượng lập Hậu, ở đây chỉ có một người, cụ thể là gia đình của Đương triều Trung úy Đội phó Đội tả hiệu điển Triệu đình hầu Nguyễn Văn Miên, người xã Vạn Lộc là quan lại, những đối tượng còn lại đều là nhà sư hoặc dân thường. Hơn nữa lý do lập Hậu cũng khá phong phú: có người bỏ tiền ra giúp xây dựng hoặc trùng tu chùa chiền được nhân dân tự giác phong Hậu như gia đình ông Nguyễn Văn Miên, bà Tạ Thị Sức, bà Lê Thị Đổ; có người cúng tiền của vào chùa để mua Hậu cho chính mình cúng người thân như trường hợp tín nữ Nguyễn Thị Đê, bà Đặng Thị Chữ; lại có trường hợp được người đời sau xin lập Hậu cho như nhà sư Pháp Điệu và vợ cúng vào chùa làm ruộng tam bảo 2 thửa và 20 quan tiền để cúng giỗ hậu Phật cho vợ chồng nhà sư Đại thừa hiệu Pháp Thường. Điều này cho thấy, ở Nghệ An, tục cúng và lập bia Hậu Phật cũng khá phát triển và theo đúng xu hướng chung của loại hình này. Tức là, ở giai đoạn này, bia Hậu không những có sự bùng nổ về số lượng, chất lượng mà việc lập Hậu cũng đã biểu hiện rõ nét và đầy đủ với cách thức phong phú như: có đủ kiểu mua, bán hoặc được dân tự lập Hậu.

Phật giáo với bản tính mền dẻo, chấp nhận bản địa hóa đa dạng nên được đánh giá là có những thuận lợi nhất định so với các tôn giáo khác trong quá trình truyền bá và du nhập đến các vùng miền trên thế giới. Ở đâu, những tình cảm hiếu nghĩa, sự tri ân của con cái đối với cha mẹ, của vợ đối với chồng, của học trò đối với thầy… đã được lồng ghép khéo léo vào Phật giáo, phải chăng đó chính là một ví dụ cụ thể, tiêu biểu để minh chứng cho mối giao thoa giữa tín ngưỡng bản địa và tôn giáo ngoại lai, cụ thể là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt kết hợp cùng Phật giáo để cho ra đời tục lập và dựng bia Hậu đặc sắc ở Việt Nam.

Ngoài ra, việc phát triển mạnh của bia Hậu ở Nghệ An nói riêng và các vùng khác nói riêng trong gia đoạn này cũng phần nào cho thấy Phật giáo đã dần dần lùi về làng xã và mang tính phổ thông. Điều này càng được sáng tỏ khi ta thấy đối tượng lập Hậu được nêu trong các tấm bia trên chủ yếu là nữ giới hoặc những người bình dân với khối lượng của cải mà họ cúng vào nhà chùa ở mức thấp, chỉ khoảng hai ba chục quan tiền vào vài sào ruộng.

Tuy nhiên, với mức đóng góp ít và phổ thông như trên không hề làm cho tập tục đặc sắc này giảm sút mà ở một khía cạnh nhất định nào đó, việc lập và dựng bia Hậu ở Nghệ An đã phản ánh việc nhân dân, Phật tử chung tay góp sức đối với các vấn đề công ích, cùng đóng góp trong sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt tôn giáo, góp phần trong việc xây dựng các công trình công cộng, làm phong phú cơ sở thờ tự và đưa sinh hoạt tôn giáo trở nên có quy củ, có chiều sâu và chính tín, góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm, phát huy tinh thần “dân tộc - đồng bào” ở mỗi người dân xứ này.

Ngoài ra, những ghi chép trên bia Hậu còn cho chúng ta những thông tin chi tiết về cá nhân, quá trình trùng tu, phục dựng các cơ sở tôn giáo, quy mô kiến trúc của các ngôi chùa, nhiều khi còn mô tả cả hệ thống tượng pháp cũng như cách bài trí tại các cơ sở thờ tự … điều này rất có ý nghĩa đối với việc tìm hiểu về các nhân vật lịch sử - đặc biệt là các nhân vật nổi tiếng hoặc quan trọng đối với việc nghiên cứu và phục dựng lại các cơ sở tôn giáo trên đất Nghệ An nói riêng và trên cả nước nói chung…. Ngoài ra, các tấm bia Hậu còn cung cấp tư liệu về tên gọi làng xã thời xưa, là nguồn tư liệu quý để so sánh tên gọi vùng miền xưa và nay.

Tóm lại, với số lượng bia Hậu tuy không nhiều, nhưng xét trên bình diện riêng của Nghệ An, chúng ta thấy đây là những tư liệu hết sức quý. Chúng không chỉ phản ánh đầy đủ những đặc trưng của tập tục cúng và dựng bia Hậu ở xứ Nghệ nói riêng, ở Việt Nam nói chung mà còn chứng minh sự tồn tại và phát triển khá mạnh mẽ của Phật giáo trên mảnh đất này vào những thời điểm nhất định của lịch sử.



* Viện Nghiên cứu Tôn giáo

[1]. Xem Trần Kim Anh, Bia hậu ở Việt Nam,  trang mạng: daitangkinhvietnam.org/.../1026-bia-hau-o-viet-nam.html - Hoa Kỳ

[2]. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 5, năm 2003.

[3]. Theo cách gọi của Trịnh Khắc Mạnh, Một số vấn đề về văn bia Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 2008

[4]. Thác bản văn bia được lưu trữ lại Viện Nghiên cứu Hán Nôm – Viện Khoa học Xã hội Việt Nam

[5]. Nhiều trường hợp được lập Hậu từ khi còn sống, một số lại được lập Hậu sau khi mất.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 63
    • Số lượt truy cập : 6758004