Thông tin

VÀI NÉT VỀ SỰ HIỆN ĐẠI HÓA PHẬT GIÁO Ở VIỆT NAM

VÀI NÉT VỀ SỰ HIỆN ĐẠI HÓA PHẬT GIÁO

Ở  VIỆT NAM

TẠ VĂN TRƯỜNG

Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh

Đứng trước quá trình hiện đại hóa của các tôn giáo trên thế giới và sự tác động của nó vào nước ta, đồng thời đứng trước những biến đổi của đời sống kinh tế, xã hội trong nước, các tôn giáo nước ta đều có những phản ứng khác nhau, từng bước hiện đại hóa với những mức độ khác nhau. Không chỉ có sự khác nhau về nội dung, phương thức và trình độ hiện đại hóa giữa các tôn giáo khác nhau, mà còn có sự khác nhau giữa các miền, các khu vực, các địa phương, thậm chí giữa các bộ phận tín đồ, dù cùng là một tôn giáo. Ở mỗi tôn giáo, quá trình hiện đại hóa diễn ra có thể sớm muộn khác nhau, song tập trung và dễ thấy nhất trong khoảng vài chục năm gần đây, khi đất nước ta bắt đầu chuyển sang nền kinh tế thị trường. Việc hiện đại hóa là cách thức tất yếu để giúp các tôn giáo tồn tại, phát triển thích ứng với những thay đổi của cơ sở kinh tế. Tuy nhiên với mỗi tôn giáo, nội dung, phương thức và trình độ hiện đại hóa không giống nhau. Do trong khuôn khổ giới hạn của bài viết, tác giả chỉ tập trung vào một tôn giáo lớn đó là Phật giáo.

Quá trình hiện đại hóa Phật giáo

Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam nói chung, ở miền Bắc nói riêng, có một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX. Phong trào đã tạo ra một bước ngoặt trong tiến trình phát triển của Phật giáo Việt Nam, chuyển tôn giáo này từ truyền thống sang hiện đại, biểu hiện ở một số phương diện tiêu biểu như: Tổ chức Tăng đoàn, đào tạo Tăng tài, hoằng dương Phật pháp, v.v... “Phật giáo trở thành Phật học, Tăng già trở thành Tăng hội. Những phương pháp, hình thức tổ chức và vận động của trào lưu hiện đại được áp dụng vào Phật giáo để từng bước hiện đại hóa Phật giáo. Viện nghiên cứu, trường học, hội đoàn xuất hiện trong những đô thị hiện đại với những ngôi chùa hay học viện lạc to lớn, xe cộ nườm nượp. Những kỹ sư, bác sĩ, học giả ra vào thiền môn”(1).


Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hà Nội

Quá trình hiện đại hóa Phật giáo diễn ra trên cả các mối quan hệ bên trong và bên ngoài của Giáo hội, từ miền Nam lan đến miền Bắc, từ tầng lớp chức sắc rồi đến tín đồ, từ thành thị rồi đến nông thôn. Các tổ chức Phật giáo mang tính chất xã hội được thành lập từ năm 1920 và những năm sau đó, đồng thời đã trải qua nhiều lần thống nhất, nhưng chỉ sau 1981, mới có một tổ chức thống nhất của Phật giáo của cả nước. Hệ thống tổ chức của Phật giáo được củng cố và phát triển sâu rộng hơn trong khoảng chục năm trở lại đây. Cùng với sự củng cố, phát triển về tổ chức, công tác nghiên cứu, đào tạo, tuyên truyền của Giáo hội được chú ý hơn. “Hoạt động Tăng sự ổn định và mở rộng với 55/64 tỉnh, thành phố có tổ chức của Giáo hội. Công tác giáo dục đào tạo tăng ni đã khởi sắc, mở rộng quy mô và loại hình đào tạo với 4 học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, 30 trường Trung cấp Phật học cho các tỉnh, thành phố”(2). Công tác hoằng pháp được mở rộng và đi vào chiều sâu cho các Phật tử. Công tác nghiên cứu Phật học trong nước được đẩy mạnh, thu hút ngày càng đông đảo hơn đội ngũ những nhà nghiên cứu trong, ngoài Giáo hội tham gia. Công tác tuyên truyền, báo chí luôn bám sát đời sống tôn giáo của tăng ni, Phật tử và đời sống xã hội của đất nước. “Việc in ấn, xuất bản Tạp chí Nghiên cứu Phật học, Văn hóa Phật giáo, Tạp chí Khuông Việt, Tuần báo Giác Ngộ, Nguyệt san Giác ngộ…, in ấn kinh sách đã đáp ứng được phần nào nhu cầu đọc tụng, nghiên cứu, học tập cho tăng ni, Phật tử trong nước và ngoài nước”(3).

Về mặt kinh sách, giáo lý

Nội dung hiện đại hóa Phật giáo thể hiện rất rõ về mặt kinh sách. Trước ngày thống nhất, Phật giáo cả nước “Phật giáo miền Bắc chủ yếu vẫn dùng kinh điển Phạn Hán dịch, còn miền Nam thì dần dần dùng kinh điển Pali Việt dịch thay thế cho kinh điển chữ Hán. Xét về mặt tông phái thì tuy vẫn chịu ảnh hưởng những tông phái Phật giáo Trung Quốc, nhưng miền Bắc dừng lại ở tình hình trước thế kỷ XX. Trái lại, miền Nam chuyển sang trực tiếp Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Srilanka cho nên hiện đại hóa mạnh hơn”(4). Sau khi thống nhất Phật giáo cả nước (1981), nhất là từ khi đất nước bước vào đổi mới đến nay, quá trình hiện đại hóa về mặt kinh sách diễn ra mạnh hơn. Chương trình biên dịch toàn bộ Đại tạng kinh ra tiếng Việt được triển khai từng bước, có hiệu quả. Cùng với nhiều sách nghiên cứu, giới thiệu về Phật giáo, các sách kinh điển tiếng Việt là công cụ quan trọng góp phần nâng cao trình độ Phật học cho đội ngũ tăng ni và cho Phật tử nước ta.

Tọa đàm khoa học để nâng cao việc học tập kinh tạng cho tăng ni

Trong thời kỳ kinh tế thị trường, nhiều nội dung giáo lý được giải thích và vận dụng cho phù hợp với tình hình xã hội mới. Mặc dù chưa đưa ra được học thuyết mới như giáo đoàn Phật giáo Nhật Bản Soka Gakkai đã làm (thay thế học thuyết giá trị về “chân, thiện, mỹ” bằng học thuyết “lợi, thiện, mỹ”(5), song quan điểm của Phật giáo nước ta về các vấn đề của đời sống hiện đại đã thay đổi nhiều so với trước đây. Đó là cơ sở cho nhiều hành vi thế tục hóa của giới Phật giáo. Nếu trước kia chủ trương đó được hiểu là sự khuyến khích tăng gia sản xuất, qua đó nhà chùa có thể tự nuôi sống mình mà không phải phụ thuộc vào bố thí của tín đồ, thì nay ngoài nội dung tăng gia sản xuất, chủ trương đó bao hàm cả việc kinh doanh tạo ra lợi nhuận. Quy định về việc ăn chay được thực hiện mềm dẻo hơn. Nhiều giới luật khác cũng được hiểu, được giải thích và được vận dụng theo tinh thần mới.

Về một số lĩnh vực khác

Ngoài ra, trong thời kỳ kinh tế thị trường hiện nay, còn có nhiều dịch vụ ăn theo xung quanh các hoạt động Phật giáo như viết sớ, khấn thuê, đổi tiền lẻ, trông xe, bán đồ lễ… “Đặc điểm chung về các loại hình dịch vụ phát sinh xung quanh từ các ngôi chùa đó là có tính thời điểm. Các loại hình dịch vụ này đã đóng góp không nhỏ vào đời sống kinh tế của cộng đồng dân cư xung quanh các ngôi chùa, góp phần tạo thêm thu nhập cho một nhóm dân cư nhất định”(6).

Trong việc tổ chức các khóa lễ, vấn đề thời gian luôn được các nhà chùa chú ý để sao cho ít ảnh hưởng đến thời gian lao động sản xuất của tín đồ. Hình ảnh các nhà sư thời nay khác nhiều so với thời bao cấp. Mối quan hệ giữa thầy trò, huynh đệ trở nên dân chủ hơn. Quan hệ giữa tăng và ni cũng gần gũi, cởi mở hơn trước.

Công tác từ thiện xã hội ngày càng đi vào cụ thể và mang tính thiết thực hơn, mang tính đạo đức tích cực đượm nét từ bi, cứu khổ của đạo Phật, phù hợp với chủ trương xóa đói giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, góp phần làm vơi bớt khó khăn cho xã hội.

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, công tác truyền thông quảng bá về hình ảnh Phật giáo Việt Nam đã được coi trọng, công tác quảng bá tuyên truyền ảnh hưởng của đạo Phật bằng cách phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tăng cường các hoạt động Phật giáo tập trung vào các ngày lễ lớn như Lễ Phật đản, Lễ Vu lan…

Với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, đồng hành với sự phát triển của đất nước, Phật giáo đang ngày một trở nên gần gũi, hòa hợp cùng dân tộc, cùng nhân dân Việt Nam tiến vững chắc trên con đường xây dựng một đất nước Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc.

Điều dễ thấy nhất trong sự thay đổi của các tôn giáo theo hướng hiện đại hóa, trong thời kỳ kinh tế thị trường là việc các tôn giáo sử dụng các thành quả của khoa học, kỹ thuật hiện đại kể cả một số lý thuyết khoa học và một số phương tiện khoa học phục vụ cho công tác truyền đạo. Một số chức sắc tôn giáo đã sử dụng các lý thuyết khoa học mới để chứng minh cho lý luận tôn giáo của mình, hoặc tìm cách lý giải mới các quan điểm tôn giáo cho phù hợp với khoa học hiện đại. Nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại như đèn điện tử trang hoàng các loại, loa truyền thanh, tăng âm, tivi, video, máy chiếu phim, máy in, vi tính… được sử dụng để phát huy tốt hơn hiệu quả của việc truyền đạo và quản đạo.

♦ ♦ 

Như vậy, có thể nói vấn đề hiện đại hóa tôn giáo là phản ứng của tôn giáo trước sự thay đổi của cơ sở kinh tế theo xu hướng hiện đại hóa. Không phải đến thời kỳ kinh tế thị trường, quá trình hiện đại hóa tôn giáo mới diễn ra, mà trước đó, mỗi tôn giáo đã xuất hiện những thay đổi để thích ứng với những thay đổi của kinh tế, dù có thể sớm hoặc muộn khác nhau. Sự tác động của kinh tế thị trường chỉ làm cho quá trình hiện đại hóa ở mỗi tôn giáo diễn ra nhanh hơn. Đặc biệt, các phương tiện kỹ thuật hiện đại được các tôn giáo sử dụng để phát huy hiệu quả việc truyền đạo và quản đạo, đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của quá trình hiện đại hóa tôn giáo ở nước ta. 


1. Đặng Nghiêm Vạn (1998), Về tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.221.

2. Nguyễn Hồng Dương, Nguyễn Quốc Tuấn chủ biên (2008), Phật giáo với văn hóa – xã hội Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr. 56.

3. Nguyễn Hồng Dương, Nguyễn Quốc Tuấn chủ biên (2008), Phật giáo với văn hóa – xã hội Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Sđd, tr. 39.

4. Đặng Nghiêm Vạn (1998), Về tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.226.

5. Viện Thông tin Khoa học Xã hội (1998), Tôn giáo và đời sống hiện đại, Thông tin Khoa học Xã hội – chuyên đề, Hà Nội, tr.29.

6. Hoàng Thu Hương (2015), Ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống của người dân đô thị ở Hà Nội hiện nay, Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 2/2015, tr.32.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 7)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 6)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 24
    • Số lượt truy cập : 6704879