Thông tin

VÀI NÉT VỀ THIỀN PHÁI TÀO ĐỘNG Ở VIỆT NAM

 

HT. THÍCH THANH NHÃ*

      

Tào Động là một phái Thiền quan trọng của Phật giáo Trung Quốc do hai vị Thiền sư là Động Sơn Lương Giới và đệ tử là Tào Sơn Bản Tịch lập ra. Tên gọi Tào Động là được ghép từ hai chữ đầu của tên hai vị Sư tổ này.

Phái Thiền Tào Động được Thiền sư Thông Giác Thủy Nguyệt (1637 – 1704) truyền tới Việt Nam từ giữa thế kỷ thứ XVII (đầu tiên ở miền Bắc, sau đó lan tỏa cả tới miền Nam).

Nói về Sư tổ Thiền phái Tào Động ở miền Bắc – Hòa thượng Thông Giác Thủy Nguyệt, sách “Thiền sư Việt Nam” viết: Ngài có Pháp danh là Thông Giác Đạo Nam Thiền sư, tu hành đến bậc Bồ-tát Nhục Thân. Quê ngài ở xã Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tiên Hưng, Đạo Sơn Nam (thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay). Năm Đinh Sửu đời vua Lê Thần Tông (1637), ngài thác thai vào nhà họ Đặng làm con đầu lòng. Năm 18 tuổi ngài thi đỗ Cống cử tứ trường. Năm 20 tuổi xuất gia đầu Phật tại chùa Nhẫm Dương (theo tài liệu của Hòa Thượng Kim Cương Tử). Sau 6 năm xuất gia học đạo, vì vẫn chưa tìm được chân lý giải thoát giác ngộ nên ngài xin phép sư phụ đi tham thiền học đạo khắp các chốn tổ, già lam trong nước. Tuy vậy vẫn chưa thỏa chí đạo thiền. Năm 28 tuổi, ngài quyết định cùng hai đệ tử hành hương sang phương Bắc (Trung Quốc). Cuộc hành trình diễn ra rất vất vả. Trên đường đi, khi đến đất Cao Bằng, một trong hai đệ tử lâm trọng bệnh phải bỏ dở hành trình. Từ đấy chỉ còn một thầy một trò trên đường tìm đạo. Tới đất Trung Quốc, hai thầy trò đã đi khắp các chốn tổ, danh lam thắng tích vùng Hồ Châu và một ngày kia đến được núi Phượng Hoàng. Nhờ duyên lành, hai thầy trò sớm được yết kiến và thỉnh giáo Hòa thượng trụ trì Động Sơn Lương Giới trên núi Phượng Hoàng; đó là Hòa Thượng Trí giáo Nhất Cú – Tổ đời thứ 35 của Thiền Tông Tào Động Trung Hoa. Từ đấy ngài đã trải qua những năm tháng miệt mài học tập, kiên trì khổ luyện dưới sự chỉ dạy của Tổ Nhất Cú. Trong quá trình tu học, có lần Hòa Thượng Thủy Nguyệt đã được Sư Tổ Nhất Cú ngợi khen như sau: Con là con cháu xứng đáng của tông Tào Động, Ta cho phép con mang Pháp hiệu là Thông Giác. Khi nhân duyên đã đủ, tâm đạo đã đầy, ngài Thủy Nguyệt được Hòa Thượng Trí Giáo Nhất Cú truyền giới Cụ Túc, trao cho Tâm Pháp, ban Pháp Hiệu Thông Giác Đạo Nam Thiền sư và cho phép về Việt Nam để truyền tông phái Tào Động. Ngày truyền trao Tâm Ấn, Hòa Thượng Nhất Cú nói với ngài Thủy Nguyệt rằng: Người thành tâm đi muôn dặm đến đây, nay ta cho một bài kệ để gắng tiến. Bài kệ dịch nghĩa như sau:

Xuân sặc sỡ, cỏ như nhung

Khắp chốn ngàn cây bông trổ gấp

Một cành dương liễu nảy trùng trùng.

Trăng chìm đáy biển nước lóng lặng

Đỉnh núi nhật lên bày chót vót.

Đó là vào năm 1667. Như vậy, Hòa Thượng Thủy Nguyệt là Tổ đời thứ 36 của Bắc tông Tào Động (Trung Quốc) và là đệ nhất Tổ của Nam Tông Tào Động (Việt Nam).

Pháp hiệu Thông Giác mà Tổ Trí Giáo Nhất Cú ban cho Hòa Thượng Thủy Nguyệt đã mang đầy đủ nội dung và trách nhiệm mà Tổ Nhất Cú gửi gắm nơi Hòa Thượng Thủy Nguyệt.

Về tôn chỉ của Thiền phái Tào Động, chúng ta cần nhớ rằng đây là một Thiền phái mang nội dung giáo nghĩa phù hợp với tầng lớp bình dân. Thiền phái này rất dễ dàng thâm nhập vào đại đa số dân chúng nên còn gọi là Thứ Dân Thiền. Vốn mang tính nhập thế rất cao nên Thiền phái này đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho dân chúng và xã hội. Do đó, từ khi bén rễ vào Việt Nam Thiền phái này đã phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Thiền Tào Động là một trong những Thiền phái kết hợp giữa lý giải và thực hành, nhưng đặt nặng việc thực hành. Sự hành trì nghiêm mật không cho phép hành giả sao nhãng, lười biếng mới đưa lại kết quả tốt. Giáo nghĩa căn bản của Thiền Tào Động hướng vào những luận điểm sau:

1. Luôn luôn giữ vững lập trường Phật Pháp toàn nhất.

2. Xả bỏ tư dục ngã chấp, lấy ý chí cầu đạo làm trọng.

3. Chủ trương xa lánh cửa quyền, sống cuộc đời chân thật, chất phác.

4. Trọng tín tâm, tạo sự an tâm bản chứng, giáo dục người ta thái độ vô sở đắc, vô sở cầu.

5. An trụ cảnh thiền “Tu chứng nhất như”, “Ngộ hậu tu hành” là điều được nhấn mạnh.

6. Bất cứ lúc nào, ở đâu, Thiền phái này đều được chính truyền trực tiếp của Phật Tổ.

7. Lý giải và thực hành luôn đi đôi hỗ trợ nhau, không thiên lệch.

8. Hành trì đầy đủ và nghiêm mật trong sinh hoạt hàng ngày được coi là chân thật báo ân Phật.

Cũng nhờ những ý chỉ ấy mà Thiền phái Tào Động ngay từ khi mới được truyền tới đã phát triển rất rộng rãi trong mọi tầng lớp xã hội ở Việt Nam suốt trong 2 thế kỷ XVII và XVIII (thời Lê – Trịnh) rồi lưu truyền bền vững cho tới ngày nay.

Ở miền Nam, người đầu tiên truyền bá Thiền Tào Động từ Trung Quốc sang là Hòa Thượng Thạch Liêm người Trung Quốc. Còn người Việt Nam truyền bá và phát huy Thiền phái Tào Động ở miền Nam là Thiền sư Hưng Liên. Ông lập đạo tràng ở chùa Tam Thai Quảng Nam và đã từng được tôn là Quốc Sư. Tài liệu về ông không có nhiều vì chùa Tam Thai bị đổ vỡ hoang hoại trong chiến tranh suốt thế kỷ XVIII. Chỉ biết rằng chùa này sau đó được chúa Nguyễn là Minh Mạng tu sửa vào năm 1825 để tiếp tục hoằng pháp theo Thiền phái Tào Động. Còn ở miền Bắc, chúng ta hãy theo dấu chân Hòa Thượng Thủy Nguyệt trên đường ngài từ đất Hồ Châu Trung Quốc trở về để thấy rõ điều này.

- Chùa Hòe Nhai

Trên đường trở về xứ sở nơi sơ phát tâm xuất gia tại chùa Nhẫm Dương, ngài Thủy Nguyệt đã dừng chân tại chùa Hòe Nhai Hà Nội một thời gian. Chùa Hòe Nhai (còn gọi là chùa Hồng Phúc) nằm ở tây bắc thành Thăng Long, được xây dựng từ triều nhà Lý (1010 – 1225). Từ khi Hòa Thượng Thủy Nguyệt qua đây thì chốn Tổ đình Hòe Nhai được hoằng truyền tông phái Tào Động và Hòa Thượng Thủy Nguyệt chính là Sơ Tổ của chùa này.  Từ khi Hòa Thượng Thủy Nguyệt khai nguyên đến nay, chùa đã có 30 thiền sư, Hòa Thượng kế đăng trong đó có các Hòa Thượng có chân khoa bảng nhưng không màng quan chức mà chỉ nhất tâm xuất gia. Thời hiện tại có Hòa Thượng Thích Đức Nhuận Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trụ trì ở chùa này. 30 thiền sư nối tiếp nhau đã góp sức tu tạo chùa Hòe Nhai ngày càng khang trang tố hảo; nhất là đã đào tạo được các đệ tử thuần thành, hết lòng thực hiện các Pháp Sự lợi ích quốc gia, bảo tồn mạng mạch Phật Pháp. Người tiêu biểu phải kể đến công lao to lớn của ngài là vị Tổ thứ hai của chùa Hòe Nhai, đó là Sư Tổ Tôn Diễn Chân Dung Đại Tuệ Thiền Sư. Khi ngài đang trụ trì chùa Hòe Nhai thì cũng là lúc vua Lê Hy Tôn ra lệnh phế bỏ tăng lữ, chùa chiền. Ngài liền thân hành vào cung vua dâng lên hòm Biểu Ngọc, can gián vua việc làm đó. Nhờ đó mà Phật Pháp lại bình an, hưng long như trước; xã tắc được yên ổn. Một trong số các câu đối trong chùa Hòe Nhai đã phản ánh mạch truyền tông phái Tào Động của chùa này như sau:

“Hồng phúc cổ danh lam, Tiền Lý Hậu Lê dĩ lịch thiên tải.

Tào khê nam chính phái, Tây Thiên Đông Độ đồng cử nhất nguyên”

Bản dịch:

“Hồng phúc cổ danh lam, Lý trước Lê sau nghìn năm đã trải.

Tào Khê nam chính thống, Tây Thiên Đông Độ một phái như xưa”

- Chùa Trấn Quốc

Theo Hòa Thượng Kim Cương Tử, Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nội, được xây dựng từ thế kỷ thứ VI (thời Lý Nam Đế). Chùa đã từng là nơi nuôi dưỡng mấy dòng thiền nổi tiếng của nước ta như dòng thiền Vô Ngôn Thông, dòng thiền Thảo Đường và từ thời Hậu Lê cũng là nơi chốn tổ của một chi sơn môn trong phái Thiền Tào Động do Thiền Sư Tính Trí Giác Quan làm Sơ Tổ. Riêng chi phái Tào Động này đã có 12 đời Sư Tổ truyền đăng. Trải qua bao thế kỷ thăng trầm cùng đất nước, nơi đây đã chứng kiến nhiều bậc Hòa Thượng danh đức khắp nơi đến thụ giáo và tu trì như ngài Thảo Đường, ngài Khuông Việt Thái sư Ngô Chân Lưu, ngài Thông Biện, ngài Viên Học, ngài Tịch Không, v.v… Cũng cần nói tới sự có mặt của các Phạn Tăng như Tỳ-ni-đa-lưu-chi, khi ngài mới từ Ấn Độ sang Việt Nam đã dừng chân ở chùa này. Một số vua chúa của nhà nước phong kiến Việt Nam đương thời cũng đã từng tu hành hoặc thết trai tăng, đàm đạo ở nơi đây. Cho nên, chùa Trấn Quốc, nơi có một chi phái Tào Động tồn truyền và phát triển đã đóng góp rất nhiều cho sự hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam nói riêng và sự hưng thịnh của đất nước Việt Nam nói chung từ thời phong kiến đến nay.

- Chùa Bà Đá

Kể từ khi chùa Bà Đá được xây dựng lại trên nền đổ nát gần như phế tích cũ và tín đồ bản tự đón được Hòa Thượng Khoan Giai từ chùa Hòe Nhai (Hồng Phúc) về trụ trì thì chùa mới được mở mang, phát triển thành một già lam tươi đẹp như ngày nay. Hòa Thượng Khoan Giai là Sư Tổ đời thứ tư của phái thiền Tào Động chùa Hòe Nhai và chính là Sơ Tổ thiền phái Tào Động chùa Bà Đá. Mặc dù về sơn môn mà nói, chùa Bà Đá có mang tính chất song hành của hai phái thiền Tào Động và Lâm Tế nhưng trong quá trình phát huy giáo lý của đạo Phật, cả hai phái thiền này đều đã đóng góp rất nhiều công quả cho đạo Phật và đất nước, nhất là trong thời kỳ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Từ năm 1956, chùa Bà Đá đã là trụ sở của các tổ chức Phật giáo ở thủ đô Hà Nội. Phật tử của cả hai thiền phái đã cùng nhau đoàn kết phục vụ tinh thần phụng đạo và yêu nước. Nơi này cũng là trường hạ của tăng ni Hà Nội, là nơi khắc in một số kinh sách Phật giáo như Kinh Đại Bảo Tích, bộ Thiền Gia yếu lược, bộ Nhật tụng, v.v… và cũng là nơi đã xuất bản tạp chí “Tiếng chuông sớm”, báo “Tòa Sen” để tuyên truyền giáo lý đạo Phật trong dân chúng và hô hào nhân dân ủng hộ kháng chiến. Sư trụ trì và các tăng ni của chùa Bà Đá đã nhiều lần hợp tác với chính quyền rất tốt trong việc đón và bảo vệ Hồ Chủ Tịch khi Bác về đây thăm chùa và nói chuyện, kêu gọi Phật tử tham gia kháng chiến cứu nước. Chùa còn là nơi thành lập được Hội Phật giáo cứu quốc do Hòa Thượng Thích Thanh Thao trụ trì của chùa làm Chủ tịch đầu tiên. Đó cũng chính là một tổ chức tiền thân sau này hình thành ra Ban đại diện Phật giáo thủ đô, Chi hội Phật giáo thống nhất Hà Nội, một bộ phận của Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam.

Từ chùa Hòe Nhai của thủ đô Hà Nội, dấu chân Hòa Thượng Thủy Nguyệt lại vân du không mỏi tới các chùa Vọng Lão (Yên Tử), tới chùa Quỳnh Lâm và cả một vùng rộng lớn Đông Sơn, Đông Triều… Cuối cùng mới dừng trụ nơi chùa Hàm Long gần núi Nhẫm Dương, nơi xưa kia ngài từ đó ra đi tìm đạo. Ngài như người đi gieo hạt giống, vì thế mỗi nơi trên đường ngài đi qua khi từ phương Bắc trở về đều nở rộ vườn Thiền Tào Động và việc ngài chọn núi Nhẫm Dương, trong một hang đá để nhập Niết Bàn đã khiến cho chốn Tổ này càng trở nên linh thiêng, cao quý.

Việc tìm hiểu lịch sử truyền thừa, hình thành và phát triển của Thiền phái Tào Động ở Việt Nam và khảo sát một số chùa tiêu biểu theo Thiền phái Tào Động ở Hà Nội cho thấy rằng: Nhờ ơn công phu răn dạy và trao truyền môn phái của các Tổ nối tiếp nhau từ khi sơ phát ở chùa Hòe Nhai đến nay, Thiền phái Tào Động vẫn được lưu truyền và phát triển ở miền Bắc nói riêng và lan tỏa ra cả nước. Một điều có thể khẳng định là Thiền phái Tào Động luôn luôn là một bộ phận không nhỏ, không tách rời trong đại gia đình Phật giáo Việt Nam. Dù phát triển riêng, độc tôn hay phát triển song song cùng với những chi phái, tông môn khác của các dòng thiền khác thì Tông phái Tào Động vẫn luôn đi đúng quỹ đạo của Phật giáo Việt Nam là Đạo Pháp và Dân tộc. Các chốn già lam không những là những di tích Phật giáo, là thắng tích Phật giáo mà còn là di tích lịch sử, cơ sở kháng chiến, di sản văn hóa, du lịch trong thời kỳ hiện đại.

Lịch sử truyền thừa của Thiền phái Tào Động ở miền Bắc trên đây (ở Hà Nội, ở Hàm Long, Nhẫm Dương…) cho thấy từ núi Nhẫm Dương ra đi tìm đạo đến khi trở về Nhẫm Dương thành Sơ Tổ của Thiền phái Tào Động, Hòa Thượng Thủy Nguyệt đã hiến trọn cuộc đời mình cho đạo pháp và dân tộc. Về phương diện cá nhân Sơ Tổ, Nhẫm Dương là nơi ngài phát tâm xuất gia, nơi ngài bắt đầu hành trình tầm sư học đạo, nơi ngài khai mở và phát triển sơn môn, kết già viên tịch… Những điều đó đã tạo nên một lịch sử đặc biệt của mảnh đất Nhẫm Dương, nơi chốn Tổ của phái thiền Tào Động. Về phương diện xã hội, Nhẫm Dương từng là nơi đã hình thành, phát triển những cơ sở hoạt động cách mạng, bảo vệ cán bộ kháng chiến góp phần bảo đảm cho công cuộc chống ngoại xâm của dân tộc ta thắng lợi…. Tất cả những điều ấy, tự nó đương nhiên đã thừa nhận vai trò, vị trí to lớn của Nhẫm Dương đối với đất nước. Rõ ràng trong tiến trình lịch sử dài lâu, Phật giáo nói chung và chốn Tổ Tào Động Nhẫm Dương nói riêng đã luôn song hành cùng dân tộc, thăng trầm cùng dân tộc và phát triển cùng dân tộc. 

Tên tuổi và công lao của Sơ Tổ Thủy Nguyệt đã góp phần làm cho mảnh đất Nhẫm Dương này nổi tiếng và thu hút Phật tử khắp nơi quy về chốn Tổ… Chúng tôi một lần nữa bày tỏ niềm xúc động, lòng tri ân sâu sắc với mảnh đất Nhẫm Dương, với tên tuổi Sơ Tổ Thủy Nguyệt của chúng ta bằng bài tham luận nhỏ của mình. Chúng tôi rất hoan hỷ và nguyện cho quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương về việc quy hoạch khu quần thể di tích 34,23 ha gồm núi non, hang động và chùa Nhẫm Dương sớm được tiến hành có kết quả tốt đẹp.

Xin chúc Hội nghị hội thảo thành công. Chúc sức khỏe và cảm ơn quý vị.

Nam mô Bản sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

Hà Nội, mùa thu Ất Mùi
Tháng 10 năm 2015 

 


TÀI LIỆU THAM KHẢO

I. Các sách báo

1. Viện Triết học. 1988. Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 1999. Những bài viết của Hòa Thượng Kim Cương Tử. Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

3. Nguyễn Duy Hinh. 1999. Tư tưởng Phật giáo Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

4. Chân Nguyên & Nguyễn Tường Bách. 1999. "Từ điển Phật học".

5. Mật Thể. 2004. Việt Nam Phật giáo sử lược. Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

6. Nguyễn Lang. 2008. Việt Nam Phật giáo sử luận (chương 23: Thiền phái Tào Động tới Việt Nam). Nxb. Văn Học, Hà Nội.

7. Thích Thanh Từ. 2008. Thiền sư Việt Nam. Nxb. Tổng hợp TPHCM.

8. Lê Xuân Thông. Bàn về quá trình truyền nhập và phát triển các phái thiền Tào Động và Lâm Tế ở Đà Nẵng thế kỷ XVII, XVIII. Phát triển Kinh tế - Xã hội, Đà Nẵng.

II. Các trang website

9. Traitimtubi.com (Website Trái Tim Từ Bi,   Mục Lịch sử). Vài nét về thiền phái Tào Động trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

10. https://vi.wikipedia.org/wiki/Tào_Động_tông

11. http://voer.edu.vn/m/tao-dong-tong/ab71ebcb   Tào Động Tông

12. http://www.dharmasite.net/bdh74/NguonGocNamPhaiThienTong.htm

Nguồn Gốc Năm Phái Thiền Tông



* Ủy viên thường trực Hội Đồng Trị sự Trung ương GHPG Việt Nam; Trụ trì Chùa Trấn Quốc Hà Nội .

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 57
    • Số lượt truy cập : 6794551