Thông tin

VAI TRÒ CỦA NGÔI CHÙA TRONG ĐỜI SỐNG TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN HÀ NỘI

VAI TRÒ CỦA NGÔI CHÙA

TRONG ĐỜI SỐNG TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN HÀ NỘI

        

ĐỖ THỊ MINH THÚY

 

 

 

Chùa là cơ sở thờ tự của đạo Phật, đồng thời chùa còn là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng dân gian. Các ngôi chùa hiện giữ một vị trí đáng kể trong đời sống tín ngưỡng dân gian, điều này được lý giải từ bản chất của Phật giáo Việt Nam. Phật giáo ngay buổi đầu vào nước ta đã được bản địa hoá và trong tiến trình lịch sử của mình, Phật giáo ngày càng thấm đẫm tính chất dân dã. Truyền thuyết Mẹ Man Nương và bốn con gái của bà là các vị Phật: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện xuất hiện vào buổi khởi thuỷ của đạo Phật ở Việt Nam và truyền thuyết Phật quy phục Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện khoảng thế kỷ XVII đã cho thấy Phật giáo luôn đi sát đời sống tâm linh của người Việt.

1 Tính dân gian của Phật giáo

Tính dân gian của Phật giáo thể hiện qua đối tượng thờ trong các ngôi chùa, chùa không chỉ thờ Phật. Mô hình “tiền Phật, hậu Thánh”, “tiền Phật, hậu Thần” phổ biến ở chùa Hà Nội. Các vị thánh, thần được thờ ở chùa có thể là nhiên thần, nhân thần, và ở hầu hết các chùa Hà Nội đều lập ban thờ Mẫu. Ngoài ra, chùa nào cũng có ban thờ Tổ. Thờ cúng tưởng nhớ các vị sư tiền bối ở chùa, là một biểu hiện của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống của người Việt. Đặc biệt thờ Hậu, đưa vong lên chùa khiến một số lượng lớn người bình dân được thờ cúng trong chùa đưa ngôi chùa xích lại gần hơn đời sống thường nhật của cộng đồng.

Tính dân gian của Phật giáo còn bộc lộ trong nghi lễ thờ cúng thực hành trong các ngôi chùa, có sự dung hợp giữa giáo lý Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên - một loại hình trong tín ngưỡng dân gian qua ngày lễ Vu lan. Lễ Vu lan là một nghi lễ Phật giáo nhằm phổ độ chúng sinh, cứu vớt các linh hồn lầm lỗi, lấy từ bi để phá ngục. Trong tín ngưỡng dân gian, lễ Vu lan được dân gian lưu truyền đây là ngày duy nhất trong năm âm phủ mở ngục xá tội vong nhân, là ngày nhà nhà đốt vàng mã cúng tổ tiên, đồng thời làm phúc cúng các vong hồn cô quả. Cách hiểu mộc mạc của tín ngưỡng dân gian về ngày lễ Vu lan đã góp phần đưa nghi lễ của Phật giáo ăn sâu trong đời sống tâm linh của người dân trên mọi vùng miền trong đó có các cư dân đô thị hiện nay.

Tính dân gian của Phật giáo còn thể hiện qua sự xuất hiện của các ông thầy cúng bên cạnh các tăng ni trong khi thực hiện các nghi lễ của tín ngưỡng dân gian như trong lễ cắt giải tiền duyên, lễ tạ mộ… trong các ngôi chùa.

Ngôi chùa có vai trò ngày càng tăng trong đời sống tâm linh của cư dân đô thị hiện nay, có thể chỉ ra hai nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất đó là ngôi chùa đang gánh vác một phần việc của ngôi đình.Trước kia ở Thăng Long - Hà Nội, người dân ở bất cứ thôn, phường nào bao giờ cũng sống dưới sự bảo trợ của một vị thành hoàng, hàng năm làng thường cử hành lễ cầu an, cầu phúc vào ngày sinh, ngày hóa của thần thành hoàng tại đình. Đầu thế kỷ XX, đô thị hóa được đẩy mạnh theo quy hoạch của Pháp, làng trở thành phố thì đình - cơ sở thờ tự tín ngưỡng dân gian của một cộng đồng cũng bị đô thị hóa theo. Đây là sự biến động rất đáng lưu ý của đình Hà Nội, đặc biệt khu vực buôn bán phía Đông nơi bị đô thị hóa mạnh nhất. Làng trở thành phố, thiết chế làng bị phá vỡ dẫn đến sự suy giảm, thậm chí trở thành phế tích của ngôi đình.

Thực trạng nhiều ngôi đình ở Hà Nội đầu thế kỷ XX đã phản ánh sự tan rã của kết cấu làng xã vốn là những đơn vị hành chính cơ sở của Thăng Long - Hà Nội. Bằng các hình thức cải tạo ngôi đình của một bộ phận dân cư trong các khu phố vốn là dân gốc của làng cũ khiến nhiều ngôi đình chỉ giữ lại một không gian khiêm tốn. Từ một ngôi đình có kiến trúc tầng lớp, có hồ bán nguyệt còn phổ biến ở các làng quê đến các ngôi đình giới hạn bởi chính các bức tường của các gian đại bái, tiền đường, hậu cung, dần đi đến mức thu gọn chỉ còn là một gian gác nhỏ mang tính chất một điện thờ, ngôi đình ở Hà Nội đã chuyển đổi chức năng. Chức năng thờ tự vẫn còn, nhưng chức năng là trung tâm sinh hoạt văn hoá tâm linh của người dân trong một cộng đồng làng xã đã bị mai một do không gian của đình bị thu hẹp. Không gian sinh thái của ngôi đình truyền thống mất đi đồng thời cũng mất đi không gian thiêng, nơi diễn ra các nghi thức tế lễ của hội đình - hội làng hàng năm. Vì vậy, ở nhiều ngôi đình hội đình, hội làng thưa dần rồi mất hẳn. Vai trò bảo trợ cho cộng đồng làng của thần thành hoàng bị mai một theo sự tan rã của làng. 

Như vậy, từ đầu thế kỷ XX, tín ngưỡng thờ thành hoàng của Thăng Long - Hà Nội đã bộc lộ dấu hiệu tàn tạ, mai một, được phản ánh qua việc cải tạo nhiều ngôi đình ở khu vực buôn bán phía Đông như trên đã dẫn; đồng thời với việc phá bỏ một số đình, đền, chùa khác vì mục đích phi tôn giáo (mở đường, làng thành phố) thì cũng phải thấy rằng bức tranh chung về đời sống tín ngưỡng dân gian Hà Nội không hoàn toàn đơn sắc mà ngược lại vẫn đang diễn ra một cách sôi động. Có nhiều nguyên nhân, song có một nguyên nhân chính đó là sự đòi hỏi nội tại xuất phát từ nhu cầu tâm linh của người dân Hà Nội.

Lễ cầu yên diễn ra tại đình do làng thực hiện nay chuyển về cho mỗi gia đình tự lo liệu. Trong khi nhu cầu tâm linh, cầu sự bình an cho gia đình trong đời sống hiện đại không mất đi, nó cần được giải toả. Một bộ phận không nhỏ dân cư Hà Nội tìm đến chùa và nhà chùa đã đáp ứng nhu cầu tâm linh này qua các lễ cầu an, lễ cúng sao giải hạn đầu năm. Từ nhu cầu này đó dần tạo thành một phong tục đẹp, người dân trong dịp đầu năm thường tới cửa chùa thắp nén nhang cầu khấn bình an thịnh vượng cho gia đình trong cả năm.

Các nghi lễ của tín ngưỡng dân gian như dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn, đội bát nhang, bán khoán, cắt giải tiền duyên, tạ mộ... vừa có thể thực hiện ở chùa, vừa có thể thực hiện ở đền, miếu, phủ, điện tư. Tại các ngôi chùa, các nghi lễ này tuỳ theo tính chất được thực hiện trước ban thờ Phật hoặc trước ban thờ Mẫu.

Theo thống kê “Một vài hoạt động và vấn đề của các cơ sở thờ tự” của Viện Nghiên cứu Tôn giáo điều tra tháng 10 năm 2000 trong 67 cơ sở thờ tự gồm 32 ngôi chùa, 24 ngôi đình, 4 ngôi điện quán, 7 ngôi đền, cho thấy các hoạt động tín ngưỡng được liệt kê gồm cầu siêu, cúng sao giải hạn, lên đồng, viết sớ, xem bói, đưa vong lên chùa, bán khoán, xóc thẻ, đặt bát hương, cầu tự, có ở hầu hết các ngôi chùa, trong khi đó không có một ngôi đình nào có các hoạt động tín ngưỡng này. Các ngôi đền, điện, quán cũng chỉ thực hiện một vài hoạt động tín ngưỡng trong số các hoạt động tín ngưỡng được thống kê. Bổ sung vào thống kê của Viện Tôn giáo, các điều tra tại các cơ sở thờ tự của chúng tôi tại hai khu vực khu buôn bán phía Đông và khu vực làng xã thủ công phía Tây Nam kinh thành Thăng Long xưa - Hà Nội ngày nay, có thể rút ra một vài nhận xét là các ngôi đình trước kia ở khu vực phía Đông kinh thành do chuyển đổi mục đích thờ phụng từ thờ thành hoàng vị thần bảo trợ làng chuyển sang thờ thần như một vị thần thông thường thì tại các cơ sở thờ tự này như đình Thanh Hà, đình Đông Môn, đình Phủ Từ, các hoạt động tín ngưỡng dân gian cúng sao giải hạn, bán khoán, đặt bát hương, lên đồng… được thực hiện thường xuyên và là nguồn thu nhập chính nuôi dưỡng đình. Trong khi các ngôi đình ở khu vực phía Tây kinh thành do cơ cấu làng còn được bảo tồn khá tốt nên vẫn giữ được nếp cũ truyền thống thờ thành hoàng, tổ nghề, tổ các dòng họ, các hoạt động tín ngưỡng (kể trên) thường được thực hiện ở đền, miếu trong cụm các thiết chế tâm linh của làng, ví dụ làng An Thái với điện Long Tỉnh, làng Hồ Khẩu với đền Thăng Long.

Nguyên nhân thứ hai: Chùa cũng là một thiết chế văn hoá của làng, làng nào cũng có chùa, thậm chí có tới hai ngôi chùa như làng Hồ Khẩu có chùa Chúc Thánh và chùa Thanh Lâu, làng Thuỵ Chương có chùa Châu Lâm và Phúc Lâm. Trong đời sống tâm linh truyền thống, chùa dành cho phụ nữ, trong khi đình là nơi bàn việc làng, là nơi lui tới của đàn ông, tráng đinh trong làng. Cấu trúc làng bị giải thể, chùa ở nơi này nơi kia bị đổ nát hoang phế, nhưng nhìn chung ngôi chùa có vận mệnh độc lập với vận mệnh của làng, khác với ngôi đình cộng mệnh với vận mệnh của làng. Tín đồ lui tới chùa trong xã hội truyền thống là phụ nữ thì nay phụ nữ vẫn là lớp tín đồ nòng cốt của chùa. Chùa nào ở Hà Nội hiện nay cũng tập hợp được một hội hàng quy các vãi từ khoảng hai ba chục đến hàng trăm vãi như các chùa Quán Sứ, chùa Phúc Khánh, chùa Hòe Nhai, đền chùa Hai Bà Trưng v.v...

Hội hàng quy tham gia tụng kinh niệm Phật trong các nghi lễ của chùa từ những nghi lễ thuần tuý của đạo Phật như lễ Vu lan, lễ Vạn Phật kéo dài 12 ngày (tụng kinh một vạn mười hai nghìn vị Phật), đến các nghi lễ tín ngưỡng dân gian như cầu an đầu năm, cúng sao giải hạn, lễ tạ mộ... Mỗi một bà vãi trong hội hàng quy chính là một tuyên truyền viên trong từng gia đình, trong các mối quan hệ bạn bè, hàng xóm... tuyên truyền khuếch trương, các hoạt động của ngôi chùa mà bà tham gia.

Dưới đây là hai ngôi chùa ở Hà Nội, hiện có những sinh hoạt tín ngưỡng dân gian khá tiêu biểu:                                             

Chùa Quán Sứ: Nơi đặt trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, do vậy các hoạt động tín ngưỡng dân gian ở chùa giới hạn chủ yếu ở lễ cầu an, cúng sao giải hạn (vào tháng giêng đầu năm), bốc bát nhang, đưa vong lên chùa, các tín đồ có nhu cầu được một nhà sư tiếp và hướng dẫn các thủ tục, lễ đặt tuỳ tâm.

Chùa Phúc Khánh (Ngã Tư Sở, Đống Đa) hiện là một trong những ngôi chùa thu hút được một lượng lớn tín đồ. Vào dịp đầu năm các lễ cầu an, lễ cúng sao giải hạn, chùa chật cứng người, nhiều người không vào được trong khuôn viên của chùa phải đứng ngoài chắp tay hướng vào chùa. Nhà chùa phải dùng loa tăng âm lễ tụng kinh cầu Phật của sư thầy.

Chùa Phúc Khánh là ngôi chùa có nhiều hoạt động tín ngưỡng dân gian: Từ lễ cúng sao giải hạn, cầu an, bốc bát nhang, đưa vong lên chùa đến lễ cắt giải tiền duyên, lễ tạ mộ, bán khoán. Đặc biệt, chùa Phúc Khánh là một trong những ngôi chùa ở Hà Nội đi tiên phong trong việc xây dựng nhà để cốt. Đây là một sự cải biên truyền thống gửi Hậu lên chùa, và đã nhận được sự hưởng ứng của không ít gia đình người Hà Nội.

 Tại chùa Phúc Khánh, Ban Vong đặt ở đầu hồi bên trái chính điện, do vậy các lễ đưa vong lên chùa, lễ tạ mộ, lễ yên vị (đặt cốt) đều làm trước Phật điện. Các lễ cắt giải tiền duyên được làm trước ban thờ Mẫu.

Chùa Phúc Khánh luôn có hai bàn tiếp đón tín đồ tại nhà ngang, một bàn do các vãi điều hành có nhiệm vụ thu tiền các dịch vụ tín ngưỡng. Bàn thứ hai viết sớ cho các tín chủ nào có yêu cầu thường do một vị sư tiếp. Vào dịp Tết, bàn viết sớ bổ sung thêm một hai sinh viên biết chữ Hán.

2 Về một số lễ thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian được thực hiện tại chùa

Lễ cầu an: Vào dịp đầu năm trước rằm tháng Giêng, hầu hết các ngôi chùa Hà Nội đều tổ chức lễ cầu an. Lễ cầu an có ý nghĩa cầu bình an cho mỗi gia đình trong năm. Các gia đình  có nhu cầu, đi lễ chùa vào những ngày đầu năm, đặt tiền lễ, nhà chùa sẽ phát cho một lá sớ in sẵn lời cầu khấn, họ chỉ việc điền tên tuổi, năm sinh, nơi ở của các thành viên trong gia đình, mỗi một lá sớ dành cho tất cả các thành viên trong một gia đình nhưng phải sống ở cùng một địa chỉ, nếu không sự phù hộ của Phật sẽ không đến được với các thành viên của gia đình đó nhưng sống ở địa chỉ khác.

Lễ cầu an ở chùa Quán Sứ: vào ngày lễ, tất cả các gia đình đã đặt lễ phải có mặt, vị thượng tọa mặc áo vàng tụng kinh niệm Phật, phía sau là các vãi áo nâu sồng ngồi trước một bàn xếp nhỏ trên để quyển kinh chữ đại (chữ to) tụng theo. Sau các kinh... vị thượng toạ giở từng lá sớ đọc đầy đủ họ tên, nơi ở của từng gia chủ, đọc xong mỗi lá sớ là lời niệm Phật Nam mô A Di Đà. Sau đó nhà chùa cho hóa các lá sớ.

Lễ cầu an ở chùa Phúc Khánh do số lượng các gia chủ quá đông, nhà chùa chỉ làm lễ tụng kinh cầu an chung, sau đó hóa sớ.

Lễ cúng sao giải hạn: Theo quan niệm dân gian, mỗi con người đều có một ngôi sao chiếu mệnh trong một năm. Lễ cúng sao giải hạn như tên gọi có ý nghĩa giải vận hạn xấu trong năm mà ngôi sao chiếu mệnh đem tới. Các sao dự báo vận hạn xấu nhất là sao Thái Bạch, Kế Đô, La Hầu. Sao La Hầu cúng vào mùng 8 tháng giêng, sao Thái Bạch cúng vào rằm tháng Giêng. Sao Kế Đô cúng vào 18 tháng Giêng, tất cả các sao thường được cúng vào buổi tối.

 Cúng sao giải hạn được thực hiện tại chùa hoặc tại điện, đền ... hoặc tại gia. Cúng sao giải hạn là một trong những lễ thức phổ biến trong dân gian hiện nay qua số lượng lớn người tham dự cũng như qua sự hiểu biết khá cặn kẽ của người dân đối với lễ thức này. Để biết ngôi sao chiếu mệnh trong năm của mình người ta đến chùa, điện, đền ... xem chỉ dẫn hoặc đơn thuần mua cuốn lịch vạn sự mở xem bảng chỉ dẫn các sao ứng với mỗi tuổi. Sau đó tùy theo ý muốn, người ta có thể nộp lễ để cúng sao ở chùa, đền, điện ...hoặc cúng sao tại gia. Tuy nhiên nếu cúng tại gia thường vẫn mời thầy cúng hoặc những người thông thạo nghi lễ để thay gia chủ khấn vái.

Tại chùa Phúc Khánh theo tờ thông bạch đầu năm nhà chùa chỉ tổ chức cúng sao giải hạn cho ba ngôi sao là sao Kế Đô, Thái Bạch, La Hầu vào tháng Giêng.

Cúng sao giải hạn tại các chùa Phúc Khánh, Quán Sứ theo quan sát chúng tôi ở bàn đặt tiền lễ người đăng ký chủ yếu là nữ độ tuổi trung niên, phái nam có nhưng rất ít.

Lễ bán khoán và đội bát hương:

Lễ bán khoán và đội bát hương là lễ thức được thực hiện ở cả đền, miếu, điện và chùa.

Lễ bán khoán là lễ thức mà đối tượng được làm lễ là trẻ nhỏ ngược với lễ đội bát hương đối tượng được làm lễ chủ yếu là người trưởng thành.

Những trẻ hay ốm đau khó nuôi, cha mẹ thường sắm lễ lên chùa hoặc đền miếu xin gửi cửa Phật, nhà thánh nuôi hộ. Khi trẻ lên 12 hoặc 13 tuổi lại sắm lễ xin về, cũng có người do bản mệnh kém hoặc “hợp’’ với nhà Phật nhà thánh thì bán khoán suốt đời.

Những trẻ đã bán khoán, cha mẹ trẻ phải thường xuyên tới chùa vào những ngày sóc ngày vọng.

Lễ bán khoán tại chùa gồm cỗ mặn và cỗ chay. Cỗ mặn đặt tại ban Đức Ông để có lời xin Đức Ông cho trẻ nhập chùa. Tuỳ nơi sau lễ bán khoán nhà chùa cho trẻ một chiếc áo để mặc vào dịp sóc, vọng tại chùa.

Lễ bán khoán tại đền (trường hợp đền Cổ Lương) nhà đền thường lên đồng để xin Mẫu nếu “xin được” mới thực hiện lễ bán khoán cho trẻ.

Lễ đội bát hương: Theo quan niệm dân gian những người có “căn” hợp với các cô, cậu, các ông hoàng, các Mẫu (các công chúa), các vương quan, thần tướng muốn hưởng phúc tránh hoạ, làm ăn thuận lợi phải bốc bát hương bản mệnh thờ các vị đó gọi là đội bát hương.

Đội bát hương là lễ thờ các vị thần bản mệnh trong hệ thống thần điện dân gian nên thường thực hiện ở đền, miếu. Ở chùa, lễ này được thực hiện trước điện thờ Mẫu do thầy cúng thực hiện. Ở đền thờ Tứ phủ, Tam phủ do các chủ đồng đền thực hiện thường gắn với lên đồng, để xem căn, số hợp với phủ miền nào.

Lễ cắt giải tiền duyên: Theo quan niệm dân gian những người cao số cả nam và nữ muộn chồng muộn vợ có thể do người âm hợp với người đó theo ngăn cản họ lấy vợ hoặc lấy chồng. Vì vậy những người này cần phải làm lễ cắt giải tiền duyên với người âm mới tránh được những trắc trở trong đường tình duyên.

Người tham dự lễ này thường là những người đã trưởng thành ở mọi tầng lớp trong xã hội trong đó có nhiều người có học. Tâm lý của những người tham dự có thể tin tưởng hoặc hoài nghi nhưng họ đều tự nguyện tham gia với hy vọng sau lễ cắt giải tiền duyên biết đâu tìm được hạnh phúc gia đình

Lễ cắt giải tiền duyên được thực hiện ở chùa hoặc đền, miếu, điện. Ở chùa (qua trường hợp chùa Phúc Khánh) lễ được tiến hành trước ban thờ Mẫu do một ông thầy cúng làm lễ. Nhà chùa thường làm lễ cùng một lúc cho nhiều người (thường khoảng năm đến mười người) tiền lễ (vàng hương, hình nhân thế mạng, hoa quả, xôi oản).

Ông thầy cúng đọc tên từng người làm lễ, đến tên ai ông gieo quẻ xin lễ cắt giải tiền duyên cho người đó. Nếu quẻ thuận tức người đó được người âm chấp nhận “chia tay” lễ vật gồm hình nhân thế mạng, quẻ không thuận, có người phải xin tới bốn năm đài. Trong khi ông thầy khấn vái khoảng 30 – 40 phút, những người đi lễ ngồi phía sau chắp tay cung kính. Buổi lễ kết thúc hình nhân được đem đi hóa, ông thày hướng đẫn mang tro đó về thả trôi sông và khi đi đến chùa đường nào thì khi về nhà phải đi tránh sang đường khác (không để người cõi âm theo về). Trong một tháng, người đi lễ phải ăn riêng bát đũa để giữ mình trong sạch. Ngoài ra ông thày cúng còn đưa cho người đi lễ một lá bùa đem về đặt dưới gối, mục đích ngăn cản sự quấy nhiễu của người âm.

Lễ cắt giải tiền duyên tại một điện thờ tư ở Văn Điển. Người làm lễ là một cô đồng, “Cô” là một người đàn ông (ngoài 30 tuổi) người sực nức nước hoa, móng tay tô đỏ. Lễ được tiến hành từ 2 giờ chiều đến 6 giờ tối. “Cô” lên khoảng 5, 6 giá đồng (trong suốt thời gian đó “Cô” thay 5 đến 6 bộ quần áo đủ các màu), người đi lễ ngồi đầu trùm khăn thỉnh thoảng bị “Cô” dùng thanh kiếm đập vào lưng để làm phép. Lễ xong, “Cô” đưa cho người đi lễ một con gà nhỡ ôm chạy từ cửa Đông sang cửa Tây, rồi chạy thẳng ra cổng thả con gà ra đồng, sau đó được Cô chia lộc. Ngoài ra trước khi làm lễ, “Cô” còn dặn người làm lễ nếu thích ai, muốn lấy được người đó thì mang quần áo của người đó tới đặt dưới hình nhân.

Đồ lễ trong cắt giải tiền duyên không thể thiếu đó là hình nhân nhưng quan niệm về hình nhân có sự khác biệt. Ơ chùa Phúc Khánh người cắt giải tiền duyên là nữ thì hình nhân là nữ với ý nghĩa đó là hình nhân thế mạng, hình nhân nữ trẻ đẹp được gửi làm vợ người âm đang “theo” mình. Trong khi tại điện tư vừa nêu ở trên thì hình nhân là một người nam khăn xếp áo đóng. Khi làm lễ, cô đồng cắm một thẻ hương vào đầu hình nhân. Lễ cắt giải tiền duyên ở đây diễn ra như một hình thức “ly hôn” với người âm, ngược với lễ cắt giải tiền duyên ở chùa Phúc Khánh diễn ra như một hình thức cưới vợ mới cho người âm.

Lễ tạ mộ: (Tại chùa Phúc Khánh)

Thường được nhà chùa thực hiện cho khoảng sáu đến mười gia đình. Ý nghĩa của lễ là dâng tạ mộ Tổ bị thất lạc, để làm được lễ này phải biết mộ Tổ hiện đang “phát” hay “động” hoặc “bình thường”, người đi lễ được nhà chùa giới thiệu tới một bà “xem mộ” ở Lý Thường Kiệt. Sau khi xem, biết được mộ nhà mình đang trong tình trạng nào thì quay về chùa đặt lễ. Lễ tạ mộ thường được nhà chùa biện vào ngày 30 âm lịch hàng tháng. Đồ mã không thể thiếu là ngựa, tiền vàng. Nếu mộ đang phát lễ tạ dâng ngựa trắng, mộ không động không phát (bình thường), lễ tạ dâng ngựa vàng, mộ đang động, lễ tạ dâng ngựa đỏ. Lễ tạ mộ được làm ở ban vong và trước Phật điện.

Như vậy, trong lịch sử cũng như hiện tại, tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc. Các nghi lễ của tín ngưỡng dân gian đó hòa quyện quanh ngôi chùa Phật giáo. Ngôi chùa - cơ sở thờ tự của Phật giáo có vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa đô thị hiện nay, là nơi bộc lộ đời sống tâm linh, lối sống cộng đồng, nơi giữ gỡn, bảo lưu các giá trị văn hóa, đạo đức, làm phong phú bản sắc văn hóa Việt.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 12
    • Số lượt truy cập : 6116518