Thông tin

VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ

ĐẤU TRANH CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC

 

TS. NGUYỄN THỊ THU HƯỜNG
Khoa Triết - Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn

 

Đạo Phật truyền bá ở Việt Nam tính đến nay đã 20 thế kỷ. Trải qua các thời kỳ lịch sử của đất nước, Phật giáo từ lâu vốn đã đi sâu, gắn bó với các mặt sinh hoạt trong đời sống nhân dân từ tư tưởng văn hóa đến chính trị xã hội. Tuy ảnh hưởng mạnh yếu từng lúc khác nhau nhưng với bản chất từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha, yêu hòa bình, tôn trọng sự sống, đạo Phật đã gắn bó và đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam trong suốt quá trình lịch sử. Ngay cả trong thời kỳ mà cả dân tộc gồng mình đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược thì đạo Phật vẫn thể hiện rõ được vai trò to lớn của nó.

Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới du nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Qua sử liệu, ta có thể khẳng định Phật giáo truyền vào Việt Nam bằng hai con đường: Một là, con đường biển từ phương Nam Ấn Độ trực tiếp truyền sang; Hai là, con đường bộ từ phương Bắc truyền xuống. Bằng con đường biển từ phương Nam, Phật giáo truyền vào Việt Nam rất sớm và sớm hơn bằng con đường bộ từ phương Bắc truyền xuống.

Ngay từ những ngày đầu du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã hòa mình với tín ngưỡng và văn hóa bản địa, hình thành nên nền Phật giáo dân tộc, Phật giáo càng phát triển và bén rễ sâu trong đời sống xã hội thì sự gắn bó với dân tộc càng sâu sắc hơn. Lịch sử 2000 năm Phật giáo Việt Nam là lịch sử của những người Phật giáo yêu nước. Sử sách đã ghi lại rằng năm 43 sau Tây lịch, đất nước ta rơi vào tay nhà Hán, mở đầu thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. Trong bối cảnh đất nước bị nô dịch và nguy cơ văn hóa bị đồng hóa, Phật giáo dân tộc thực sự trở thành vũ khí tinh thần chống lại sự xâm lược, nô dịch và đồng hóa bằng Hán Nho của các triều đại phong kiến phương Bắc. Ngay sau khi lên ngôi, vị vua đầu tiên của nước ta là Lý Nam Đế (544 – 548) đã cho dựng chùa Khai Quốc (chùa Mở Nước) ở giữa Kinh đô. Việc xây dựng chùa Mở Nước cho thấy vua Lý Nam Đế đã nhận thấy vai trò của Phật giáo trong xây dựng và giành nền độc lập dân tộc.

Các thời kỳ sau đó, Phật giáo vẫn tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong việc cùng với dân tộc phấn đấu giành quyền cho một nước Việt Nam độc lập tự chủ, gây dựng nên một nếp sống “dân phong quốc tục” làm vẻ vang cho dòng giống Việt…Trải qua các triều đại phong kiến, từ thời Đinh – Tiền Lê rồi đến thời Lý, Trần, Phật giáo luôn có vai trò rất quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Thời đại nào cũng có những nhà sư đồng thời là những nhà văn hóa, chính trị, quân sự, ngoại giao xuất sắc có vai trò trong công cuộc hộ quốc, an dân như: Thiền sư Ngô Chân Lưu (được vua Đinh Tiên Hoàng phong chức “Khuông Việt Đại sư”) thiền sư Vạn Hạnh (được coi là một kiến trúc sư góp phần xây dựng nên sự thịnh vượng của Vương triều Lý), thiền sư Đa Bảo, Sùng Phạm… Giai đoạn này được coi là giai đoạn vàng son của dân tộc và cũng là của Phật giáo. Phật giáo đã được nâng lên một tầm mới, hoà nhập với dân tộc, trở thành một yếu tố tinh thần chủ đạo của xã hội. Đến thời kỳ nhà Trần, tinh thần đó đã được nhà Trần kế tiếp và tạo dựng đất nước ta trong gần 2 thế kỷ trị vì. Phật giáo đã thực sự trở thành Phật giáo dân tộc, trở thành nền tảng tư tưởng chủ đạo trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và bảo vệ đất nước, đồng thời là bộ phận chủ yếu góp phần tạo nên nền văn hoá tinh thần đương thời của dân tộc. Các Thiền sư và các vua thời Trần đã lập nên Thiền phái Trúc Lâm-Yên Tử, là một thiền phái mang hệ tư tưởng triết học và bản sắc hoàn toàn Việt Nam. Các vị vua như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông đều rất uyên thâm về triết lý Phật giáo và đã ứng dụng Phật giáo trong mối liên kết nhân tâm để xây dựng và bảo vệ đất nước. Lịch sử đã cho thấy, tinh thần của Hội nghị Diên Hồng là tiếng nói của ý thức tự chủ và tinh thần tự lực, tự cường của người dân Việt Nam, là đỉnh cao của sự đoàn kết dân tộc, mà chính sự liên kết nhân tâm, tinh thần hoà hợp của đạo Phật đã thấm nhuần sâu sắc trong vua-tôi thời Trần. Tinh thần Phật giáo ấy đã góp phần quan trọng trong chiến thắng vĩ đại chống giặc Nguyên – Mông của quân và dân Đại Việt. Từ đó, khiến đạo Phật càng phát triển mạnh mẽ trong đời sống xã hội và đem hạnh phúc đến với nhân dân trong tình yêu thương và đem an lạc đến với số đông trong từng bước chân, hơi thở.

Dân tộc Việt Nam đã trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, nhưng dù ở bất kỳ giai đoạn nào thì hình ảnh của Phật giáo, của các vị Thiền sư, Pháp sư, Quốc sư, Phật tử đứng ra hộ trì đất nước đã trở nên rất gần gũi, thân quen với người dân. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Phật giáo Việt Nam tiếp tục nêu cao ngọn cờ yêu nước, kề vai sát cánh cùng toàn thể nhân dân cả nước đấu tranh giải phóng dân tộc. Không thể phủ nhận rằng sự khủng hoảng về chính quyền phong kiến Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX là một trong những nguyên nhân hàng đầu của việc tại sao Pháp xâm lược Việt Nam. Về mặt chính trị, Chính quyền thực hiện chính sách đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân. Sống dưới chế độ xã hội phong kiến, đã có khá nhiều cuộc trỗi dậy chống lại chế độ nhưng đều bị dập tắt sau những cuộc đàn áp đẫm máu, khốc liệt. Ngoài ra, chính quyền còn thực hiện chính sách đối ngoại mù quáng, thần phục nhà Thanh, ban hành luật Gia Long, đóng cửa đất nước, không giao thương với bạn bè các quốc gia khác. Đây cũng là điều khó khăn cho chính nhân dân. Do chính sách đóng cửa mà thương nhân không thể nào buôn bán được với các thương nhân nước ngoài. Từ đó dẫn đến hiện trạng, nông dân sản xuất ra thì cũng phải chịu cảnh ế ẩm. Đời sống nhân dân đã khổ nay càng khổ hơn. Về mặt kinh tế, bãi bỏ những cải cách tiến bộ của nhà Tây Sơn, khiến cho sự phát triển kinh tế bị trì trệ. Các ngành kinh tế: nông nghiệp, thủ công nghiệp hay thương nghiệp đều không có cơ hội phát triển. Dẫn đến đời sống nhân dân vô cùng khổ cực lại kèm theo sưu thuế nặng, ngoài ra còn phải chịu thêm cảnh thiên tai, dịch bệnh. Giữa triều đình nhà Nguyễn với nhân dân ngày càng có nhiều bất đồng, mâu thuẫn dẫn đến những cuộc nổi dậy chống lại nhà nước phong kiến rất đông. Từ thời Gia Long đến đầu thời kỳ Pháp xâm lược có gần 500 cuộc khởi nghĩa do nông dân lãnh đạo. Điều này khiến cho nhà Nguyễn lâm vào tình trạng khủng hoảng.

Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan trên, nguyên nhân khách quan để Pháp xâm lược Việt Nam là do sự phát triển của chủ nghĩa tư bản Pháp về nhu cầu thị trường và thuộc địa tăng cao. Chúng nhận thấy Việt Nam là nơi có vị trí chiến lược quan trọng, giàu nguồn tài nguyên, khoáng sản, là ngã ba của Đông Dương, rất thuận lợi để vận chuyển hàng hóa đường ven biển nên dễ xâm chiếm. Xâm chiếm được Việt Nam đầu tiên, âm mưu sau đó là những nước láng giềng thân cận. Việt Nam được xem như là miếng mồi ngon mà Pháp đã nhắm từ trước. Việt Nam có lượng dân cư đông đúc nhưng trình độ dân trí thấp, đây chính là nguồn nhân công giá rẻ với số lượng lớn. Vào thời phong kiến, nhân dân ta chịu cảnh áp bức, lầm than. Ăn còn chưa đủ no, mặc còn chưa đủ ấm thì lấy đâu ra học hành. Đây chính là một thiệt thòi to lớn. Thực dân Pháp nhận thấy điều này có lợi, nếu thống trị được Việt Nam thì đây sẽ là lực lượng sản xuất cốt cán. Bên cạnh đó, Việt Nam là thị trường rất lớn tiêu thụ hàng hóa của pháp. Điều này sẽ làm cho nền kinh tế của Pháp phát triển mạnh mẽ hơn. Nếu thôn tính Việt Nam, Pháp sẽ đưa hàng hóa sang Việt Nam tiêu thụ… Sau thời gian điều tra, tìm hiểu, thực dân Pháp tìm cách xâm lược Việt Nam, thông qua các hoạt động truyền giáo, bằng nhiều thủ đoạn, Pháp đã thiết lập những cơ sở chính trị, xã hội, dọn đường cho cuộc xâm lược.

Ngày 1/9/1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng đánh vào cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, dân tộc ta phải đương đầu với họa xâm lăng từ một nước phương Tây, hoàn toàn chiếm ưu thế về tiềm lực kinh tế, quân sự, nhất là về vũ khí, công nghệ quân sự. Trong gần 30 năm tiếp theo, quân Pháp lần lượt đánh chiếm Nam Kỳ, Bắc Kỳ rồi tiến công vào kinh đô Huế (1883), buộc triều đình nhà Nguyễn từng bước phải nhượng bộ, lần lượt ký các Hiệp ước Nhâm Tuất (1862), Giáp Tuất (1874), Quý Mùi (1883) và cuối cùng là Hiệp ước Giáp Thân (1884), thừa nhận nền thống trị của thực dân Pháp trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Từ nhà nước phong kiến độc lập, triều đình Huế trở thành chính quyền bù nhìn, tay sai cho ngoại bang.

Mặc dù, thực dân Pháp khuất phục được triều đình nhà Nguyễn, nhưng không thể đè bẹp tinh thần kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Trong thời kỳ đầu, nhân dân ta phối hợp với quân đội triều đình anh dũng chiến đấu chống quân xâm lược Pháp ở những nơi chúng đánh chiếm, như: Đà Nẵng, Gia Định, Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Đồng thời, xuất hiện các cuộc nổi dậy chống quân xâm lược ở các vùng địch chiếm đóng, tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa: Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân...

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ đó của dân tộc, Phật giáo đã có những đóng góp đáng ghi nhận vào chiến thắng hào hùng của nhân dân ta. Nhiều cơ sở thờ tự của Phật giáo trên khắp mọi miền đất nước đã trở thành những căn cứ che chở, nuôi giấu cán bộ cách mạng, như: chùa Quảng Bá, chùa Linh Quang, chùa Ngọc Hồi, chùa Tự Khánh, chùa Thanh Trì, chùa Sùng Giáo … ở Hà Nội; chùa Trại Sơn, chùa Trúc Động, chùa Vũ Lao… ở Hải Phòng; chùa Ninh Cường, chùa Cổ Lễ, chùa Vọng Cung… ở Nam Định; chùa Hoa Sơn, chùa Bích Động… ở Ninh Bình… ; Ngoài ra, Phật giáo Việt Nam còn thành lập các tổ chức “Tăng già cứu quốc”, “Đoàn Phật giáo cứu quốc”, “Bộ đội Tăng già”, “Hội Phật giáo cứu quốc” các cấp để quy tụ, vận động và tổ chức cho Tăng Ni, Phật tử tham gia cách mạng, ủng hộ kháng chiến.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến”, Hội Phật giáo đã cho phá hủy nhà in Đuốc Tuệ và nhiều cơ sở vật chất khác của Phật giáo để ủng hộ cách mạng kháng Pháp.

Nhiều Tăng Ni, Phật tử đã hăng hái lên đường tòng quân đánh giặc, cứu nước. Nói đến lịch sử dân tộc Việt Nam thời kỳ này không thể không nói đến sự đóng góp to lớn của Phật giáo Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo và những tấm gương yêu nước của các vị cao Tăng, như: Hòa thượng Thích Tâm Thi (1889 – 1959), Hòa thượng Thích Thanh Lộc (…), Hòa thượng Thích Thanh Chân (1905 – 1989), Hòa thượng Thích Thế Long (1909 – 1985); Hòa thượng Thích Đôn Hậu (1904 – 1992); Hòa thượng Thích Thiện Hào (1911 – 1997); Hòa thượng Thích Tâm Thông (1916 – 1999); Hòa thượng Thích Thuận Đức (1918 – 2000)… các Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, tiêu biểu là sự kiện 11 nhà sư đã phát nguyện “cởi áo cà sa khoác áo chiến bào” tại chùa Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định vào ngày 27/02/1950, và họ đã trở thành những chiến sĩ vệ quốc đoàn kiên trung, có người đã hy sinh thân mình cho Tổ quốc, có người sau khi hoàn thành nghĩa vụ công dân cao cả lại tiếp tục quay trở về tiếp tục cuộc sống tu hành; sự kiện 15 sư tăng thuộc tổ chức bộ đội tăng già thuộc huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) tình nguyện nhập ngũ lên đường bảo vệ Tổ quốc, và trong trận chiến đấu bảo vệ cho chính nghĩa đó, 3 nhà sư đã anh dũng hy sinh. Và còn rất nhiều tấm gương của các vị sư, cư sĩ Phật giáo yêu nước khác.

Chùa Tam Bảo, trụ sở Hội Phật học kiêm tế của Thiền sư Thích Thiện Chiếu trở thành nơi cất giấu vũ khí, nuôi giấu cán bộ kháng chiến. Bản thân Thiền sư thì bị đày ra nhà tù Côn Đảo và bị tra tấn dã man, nhưng vẫn một lòng trung kiên với cách mạng. Bên cạnh nhiệm vụ tham gia kháng chiến để bảo vệ Tổ quốc, Phật giáo Việt Nam vẫn không quên lời dạy của Đức Bổn sư: “Duy tuệ thị nghiệp” (lấy trí tuệ làm sự nghiệp) và thực hiện lời dạy của Bác Hồ, đó là muốn kiến thiết đất nước thì phải diệt được 3 loại giặc: “Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, các vị sư lại là những người thầy chùa của Phật giáo lại trở thành các trường học dạy chữ cho bà con; bên cạnh đó Tăng Ni, Phật tử còn tích cực tăng gia sản xuất, ủng hộ cho kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong lao động sản xuất, thực hiện nếp sống đạo đức, văn hóa, nhiều vị Tăng Ni, Phật tử trở thành những người tiêu biểu, gương mẫu, là chỗ dựa đáng tin cậy của Phật giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đó là những minh chứng cho tinh thần yêu nước chân chính của Phật giáo Việt Nam hòa mình trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Nhận định về vai trò và những đóng góp của Phật giáo Việt Nam đối với cách mạng và dân tộc, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu trong buổi tiếp Đại biểu Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam tại Phủ Chủ tịch: “Trong quá khứ, Phật giáo Việt nam đã gắn chặt với dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Lịch sử đã xác nhận Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo, từ bản chất, bản sắc, từ trong thực tiễn hoạt động của mình, biểu hiện truyền thống yêu nước, gắn bó chặt chẽ với dân tộc, với Tổ quốc. Trong sự nghiệp cao cả của dân tộc ngày nay, Phật giáo đã góp phần xứng đáng. Đối với Việt Nam, nói đến tôn giáo là người ta nghĩ ngay đến đạo Phật, đến những việc làm quý báu, đẹp đẽ của đông đảo Tăng Ni, Phật tử. Đạo Phật ở Việt Nam đã mang màu sắc dân tộc Việt Nam rõ rệt. Có thể nói rằng Phật giáo Việt Nam đã góp phần làm sáng ngời lý tưởng dân tộc, và trưởng thành cùng dân tộc”.

Không chỉ trực tiếp tham gia chiến đấu, Phật giáo Việt Nam còn phát động phong trào chấn hưng Phật giáo. Đây không chỉ là việc đạo mà còn với mục đích chấn hưng tư tưởng của một bộ phận Tăng Ni, Phật tử đặc biệt là lớp trẻ lúc bấy giờ, hướng họ không sa đà vào những hoạt động mê tín dị đoan, sống cuộc sống vật chất, thực dụng, thiếu lý tưởng do luồng tư tưởng của chủ nghĩa thực dân mang lại. Cuộc vận động chấn hưng trong Phật giáo đã cảnh tỉnh nhiều nhà trí thức, làm dấy lên làn sóng đề cao tinh thần, văn hóa dân tộc ở khắp các tỉnh miền Nam thời bấy giờ. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần đẩy mạnh phong trào cách mạng lên cao, sớm đi đến sự kết thúc địa vị của thực dân Pháp ở Việt Nam.

Hòa bình lập lại, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục nhất quán chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, và đó cũng là điều kiện thuận lợi để Phật giáo Việt Nam thực hiện được nguyện vọng thống nhất Phật giáo trong một tổ chức chung của đại đa số Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam.

Trong xây dựng đất nước, kể từ khi Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thành lập, Phật giáo Việt Nam trước đây và nay là Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn có những đại biểu xứng đáng, được cử tri cả nước tin cậy bầu vào Quốc hội, vào Hội đồng Nhân dân các cấp để phản ánh nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân, của Tăng Ni, Phật tử với Đảng và Nhà nước, đồng thời góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống nhân dân, đặc biệt là trong bộ phận đồng bào theo đạo Phật. Ngoài ra, rất nhiều vị Tăng Ni, Phật tử còn tham gia vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể, xã hội… các cấp, góp phần không nhỏ xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo ở nước ta. Trong quá trình vận động của lịch sử Phật giáo và lịch sử dân tộc, một bộ phận nhỏ Tăng Ni, Phật tử đã bị các thế lực thù địch lợi dụng làm cản trở tiến trình cách mạng của dân tộc Việt Nam, do đó khi đất nước thống nhất, các vị có tâm trạng e dè, mặc cảm, một số vị vẫn còn giữ thái độ cực đoan, không hợp tác với chính quyền và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tuy nhiên, với tình đồng đạo, nghĩa đồng bào, các vị cao Tăng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thể hiện thái độ chia sẻ, khoan dung để cảm hoá, kéo họ lại gần với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với dân tộc Việt Nam.

Với phương châm hoạt động “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quán triệt sâu sắc và kiên trì thực hiện chính sách nhất quán trước sau như một của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ Bảy (khóa IX), Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là phương châm hoạt động mang tính xuyên suốt, là sự lựa chọn đúng đắn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thể hiện tinh thần tiếp tục đồng hành cùng dân tộc tiến lên phía trước. Để thực hiện mục đích cao cả đó, trong 20 năm đổi mới vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đã đạt được nhiều thành tựu Phật sự quan trọng trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của Giáo hội, tạo nền móng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và phát triển trong kỷ nguyên mới. Thành tựu quan trọng nhất là công tác xây dựng và củng cố tổ chức của Giáo hội ngày càng được hoàn thiện, ổn định, thống nhất, vận hành có hiệu quả. Qua đó, đã cổ vũ Tăng Ni, Phật tử trong cả nước tham gia thực hiện các hoạt động Phật sự chung của Giáo hội, sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực đóng góp sức mình vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh. Tăng Ni, Phật tử không ngừng lớn mạnh cả về chất lượng và số lượng, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Hệ thống giáo dục của Giáo hội được đổi mới về nội dung và phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục về nội điển và ngoại điển, nhất là giáo dục cho Tăng Ni, Phật tử nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nhận rõ âm mưu của các thế lực thù địch, của một số kẻ xấu lợi dụng tôn giáo, núp bóng tôn giáo để phá hoại đoàn kết lương - giáo, đoàn kết giữa các tôn giáo, đoàn kết dân tộc, chống đối chế độ... Công tác hoằng dương chính pháp được phát huy, đóng góp vào nhiệm vụ xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan; thường xuyên liên lạc và hợp tác với các đoàn thể, cơ quan để góp phần cùng toàn dân xây dựng một nền văn hóa tiên tiến mang đậm đà bản sắc dân tộc, nhân bản, văn minh và tiến bộ; tích cực bảo quản, trùng tu, tôn tạo các cơ sở tự viện xuống cấp; tổ chức in ấn, phát hành các kinh sách, báo chí nhằm xây dựng nếp sống văn hóa theo đúng chính pháp, cũng như phổ biến đến kiều bào nước ngoài về các hoạt động chung của Giáo hội.

Như vậy, Phật giáo Việt Nam đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong thời kì đấu tranh chống thực dân Pháp của dân tộc. Không chỉ có những đóng góp bằng sức lực cho cuộc chiến bằng cách cầm súng ra chiến trường mà các Phật tử còn đóng góp về mặt tinh thần cho cuộc chiến như ủng hộ lương thực, trí tuệ.. Tất cả những đóng góp to lớn đó đã làm nên thắng lợi của của cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Không chỉ trong thời chiến mà trong thời bình hôm nay, Phật giáo vẫn giữ nguyên được vai trò, giá trị của mình trong đời sống dân tộc. Vẫn một lòng phục vụ dân tộc, phục vụ chúng sinh theo phương châm hoạt động “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, luôn luôn nêu cao tinh thần yêu chuộng hòa bình và truyền thống đồng hành cùng dân tộc, đoàn kết phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, cùng hướng tới tương lai.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 17
    • Số lượt truy cập : 6130223