VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
TRÊN LĨNH VỰC VĂN HÓA - XÃ HỘI
TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI HIỆN NAY
ThS. VÕ THANH HÙNG
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ
I. TỔNG QUAN
1. Vài nét về đặc điểm tự nhiên và kinh tế - xã hội
Tây Nam Bộ là vùng đất phù sa mới gồm 12 tỉnh và thành phố Cần Thơ, diện tích tự nhiên trên 4 triệu ha, dân số gần 17,3 triệu người (tính đến ngày 01/04/2009), chiếm 22% dân số cả nước. Trong đó, người Kinh trên 90%; Khmer hơn 7%; Hoa 1,2% và người Chăm chiếm gần 0,07%. Toàn vùng có 07 tôn giáo với hơn 30 hệ phái. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 700km bờ biển, 400km biên giới tiếp giáp với Campuchia. Hệ thống sông ngòi và kênh rạch chằng chịt (khoảng 28.000km sông rạch), là cơ sở cho giao thông đường thủy và hình thành các cảng sông, cảng biển quốc tế, đồng thời còn là nguồn tưới tiêu, thau phèn rửa mặn. Hằng năm, đóng góp 18% GDP, 50% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu và 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân toàn vùng giai đoạn 2001 - 2010 đạt 11,7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2012, thu nhập bình quân 32 triệu đồng/người, gấp 2,5 lần, thu ngân sách tăng gấp 6 lần, so với năm 2002.
Hoàn cảnh tự thổ nhưỡng và những đặc điểm về kinh tế - xã hội của vùng đất này sẽ giúp cho chúng ta hiểu hơn tính cách, lối sống và những đặc trưng văn hóa của người ĐBSCL, nhất là vai trò của Phật giáo vùng ĐBSCL trên lĩnh vực văn hóa - xã hội đã qua và trong thời kỳ đổi mới hiện nay.
2. Khái quát Phật giáo Nam Bộ
Khi nghiên cứu về Phật giáo Nam Bộ, dễ nhận thấy một điều đặc biệt là diện mạo Phật giáo Nam Bộ vừa xuất hiện những hiện tượng, những đặc điểm riêng có ở Nam Bộ, không thấy ở bất cứ vùng miền nào, vừa là sự tiếp nối làm sâu sắc, làm phong phú thêm truyền thống Phật giáo ĐBSCL. Cái đặc sắc ấy là do Nam Bộ đi đầu trong tiếp xúc văn hóa, xét trong tương quan với cả nước. Ngay từ thời kỳ khai phá vùng đất mới này ở các thế kỷ XVII-XVIII, những truyền thống văn hoá Phật giáo Việt, Khmer, Hoa, Chăm, Ấn... đã gặp gỡ nhau, đan xen và hòa trộn nhau, tạo ra sự đổi mới trong Phật giáo nói chung và văn hóa Phật giáo ĐBSCL nói riêng.
Hiện toàn vùng ĐBSCL có:
Như vậy, Phật giáo người Việt ở Nam Bộ là sản phẩm tổng hợp của ba nhân tố chính: Truyền thống Phật giáo và văn hóa dân tộc vùng ĐBSCL tiếp biến với các tôn giáo, dân tộc khác cộng với vị trí địa lý thuận tiện giao lưu quốc tế, tính cách phương Tây cũng ảnh hưởng tới Phật giáo Nam Bộ về tính mở, thoáng; tính năng động và tính thực dụng. Chính những điều này đã góp phần hình thành đặc trưng tính cách văn hóa Phật giáo Nam Bộ: Tính đề cao đạo lý, những giá trị đạo đức làm người, cùng với tính sông nước, bao dung, năng động, trọng nghĩa.
Những đặc trưng này, suy cho cùng có nguồn gốc hình thành từ nhu cầu tổ chức đời sống cộng đồng lưu dân Việt buổi đầu khai phá Nam Bộ mang tính tự phát, thiếu luật lệ, thiếu sự tổ chức và quản lý của triều đình trung ương. Trong những điều kiện gian khổ chống chọi với thiên nhiên, đã xác lập vai trò của những cá nhân mạnh, thủ lĩnh vùng, những người có khả năng chiêu dân lập ấp, tổ chức sản xuất, tổ chức cuộc sống cộng đồng, giải quyết các tranh chấp... Trong điều kiện không có luật lệ và tự phát thì đạo lý làm người và uy tín của cá nhân là cái thay thế, trong đó đạo lý làm người có một vị trí đặc biệt, có ý nghĩa quyết định sự sinh tồn của những người đi khai hoang mở đất, đã làm xuất hiện một dòng tôn giáo độc đáo, mà đặc trưng nổi bật làm nó khác với tất cả các tôn giáo khác, là ở chỗ đã nâng đạo lý làm người truyền thống của người Việt lên thành nội dung chủ yếu của giáo lý, thành pháp môn, thành phương thức tu hành, hay cũng có thể nói, đạo lý làm người đã được Phật giáo hóa, vẫn là sự tiếp tục của truyền thống văn hóa Việt, hơn nữa, góp phần phát triển và làm phong phú truyền thống ấy trong sự tiếp xúc với các truyền thống văn hóa khác, nhất là khi Tổ quốc thống nhất, Bắc - Nam liền một dải, cả nước đi lên CNXH, hội nhập với quốc tế.
II. NỘI DUNG
1. Mối quan hệ giữa Phật giáo với đời sống văn hóa vùng ĐBSCL
Lịch sử vùng đất Nam Bộ đã ghi nhận Phật giáo từng đồng hành cùng dân tộc, nhanh chóng được nhân dân đón nhận, tin theo trong suốt tiến trình lịch sử khai phá, hình thành việc dựng nước và giữ nước vùng đất mới này. Nhìn lại lịch sử Nam Bộ qua bốn giai đoạn: trước 1802, 1802-1867, 1867-1945 và từ 1945 đến nay, trong đó giai đoạn đầu gồm thời kỳ Đàng Trong (từ đầu đến 1777) và thời kỳ nội chiến Tây Sơn - Nguyễn Ánh (1778-1802), có thể thấy thời kỳ Đàng Trong là xuất phát điểm lịch sử rất thuận lợi cho sự phát triển của Phật giáo ở Nam Bộ… Với triết lý đạo đức nhân sinh sâu sắc về từ, bi, hỷ, xả giáo hóa con người sống và làm việc thiện, bao dung, độ lượng; Phật giáo đã trở thành một phần của đời sống; trở thành chỗ dựa tinh thần cho nhân dân. Phật giáo đã đồng hành và để lại những dấu ấn sâu đậm trong đời sống và phong tục tập quán, trong văn học và nghệ thuật; trở thành di sản văn hóa quý báu của ĐBSCL.
Về mặt đạo đức, lối sống so sánh ta thấy Khổng giáo thì cứng nhắc, khuôn phép, chỉ dành cho tầng lớp trên, biết chữ thánh hiền. Đạo giáo lại mơ hồ, cởi mở quá mức thì Phật giáo lại gần gũi hướng tới những người bình dân, với nghi thức, triết lý giản dị, dễ hòa nhập vào cuộc sống. Như vậy cho thấy đạo đức Phật giáo là sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, với vũ trụ, nên Phật giáo có ảnh hưởng lớn đến tâm thức dân tộc, giữa đạo và đời, giữa tư tưởng đạo đức Phật giáo với tính cách đạo đức con người vùng ĐBSCL trùng khít, phù hợp.
Phật giáo đã thể hiện triết lý nhân sinh sống phải tu thân tích đức, làm điều thiện, điều lành, hướng con người tới ứng xử nhân văn, cao đẹp nghiệp nhân quả “ở hiền gặp lành”. Ngôi chùa được nhận thức là nơi tôn nghiêm, nơi tu học, rèn luyện đạo đức tâm linh chứ không phải là nơi lánh đời, tiêu cực. Đó là một ý nghĩa tích cực trong việc nhận thức vai trò của ngôi chùa trong đời sống cộng đồng của nhân dân vùng ĐBSCL; Cũng từ đây, mà vùng đất này có câu: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa” hoặc “Tu tại tâm”, “Phật tử tại gia”... với ý răn dạy, khẳng định đối tượng tu nếu ba nghiệp đã thanh tịnh rồi thì việc tu đâu, ở đâu không còn là vấn đề để bàn. “Tâm tịnh tức Phật độ tịnh”, dù có ở nhà hay ở chợ nếu chúng ta áp dụng giáo lý Phật đà trong mọi công việc thường nhật thì việc tu tập cũng dễ dàng. Nhưng nếu ở chùa mà không tu thì cũng hoàn không, đó chính là đạo đức.
Về mỹ thuật, kiến trúc: Phật giáo để lại những công trình kiến trúc đẹp, có phong cách riêng như: Chùa Vân Quang, chùa Long Tuyền (Mỹ Tho), Tây An (An Giang), chùa Giác Lâm, chùa Giác Viên, chùa Từ Ân (TP. HCM), chùa Long Thiền, chùa Đại Giác, chùa Bửu Phong (Đồng Nai)... để lại giá trị đặc sắc về mỹ thuật và kiến trúc tôn giáo của ĐBSCL cũng như của cả Nam Bộ.
Về văn học nghệ thuật: Phật giáo có hệ thống in chữ của chùa, tác giả là bậc Tăng Ni tu hành theo đạo Phật và các Nho sĩ có ảnh hưởng của đạo Phật. Ngôi chùa xuất hiện trong văn chương chữ Quốc ngữ ở ĐBSCL qua những câu ca dao, dân ca như:
Dù có đi đâu về đâu,
Tháng giêng hai chín nhớ câu hội về.
Trà Ôn - Phước Hậu chùa quê,
Dâng hương tưởng nguyện niệm lời kinh tâm.
Ngoài việc gắn liền với lễ hội, hình ảnh ngôi chùa ở Nam Bộ còn gắn liền với đời sống lứa đôi, trai gái:
Tay bưng quả nếp vô chùa,
Lâm râm lạy Phật xin bùa em đeo.
Người Nam Bộ xưa vốn bản tính thiết thực, đến chùa không phải để tìm hiểu giáo lý cao siêu, không cầu mong sự giải thoát xa vời mà chỉ cầu mong những gì liên hệ trực tiếp và thiết thực nhất đối với đời sống của mình. Do đó, việc đến chùa “xin bùa em đeo” là một việc làm phản ánh tính thiết thực ấy của người dân Nam Bộ. Hành động này chỉ là cái cớ nhằm bộc lộ tình cảm lứa đôi mà thôi. Điều này, người ta cũng rất thường thấy ở một số các câu ca dao, dân ca khác:
“Sông bên đây, anh lập cảnh chùa Tân Thiện,
Sông bên kia, anh lập cái huyện Hà Đông…
Bạn mình ơi, chim kêu dưới suối trên nhành.
Qua không bỏ bậu bậu đành bỏ qua!”
Rõ ràng việc lập chùa ở đây chỉ là một cách nói quen thuộc chứ không nhất thiết là một việc làm cụ thể. Đó là cách người con trai ràng buộc người con gái trong cái nghĩa, cái tình mà anh ta từng vun đắp. Điều này còn thể hiện ở nhiều câu ca dao khác:
Bao giờ cạn lạch Đồng Nai,
Nát chùa Châu Thới mới sai lời nguyền.
Đây là một dị bản của câu ca dao: Bao giờ cạn lạch Đồng Nai / Nát chùa Thiên Mụ mới sai lời nguyền. Cho dù là dị bản, nhưng nó vẫn có một điểm chung nhất định, chính là dấu ấn của ngôi chùa trong tâm thức cộng đồng. Câu ca dao đã nhắc tới ngôi chùa Châu Thới - một ngôi chùa nổi tiếng thuộc đất Bình Dương ngày nay. Trước đây, khi viết Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức đã từng xem ngôi chùa này là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của đất Gia Định xưa.
Về loại hình văn chương, hình ảnh ngôi chùa được phản ảnh hết sức phong phú và đa dạng với nhiều thể loại khác nhau như trong thi ca có: Vãng Thích Ca Phật Đài của tác giả Phạm Thái Dũng; Về phía của tác giả Hạnh Phương. Trong tiểu thuyết, hình ảnh ngôi chùa cũng từng được các nhà văn Nam Bộ phản ánh khá nhiều. Tuy nhiên ở thể loại này, ngôi chùa chủ yếu được phản ảnh như là một không gian tâm linh gắn bó với đời sống con người. Trước hết có thể kể tới hình ảnh ngôi chùa trong tiểu thuyết Người bán ngọc (1931) của Lê Hoằng Mưu, tác phẩm Tiền bạc bạc tiền của Hồ Biểu Chánh; Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, Hòn Đất của Anh Đức... Mặc dù không phản ánh nhiều và sâu, thậm chí chỉ nhắc đến một cái tên “xóm chùa” nào đó trong Hòn Đất của Anh Đức, nhưng điều đó cũng ít nhiều cho thấy, trong chiều sâu tâm thức của người dân Nam Bộ, ngôi chùa là một cái gì đó rất thiêng liêng, rất gần gũi, gắn bó với cộng đồng.
Truyện ngắn, tùy bút, bút ký có: Củi mục trôi về của tác giả Nguyễn Ngọc Tư; Giao thừa cửa Phật của Nhật Tuấn, Về chùa của Quán Như, Những buổi chiều thơ ấu của Hoàng Thị Giang, Lần đầu tiên tôi lên
chùa của Huệ Thành; ở thể loại bút ký có một số tác giả, tác phẩm như: Minh Phương với tác phẩm Một chuyến du xuân về Tây Nam Bộ, Trần Thế Vinh với Năm non bảy núi ở miền Tây Nam Bộ, Trần Thế Vinh với Lễ hội và vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Hồ Kiên Giang với Bồng bềnh Tân Lộc, Sơn Nam với Sài Gòn xưa - Ấn tượng 300 năm và tiếp cận với Đồng bằng Sông Cửu Long... Trong số các tác giả này, có lẽ nhà văn Sơn Nam được xem là cây viết tiêu biểu nhất viết về ngôi chùa và sinh hoạt Phật giáo ở đất Nam Bộ...
Qua đó, cho thấy, ngôi chùa là một thực thể sinh động, có khả năng tạo nên cảm hứng phong phú cho đời sống tinh thần xã hội, trong đó có sinh hoạt nghệ thuật văn chương; đồng thời cũng chứng tỏ sự gần gũi, gắn kết của nó trong tâm thức cộng đồng suốt chiều dài lịch sử.
Như vậy, Phật giáo ĐBSCL đã được văn hóa hóa trở thành văn hóa Phật giáo trong nền văn hóa nước nhà. Nghiên cứu đạo đức Phật giáo để nhận thấy sự hình thành nhân cách, đạo đức con người ĐBSCL trong thời đại hiện nay. Sự ảnh hưởng của Phật giáo thấm sâu vào người dân ĐBSCL. Không chỉ riêng gì dân tộc Việt, các tộc người khác trong cộng đồng các dân tộc anh em cũng thấy rõ ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống văn hóa, nhất là trong lĩnh vực tinh thần của con người.
Là người dân ĐBSCL, từ lúc bé cho đến lớn ai cũng đều nghe tiếng chuông chùa hoặc tiếng kinh, tiếng mõ của nhà chùa. Hình ảnh mái chùa từ nhỏ đã thấm vào mỗi con người ĐBSCL nên trong nhiều phong tục tập quán của ĐBSCL và một số dân tộc khác chịu ảnh hưởng Phật giáo; thậm chí đến mức hòa nhập thành tập quán trong đời sống thường ngày như việc đi chùa lễ Phật, cúng mồng một, ngày rằm, ngày Tết tại chùa và bàn thờ gia tiên. Những dịp lễ hội như ngày Phật đản, ngày Vu lan báo hiếu, Tết Trung thu hoặc ngày lễ Tết của dân tộc… người dân đến chùa để cầu nguyện phục thiện và cầu an cho gia đình. Ngoài việc đi chùa cầu an, người dân còn dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng tôn kính, tạo nên nét đẹp văn hóa của dân tộc... Chùa là nơi để thờ Phật, là chốn linh thiêng, thanh tịnh để tín đồ, Phật tử mỗi tháng hai lần dâng hương đăng hoa trà quả lễ Phật. Trước kia, những sản vật dâng lên cúng Phật xong thường được đem phát chẩn cho người nghèo khó. Như vậy, ngôi chùa truyền thống có ý nghĩa nhân văn rất lớn. Hiện nay, Phật giáo ĐBSCL nói riêng và nước ta nói chung vẫn thực hiện được điều này góp phần cùng xã hội làm tốt công việc từ thiện, nhân đạo để lại thiện tâm cho chúng sanh hướng đến cửa Phật.
2. Ảnh hưởng của Phật giáo đến chính trị - xã hội vùng ĐBSCL
Đất nước hùng cường thì Phật giáo hưng thịnh; khi Tổ quốc lâm nguy, Phật giáo sẵn sàng đứng lên tham gia chống giặc ngoại xâm, góp phần giành lại độc lập cho dân tộc. Khi đất nước hòa bình, Phật giáo lại cùng toàn dân tích cực tham gia xây dựng cuộc sống thông qua hoạt động răn dạy tín đồ, Phật tử phát huy truyền thống yêu nước thương nòi, trau dồi đạo đức, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng đã chứng minh những đóng góp quan trọng vào công cuộc dựng nước, giữ nước và bảo vệ Tổ quốc của Phật giáo. Qua nhiều triều đại phong kiến ở nước ta, nhiều vị vua quan là Phật tử với sự hiểu biết Phật pháp nên đã vận dụng những tinh hoa trong tư tưởng, triết lý của đạo Phật phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước ngày càng cường thịnh. Đạo từ đời mà có và đạo lại đi vào đời để giúp cho đời đơm hoa kết trái. Theo đó, đạo Phật không tách rời cuộc sống con người nên giữ đạo để làm đẹp cho đời là hạnh nguyện của Phật tử. Thực tế, Phật giáo đã thích ứng với mọ i hoàn cảnh lịch sử và văn hóa của dân tộc, hòa nhập cù ng dân tộc, thân thương với con người cùng thiên nhiên; góp phần xây dựng sự đoàn kết, hòa hợp dân tộc.
Điểm lại lịch sử cho thấy, Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo vùng ĐBSCL nói riêng đã thể hiện tinh thần tự chủ, độc lập, anh dũng của dân tộc; đồng thời khẳng định tinh thần gắn liền đạo pháp với dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Phát huy truyền thống quý báu đó, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ anh dũng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ta, Phật giáo đã có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Nhiều chùa chiền, tịnh viện là cơ sở cách mạng, nuôi giấu, cưu mang những chiến sĩ cách mạng. Nhiều nhà sư cũng đã tạm gác áo cà sa tham gia chiến đấu chống ngoại xâm, góp phần làm nên thắng lợi chung của cả dân tộc. Sau chiến tranh, các nhà sư lại cùng chung sức, đồng lòng để hoằng dương Phật pháp, lợi lạc quần sinh, góp phần cùng toàn dân khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh ác liệt do ngoại xâm gây ra. Nhiều nhà sư đã xuất gia nhưng vẫn nhập thế để giúp đời, giúp nước, giúp dân bằng trí tuệ, hiểu biết của mình.
Đúng như trong Diễ n văn khai mạc Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (Vesak) năm 2008 tạ i Hà Nội vào ngày 14-5-2008, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã khẳ ng định: “... đạo Phật là tôn giáo có mặt rất sớm, từ gần 2.000 năm trước. Ngay từ buổi đầu tiên, với tư tưởng từ bi, hỷ xả, Phật giáo đã được nhân dân Việt Nam đón nhận, luôn đồng hành cùng dân tộc với phương châm nhập thế, gắn bó giữa Đạo và Đời, phấn đấu vì hạnh phúc và an vui cho con người. Trong các thời đại, thời nào lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những nhà sư đại đức, đại trí đứng ra giúp đời hộ quốc an dân”.
Trong bối cảnh hiện nay, đất nước ta đang trên đà hội nhập và phát triển, Phật giáo ĐBSCL đã có những đóng góp không nhỏ cho đất nước, hòa bình và an lạc. Phật giáo vùng ĐBSCL ngày càng trưởng thành và phát triển vững chắc, thu được những thành tựu Phật sự quan trọng trên mọi lĩnh vực. Hệ thống tổ chức của Giáo hội được kiện toàn từ trung ương đến cơ sở và phát triển khắp cả vùng với hơn 4 triệu Tăng Ni và Phật tử; hàng trăm chùa chiền, tự viện được trùng tu, tôn tạo đẹp đẽ. Công tác giáo dục có nhiều chuyển biến rõ nét, đổi mới cả về nội dung và hình thức; hệ thống giáo dục được mở rộng, các cơ sở đào tạo tăng ni từ sơ cấp đến đại học được củng cố và xây dựng khang trang, đảm bảo cho hàng nghìn Tăng Ni sinh học tập với 1 Học viện Phật giáo, 01 trường trung cấp và hàng chục cơ sở đào tạo sơ cấp, nhiều Tăng, Ni có học vị thạc sĩ, tiến sĩ. Phật giáo vùng ĐBSCL hàng năm cử hàng chục học viên xuất sắc đi học tại nhiều trường đại học ở nước ngoài, như: Đại học New Dheli (Ấn Độ), Đại học Phật giáo Truyền giáo Nam tông Quốc tế Yangon (Myanmar), Phật Quang Sơn (Đài Loan),…
Về hoạt động nghi lễ thu hút đông đảo tín đồ, Phật tử tham dự như: Đại lễ Phật đản, mùa Vu lan báo hiếu… Với phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, trên tinh thần tri ân, báo ân của người con Phật được gắn liền với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, Phật giáo ĐBSCL đã hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử các chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường cử 9 hồi đại hồng chung vào Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 hàng năm. Hoạt động văn hóa được quan tâm: Hàng ngàn bản kinh sách được in hằng năm nhằm đáp ứng nhu cầu của tín đồ, góp phần làm cho báo chí được nâng cao cả về chất lượng và số lượng như các tờ: Giác Ngộ, Nghiên cứu Phật học, Khuông Việt, Trang thông tin điện tử. Đặc biệt là Báo Khmer ngữ Cần Thơ phát hành 1 kỳ/tuần với 6.000 tờ. Tới đây tăng 2 kỳ/tuần với 8.000 tờ/kỳ. Trong lĩnh vực hoằng dương Chính pháp, Giáo hội thường xuyên tổ chức các đoàn đi thuyết pháp ở nhiều nơi; thông qua việc truyền bá triết lý và thực hành giáo lý Phật giáo để xây dựng đạo đức tốt đẹp, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần giảm bớt tiêu cực và tệ nạn xã hội; hướng dẫn tín đồ tu tâm dưỡng tính, làm những việc thiện, tránh những việc ác, biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau thể hiện đức tính tốt đẹp của những người con Phật. Thông qua đó nhằm giúp con người tránh vô minh, chế ngự dục vọng, lòng tham lam để mang lại sự sáng suốt, an lạc, hạnh phúc và sẵn sàng làm mọi việc vì nước, vì dân, vì cộng đồng, góp phần ổn định xã hội.
Hoạt động từ thiện, nhân đạo của Phật giáo ĐBSCL đã thu được nhiều thành tựu quan trọng. Đến nay hầu hết các chùa Bắc tông và 30% chùa Nam tông có phòng chẩn trị y học dân tộc, bốc thuốc Nam, hàng năm khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt người với trị giá hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, còn tham gia nhiều hoạt động nhằm chia sẻ khó khăn với cộng đồng, như mở các lớp học tình thương nuôi dạy trẻ em khuyết tật, mồ côi, trẻ bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin; chăm sóc những người già không nơi nương tựa, tư vấn và nuôi dưỡng những người bị nhiễm HIV/AIDS, hiến máu nhân đạo; tặng xe chuyển bệnh từ thiện, tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và nhiều những việc làm nhân văn sâu sắc khác… Chỉ tính riêng trong năm 2012, số tiền làm công tác từ thiện, nhân đạo đã lên tới trên 300 tỷ đồng.
Với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Phật giáo vùng ĐBSCL đã đồng hành cùng nhân dân cả nước tiến hành công cuộc đổi mới trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết và với phương châm “phụng đạo, yêu nước”. Phật giáo ĐBSCL đã quan tâm hướng dẫn tín đồ, Phật tử sinh hoạt theo đúng Chính pháp, góp phần xây dựng cuộc sống lành mạnh cho người dân; Các hoạt động của nhà chùa và giáo lý nhà Phật không ngoài mục đích “Phụng sự chúng sinh tức cúng dường chư Phật” phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử nên đã tạo thành sức sống mãnh liệt, là nguồn cổ vũ lớn lao cho tăng ni, Phật tử ở trong vùng, trong nước và ngoài nước tin tưởng vào đường hướng hành đạo của Phật giáo, góp phần làm cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc. Đó là thể hiện tinh thần Phật giáo Việt Nam luôn duy trì và phát huy truyền thống từ ngàn xưa, theo lời dạy của đức Phật thực hiện lý tưởng hoằng dương Chánh pháp, phụng đạo giúp đời; vừa đẩy mạnh hoạt động Phật sự, vừa tích cực tham gia hoạt động xã hội vì cuộc sống an lạc của con người không ngoài mục đích “Phụng sự chúng sinh tức cúng dường chư Phật”.
Phật giáo vùng ĐBSCL luôn kiên định đường hướng hoạt động, tuyên truyền, vận động Tăng Ni, Phật tử tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp sức người và sức của cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đấu tranh với các lực lượng lợi dụng tôn giáo phá hoại sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo ở Việt Nam. Ngoài ra, còn tăng cường tham gia các hoạt động đối ngoại nhằm làm cho Phật giáo các nước hiểu được những thành tựu của Phật giáo Việt Nam và chính sách của Nhà nước đối với tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng; đồng thời còn góp phần làm cầu nối giữa Tăng Ni, phật tử, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài thông qua các hoạt động Phật giáo, quy tụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc.
III. ĐÔI LỜI KẾT LUẬN
Qua ba trăm năm phát triển và cống hiến của mình, Phật giáo ở Nam Bộ đã trải qua nhiều biến động tự thân cũng như nhiều thăng trầm lịch sử. Tuy nhiên vẫn luôn mang trong mình ý nghĩa của sự kế thừa một cách sáng tạo truyền thống Tam giáo hòa đồng lâu đời của dân tộc trên vùng đất mới, một yếu tố tích cực kích thích Phật giáo ở ĐBSCL phát triển mạnh hơn trên con đường Phật pháp bất ly thế gian giáo. Con đường mà từ Phật Thích Ca đến các Phật tử chân chính đều hướng tới khuyến khích con người theo cái thiện, loại trừ cái ác. Phải chăng con người ĐBSCL sẵn có lòng khoan dung, đức độ, nhân ái, khi gặp được đạo Phật với triết lý tư tưởng gần gũi với dân tộc nên được đón nhận mạnh mẽ và trở thành một trong những tôn giáo lớn tại ĐBSCL. Chính điều này đã được lịch sử vùng đất chứng minh về vai trò và ảnh hưởng của Phật giáo trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước. Đạo đức Phật giáo được sử dụng trở thành chuẩn mực về đạo đức con người ĐBSCL, ảnh hưởng sâu sắc đến quần chúng nhân dân và họ đã lựa chọn cho mình một tôn giáo phù hợp với điều kiện tu hành, phù hợp với lối sống, văn hóa dân tộc đồng thời cũng mang bản sắc văn hóa vùng ĐBSCL - Đó là tu hành nhưng vẫn nhập thế giúp đời, hộ nước an dân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đào Duy Anh – Việt Nam văn hóa sử cương, NXB Thời đại 2010;
2. Phật giáo GS. TS Đặng Hữu Toàn (Chủ biên), Các nền văn hóa thế giới, Tập 1 Phương Đông, NXB Từ điển Bách khoa 2011;
3. Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Khoa Văn hóa và Phát triển, Lịch sử văn minh thế giới (Lưu hành nội bộ 2009);
4. Phan Ngọc - Bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB văn học 2002;
5. TS. Đỗ Minh Hợp, TS. Đỗ Anh Tuấn, TS Nguyễn Thanh, ThS Lê Hải Thanh - Tôn giáo lý luận xưa và nay, NXB Tổng hợp TP.HCM -2005;
6. Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo đương đại - Văn hóa tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa, NXB Tôn giáo 2010;
7. GS.TS Lê Hữu Nghĩa, TS Nguyễn Đức Lữ (đồng chủ biên) - Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo và công tác tôn giáo, NXB Tôn giáo 2003;
8. Nguyễn Đức Sự - Mác, Ănghen về tôn giáo, NXB Tôn giáo 2003;
9. Gia Lộc, Văn hóa chùa, NXB Văn hóa thông tin 2009;
10. Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Mẫu Tử, tập 1, Tu thư Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1982;
11. Xem Nguyễn Khoa Chiêm: Nam Triều công nghiệp diễn chí, Sở Văn hoá Thông tin xuất bản, Huế, 1986;
12. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb Giáo dục, 2004;
13 Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1992;
14. Ian. P.McGreal, Những tư tưởng gia vĩ đại phương Đông, NXB Lao động 2005;
15. Báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ từ năm 2006 đến 2012.
Bình luận bài viết