Thông tin

VAI TRÒ "HỘ QUỐC AN DÂN"

VAI TRÒ "HỘ QUỐC AN DÂN"

                                                                                                                            

NGUYỄN VĂN QUÝ

 

 

 

"Hộ quốc an dân"

Đạo Phật luôn phê phán những niềm tin mù quáng, khuyến khích mỗi người tự suy nghĩ và nhấn mạnh vào nỗ lực, bền chí của chính con người để đạt được mục đích tối hậu. Sự vấn hỏi hay nghi ngờ được xem như là nền tảng đầu tiên trên bước đường truy tìm trí huệ, nhằm thoát khỏi luân hồi. Như thế, đạo Phật đặt niềm tin ở tiềm năng của mỗi con người, xác nhận sự bình đẳng ở mỗi con người trên quan niệm ai cũng có Phật tính.

Là một tôn giáo, đạo Phật cũng có một hệ thống giáo lý, giáo luật và những nghi thức được kiến lập trên trí huệ để răn dạy tín đồ tìm hiểu thực tại cùng những tầng bậc sâu thẳm trong tâm. Cho nên, trước hết, đạo Phật đòi hỏi tín đồ phải đạt được chân lý tối thượng, đó là trách nhiệm của cá nhân, trách nhiệm với Tăng đoàn và cộng đồng xã hội, bởi "Phật Thích Ca cho rằng, mọi sự vật hiện tượng trên đời này đều tồn tại trong quan hệ qua lại, cái nọ là điều kiện của cái kia"[1], và vì thế mọi hiện tượng đều có sự liên quan mật thiết và phụ thuộc lẫn nhau. Do đó, sự phát triển trí huệ trong đạo Phật dẫn đến sự hiểu biết và ý thức sâu sắc về lối suy nghĩ, những hành động vị tha, tình yêu thương con người và ngược lại, ích kỷ, tham lam và sân hận không được chào đón và là điều tối kỵ trong đạo Phật. Đạo Phật cho rằng, kết quả của Tham - Sân - Si sẽ dẫn đến những khổ đau, vì thế để thoát khỏi những khổ đau ấy, thoát khỏi vòng luân hồi (Samsãra) bước sang “bờ bên kia” thì nhất định tín đồ phải tuân thủ Giới – Định – Tuệ (Sĩla – Samãdhi – Pãnnã) nhằm loại bỏ Tham – Sân – Si, tức Tam độc. Đây là sự rèn luyện một cách có ý thức những hành động thân tâm sao cho không gây hại cho mình và cho người khác để đạt cảnh giới tối thượng. Đối với những người không thuộc tín đồ, đạo Phật thường khuyến khích làm việc thiện (thập thiện), thương yêu con người, tuân thủ ngũ giới và nếu khó có thể giữ được ngũ giới trọn vẹn thì cũng ưu tiên giữ giới đầu, đó là giới cấm sát sinh.

Đạo Phật hướng con người kiềm chế những dục vọng, ứng xử với chính bản thân mình và hành xử với người trên tinh thần từ bi, hỷ xả, bao dung, trong sáng. Điều này, một phần giải thích tại sao các tín đồ đạo Phật nói riêng và những quốc gia có sự hiện diện của đạo Phật luôn ưu chuộng hòa bình. Tinh thần từ bi, hỷ xả "được hứa hẹn sẽ sống hạnh phúc, thanh thản, không còn ác mộng, được tái sinh tốt đẹp,..."[2]. Người giàu lòng từ bi sẽ luôn mong người khác an vui và như thế cũng mang lại cho người đó sự bình yên, bởi lòng sân hận không đến với họ. Hơn nữa, tinh thần từ bi, hỷ xả, nó cốt ở chỗ, không thể chịu được cái khổ của người khác, ta cố dìu dắt họ thoát khổ; nó đặt căn bản trên sự nhìn thấy sự bất lực của những người bị kiệt quệ vì khổ mà tránh không làm tổn hại người khác. Chúng ta chịu khổ với tha nhân; không thể hứng chịu những khổ đau của họ, ta cố làm sao cho họ được hạnh phúc hơn[3].

- Góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong lịch sử dân tộc

Nổi bật nhất cho vấn đề này chính là mỗi khi đất nước ta bị giặc ngoại xâm. Vào thời Đinh - Tiền Lê. Sau khi lên ngôi năm 968, Đinh Tiên Hoàng đã định cho quan văn, võ và tăng đạo. Đại Việt sử ký toàn thư, chép: "Nguyễn Bặc làm Định Quốc, Lưu Công làm Đô hộ phủ sĩ sư, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, cho Tăng thống Ngô Chân Lưu làm Khuông Việt đại sư, cho Trương Ma Ni làm Tăng lục đạo sĩ"[4]. Thời kỳ này, đạo Phật được triều đình và nhân dân ưu chuộng cũng là công lớn của các nhà sư trong việc kiến thiết và bảo vệ đất nước là rất lớn. Khi triều đình nhà Ngô rơi vào khủng hoảng, quân Tống lăm le xâm lược, tình hình đất nước rối ren, bấy giờ Thập đạo tướng quân Lê Hoàn là một người có tài, đức độ, được nhiều người mến phục lên ngôi nắm quyền điều hành đất nước với sự giúp sức của các tăng sĩ như thiền sư Ngô Chân Lưu, Đỗ Pháp Thuận, vua Lê Đại Hành triệu vời và phong "Khuông Việt Thái sư làm cố vấn và Thiền sư Pháp Thuận lo việc ngoại giao"[5]. Sử còn ghi vào năm Thiên Phúc thứ 7 (986), sứ giả nhà Tống là Lý Giác sang nước ta, vâng mệnh vua Lê Đại Hành, Đại sư Khuông Việt và Pháp Thuận đã tiếp đón khiến sử giả nhà Tống tâm phục, khẩu phục. Qua sử liệu, có thể thấy Phật giáo thời Đinh - Tiền Lê nhập thế tích cực, góp phần không nhỏ cho công cuộc  xây dựng và giữ gìn đất nước, vun bồi ý chí tự cường, độc lập dân tộc. Hình ảnh các vị Thiền sư thấm nhuần triết lý đạo Phật  nhưng đồng thời cũng là những trí thức yêu nước, có trình độ văn hóa cao,
có công lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Phật giáo thịnh trị vào thời Lý. Bởi các vị vua nhà Lý đều là những Phật tử và giúp giập chính quyền là các vị Tăng sĩ nổi tiếng như Thiền sư Vạn Hạnh (939-1018) giúp Lý Công Uẩn lên ngôi và dời đô về Thăng Long, rồi Quốc sư Thảo Đường “có chủ trương xây dựng nước Cực lạc hay Tịnh độ ngay trên thế giới này với bốn đặc tính: Hòa bình thực sự, Hạnh phúc thực sự, Tự do thực sự và môi sinh xanh, sạch, đẹp thực sự”[6]; Quốc sư Viên Thông (1080-1151) thượng được vua Lý Thần Tông mời vào hỏi việc hưng vong của đất nước hay việc trị loạn; Thiền sư Mãn Giác (1052-1096) tinh thông Tam giáo, thường giảng Phật pháp cho vua và các quan lại trong triều; Tăng thống Khánh Hỷ (1066-1142),… Và đây chính là sự nhập thế tích cực của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử.

Phật giáo thời Trần, mà biểu trưng cao nhất là Phật giáo Trúc Lâm. Phật giáo Trúc Lâm không chỉ là nơi quy tụ tín đồ mà còn là nơi quy tụ nhân tâm. Các vị vua Trần đều là người am tường đạo Phật, và cũng như các vị vua nhà Lý, các nhà sư được trọng dụng. Nhà Trần không chỉ ưu chuộng đạo Phật mà còn cần đến tri thức của các nhà tu hành trên nhiều phương diện như chính trị, văn hóa, ngoại giao... Phật giáo thời Trần có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, bảo vệ đất nước, tinh thần Phật giáo thời Trần không chỉ là một sợi chỉ đỏ kết nối nhân dân đồng lòng với triều đình, đánh bại các cuộc xâm lược của giặc Nguyên - Mông, mà nó còn đề cao luân lý đạo đức, kêu gọi, khuyến khích con người hành thập thiện và đạo Phật đã trở thành một hệ tư tưởng độc đáo mang đậm tính chất xã hội, dân tộc.

Đến thời kỳ cận hiện đại, Phật giáo Việt Nam vẫn tiếp tục tiếp nối truyền thống “nhập thế” và tinh thần cứu nước là nét nổi bật. Thời kỳ Pháp thuộc (1884-1945), nhiều Tăng sĩ “không chịu nổi cái nhục mất nước, nên trong thời gian thực dân Pháp đô hộ nước ta, một số tăng ni tham gia khởi nghĩa dưới thời Tự Đức, Hòa thượng Thanh Giác đã cùng Phạm Bành khởi nghĩa,…”[7], và cũng có nhiều danh tăng có công trong việc chấn hưng Phật giáo, tiêu biểu như Hòa thượng Phúc Điền (1784-1863), Hòa thượng Nhất Định (1783-1847), Hòa thượng Diệu Giác (1805-1896),… Những năm đầu thế kỷ 20, với sự biến chuyển của tình hình chính trị trong nước và quốc tế, Phật giáo Việt Nam cũng từng bước chấn hưng, canh tân Phật giáo, đó là sự ra đời của các hội Phật học[8], sáng lập nhiều tạp chí Phật học, mở trường đào tạo Tăng sĩ nhằm chỉnh đốn Phật giáo và bên cạnh đó là công tác từ thiện xã hội được các hội Phật học lưu tâm. Cho nên phong trào chấn hưng Phật giáo được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình ủng hộ, có thể kể đến những vị danh tăng và Cư sĩ tiêu biểu như Hòa thượng Thanh Hanh (1840-1937), Lệ Thần Trần Trọng Kim (1882-1953), Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha (1902-1954), Tâm Minh Lê Đình Thám (1897-1969), Hòa thượng Khánh Hòa (1877-1947), Hòa thượng Thiện Chiếu (1898-1974),…

Từ 1945 đến 1975, đây là thời kỳ đất nước ta có nhiều biến động lớn, Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, rồi 9 năm kháng chiến chống pháp cho đến cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài cho đến năm 1975 mới kết thúc thắng lợi. Có thể thấy, ngày từ năm 1930, Phật giáo luôn đồng hành và có những đóng góp trong việc giải phóng đất nước. Nhiều ngôi chùa là cơ sở cách mạng như chùa Hương Tuyết, Bạch Mai, Hà Nội; chùa Đồng Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội; chùa Phù Ninh (chùa Nành,) ở Tiên Sơn, Bắc Ninh,... nhiều nhà sư Thanh Định, sư Thông Triết, cư sĩ Thanh Đạo cũng tham gia xây dựng, củng cố cơ sở cách mạng, nhiều vị bị địch bắt, tra tấn và tù đày như Hòa thượng Đạt Thanh, chùa Long Quang, Hóc Môn; Yết ma Pháp Long chùa Thiên Quang, Hóc Môn; Hòa thượng Trí Thiền ở chùa Sắc tứ Tam Bảo, Rạch Giá;... Phật giáo Việt Nam có những đóng góp to lớn với Cách mạng tháng 8 và xây dựng chính quyền nhân dân.

Ngày 6-1-1946, Thượng tọa Thích Mật Thể trúng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, và trong năm này Ngài được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Phật giáo cứu quốc Thừa Thiên - Huế.

Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám được cử làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính niền Nam Trung Bộ (sau thêm là thành viên Phật giáo cứu quốc Trung ương)"[9]; Ở miền Nam, các nhà sư Thích Trí Tịnh, Thích Thiện Hoa, Hòa thượng Hồng Từ, Hồng Kề cũng tận tâm tận lực ủng hộ, giúp đỡ Ủy ban khởi nghĩa; tham gia vào công tác cách mạng như Hòa thượng Huệ Quang, Thượng tọa Pháp Long,...

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là Phật giáo ở miền Bắc là một điểm sáng về tinh thần yêu nước, về sự gắn bó đạo với đời khi đất nước bị ngoại xâm thời kỳ này. Theo thống kê của Nguyễn Lang trong những năm 1947 đến năm 1954 thì đã có trên 400 tăng ni đã hy sinh cho sự nghiệp cách mạng[10].

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Phật giáo Việt Nam tiếp tục truyền thống nhập thế cứu nước, góp phần cùng nhân dân đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc của đế quốc Mỹ. Nhiều vị sư đã tham gia chiến đấu như sư thầy Đàm Xuân, Đàm Ninh, sư ông Thanh Cầm, sư cụ Thanh Tiếp, Đàm Gián,... Ở miền Nam, nhiều cuộc đấu tranh của tín đồ Phật giáo được tổ chức chống lại sự kìm kẹp bất công của chính quyền Ngô Đình Diệm và đế quốc Mỹ, ủng hộ cách mạng, góp phần làm cho chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ.

Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, phong trào chống chính quyền Sài Gòn như chính phủ Nguyễn Khánh, Trần Văn Hương, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ ngày càng dâng cao. Miền Nam ngày càng sục sôi khi thế đấu tranh của Phật tử, đến mức Trần Văn Hương khi đó là thủ tướng gọi các tăng ni chống đối là “những lưu manh cạo đầu bận áo cà sa toan nướng chả và đánh đòn các sinh viện Phật tử”[11], nhiều cuộc biểu tình rầm rộ của tín đồ đạo Phật cho thấy tính nhập thế tích cực của Phật giáo Việt Nam, đồng thời cũng là thái độ ủng hộ cao độ của Phật giáo miền Nam với cách mạng Việt Nam. Sau Hiệp định Paris, nhiều hoạt động sôi nổi của Phật giáo Việt Nam ở miền Nam tiếp tục đòi thi hành Hiệp định Paris, thả tù nhân, đặc biệt là vào cuối tháng 9 năm 1974, Mặt trận Nhân dân cứu đói được thành lập do Hòa thượng Thích Hiển Pháp làm chủ tịch, sau tổ chức này phát triển rộng khắp toàn miền Nam và đóng một vai trò quan trọng trong phong trào đô thị năm 1974-1975 và thống nhất đất nước.

- Tạo lập đời sống an sinh trong xã hội hiện tại

Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, các hệ phái và các tổ chức Phật giáo Việt Nam[12] kế thừa sự nghiệp truyền thống đã thống nhất Phật giáo cả nước trên tinh thần đoàn kết, hòa hợp thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) vào năm 1981 trên nguyên tắc “thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, nhưng các truyền thống Hệ phái cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chính pháp vẫn được tôn trọng và duy trì”.

Với tư cách là một tổ chức, GHPGVN không chỉ thể hiện chức năng thuần túy tôn giáo mà còn thể hiện chức năng không mang tính tôn giáo như kinh tế, văn hóa, giáo dục,... ở bình diện này thì rõ ràng Phật giáo Việt Nam có những đóng góp không nhỏ cho xã hội Việt Nam trong lịch sử và hiện tại.

Trên phương diện đời sống an sinh trong xã hội, GHPGVN với truyền thống nhập thế tích cực, yêu nước, gắn bó với nhân dân. Phật giáo Việt Nam khẳng định từ lâu một vị trí không thể thay thế trong đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam. Bằng con đường phát triển hòa bình, đạo Phật ở Việt Nam không chỉ là nơi nhân dân gửi trọn niềm tin mà còn tạo được sự ủng hộ nhất định từ phía chính quyền.

Ngày nay, với truyền thống nhập thế tích cực của Phật giáo Việt Nam, tinh thần xuyên suốt của Phật giáo Việt Nam chính là “hộ quốc an dân” nhằm đem lại sự an lạc cho nhân dân, sự phát triển hài hòa trong xã hội.

Đôi lời tạm kết

Đạo Phật từ khi du nhập vào Việt Nam đã có những biến đổi, thích ứng với văn hóa bản địa và được người Việt ưu chuộng bởi giáo lý, tinh thần vô ngã vị tha. Trải qua thời gian, đến nay đạo Phật vẫn luôn là một tôn giáo có sức hấp dẫn nhất đối với người Việt Nam.

Thời Đinh - Tiền Lê và đặc biệt vào thời Lý - Trần, Phật giáo có sự phát triển ổn định, nhiều bậc quân vương quy y đạo Phật, nhiều vương tôn quý tộc đã có những đóng góp cho việc phát triển của đạo Phật. Có thể nói, không một tôn giáo nào có tinh thần nhập thế tích cực như đạo Phật ở Việt Nam. Với tinh thần từ bi hỷ xả, khoan dung, hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam được người Việt rất mực coi trọng và dường như không một tôn giáo nào đáp ứng tốt đẹp bằng đạo Phật. Quan điểm và triết lý khoan dung của đạo Phật như đủ chỗ dung nạp những tín ngưỡng bản địa và cả những phương pháp tu hành cũng ít nhiều biến đổi nên dễ dàng thấm sâu vào tư tưởng nhân dân và góp phần tạo ra những giá trị văn hóa. Chúng ta có thể nhận thấy ảnh hưởng của đạo Phật trong cách sống, trong nghệ thuật, trong kiến trúc, ngôn ngữ cùng với mọi khía cạnh khác của văn hóa Việt Nam.

Trong cuộc sống hiện nay, mọi vấn đề xã hội dường như có thể liên kết với Phật giáo, nhưng không phải là sự qui kết các vấn đề này từ Phật giáo. Ở quốc gia nào, dù phát triển hay không phát triển thì ít hay nhiều cũng phải đối mặt với những vấn đề xã hội như bạo lực, tham nhũng, những tệ nạn xã hội khác dù ít hay nhiều đều hiện tồn. Bởi các vấn đề này là hiện tượng phổ biến, có mặt khắp mọi nơi trên thế giới. Các vấn đề xã hội này đều có nguyên nhân và hậu quả của nó. Chẳng hạn nạn đói, nếu không được chính quyền các cấp quan tâm đúng mức ắt sẽ thúc đẩy một cá nhân hay một nhóm người có hành động bạo lực hay do lòng tham của người cầm quyền có thể dẫn đến tình trạng tham nhũng... Nhiều vấn đề xã hội mà nước ta đang đối diện có thể sẽ được giải quyết thỏa đáng trên tinh thần đạo Phật. Đó là sự nhận thức đầy đủ khổ đau mà thủ trì nghiêm túc theo ngũ giới, bằng tinh thần từ bi hỷ xả, khoan dung sẽ không còn chỗ cho bạo lực, dối lừa hay tham nhũng.

 Nhìn chung, Phật giáo Việt Nam trong lịch sử nhập thế hộ quốc, và là nơi đáp ứng mọi như cầu tâm linh của nhân dân. Ngày này, tiếp nối truyền thống tốt đẹp đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam thông qua những nỗ lực về mặt vật chất và tinh thần đã chú trọng công tác an sinh xã hội. Nhiều ngôi trường, Tuệ Tĩnh đường, đường sá, cầu cống được xây dựng, nhiều quỹ phúc lợi được hưng công giúp những người nghèo có được một cuộc sống yên ổn, nhiều ngôi chùa là nơi nuôi dưỡng những trẻ em bị bỏ rơi, những người già không nơi nương tựa, chăm sóc bệnh nhân HIV và AIDS, tích cực tham gia bảo vệ môi trường,... Tuy nhiên, những suy thoái đạo đức trong xã hội hiện đại mà đặc trưng là phạm pháp, bạo lực, sự bất an trong cuộc sống khi mà lối sống thực dụng đang tràn lan. Vậy làm thế nào để giảm thiểu những tệ nạn xã hội? Có một giải pháp từ xa xưa mà ngày nay cuộc sống hối hả khiến con người lãng quên, cuộc sống thực dụng khiến con người luôn đám chìm trong vật chất, đó là sự khám phá trở lại, nhận thức ngọn nguồn đau khổ sẽ khiến cho con người có niềm tin mới và có thể vận dụng một cách có hiệu quả trước tình trạng suy đồi đạo đức, vấn nạn lương tâm.


[1] Hà Thúc Minh, Triết học phương Đông - Triết học Ấn Độ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr192.

[2] Edward Conze, (Hạnh Viện dịch), Tư tưởng Phật giáo Ấn Độ,  tr129.

[3] Edward Conze, (Hạnh Viện dịch), Tư tưởng Phật giáo Ấn Độ, tr133.

[4] Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, bản dịch của Ngô Đức Thọ (Hà Văn Tấn hiệu đính), Nxb Khoa học xã hội, HN-1998, tr212.

[5] Đức Nhuận, Đạo Phật và dòng sử Việt, Nxb Phương Đông, 2008, tr72.

[6] Đại đức, TS. Thích Đức Thiện – TS. Nguyễn Quốc Tuấn (đồng chủ biên), Phật giáo thời Lý với 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Nxb Chính trị Quốc gia, HN-2011, tr21.

[7] Bồ đề Tân Thanh – Nguyễn Đại Đồng (2012), Phật giáo Việt Nam (từ khởi nguyên đến 1981), Nxb Văn học, tr197.

[8] Như Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học (1931), Hội Lưỡng xuyên Phật học (1931), Hội An Nam Phật học (1932), Liên đoàn Phật học xã (1933), Tịnh Độ cư sĩ Phật hội Việt Nam (1934), Hội Phật giáo Bắc Kỳ (1935), Hội Phật học Kiêm tế (1936), Hội Phật giáo cứu quốc (1946), Hệ phái Khất sĩ (1958), Hội tăng ni chính lý Bắc Việt (1949), Hội Phật học Nam Việt (1949).

[9] Bồ đề Tân Thanh – Nguyễn Đại Đồng (2012), Sđd, tr268.

[10] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3, Nxb Văn học, 1994.

[11] Bồ đề Tân Thanh – Nguyễn Đại Đồng (2012), Sđd, tr357.

[12] Bao gồm 9 tổ chức và hệ phái Phật giáo:

- Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam;

- Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất;

- Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam;

- Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh;

- Giáo hội Tăng già nguyên thủy Việt Nam;

- Giáo hội Phật giáo Thiên Thai quán giáo;

- Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam;

- Hội Sư sãi yêu nước miền Tây Nam Bộ;

- Hội Phật học Nam Việt.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 41
    • Số lượt truy cập : 6367632