Thông tin

VĂN BIA CHÙA THIÊN MỤ VÀ NHỮNG TƯ LIỆU DI VĂN CHỮ HÁN

LIÊN QUAN TỚI CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU (1675-1725)

 

NGUYỄN NGỌC NHUẬN[1]*

 

1. Các chúa Nguyễn với xứ Đàng Trong

Minh vương Nguyễn Phúc Chu là con cả của Nghĩa vương Nguyễn Phúc Trăn. Ông là vị chúa Nguyễn thứ sáu của chính quyền họ Nguyễn Đàng Trong. Thuộc dòng chúa Nguyễn, ông ở ngôi từ 1691 – 1725, người gốc ở Gia Miêu, huyện Tống Sơn, Thanh Hóa. Mẹ ông là Tống Thị Đôi cũng người Tống Sơn, Thanh Hóa.

Nguyễn Phúc Chu thuở nhỏ đã được nuôi ăn học chu đáo, là người văn võ toàn tài, khi lớn lên đến 17 tuổi (1691) được nối nghiệp chúa vùng đất Nam Hà. Ông lấy hiệu Thiên Túng đạo nhân, là vị chúa rất sùng chuộng đạo Phật, chúa Nguyễn Phúc Chu còn được gọi là: chúa Minh hay Quốc chúa Minh vương.

Thời Minh vương, chiến tranh Trịnh – Nguyễn tạm ngừng 30 năm, nên chúa Nguyễn Phúc Chu có điều kiện mở mang nội trị, mở mang lãnh thổ về phương Nam. Minh vương là vị chúa hiền tài, khi lên ngôi ông chiêu hiền đãi sĩ, giảm nhẹ thuế má cho dân, bỏ thói tiêu dùng xa hoa, bớt việc hình ngục.

Khi còn tại vị, ông cho xây dựng, trùng tu nhiều ngôi chùa, trên những vùng đất nổi tiếng, như chùa Thiên Mụ, chùa Mỹ An … Chùa Thiên Mụ đã trở thành một trung tâm Phật giáo ở Đàng Trong thời đó.

Ngược dòng lịch sử, xem các chúa Nguyễn đầu tiên, kể từ Nguyễn Hoàng khi vào trấn thủ đất Thuận Hóa (1558), ông đã chú trọng mở mang hai xứ Thuận – Quảng. Là người có tài đức, Nguyễn Hoàng được dân Đàng Trong mến mộ. Thời đó, theo chân ông vào Thuận Hóa có một lớp người từ vùng Thanh – Nghệ, lại có cả người Chăm, người Hoa cùng với những người vào làm ăn sinh sống trước đây từ thời Trần, Hồ, Lê… tất cả những thế hệ đó hợp sức để xây dựng, phát triển vùng đất mới.

Về mặt văn hóa, những người dân Đàng Ngoài vào đây, phần lớn họ mang theo cả những tập tục thói quen, nếp sinh hoạt của người Việt đồng bằng Bắc bộ. Về tôn giáo tín ngưỡng, dân Thuận – Quảng thời này cũng thờ cúng tổ tiên dưới ảnh hưởng của tư tường Phật, Khổng, Lão, tuy nhiên dân nơi đây vẫn chuộng đạo Phật hơn cả.

Lúc đầu, Đoan Quận công Nguyễn Hoàng mới vào trấn thủ Thuận Hóa, ông thích dùng đạo sĩ, coi trọng Đạo giáo. Nhưng sau hơn 50 năm (từ năm 1558 đến năm 1612), khi tiếp xúc với dân xứ Đàng Trong, ông hiểu được lòng dân hướng về những điều tốt đẹp, hướng về đạo Phật. Ông đã ủng hộ Phật giáo để được lòng dân, cho xây chùa Thiên Mụ, chùa Sùng Hóa và nhiều ngôi chùa khác.[2]

Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Duy Tân (1910) còn ghi lại: “Năm Tân Sửu thứ 44, Chúa thượng đến xã Hà Khê, nay là xã An Ninh, thấy đồng bằng nổi gò đất cao như hình con rồng ngoảnh đầu trông lại, phía trước trông ra sông cái, phía sau liền với hồ, phong cảnh tươi đẹp, nhân hỏi người địa phương họ nói gò này rất thiêng. Tương truyền, ngày trước có người trông thầy một cụ già mặc ào đỏ quần xanh, ngồi trên gò nói: “phải có chân chúa đến dựng chùa ở đây mà thu góp khí thiêng để giữ vững long mạch”. Nói xong thì biến mất nên gọi là núi Thiên Mụ[3]. Các chúa Nguyễn sau này tiếp tục đúc chuông lớn, xây dựng thêm bảo điện, lầu tàng kinh, nhà thuyết pháp, điện đại bi, điện Dược sư, nhà tăng, nhà thiền … tại chùa Thiên Mụ.

Sau thời Nguyễn Hoàng, các chúa Nguyễn nối tiếp đều rất mộ đạo Phật, như chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 – 1635) được dân chúng thời đó tôn gọi là chúa Sãi hay chúa Phật. Chúa Sãi đã thu nạp được nhiều nhân vật có tài năng như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến…

Thời chúa Nguyễn Phúc Tần, còn gọi là chúa Hiền (1648 – 1687), từ 1660 – 1680, thiền phái Trúc Lâm được phục hưng ở vùng Quảng Trị - Thuận Hóa với sự xuất hiện của thiền sư Minh Chân -  Hương Hải, thiền sư Viên Cảnh Viên Khoan. Nhiều ngôi chùa được chúa Nguyễn cho xây cất đẹp như chùa Vĩnh Hoa ở núi Linh Thái, chùa Thiên Tôn ở Quảng Trị.

Thời chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687 – 1691) còn được gọi là chúa Nghĩa, phái thiền Lâm Tế được hoằng hóa ở Đàng Trong, Phật giáo được phục hưng và phát triển … Chúa Nghĩa ở ngôi chỉ 4 năm, tuổi cũng ít nhưng ông đã làm được rất nhiều trong việc xây dựng Phú Xuân. Tháng 7 năm Đinh Mão, ông đã cho di dời chính dinh từ Kim Long về Phú Xuân, như thế kể từ năm này, dòng họ chúa Nguyễn đã định đô hẳn ở vùng kinh thành Huế hiện nay. Với hình thế đất rất đẹp ở trung tâm cõi Hóa Châu, Phú Xuân trở thành trung tâm văn hóa, chính trị Đàng Trong của chúa Nguyễn. Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, khi vào lãnh chức Hiệp trấn tham tán quân cơ ở Thuận Hóa (1776), để nhận xét về Phú Xuân ông đã viết: “Đất Phú Xuân huyện Hương Trà xưa là đất Thụy Lôi, Nguyễn Phúc Thái ̣(tức chúa Nghĩa) xưng là Hoằng Quốc công bắt đầu đặt dinh trấn ở đấy. Đất rộng bằng như bàn tay, độ hơn mười dặm, ở trong là chính dinh, đất cao, bốn bề đều thấp, tức là chỗ nổi bật ở giữa đất bằng ngồi vị Càn (Tây Bắc) trông hướng Tốn (Đông Nam) dựa ngang sống đất trông xuống bến sông đằng trước là quần sơn, chầu về la liệt toàn toàn thu nước bên hữu, vật lực thịnh giàu.”

Sau chúa Nguyễn Phúc Chu là chúa Nguyễn Phúc Trú (1725 - 1738), Nguyễn Phúc Khoát (1783 - 1765), các chúa Nguyễn đều có công sức trong việc sửa sang nội trị và mở mang đất đai ở Đàng Trong, đều sùng mộ đạo Phật và nhiệt thành hộ trì Phật pháp.

2. Những di văn Hán Nôm của chúa Nguyễn Phúc Chu.

2.1. Văn bia chùa Thiên Mụ của chúa Nguyễn Phúc Chu.

Sau khi chúa Nguyễn Phúc Trăn mất, con ông là Nguyễn Phúc Chu lên nối nghiệp (1691 - 1725). Tuy còn trẻ, nhưng ông là “một người hiếu học, chữ tốt và có tài thao lược văn võ” tính tình nhân hậu, lại sẵn đạo tâm, mộ Phật sùng Nho, đọc nhiều kinh sách, học rộng và biết nhiều văn bia sáng tác thơ ca giá trị.

Chúa Nguyễn Phúc Chu rất nhiệt tâm với đạo Phật, trong suốt cuộc đời, ông đã bỏ nhiều công sức cho việc hoằng dương Phật pháp ở  Đàng Trong.

Ông cho đón hòa thượng Thạch Liêm từ Trung Quốc sang, xin thọ giới Bồ Tát, được ban pháp danh là Hưng Long, đạo hiệu là “Thiên Túng đạo nhân”, thuộc phái Thiền Tào Động đời thứ 30. Năm Bính Tý (1696), Hòa thượng Thạch Liêm về nước, chúa lại ban tặng nhiều vàng bạc để trùng tu chùa Trường Thọ và chúa đã viết bài tựa cho sách Hải ngoại kỷ sựcủa Hòa thượng.

Năm 1706, chúa sai người sang Trung Hoa thỉnh kinh về tàng trữ ở chùa Thiên Mụ.

Năm 1710, chúa cho đúc đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ, trên có khắc “Quốc chúa Đại Việt Nguyễn Phúc Chu nối dòng Thiền phái Tào Động chính tông, đời thứ 30, pháp danh Hưng Long, đúc đại hồng chung cân nặng 3.285 cân, đặt tại chùa Thiên Mụ để mãi mãi phụng thờ Tam Bảo, mong sao cho mưa gió thuận hòa, quốc thái dân an, chúng sinh trong pháp giới đều viên thành... Năm Vĩnh Thịnh thứ sáu, ngày Phật Đản tháng Tư năm Canh Dần.”

Năm Giáp Ngọ (1714), Chúa cho đại trùng tu chùa Thiên Mụ, sau một năm mới hoàn thành. Chùa Thiên Mụ trở thành một thiền viện rực rỡ, trang nghiêm, Chúa Nguyễn Phúc Chu lại cho mở Đại hội ở vườn Tỳ Da trong khuôn viên của chùa Thiên Mụ, rồi tự mình ăn chay một tháng, phát chẩn, bố thí cho người nghèo. Chúa còn làm một bài văn bia ghi lại sự tích việc trùng tu chùa Thiên Mụ.

Tại chùa Thiên Mụ, từ khi khởi dựng cho đến các chúa Nguyễn, các vua thời Nguyễn sau này nhiều vị đã để lại di văn tại đây. Hiện nay trong tàng thư của Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ các bản in dập của văn bia tại chùa Thiên Mụ. Đặc biệt, trong đó còn lưu lại bản in dập bài bia trùng tu chùa Thiên Mụ do chúa Nguyễn Phúc Chu soạn. Nội dung như sau:

“Quốc vương Nguyễn Phúc Chu, nối dòng Tào Động chính tông, pháp danh Hưng Long, hiệu Thiên Tung đạo nhân, viết bài minh của bia chùa Thiên Mụ, Thuận Hóa.

Từng nghe: Rồng lặng lẽ không hình, đạo cao khôn tả. Phật tính vốn không, gốc luôn thanh tịnh. Các tướng đều đủ mà tỏa chiếu tràn đầy. Pháp chẳng hai đường, lý về một nghĩa. Trời cũng xoay vần, đất không nội ngoại. Đất nước gió lửa, nối tiếp bốn vòng. Phật tính lặng soi, thế thường trong suốt. Biển thể tính Phật làm cõi sắc vàng. Trong cõi sắc vàng có biển hương thủy. Trong biển hương thủy có quang minh tạng. Có rừng báu hương hoa man mác cùng khắp cõi Phật. Nhiều như cát sông Hằng sáng tỏ quang minh. Vào được cõi quang minh phải có duyên lành theo nơi chính báo. Biết được nhân lành thì ba thân không sai biệt, trời đất bằng nhau, bốn phương chẳng có xa gần, tính Phật, tính chúng sinh đều chảy vào biển trí Tỳ – lô – giá – na cả.

Người có huyết mạch, đất có đồi cao. Phía nam biển lớn là khu vực nước Việt ta. Núi rừng trùng điệp ở Tây Nam, biển cả mênh mông ở Đông Bắc, đầm vây cát vàng vạn dặm. Nước mãi an ninh, biển im chập chùng. Cây mọc trời luôn xanh biếc, lương thực dồi dào, ruộng đất màu mỡ. Ngũ tài phiên thứ, tam thế cao tư, cọp giống tây ngu, chim như phượng đẹp. Phong tục xưa nay đẹp đẽ, vui thấy dân hiền, góp tíng lành làm gốc, thay lòng thiện ở đời.

Sống theo đạo Nho, chuộng đạo Phật vì chíng trị không thể không làm nhân, tin đạo kính thầy, lấy nhân quả mà nghĩ điều gieo quả phúc.  Nhờ vậy mà biên giới được thanh bình, thân tâm yên ổn ...

Những mong nối gót Linh Sơn, nghĩ thẹn cho mình không sáng, canh cáng bên lòng, chỉ mong giữ gìn đạo cao vòi vọi.  Muốn đem hết tài ba chưa hẹn được ngày sau gánh vác. Đắc pháp nhiều năm, nguyện xây lầu ngọc cành vàng, bèn chọn đất vùng thượng du Thuận Hóa, núi loan đỉnh phượng phân chia, xóm Tây Kim Long băng ruộng qua đường. Kết rèm bao bọc, đất nhô cao ráo, phía trái dòng sông uốn lượn, đất đẹp trong lành. Theo nền cũ ngôi thiền quan Thiên Mụ, xây cảnh Phật mới ở cõi trời Nam, quyên góp ngọc ngà, chẳng tiếc vàng bạc, hễ luật nước đã truyền, đất gỗ công quân chẳng sợ lao nhọc, đến cùng cực có toàn dân giúp sức, chẳng sợ ngày tháng kéo dài. Công trình lớn lao, nhờ có các quan Cần chính, Chưởng cơ, Đại chưởng, Chưởng đinh, Giám niên, Phó giám niên, cùng nhau tuyển quân, chọn số ít trong số đông, chọn người giỏi trong số ít. Tùy theo sức thưởng công, tin ở lòng thành, ân oai đều giống nhau. Thợ giỏi thi công, tính một năm tròn …

… Tóm lại, cái sâu xa đó qui về thánh đế, chúng được quang minh rộng khắp, giúp đất nước thanh bình, an vui bền vững vua quan được mệnh thọ lâu dài như tùng bách. Cảnh bốn phương thanh bình, vạn dân được nuôi dưỡng trong an cư lạc nghiệp, vỗ bụng yên vui. Phủ vững như sắt, vang tiếng đàn cầm, hữu vi lại nhập vào pháp hóa vô vi vậy. Từ nay về sau kế tục nối tiếp, lấy pháp pháp được truyền thừa, nối đèn đèn được sáng mãi …

… Nguyện cho họ Nguyễn, nội ngoại xa gần đều lên pháp hội, luôn làm chứa phúc, thường hộ trì chùa chiền, nội ngoại thân thích đều chứng bồ đề. Tôi được bài tụng an lạc, thường gặp năm được mùa, nông thương nhiều của cải, quân mạnh nước giàu, an cư lạc nghiệp. Nay đẹp biết bao!

Quần thần thưa thỉnh, xin bày tỏ mấy lời cho chí đạo được tỏ rõ mà tâm nguyện không mệt mỏi, nên phóng bút ghi bài minh sau đây:

Minh rằng:

Đất Việt phương Nam chừ núi sông tươi đẹp,

Ngôi chùa tráng lệ chừ trời chiếu cửa thiền.

Tự tính thanh tịnh chừ suối tuôn mật ngọt,

Đất nước yên ổn chừ bốn cảnh thanh bình.

Pháp hóa vô vi chừ Nho – Phật đồng hành,

Viết lời cảm khái chừ nhân quả xoay vần.

Dựng bia lưu dấu chừ lòng thành còn mãi.

Lập bia ngày tốt, tiết đầu đông (tháng 10) năm Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715)[4].

Qua bài trích dẫn bài văn bia ở phần trên của chúa Nguyễn Phúc Chu, người đọc thấy được chúa là người am hiểu sâu sắc tư tưởng Phật học. Với việc viết văn bia trùng tu chùa Thiên Mụ, chúa muốn đề ra những sách lược lâu dài nhằm xây dựng vùng đất Đàng Trong cho dân chúng được an cư lạc nghiệp. Lời lẽ văn bia còn thấp thoáng màu sắc Đạo giáo, Nho giáo.

2.2. Thơ chữ Hán của chúa Nguyễn Phúc Chu.

Không chỉ viết văn bia về chùa Thiên Mụ, chúa Nguyễn Phúc Chu còn sáng tác thơ ca tụng ngôi chùa. Bài thơ được tìm thấy trên một chiếc bát cổ bằng men sứ. Nguyên văn bài thơ:

Phiên âm:

Thiên Mụ hiểu chung

Ký bạch đông phương túy tích trùng,

Thự quynh tiệm dữ bách hoa nùng.

Tà khan vân ảnh giang sơn nguyệt,

Bất thính triều thanh sơn tư chung.

Độc ngã nhàn tình y phiếu miễu,

Kỷ nhân trần mộng đắc thung dung.

Du du dư vận chư thiên lý,

Phạn ngữ dao ưng đáp hiểu chung.

Dịch thơ:

Tiếng chuông buổi sớm chùa Thiên Mụ

Biêng biếc trời đông đã sáng trưng,

Trăm hoa ửng nắng sắc hương nồng.

Nhìn nghiêng mây phủ trăng sông lẩn,

Nghe vẳng triều dâng chuông núi rung.

Riêng tỏ tình mây hương bát ngát,

Bao người cảnh mộng được thong dong.

Mênh mang tiếng nhạc từng không tỏa,

Kinh tụng xa đưa chuông sớm lồng.[5]

Bài thơ trên không ghi lại niên đại, nhưng người đọc có thể đoán được bài thơ được sáng tác với cảm hứng sau khi chúa Nguyễn Phúc Chu cho trùng tu lại chùa Thiên Mụ, cảnh trí nơi đây thật tươi đẹp, mang chất thiền trong không khí hương hoa, mây trời bát ngát.

Trong bài “Hai chữ Việt Nam trong thơ của Chúa Nguyễn Phúc Chu” tác giả Trần Đức Anh Sơn đã công bố 2 bài thơ của chúa Nguyễn Phúc Chu trên 2 chiếc tô sứ Quý.

Bài thứ nhất:

Ải lĩnh xuân vân

Việt Nam xung yếu thử sơn điên,

Tuyệt lĩnh hoàn như thục đạo thiên.

Đãn kiến vân hoành tam tuấn lĩnh,

Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên.

Lãnh triêm tu phát phi đồng tuyết,

Thấp tiễn y thường khởi thị truyền.

Duy nguyện hải phong xuy tác vũ,

Chính nghi thiên lý nhuận tang điền.

Dịch thơ:

Mây xuân trên Ải Lĩnh

Xung yếu nước Nam có núi này,

Khác chi đất Thục điệp non xây.

Bóng giăng, chỉ thấy ba tầng lớn,

Người ở nào hay mấy đỉnh mây.

Mi tóc lạnh, dù không tuyết rụng,

Áo xiêm ngâm, dẫu chẳng nguồn vây.

Chỉ mong gió bể đem mưa tới,

Muôn dặm dâu xanh bát ngát bầy.

Ải Lĩnh là chỉ Hải Vân quan, ngày nay gọi là đèo Hải Vân

Bài thứ hai:

Hà Trung yên vũ

Hải khí sơn phong táp táp kinh,

Tiệm khan yên thấp tán thiên thanh.

Ngư đăng kỷ điểm tri giang ngạn,

Lữ khách lạc tiêu thính vũ thanh.

Thiền tụng bất văn u khánh vận,

Hương tư nan xích cổ nhân tình.

Việt Nam diệc hữu Tiêu Tương cảnh,

Dục thiến đan thanh tả vị thành.

Dịch thơ:

Mưa bụi ở Hà Trung

Sóng trào gió rét nghĩ mà kinh,

Mù tỏa dần tan mây trắng xanh.

Bến cũ đèn chài thấp thoáng điểm,

Mưa buồn lữ khách lắng thâu canh.

Phật kinh không vẳng dư âm khánh,

Quê cũ ai hay nỗi nhớ mình.

Việt Nam cũng có Tiêu Tương cảnh,

Muốn vẽ mà sao vẽ mà sao vẽ chẳng thành.[6]

Hà Trung là tên một đầm nước lớn ở huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) nối thông với phá Tam Giang và đầm Cầu Hai. Đây từng là một thắng cảnh nổi tiếng của xứ Huế.

Kết luận

Cũng như phần lớn các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong, chúa Nguyễn Phúc Chu là người nhiệt tâm với đạo Phật, là vị chúa quy y đạo Phật và thụ Bồ Tát giới tại một giới đàn, ông được ban pháp danh là Hưng Long, thuộc thế hệ thứ 30 của dòng Tào Động. Phật giáo của đất Phú Xuân thời đó cũng là một bộ phận của Phật giáo dân tộc, chúa Nguyễn Phúc Chu đã biết vận dụng tư tưởng bình đẳng bác ái của Phật giáo để đoàn kết các tầng lớp, những người trên vùng đất Nam Hà cùng chung sức xây dựng và giữ yên bờ cõi.

Là vị chúa có văn tài ông đã để lại những tác phẩm thơ văn chữ Hán có giá trị về mặt nội dung cũng như nghệ thuật.



* [1]Tiến sĩ, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

[2] Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, NXB. Văn hóa Sài Gòn.

[3] Đại Nam nhất thống chí, tập 1, NXB. Thuận Hóa, Huế,1992.

[4] Dẫn theo bản dịch Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nguyễn Hiền Đức, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh.1995.

[5] Dẫn theo bản dịch Lịch sử Phật giáo xứ Huế- Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liên. Nxb. Văn hóa Sài Gòn.

[6] Dẫn theo bản dịch trong bài Hai chữ Việt Nam trong thơ của chúa Nguyễn Phúc Chutrong tạp chí Cổ vật tinh hoa số 34 – 35. 9/2010 của Trần Đức Anh Sơn.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 10)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 9)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 8)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 9
    • Số lượt truy cập : 6798476