Thông tin

VĂN BIA VÀ CHÙA PHẬT Ở NGHỆ AN

 

PGS.TS. ĐINH KHẮC THUÂN*

 

Nghệ An là vùng đất cổ có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, từng để lại kho tàng di sản Hán Nôm quý giá. Tuy nhiên, do sự hủy hoại bởi thời gian và chiến tranh, nên đã có không ít văn bia trên đất Nghệ An nói chung, văn bia chùa Phật ở đây bị thất lạc, mất mát. Bài viết này cố gắng khái quát những nét chung về văn bia chùa Phật ở Nghệ An và đặc điểm ngôi chùa ở đây qua nội dung văn bia.

1. Khái quát về văn bia và văn bia chùa ở Nghệ An

1.1. Về văn bia chùa Phật

Văn bia được đề cập ở đây là những văn bản khắc trên bia đá bằng chữ Hán, chữ Nôm. Bia khắc văn tự khối chữ vuông xuất hiện khá sớm ở trung tâm văn minh Trung Hoa, kể từ thời Đông Hán vào những năm đầu Công nguyên. Ở Việt Nam, có thể nói rằng, hầu như không một làng quê nào, một sự kiện nào xảy ra trong làng xã thời phong kiến lại không được dựng bia ghi lại. Tuy nhiên lệ dựng bia ở Việt Nam chưa rõ có từ khi nào. Tấm bia sớm nhất hiện biết là bia Đại Tùy Cửu Chân quận bảo an đạo tràng chi bi văn ở Thanh Hóa, tạo năm Đại Nghiệp thứ 14 (618), niên hiệu nhà Tùy. Tiếp đó là những cột kinh Phật ở Hoa Lư được khắc vào thế kỉ X thuộc thời nhà Đinh.

Thực tế, lệ dựng bia này phát triển rộng rãi và phổ biến hơn cả là từ thời Lý, Trần trở đi. Theo số liệu thác bản văn bia Hán Nôm do Học viện Viễn Đông bác cổ sưu tập trước đây, có khoảng 11.000 đơn vị văn bản, thì thời Lý Trần có 24 văn bản, thời Lê sơ: khoảng 70 bản, thời Mạc thế kỉ XVI: 150 bản, thời Lê Trịnh thế kỉ XVII-XVIII: khoảng 5600 bản, thời Tây Sơn: 412 bản và thời Nguyễn: khoảng 3900 đơn vị văn bản1, số còn lại không rõ niên đại. Kho tư liệu thác bản này đã giúp ích cho nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về lịch sử văn minh Việt Nam qua các thời kì lịch sử, nhất là cung cấp thông tin quan trọng gắn liền với lịch sử từng di tích, nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc, cũng như tượng thờ.

Số văn bia này tập trung đậm đặc ở các địa phương đồng bằng Bắc Bộ và vùng trung du Bắc, Trung bộ. Các địa phương xứ Nghệ gồm Nghệ An, Hà Tĩnh vốn dĩ bia đá được dựng không nhiều, lại bị hư hại, thất lạc nhiều bởi chiến tranh và thiên tai khắc nghiệt. Vì vậy số văn bia chùa Phật ở Nghệ An còn lại rất ít. Bia ở Nghệ An có niên đại sớm thuộc thời Trần, đó là bia Ma nhai kỷ công văn do Nguyễn Trung Ngạn soạn khi tháp tùng vua đi chinh phạt phía Nam khải hoàn trở về. Sau đó là một số văn bia thời Lê sơ thế kỷ XV. Văn bia chùa Phật ở Nghệ An hiện còn có từ năm đầu thời Lê Trịnh, năm 1600.

1.2. Văn bia chùa Phật ở Nghệ An

Văn bia chùa Phật ở Nghệ An nói riêng, văn bia Nghệ An nói chung đã được sưu tập làm thành thác bản do Học viện Viễn đông bác cổ Pháp thực hiện trong những năm đầu thế kỷ XIX, sau đó được Viện Nghiên cứu Hán Nôm sưu tập bổ sung.

Văn bia chùa Phật ở Nghệ An và văn bia Nghệ An đã được Hội Văn nghệ Dân gian Nghệ An do Ninh Viết Giao chủ biên, đã sưu tập và giới thiệu trong sách Văn bia Nghệ An, Nxb. Nghệ An năm 2004. Tập sách giới thiệu 167 văn bản, trong đó văn bia chùa Phật ở Nghệ An được giới thiệu 16 văn bản. Trong số 16 văn bia chùa được giới thiệu này, có 3 văn bản được dịch tương đối đầy đủ, đó là văn bia chùa Viên Quang, chùa Vạn Lộc và chùa Diệc Cổ, số còn lại đều là tóm tắt nội dung dựa theo sách Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Nxb. KHXH, Hà Nội 1993.

Tổng hợp các nguồn tư liệu trên, số văn bia chùa Phật ở Nghệ An hiện biết, gồm 18 văn bản, trong đó 16 bia đã được giới thiệu trong sách Văn bia Nghệ An. 18 văn bia chùa Phật ở Nghệ An đều hiện được bảo lưu ở chùa làng thuộc các xã huyện sau đây:

Chùa Viên Linh xã Đức Lương, chùa Lý Châu xã Thuần Trung huyện Anh Sơn; chùa Bảo Quang xã Khánh Sơn, chùa Phúc Lương xã Lộc Điền, chùa Long Khánh xã Phúc Hậu huyện Đông Thành (nay là Hưng Nguyên); chùa Phúc Long xã Vạn Phần huyện Diễn Châu; chùa Hiến Sơn xã Hưng An huyện Hưng Nguyên; chùa Mỹ Trung xã Trường Mỹ, chùa xã Hoành Sơn, chùa Viên Quang, chùa Ngọc Đình xã Nam Thanh huyện Nam Đàn; chùa Giảng xã Lộc Thọ, chùa xã Trung Kiên và chùa xã Vạn Lộc huyện Nghi Lộc; chùa Yên Thái xã Sơn Hải, chùa Vòng xã Quỳnh Thạch huyện Quỳnh Lưu; chùa Bảo Lâm xã Hoa Thành huyện Yên Thành; chùa Diệc Cổ phường Quang Trung Thành phố Vinh.

Về niên đại, bia chùa Nghệ An có niên đại sớm nhất là năm Thận Đức thứ nhất (1600), năm đầu tiên thuộc giai đoạn Lê Trịnh, vừa giành thắng lợi trước nhà Mạc, trung hưng cơ nghiệp nhà Lê. Tiếp đó là các văn bia được tạo khắc vào những năm thuộc thế kỷ XVII, XVIII thời Lê Trịnh, còn lại là một số văn bia thời Nguyễn.

Cần lưu ý rằng có một số thác bản văn bia do Học viện Viễn đông bác cổ Pháp tổ chức in rập trước đây, hiện lưu giữ tại kho bia Viện Nghiên cứu Hán Nôm bị làm giả niên đại. Đó là thác bản bia chùa Viên Linh xã Đô Lương huyện Anh Sơn, kí hiệu 2632-34, thác bản có niên đại năm Tân Dậu niên hiệu Cảnh Hưng. Thực ra hai chữ Cảnh Hưng được in rập từ bia khác vào, có nét chữ khác hoàn toàn, cùng hoa văn hoa lá xoắn tiêu biểu thời Nguyễn. Năm Tân Dậu ở đây có lẽ là năm 1921 hoặc 1861 thời Nguyễn, chứ không phải năm 1741 thời Lê Cảnh Hưng. Thác bản văn bia chùa thôn Hoành Sơn xã Trường Mỹ huyện Anh Sơn, kí hiệu 2648 được ghi niên đại là Bảo Thái thứ 6, cũng như vậy. Chữ Thái ở đây được in rập ở bia khác, nên có tự dạng khác hoàn toàn so với chữ Bảo. Thực chất chữ Thái này đã làm giả để thay cho chữ Đại, tức năm Bảo Đại thứ 6 (1931)...

Hiện tượng làm giả niên đại trên thác bản văn bia là do người in rập cố tình tạo ra văn bản có niên đại cổ hơn để được thanh toán tiền sưu tập nhiều hơn. Vấn đề này đã được chúng tôi lưu ý trong bài viết "Đính chính niên đại giả trên thác bản văn bia Viện Nghiên cứu Hán Nôm", Tạp chí Hán Nôm số 2 năm 1998.

Tuy có một vài trường hợp niên đại thác bản bị làm giả như trên, song phần lớn văn bản thác bản văn bia chùa ở Nghệ An khá xác thực, có niên đại, xuất xứ cụ thể.

Như vậy, về niên đại, văn bia chùa ở Nghệ An không có văn bia nào được dựng vào thời Lý Trần, song nội dung văn bia cho biết không ít ngôi chùa ở đây đã có từ thời Lý Trần. Chẳng  hạn văn bia Cự Việt Yên Thái tự bi ở chùa Yên Thái xã Sơn Hải huyện Quỳnh Lưu cho biết chùa này có từ thời Lý Cao Tông, khi đó làm bằng tranh để thờ, sau tu sửa và xây dựng quy mô hơn.

2. Đặc điểm ngôi chùa làng ở Nghệ An qua tư liệu văn bia

2.1. Hưng công hội chủ xây dựng chùa

Chúng tôi tập trung khảo sát Hội chủ hưng công chùa làng ở Nghệ An qua văn bia thời Lê Trịnh thế kỷ XVII-XVIII. Những văn bia này hầu hết đều khá trang trọng, được tạo tác công phu như một tác phẩm nghệ thuật.

Tác giả soạn văn chùa giai đoạn này ở Nghệ An hoàn toàn là người có học vị, chức tước cao. Thợ khắc bia đá ở đây cũng hoàn toàn là thợ đá chuyên nghiệp thuộc phường thợ An Hoạch huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Chẳng hạn văn bia  chùa Viên Quang xã Nam Thanh huyện Nam Đàn khắc năm Hoằng Định thứ 8 (1608), do Bùi Tiến Đức đỗ Tiến sĩ Chế khoa năm Kỷ Sửu (1589), chức Kiệt tiết tuyên lực, Hiệp mưu tá lý công thần, Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Hộ bộ Thượng thư, tước Văn Phú bá soạn, thợ khắc đá là vị họ Nguyễn, người xã An Hoạch khắc.

Văn bia bầu Hậu xã Vạn Lộc huyện Nghi Lộc khắc năm Vĩnh Trị nguyên niên (1676) do vị họ Nguyễn người huyện Thanh Đàm phủ Thường Tín xứ Sơn Nam, đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thân, chức Hàn Lâm viện Hiệu thảo soạn, vị họ Phạm người Hạ Hồng huyện Gia Phúc xứ Hải Dương, chức Thị nội thư tả Huyện thừa viết chữ và thợ đá xã An Hoạch huyện Đông Sơn khắc.

Văn bia thời Lê Trịnh khác ở đây cũng tương tự như vậy, như chùa Quang Phúc xã Lộc Điền huyện Hưng Nguyên, chùa Long Khánh xã Hưng Xuân cùng huyện, chùa Vạn Lộc thị xã Cửa Lò cũng được người soạn là người có học thức ở địa phương và thợ đá chuyên nghiệp san khắc.

Văn bia chùa xã Ngọc Đình huyện Nam Đàn, khắc năm Vĩnh Tộ thứ 3 (1621), do Nguyễn Lễ Thuần chức Hình bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ Quốc tử giám Tế tửu tước Nghĩa Nghê hầu soạn.

Chúng ta biết rằng thợ đá An Hoạch (Thanh Hóa) và thợ đá Kính Chủ (Hải Dương) khá nổi tiếng chạm khắc văn bia từ thời Lê-Mạc, được mời vào san khắc bia đá ở vùng Thanh, Nghệ. Những bia này được trang trí, chạm khắc tinh xảo thường mang phong cách ở bia thời Mạc thế kỉ XVI vùng đồng bằng Bắc bộ.

Chính những văn bia do người soạn và thợ khắc chuyên nghiệp, nên sự kiện, cũng như nhân vật được đề cập trong văn bia cũng khá trịnh trọng. Đó là việc xây dựng chùa, hoặc tu bổ chùa cùng việc tô tượng, với người hưng công hội chủ là quan chức người địa phương thành danh trở về quê hương đền ơn báo nghĩa.

Chẳng hạn, người đứng ra góp tiền sửa chùa chùa Viên Quang (Nam Đàn) là một vị quan chức họ Đinh, chùa Quang Phúc (Hưng Nguyên) do vị Vệ úy họ Nguyễn cúng tiền xây dựng, chùa Long Khánh (Hưng Nguyên) do vợ chồng vị Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu hưng công, chùa Ngọc Đình (Nam Đàn) do vị Quang tiến Thận lộc đại phu Thái thường tự Thiếu khanh Văn Tuấn tử Nguyễn Hoằng Tài, cùng vị Phụ quốc Thượng tướng quân Mỹ Dương hầu Hoàng Nghĩa Phúc công đức, chùa Vạn Lộc (Thị xã Cửa Lò) do Triệu Đình hầu Nguyễn Tự Diễn, chùa Bảo Lâm (Yên Thành) do Hiệu sinh Phan Kim hưng công, ...

Bia Hậu xã Vạn Lộc huyện Nghi Lộc, kí hiệu thác bản 10095-8, dựng năm Vĩnh Trị nguyên niên (1676) vừa nêu trên cho biết vợ chồng viên quan người địa phương là Nguyễn lệnh công thụy Chân Trường phủ quân, chức Dực vận dương vũ uy dũng tán trị công thần Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Cẩm Y vệ Tả hiệu điểm Thông Quận công, gia tặng Đề đốc, và vợ là Quận phu nhân Trịnh quý công hiệu Từ Lộc được tôn bầu Hậu Thần vì có nhiều công đức với làng, xây dựng đền Thần, chùa Phật. Bản tộc cúng cho làng 1 chiêng đồng, 100 quan tiền cổ, đất 3 mẫu. Dân xã định lệ cúng giỗ, gồm 1 con bò, 1 mâm xôi, 1 vò rượu ở gia đường cúng lễ.

Có thể nói văn bia chùa ở Nghệ An mang dấu ấn văn văn bia vùng đồng bằng Bắc bộ, nhưng ngôi chùa ở Nghệ An là những ngôi chùa do cá nhân quan chức xây dựng, tu bổ, không hoàn toàn là chùa của làng xã như ở vùng Bắc, Trung bộ là do làng xã xây dựng và cai quản.

2.2. Quy mô kiến trúc chùa

Mở đầu văn bia thường đề cao giáo lý nhà Phật. Văn bia chùa Viên Quang (Nam Đàn) ghi: Thường nghe, có tám nơi gọi là phúc điền, chùa là một trong số đó, thường được người xưa làm. Như thời Đường có chùa Phúc Quang, thời Tống có chùa Kiến Long, nhiều đời khác nhau, nhưng làm phúc thì giống nhau. Xét thấy chùa Viên Quang là danh lam thắng cảnh bậc nhất đất Nam Đường. Một bầu thế giới vạn cổ anh linh, nước cầu dân đảo được phúc lộc ban ra cho tứ dân. Vật đổi sao dời mà hư hỏng.

Chùa Vạn Lộc (Tx. Cửa Lò) năm 1710 viết: Rộng rãi giúp người, đấy là nhà Phật mở cửa từ bi. Làm theo phương tiện là nhà chùa mở cửa cứu độ. Làm nhiều loại duyên lành, tự thấy đã tròn quả phúc.

Những văn bia khác thì khái quát rằng, Phật ở Tây Trúc kiến tính mà thành Phật vậy. Từng thấy người làm việc thiện Trần Tư đồ. Hoặc dẫn câu kinh điển "người tích phúc ắt có phúc nhiều" để khuyến khích người làm việc thiện.

Tiếp theo nội dung trên, văn bia ghi lại việc xây dựng, tu sửa chùa và quy mô kiến trúc cụ thể từng lần xây dựng, tu bổ.

Thực tế, quy mô kiến trúc chùa Phật ở Nghệ An, nhất là quy mô chùa ở giai đoạn sớm, như thời Lê Trịnh từng bị biến đổi rất nhiều qua năm tháng. Tuy nhiên, tư liệu văn bia lại phản ánh khá cụ thể và vô cùng phong phú.             

Bia chùa Phúc Quang xã Lộc Điền, dựng năm Thận Đức thứ nhất (1600), cho biết ngôi chùa Quang Phúc này khi đó là đệ nhất danh lam trong vùng, có núi Nghĩa Sơn, Hồng Lĩnh, sông Lam bao bọc. Nay tu sửa, dựng tòa Thượng điện, tiền đường, tô 13 pho tượng Phật.

Chùa Long Khánh xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên, năm Hoằng Định
thứ 13 (1612), được tu sửa, tạc tượng Phật bằng đá, rồng đá, sư tử đá và được cúng ruộng vào chùa.

Chùa Phổ Am huyện Nghi Lộc, năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710), được tu tạo tòa Thượng điện, thiêu hương, gác chuông. Lại được đúc mới một pho tượng Phật bằng đồng và tạc 5 pho tượng gỗ.

Chùa Quang Phúc (Hưng Nguyên) tạc 13 tượng, chùa Long Khánh được làm mới tượng Phật, rồng, sư tử bằng đá và cúng ruộng chùa.

Chùa xã Ngọc Đình huyện Nam Đàn, năm Vĩnh Tộ thứ 3 (1621), được xây dựng khá quy mô, gồm Thượng điện, thiêu hương, tiền đường, hậu đường, hành lang tả hữu, tam quan đều được làm bằng gỗ lim. Tượng gồm Tam thế, Thánh tăng, Thổ địa, Ngọc hoàng, Quan âm, Nam tào bắc đẩu, Hộ pháp, Bát bộ kim cương, Tứ đại bồ tát, Thập bát long thần.

Theo mô tả văn bia này thì ngôi chùa lớn ở Nghệ An là một cụm công trình khép kín, gồm Tiền đường- Thiêu hương- Thượng điện- Hậu đường; hai bên hành lang nối ra phía trước là Tam quan thành cụm kiến trúc nội công ngoại quốc hoặc kết cấu chữ Tam.

Phật điện khá nhiều tượng, gồm tượng Tam thế và các bộ tượng Phật khác, cùng Ngọc hoàng-Nam tào, Bắc đẩu, Quan âm, Thánh tăng, Thổ địa, Hộ pháp, Tứ đại bồ tát, Thập bát long thần,..

Những ngôi chùa lớn thời Lê Trịnh ở Nghệ An được phản ánh qua tư liệu văn bia, tiêu biểu như chùa làng Ngọc Đình vừa nêu trên có quy mô khá đồ sộ, tương tự quy mô kiến trúc chùa Bút Tháp (Thuận Thành, Bắc Ninh) chốn tổ của Thiền phái Lâm Tế ở Bắc bộ.

Điều này được xác định cụ thể hơn qua đoạn văn bia chùa Diệc Cổ sau đây: Thanh Hoán người Đại Yên, Nam Định, theo chính tông Lâm Tế, từng làm pháp tự của Tôn sư Quảng Thọ tham khảo các sư tổ tràng Bắc Hà... hiểu biết càng sâu. Ông đứng ra trùng tu Phật điện, dựng hai lầu chuông, khánh, sắm pháp tượng, tế khí, dựng nhà tổ đường 7 gian, xây Tam quan, trước hồ sau giếng, tường bao quanh, cỏ hoa cây cối tốt tươi, tạo riêng thành một cảnh quan lớn, ngỡ cảnh Tây Thiên cực lạc, xem như chùa vàng đất đế đô. xây dựng lại chùa.

Tóm lại, văn chùa Phật ở Nghệ An tuy không nhiều, song nội dung khá phong phú, có giá trị nhiều mặt trong việc nghiên cứu lịch sử văn hóa xã hội đương thời. Trong khi phần lớn di tích kiến trúc Phật giáo thời Lê Trịnh ở Nghệ An đều bị hư hỏng, biến đổi nhiều, thì tư liệu văn bia, từng được xem là trang sử "đá", có giá trị đáng kể trong việc khôi phục "bản lai diện mục" của các di tích đó.

 


Tài liệu tham khảo

1. Ninh Viết Giao (Chủ biên): Văn bia Nghệ An, Nxb. Nghệ An, 2004.

2. Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, Lịch sử ngoại giao triều Lý, Hà Nội, Sông Nhị 1950, in lần thứ 2, Hà Nội, Nxb. Hà Nội 1996

3. Đinh Khắc Thuân (Chủ biên): Văn bia Hà Tĩnh, Nxb. Hà Tĩnh, 2008.

4. Hà Văn Tấn, Chữ khắc trên đá, chữ trên đồng, minh văn và lịch sử, Nxb. KHXH, Hà Nội, 2002.

5. Nguyễn Quang Hồng (Chủ biên), Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb. KHXH, 1993.

6. Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm-Viện Viễn đông Bác cổ Pháp, 2005.

 

PHỤ LỤC

A. Mục lục tóm tắt văn bia chùa Phật ở Nghệ An

1. Bia chùa Yên Thái ở Cự Việt (Quỳnh Lưu).

Bia hiện nay đặt ở chùa làng Thanh Sơn, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu.

Niên đại: chưa rõ

Nội dung: Ghi việc dân làng đứng ra xây dựng lại chùa Yên Thái. Chùa này vốn được dựng từ thời vua Lý Cao Tông, lúc đầu làm bằng tranh nứa để thờ. Nay xây dựng kiến cố lưu truyền dài lâu. Ghi họ tên những người hằng tâm cung tiến.

2. Bia chùa Viên Quang (Nam Đàn).

Chùa Viên Quang nay thuộc xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn.

Bia được dựng vào năm Hoằng Định thứ 8 (1608). Văn bia do Bùi Tiến Đức đỗ Chế khoa Kỷ Sửu (1589), chức Hộ bộ Thượng thư, tước Văn Phú bá soạn.

Nội dung: Chùa Viên Quang là một danh lam thắng cảnh đất Nam Đường, dân cầu nước đảo rất linh ứng. Trải năm tháng chùa hư hỏng, có vị Thiện sãi họ Đinh trong xã đứng ra tu bổ, khởi công năm Đinh Mùi (1607), đến năm sau hoàn thành. Quy mô rộng lớn, chùa có 7 tòa, tượng Phật huy hoàng. 

3. Bia trùng tu chùa Phúc Quang (Hưng Nguyên).

Chùa Phúc Quang xã Lộc Điền huyện Đông Thành phủ Hưng Nguyên, nay thuộc xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên.

Tên bia: Trùng tu Phúc Quang tự bi, kí hiệu: 8222-23

Bia 2 mặt, khổ 73 x 104cm, chạm rồng mặt trời, hoa mây. Toàn văn chữ Hán, 51 dòng, khoảng 1400 chữ.

Bia dựng năm Thận Đức thứ nhất (1600), Nguyễn Dụng, Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1592) chức Thừa chánh sứ Nghệ An soạn.

Nội dung: Chùa Quang Phúc xã Lộc Điền huyện Hưng Nguyên là đệ nhất danh lam, có núi Nghĩa Sơn, Hồng Lĩnh, sông Lam bao bọc. Có người trong xã tu sửa. Tạo Thượng điện, tiền đường, tô 13 pho tượng Phật. Kê người đóng góp xây dựng.

4. Bia chùa Long Khánh (Hưng Nguyên)

Chùa Long Khánh làng Phúc Hậu huyện Đông Thành, nay là xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên.

Tên bia: Trùng tu Long Khánh tự bi, kí hiệu: 8220-21

Bia 2 mặt, khổ 67 x 109cm, chạm rồng mặt trời, hoa mây. Toàn văn chữ Hán, 39 dòng, khoảng 1200 chữ.

Bia dựng năm Hoằng Định thứ 13 (1612), Vũ Chuyết phu, chức Tri huyện soạn.

Nội dung: Vị quan Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu và vợ cùng tín thí cúng tiền ruộng sửa chùa, tạc tượng Phật bằng đá, rồng đá, sư tử đá chùa Long Khánh.

5.6. Bia quán Thiên Tôn ở làng Phú Điền (Hưng Nguyên).

Bia quán Thiên Tôn để ở chùa làng Phú Điền nay thuộc xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên. N.2673-74. Ở đây có 2 bia.

Bia thứ nhất được dựng vào năm Hoằng Định thứ 15 (1614). Nội dung nói về việc Hoa quận công là người có công trấn giữ biên thuỳ, tiếp tế quân lương làm cho ngôi vua bền vững. Ông cùng với vợ là Lê Thị Tiết đứng ra sửa quán Thiên Tôn và Viện Bảo Quang; dựng thêm nhà, làm mới 2 bên hành lang, tô tượng Phật.

Bia thứ 2 được dựng vào năm Vĩnh Tộ 9 (1627). Nội dung nói về việc một gia đình trong thôn Phú Điền dã hảo tâm đem tiền của cúng tiến trùng tu gác chuông cung Tam Thánh.

7. Chùa Phổ Am xã Vạn Lộc huyện Nghi Lộc, Nghệ An.

Bia Phụng sự Hậu Thần bi kí, kí hiệu: 10099-100

Bia 2 mặt, khổ 64 x 111cm, chạm rồng chầu mặt nguyệt, hoa mây. Toàn văn chữ Hán, 55 dòng, khoảng 2.000 chữ.

Bia dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710). Bia do Hoàng Tiểu Tiên chữ Bồi tụng soạn.

Nội dung: Ông Nguyễn Văn Miên chức Phó cai đội và vợ là người hiền hậu, luôn làm việc phúc. Ông bà thấy ngôi chùa Phổ Am bị dột nát, liền đứng ra hưng công, tu tạo tòa Thượng điện, thiêu hương, gác chuông. Lại đúc một pho tượng Phật bằng đồng và tạc 5 pho tượng gỗ. Ông bà được bầu Hậu Phật.

8. Bia chùa Ngọc Đình.

Tại xã Ngọc Đình huyện Nam Đàn, khắc năm Vĩnh Tộ thứ 3 (1621), do Nguyễn Lễ Thuần chức Hình bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ Quốc tử giám Tế tửu tước Nghĩa Nghê hầu soạn.

Ghi việc viên quan Quang tiến Thận lộc đại phu Thái thường tự Thiếu khanh Nguyễn Hoằng Tài bỏ tiền xây dựng chùa, tô tượng Phật. Ngoài ra còn có một số vị chức sắc khác tham gia xây dựng. Chùa gồm Thượng điện, thiêu hương, tiền đường, hậu đường, hành lang tả hữu, tam quan đều được làm bằng gỗ lim. Tượng gồm Tam thế, Thánh tăng, Thổ địa, Ngọc hoàng, Quan âm, Nam tào bắc đẩu, Hộ pháp, Bát bộ kim cương, Tứ đại bồ tát, Thập bát long thần.

9. Bia chùa Vạn Lộc.

Nay thuộc phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò.

Bia được dựng vào năm Vĩnh Thịnh 6 (1710).

Nội dung: Bai nói về việc công đức của ông Nguyễn Văn Miên và vợ là Nguyễn Thị Trác bỏ tiền của thuê thợ dựng chùa, tạc tượng Phật và đúc chuông.

10. Bia chùa Lý Châu.

Chùa Lý Châu thuộc xã Thuần Trung, huyện Anh Sơn (nay thuộc Đô Lương).

Bia được dựng vào năm Cảnh Hưng 23 (1762).

Nội dung: đây là bia hậu thần nói về việc ông Nguyễn Văn Kinh và vợ cúng cho làng 100 quan tiền và 1mẫu 3 sào ruộng, 1 cái chiêng để dùng vào việc thờ thần nên được tôn làm hậu thần.

11.12. Bia chùa Bảo Lâm

Bia hiện nay đặt ở chùa Bảo Lâm xã Hoa Thành, huyện Yên Thành. Trong chùa có 2 bia.

Bia thứ nhất: Bia nói về sự tu lý và cung phụng của họ Phan.

Bia thứ hai được dựng vào đời vua Thiệu Trị (1841). Bia nói về việc sửa nhà cùng trụ đèn đá.

13.14. Bia chùa Diệc

Chùa Diệc nay thuộc phường Quang Trung, thành phố Vinh. Chùa có 2 bia:

Bia thứ nhất được dựng vào năm Canh Ngọ (1870). Bia gồm có 2 mặt.

Nội dung: Mặt thứ nhất ca ngợi cảnh đẹp của chùa Diệc cũng như quá trình hình thành của chùa. Mặt thứ 2 ghi tên những người công đức.

Bia thứ 2 được dựng vào năm 1914.

Nội dung: nói về việc trùng tu chùa vào năm 1914 và ghi tên những người công đức.

15. Bia chùa Vòng

Chùa Vòng, làng Lam Cầu, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu.

Bia được dựng vào đời vua Tự Đức.

Bia ghi việc trùng tu chùa và tên những người góp công góp của vào việc tu tạo.

16. Bia chùa Phúc Long

Chùa Phúc Long ở xã Vạn Phần, huyện Diễn Châu.

Bia được dựng vào năm Thành Thái 4 (1892).

Chùa và bia hiện nay không còn. Bia chủ yếu nói về thần.

17. Bia chùa Hiến Sơn

Chùa Hiến Sơn ở xã Hưng Yên, huyện Hưng Nguyên.

Bia được dựng vào năm Bảo Đại 16 (1940)

Bia nói về nguồn gốc của chùa cũng như các lần trùng tu vào năm 1926 và 1936.

Huyện Anh Sơn

18. Chùa Lý Châu

Thuộc xã Thuần Trung huyện Anh Sơn, Nghệ An.

Bia Hậu Thần bi kí, kí hiệu: 2644-2645

Bia 2 mặt, khổ 40 x 60cm, không có trán bia và hoa văn trang trí. Toàn văn chữ Hán, 37 dòng, khoảng 750 chữ.

Bia dựng năm Cảnh Hưng thứ 23 (1762).

Nội dung: Ông Nguyễn Văn Kính và vợ cúng 100 quan tiền và 1 mẫu 3 sào ruộng, 1 cái chiêng để dùng vào việc tế Thần, nên được bầu Hậu.

B. Minh họa ảnh

 


* Viện Nghiên cứu Hán Nôm

1 Xem Đinh Khắc Thuân, "Văn khắc và kho thác bản văn khắc Hán Nôm Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm", Tạp chí Khảo cổ học,  2/1993, tr. 89-93.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 41
    • Số lượt truy cập : 6369720