Thông tin

VẪN CẦN NHỮNG NGÓN TAY!

VẪN CẦN NHỮNG NGÓN TAY!

 

NGUYÊN CẨN

 

 

 

Khi xã hội thiếu vắng chánh tín?

Mùa Phật đản lại về trên đất nước. Nhưng những lễ hội đã diễn ra suốt cả mùa xuân không chỉ trong các chùa chiền mà cả ở  các đình đài miếu mạo. Có thật người ta trang nghiêm đến chùa với tất cả sự thành kính, chiêm bái và đảnh lễ trong khi  nhiều nơi, nhất là ở phía Bắc, vẫn đầy rẫy những cảnh chụp giật, nghẹt thở vì cướp lộc, cướp phết... Trong bầu không khí bát nháo sặc mùi trần tục ấy, có ai tự hỏi: “Chúng ta học và hiểu được gì từ Phật pháp?”. Xã hội hôm nay có còn  niềm tin nơi Phật pháp hay những đức tin tôn giáo khác? Khi đọc tin hàng ngày, chúng  ta choáng ngợp trước cái xấu cái ác đang diễn ra với tần số đáng báo động, từ cưỡng bức, trộm cắp, gây gổ, giành giật, đến giết người, xem sinh mạng đồng loại như cỏ rác. Những kẻ sát nhân được các bản tin mô tả ngày càng “trẻ hóa” - một cách dùng sai nhưng cũng đủ nói lên mức độ nguy hiểm vì đó có thể là những cậu bé mới lớn thuộc thành phần thất học hay đang là sinh viên. Ngoài ra, chuyện đạo đức nghề nghiệp vẫn cứ là một dấu hỏi lớn khi người ta sẵn sàng dùng  những thứ hóa chất, phụ gia độc hại đủ loại vào từng luống rau, con cá, con tôm mà chúng ta ăn hàng ngày. Rộng hơn nữa là những ông chủ nhà máy đang cố ý hay vô tình gây ô nhiễm môi trường, bất chấp hậu quả!

Rồi người ta lại đến đình chùa, lại cầu mong “phát tài”, mặc cả cùng chư Phật như những đấng thần linh ban phát bổng lộc và phúc lợi. Người ta lại nhét hay dán những đồng tiền lẻ vào các pho tượng với tâm thức: “Đấy nhé, tôi làm lễ cúng ông đấy, hãy ban cho tôi những may mắn trong việc kiếm tiền hay chạy “affairs”. Thế nên, có những nhà lý luận xã hội  thắc mắc: “Tôn giáo có cần thiết không? Tôn giáo thì có ích lợi gì trong sự xuống cấp, tha hóa của “mặt trái cơ chế thị trường” khi người ta vẫn có thể lý luận “Không có đạo, con người vẫn có thể sống tốt!”. 

Quả thực, nhiều người không quan tâm đến tôn giáo vẫn sống liêm khiết, có nhân nghĩa và đầy tinh thần trách nhiệm. Chẳng hạn ở Tây Âu, đa số cho rằng họ tin nơi Đức Chúa Trời nhưng chỉ một số ít người đi nhà thờ mà thôi. Ngay cả tại châu Mỹ La-tinh, so với tổng số giáo dân Cơ Đốc giáo, số người đều đặn đi nhà thờ cũng chỉ từ 15 đến 20 phần trăm. Lại càng khó nói khi những kẻ ác ấy ai biết họ có tôn giáo hay không? Mà ai dám chứng nhận hay khẳng định cứ theo tôn giáo nào đấy thì thành người hiền lành? Ngay cả hàng ngũ tu sĩ cũng còn những người xấu kia mà!

Có cần những ngón tay?

Nhưng giữa hành trình một người đi không định hướng, một con thuyền thiếu la bàn hay hải đồ và một người có mục đích trên một chuyến hành trình có hải đồ thì người sau vẫn mạnh mẽ hơn, tự tin hơn dù rằng người kia có thể lý luận rằng tôi cứ theo lương tâm hay “ý thức phải trái” (common sense) của một người bình thường mà hành động. Nhưng niềm tin hay xa hơn là đức tin luôn là một phương tiện giúp ta nhanh hơn trong hành động, quả quyết hơn trong suy nghĩ trước những quyết định quan trọng của đời mình.

Mục đích cuối cùng của tôn giáo, cụ thể là Phật giáo, phải chăng là sự giải thoát hay giải phóng con người khỏi lòng tham muốn, sự ngu si và cuồng nộ? Để đạt mục đích, người ta phải  cần đến giáo lý như những phương tiện trên cuộc hành trình đầy gian nan ấy. Nhà Phật ví như ngón tay chỉ mặt trăng. Có cần những ngón tay ấy không? Vì nếu không có ngón tay, chúng ta sẽ mất phương hướng, thiếu kim chỉ nam để biết dù nhanh dù chậm, dù bằng xe hơi hay máy bay, dù đi bằng xa lộ hay đường làng, đích đến cũng chỉ là một. Ngón tay tượng trưng cho phương tiện còn mặt trăng chính là chân lý hay mục đích tối hậu. Cái đức Phật muốn nói đến việc lấy trăng làm định hướng cho việc tu tập, hành trì. Nhưng cũng có  người nói rằng cái quan trọng là đường đi, không phải là đích đến! Vậy thì  hiểu sao cho trọn vẹn?

Đức Phật nhiều lần cảnh giác hàng Bồ-tát rằng ngôn ngữ và tri kiến đều có những trở ngại, chớ có chấp trước danh ngôn kinh điển mà quên mất mục tiêu của mình. Câu “Nhất thiết tu-đa-la giáo như tiêu nguyệt chỉ” (tất cả kinh điển của Đức Phật như ngón tay chỉ mặt trăng) là câu mà ai học Phật cũng đều đọc qua, xin trích nguyên văn đoạn dịch của HT. Thích Trí Quang như sau: “Thiện nam tử, cái biết nào cũng là chướng ngại, nên các vị Bồ tát thường biết mà không đứng lại nơi cái biết, thì cái biết và người biết cùng lúc vắng lặng, tựa như có người tự chặt đầu mình, đầu đứt rồi kẻ chặt đứt cũng không: đem cái biết biết sự chướng ngại mà tự diệt sự chướng ngại, sự chướng ngại diệt rồi, cái biết diệt chướng ngại cũng không. Biết kinh pháp cũng chỉ như ngón tay chỉ mặt trăng, hãy nhìn mặt trăng và biết ngón tay không bao giờ là mặt trăng cả; biết mọi ngôn ngữ của Như Lai chỉ dạy cho Bồ tát toàn là như vậy. Đó là sự thích ứng viên giác của Bồ tát bước đã tới thập địa.”

 Đức Phật dạy rằng con người dễ mắc vào kiến thủ, nghĩa là khi đã tin, đã học một chủ thuyết, một pháp môn, một tôn giáo nào đó thì dễ bị mắc kẹt trong chủ thuyết ấy. Dần dà, họ  trở nên độc đoán, bảo thủ và cho rằng chỉ có chủ, tôn giáo mình của mình mới là chân lý, còn tất cả những chủ thuyết khác đều là tà thuyết, tà đạo. Kiến thủ là cố chấp vào một nhận thức hay một quan điểm. Cố chấp như vậy là bị kẹt, vì bị kẹt cho nên cánh cửa chân lý không còn cơ hội mở ra cho mình nữa. Đạt Lai Lạt Ma giảng rằng: “Nếu tôn giáo chỉ là phương thuốc làm giảm sự mâu thuẫn của con người nhưng chính phương thuốc ấy cũng là nguyên nhân gây nên mâu thuẫn khác, nó có thể là một thảm họa”. Đây là nguyên nhân sâu xa của tình trạng xung đột, tranh chấp của những cuộc chiến tranh tôn giáo hay ý thức hệ triền miên. Do vô minh che lấp, con người đã làm sai lời Phật dạy. Nhưng  tôn giáo có cần thiết không? Có đấy! Hoàng đế Napoléon, nhà chính trị, quân sự bậc nhất thế giới cũng quan niệm: “Một dân tộc không có tôn giáo thì chỉ có thể cai trị bằng súng!”. Vì sao ông nói như vậy? Phải chăng ông tin rằng về căn bản, giáo lý đạo nào cũng dạy con người biết sống yêu thương, hòa hợp, tôn trọng tình anh em, đồng loại?… Chúng ta có thể thấy rất nhiều câu nói về lòng nhân ái trong Kinh Thánh, Koran và giáo lý nhà Phật như những lời dạy đầu tiên và cũng là mục đích cuối cùng của tôn giáo… 

Dù rằng từ những trang kinh biến thành hành động thì còn một khoảng cách mênh mông, không dễ vượt qua đối với chính giới tu sĩ, chứ chưa nói đến tín đồ quần chúng căn cơ có phần thấp kém, bị vây bủa bởi tự ngã và ái dục. Dù sao có một đức tin vẫn tốt hơn! Tóm lại, trong một đất nước đang phát triển, nền văn hóa đang trong quá trình xây dựng lại những giá trị mới khi triết học phương Tây, dù là Kant hay Descartes, Hegel hay Karl Marx, không thể đại chúng hóa, phổ cập toàn dân thì vẫn nên nên có một thứ tín ngưỡng theo dạng luân lý thực dụng: “Ở hiền gặp lành” hay “Thương người như thể thương thân” Chúng ta nhớ câu chuyện giữa Leonardo Boff và Đức Đạt-lai Lạt-ma, khi được hỏi tôn giáo nào là tốt nhất. Đức Đạt-lai Lạt-ma đã trả lời: “Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa ta đến gần đấng tối cao nhất. Đó là tôn giáo làm cho ta trở nên một con người tốt hơn”. Bất ngờ và lúng túng trước câu trả lời của vị Lạt-ma, Leonardo hỏi tiếp: “Vậy điều gì làm cho ta tốt hơn?”. Đức Đạt-lai Lạt-ma trả lời ngay, “Bất kỳ điều gì làm ta mở rộng lòng trắc ẩn, biết thông cảm hơn, có tinh thần khách quan hơn, dịu dàng hơn, nhân hậu hơn, có trách nhiệm hơn, có đạo đức hơn. Tôn giáo nào làm được cho ta những điều đó là tôn giáo tốt nhất”. 

Trong vật lý, luật lực và phản lực là không thể loại trừ. Trong sinh học, chúng ta gieo nhân nào thì hái quả nấy. Điều đó cũng đúng trong mối quan hệ giữa người với người. Nếu ta hành động với lòng tốt, ta sẽ nhận lại lòng tốt. Nếu ta hành động với ác ý, ta sẽ nhận lại điều ác ý. Hạnh phúc chẳng phải là số phận mà là sự lựa chọn. Hãy cẩn thận với tư tưởng vì chúng sẽ trở thành lời nói. Hãy cẩn thận với lời nói vì chúng sẽ trở thành hành động. Hãy cẩn thận với hành động vì chúng sẽ trở thành thói quen. Hãy cẩn thận với thói quen vì chúng sẽ hình thành tính cách của bạn. Hãy cẩn thận với tính cách vì nó sẽ hình thành số phận của bạn và số phận của bạn chính là cuộc đời bạn.

Phật dạy: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm thanh tịnh, sự vui sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình” (Pháp cú 1).

Theo Vi Diệu pháp, khi một chu trình tâm (qua ngũ môn hay qua ý môn) trải đủ 17 sát na thì tiếp theo chắc chắn sẽ có tạo nghiệp (thiện, ác hay trung tính) bằng thân, khẩu, và bằng ý của mỗi con người. Nghiệp đó sẽ chồng chất hiệu lực (= tập khí) trong hiện tại. Và toàn bộ hiệu lực ấy sẽ trổ quả thiện, ác hay lưng chừng cho uẩn kiếp ở đời sau (theo bài giảng của GS. Tuệ Lạc) Chúng ta thấy có những nhà xã hội học hay tâm lý học quy trách nhiệm cho phim ảnh, games on line về những hành vi tội ác do bắt chước kẻ ác trong phim hay trong thế giới ảo (?) vì thường  ai đó trước khi  giết người, đều nung nấu hận thù, gây gổ chửi bới và sau cùng ra tay sát hại nhau. Họ thường nói do bức xúc, giận dữ bất ngờ nhưng nếu trong lòng không nuôi dưỡng tâm hận thù thì khó mà xuống tay đột ngột tước đi mạng sống người khác. “Người nào ngăn được cơn giận dữ nổi lên như dừng được chiếc xe đang chạy mạnh, mới là kẻ chế ngự giỏi, ngoài ra chỉ là kẻ cầm cương hờ (Pháp cú 211).

Bao nhiêu vụ án gây ra vì những kẻ mang tâm tham  muốn chiếm đoạt tài sản người khác hay công quỹ, để thỏa ảo mãn dục vọng cá nhân nên có những từ cô tiếp viên ăn cắp vặt ở xứ người cho đến ông quan to tham những hàng nghìn tỷ cũng đều từ một ý tham. Bao nhiêu kẻ hầu tòa những tuần gần đây do tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng là do xem thường tu dưỡng bản thân, chạy theo tham dục mà không hay mình “cầm đuốc lửa đi ngược gió”. Phật đã dạy: “Các ngươi nên biết: ‘Hễ không lo chế ngự tức là ác’. Vậy chớ tham, chớ làm điều phi pháp, để khỏi sa vào thống khổ đời đời” (Pháp cú 235).

Học thuyết hành vi đã chứng minh rằng nhân cách được xây dựng trên lòng tự trọng và con số 57% công nhân vượt năng suất do có ý thức tự trọng cao trong một báo cáo khoa học chứng minh rằng năm đức hạnh (The big five traits) để xây dựng lòng tự trọng và nhân cách được các nhà hành vi học và quản lý phương Tây đề cao (lòng tận tụy; ổn định tâm lý; hòa hợp; cởi mở; sẵn sàng tiếp thu kinh nghiệm). Thói quen trở thành nhân cách cũng sẽ quyết định số mệnh chúng ta.

Ngón tay chỉ hướng nào, nghĩa là dù bạn theo tôn giáo nào nào thì trước hết cũng phải  dựa theo đức tin. Đức Đạt-lai Lạt-ma gọi là cấp độ tâm linh thứ nhất Nghĩa là con người dù bất cứ ở đâu thì họ đều cần có niềm tin. Ngài nói “Đôi khi chúng ta đi đến giáo đường hay đi để cầu nguyện hoặc làm điều gì đó về tâm linh và rồi khi bước ra khỏi giáo đường hay chùa thì không còn một lời dạy của tôn giáo nào đi theo bạn cả...” (Đạt Lai Lạt Ma - The Compassionate Life - bản dịch của Thích Thiện Chánh - Sống từ  bi yêu thương). Ngài nhấn mạnh: “Thông điệp của tôn giáo phải luôn bên cạnh chúng ta cho dù chúng ta đi đâu. “Quan trọng hơn, tôn giáo nào thì cũng phải lấy từ bi làm lý tưởng thực hành. Ngài xem đó là cấp độ tâm linh thứ hai”. Tôi tin là không có ý gì cả với những người không theo đức tin tôn giáo, nhưng bạn vẫn là một phần của nhân loại, bạn cũng là con người, bạn cần sự thương yêu của con người, và lòng từ bi của con người. Không có tình yêu thương của con người thì đức tin tôn giáo cũng tàn lụi. Tôi xem tình người và lòng từ bi là một tôn giáo chung.”(Đạt Lai Lạt Ma - sđd)

Và đó cũng chính là cốt tủy Phật giáo!

Vậy là đã rõ, ngón tay chỉ hướng ta về phía vầng trăng giác ngộ và giải thoát, trên cuộc hành trình lao nhọc suốt trăm năm, suy cho cùng, chỉ là những phương tiện, dù có khác nhau, nhanh hay chậm, tùy vào sự tinh tấn và quyết tâm của từng cá nhân mỗi người trong chúng ta nhưng trên đường đi ta cũng có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc chân thật dù chưa trọn vẹn của kiếp người. Đây là tâm thế mà từng cá nhân và cả xã hội cần vươn tới nếu họ muốn xây dựng xã hội trên nền tảng đạo lý dựa theo chánh tín và chánh pháp.

Mong thay!

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 33
    • Số lượt truy cập : 6367593