VĂN HIẾN XỨ NGHỆ - ĐÔI DÒNG CẢM KÝ
Cư sĩ CHÍNH TRUNG*
I. Minh định thuật ngữ
1. Xứ Nghệ
Là địa danh thưở xưa, dùng để chỉ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tỉnh bây giờ. Sách Lịch triều hiến chương loại chí do Phan Huy Chú (1782-1840)viết và sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn ghi rõ về địa danh này. Theo đó, xứ Nghệ xa xưa là nước Việt Thường, rồi tùy theo chính quyền thống trị, khi thì được gọi là Tượng Quận, khi thì được gọi là Nhật Nam, Cửu Đức, Đức Châu, Hoan Châu, Diễn Châu, rồi lại Hoan Châu. Năm Thông Thụy thứ 3 đời Lý Thái Tông (1036) đổi thành Nghệ An (từ Nghệ An bắt đầu có từ đó). Rồi là Lâm An, Linh Nguyên, Trung Đô, Nghĩa An triều Tây Sơn.
Xứ Nghệ tiếp giáp với Thanh Hóa ở phía Bắc, phía nam kéo dài tới núi Thạch Bi, Quãng Ngãi hiện nay. Khi đối chiếu với sử cổ đại, phía tây giáp Ai Lao và phía đông giáp biển Đông. Với đặc điểm địa lý, theo phong thủy học, xứ Nghệ là một linh địa. Tọa bắc hướng nam thì thế đất sẽ có kiểu: Tả thanh long (biển Đông), Hữu bạch hổ (rặng núi giáp Ai lao). Đây là một thế đất vô cùng tốt, Thiền sư Không Lộ (1016-1094) hết sức ca tán kiểu đất đặc biệt như thế:
Trạch đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
(Được đất long xà có thể ở
Suốt ngày vui đạo với tình quê)
Còn nếu tọa tây hướng đông thì được thế Tiền thủy hậu sơn, rất thuận lợi cho quân sự. Tiến được thoái được, nên chẳng lạ, khi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp cố vấn cho vua Quang Trung lập kinh đô tại nơi đây.
2. Văn hiến
Từ Văn hiến tôi dùng ở đây về ý nghĩa giống như từ văn hóa. Đông Hồ Lâm Tấn Phác (1906-1969) tác giả cuốn Văn học Hà Tiên có nhận định như sau: “Cái mà ngày nay chúng ta gọi là văn hóa, văn minh, thì ngày xưa, thời đó gọi nó là văn hiến, văn vật. Vì thế mà Hà Tiên trong sách vở còn có tên là Văn hiến quốc. Đã có câu thơ :
Từ phú tăng hoa văn hiến quốc
Văn chương cao ngật trúc bằng thành
Khởi thủy mở mang nền văn hiến Hà Tiên, chúng ta nên đánh dấu từ năm Bính Thìn (1736)”.
Tại sao tôi dùng từ văn hiến, là vì tôi nhớ Ức Trai Nguyễn Trãi (1380-1442) trong kiệt tác Bình Ngô đại cáo, ở thế kỷ 15, cũng đã dùng hai từ này.
Duy ngã Đại Việt chi quốc
Thực vi văn hiến chi bang
(Nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng văn hiến từ lâu)
Nhưng ý chính của tôi là dựa vào hai từ này để giới thiệu nền văn hiến xứ Nghệ. Bởi theo thiển ý, một trong những tứ thơ giúp danh nhân Ức Trai viết nên câu thơ bất hủ như trên, chính là tính hiệu quả của cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta thời bấy giờ là đánh đuổi toàn bộ giặc Minh ra khỏi bờ cõi nước Nam, đem độc lập, tự chủ về cho đất nước, đem tự do, no ấm về cho nhân dân.
Phan Sào Nam (1867-1940) từng tôn vinh vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa này là Lê Lợi và sau này là vua Lê Thái Tổ. Phan Sào Nam trong Việt Nam quốc sử khảo khảo như sau: “Xét theo sử trước đều gọi là Lê Tổ là Thái Tổ là đức Tổ sáng nghiệp. Nay tôi lại gọi là Tổ trung hưng, kẻ thức giả có lẽ sẽ trách mắng tôi. Nhưng đây tôi bàn về quốc sử. Quốc sử sao lại theo lệ của gia sử được. Lấy riêng một nhà Lê mà nói thì Lê Tổ là Thái Tổ và là tổ sáng nghiệp. Lấy cả nước Nam mà nói thì Lê Tổ tức là Tổ trung hưng và là Tổ trung hưng thứ 2”[1]. Sau đó, ông dẫn lịch sử nước nhà chứng minh: Nhờ Ngô Vương Quyền phá tan quân Nam Hán vào năm 938 trên sông Bạch Đằng, giúp dân Việt giành lại non sông sau hơn ngàn năm nội thuộc phương Bắc và tôn vinh Ngô Vương Quyền là vị Tổ trung hưng thứ 1, còn Lê Thái Tổ tôn vinh là vị Tổ trung hưng thứ 2.
Theo lịch sử ghi lại, thì trong năm, sáu năm đầu của cuộc kháng chiến, quân khởi nghĩa của Lê Lợi chẳng thu đạt được thành tích gì nổi bật, đánh rồi thua, dẫn đến việc Lê Lai liều mình cứu chúa, rồi cầu hòa, rồi đánh, rồi thua, rồi chạy trốn[2]…. Nói tóm lại, kháng chiến năm, sáu năm trời mà chưa xác định được “Chiến lược tất thắng”, theo đó phải chọn “Chiến trường thuận lợi”. Ta nên hiểu theo nghĩa rộng của cụm từ này là để tác chiến, để càng đánh càng mạnh, để thắng lợi từ trận này đến trận khác, để giải phóng từng phần rồi tiến đến toàn phần là giải phóng đất nước thoát ách nô lệ của quân Minh. Chỉ từ khi theo kế hoạch của Nguyễn Chích là thay đổi chiến lược, tránh thực đánh hư, chọn chiến trường thuận lợi để tác chiến thì cuộc diện mới dần dần tốt đẹp dẫn đến thắng lợi sau cùng. Phong dao Việt Nam có những câu thơ miêu tả hào khí ngất trời của cuộc trẩy quân vào Nam khi đó.
Đường vô xứ Nghệ rành rành
Non xanh nước biếc như tranh địa đồ
Ai vô xứ Nghệ thì vô
Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại trong bộ Nam phong thi tập đã giảng những câu trên là miêu tả lời của nhân dân vui mừng đi theo Lê Lợi vào xứ Nghệ.
Như trên vừa nêu, chúng ta có thể nói rằng Lê Thái Tổ đã dựa vào tiềm lực, nhân, vật lực của xứ Nghệ để trở mình mà khôi phục lại giang sơn, lưu danh thiên cổ. Và nếu chúng ta lại nói xứ Nghệ, người xứ Nghệ có công không nhỏ trong cuộc khởi nghĩa và đã góp phần giúp Nguyễn Trãi viết nên Bình Ngô đại cáo bất hủ thì quả không ngoa. Đồng thời, chúng ta dựa trên sự kiện đó mà nói thêm rằng, xứ Nghệ là vùng đất văn hiến của Việt Nam.
Tôi biết rằng, Hà Tiên được biết đến và được công nhận là một phần của lãnh thổ nước Việt kể từ năm 1708. Mãi đến năm 1736 mới được xem là vùng đất có văn học. Thế mà tiền nhân chúng ta, như Đông Hồ đã viết về vùng đất ấy với mỹ danh Văn hiến quốc. Xứ Nghệ vốn từ xa xưa đã là một phần tạo nên hình hài và tinh thần cho đất nước Văn Lang. Vậy thì, noi gương tiền nhân, chúng ta hoàn toàn được phép tôn danh: Xứ Nghệ là Văn hiến xứ.
Tuy nhiên, nói đến nền văn hiến, văn hóa, văn vật của một xứ sở mà chỉ liệt kê thì e rằng khó thuyết phục được mọi người. Phần dưới đây xin giới thiệu “vài con số biết nói”, “những bia đá biết cười” gợi mở xứ Nghệ là một trong những vùng văn hiến, văn hóa của đất nước Việt Nam.
Những con số biết nói
Khi nói về nền văn hoá, văn hiến của một vùng, một xứ nào đó thường phải nêu bật lên nhiều đặc điểm của địa phương ấy, gọi là nhiều điểm tức là nhiều lĩnh vực, nhiều yếu tố cấu tạo nền văn hiến xứ ấy như đất đai, sông biển, con người, sản vật và gọi là đặc biệt tức là nói đến tính hóa trong từ văn hóa và tình hiền trong từ văn hiến.
Tổ biên dịch bộ Khâm Định gồm ba vị tôn túc là Hoa Bằng, Phan Trọng Điềm, Trần Văn Giáp đã chú giải hai từ văn hiến như sau: Văn chỉ sử sách điển chương và Hiến chỉ người hiền. Đào Duy Anh trong quyển Việt Nam văn hóa sử sương đã định nghĩa hai từ văn hóa như sau: “Hai tiếng văn hóa chẳng qua là chỉ chung tất cả phương diện sinh hoạt của loài người, cho nên ta có thể nói rằng văn hóa tức là sinh hoạt”. Để xét xứ Nghệ có tầm là một trong những vùng văn hóa của đất nước hay không, ta phải xét nhiều mặt, nhiều lãnh vực, nhiều yếu tố, xuyên suốt từ quá khứ đến tương lai. Bởi vì, văn hóa là một tổng thể phức hợp biểu hiện qua sinh hoạt của con người. Nhưng ở đây, trong phạm vi một bài viết, tôi xin được giới hạn, chỉ nhấn mạnh ở lĩnh vực con người thông qua đề mục “những con số biết nói”, “những bia đá biết cười” như đã nêu trên, và cũng giới hạn thời gian là chúng ta chỉ xét từ năm 1807 đến năm 1919, đây là một khoảng thời gian đủ để chứng minh. Trong sách Lễ hội Việt Nam, bài Lễ hội làng Quỳnh Đôi của Văn Hậu có một thống kê như sau: Từ thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 18 làng Quỳnh Đôi có 707 người đậu tú tài, tiến sĩ. Cả huyện Quỳnh Lưu có 15 vị tiến sĩ thì làng Quỳnh chiếm 12 người; Sách Quốc triều hương đăng lục và quyển Quốc triều khoa bảng lục của Cao Xuân Dục có ghi danh sách các vị đỗ Cử nhân, Tiến sĩ trong cả nước. Chúng tôi thống kê như sau: Từ năm 1807 đến năm 1918, triều Nguyễn tổ chức được 47 khoa thi Hương để chọn Tú tài, Cử nhân thì xứ Nghệ có 926 vị trong số 5232 vị đỗ đạt trong cả nước. Nếu tính tỷ lệ thì cứ 1 năm, xứ Nghệ có 9 vị hoặc là Tú tài, hoặc là Cử nhân ra đời; Từ năm 1822 đến năm 1919, triều Nguyễn tổ chức được 39 khoa thi Hội để chọn tiến sĩ, thì trên tổng số 293 vị được khắc vào 32 bia đá, xứ Nghệ có 66 vị, chiếm tỷ lệ 7/32 bia. Còn nếu tính theo tỷ lệ năm, thì cứ 3 năm ở xứ Nghệ có 2 tiến sĩ chào đời! Tôn xưng các bậc anh hùng hào kiệt qua các thời của xứ Nghệ và tôn vinh các vị ấy là những bậc có học vấn, có văn hóa, và không thể không nói lên tiếng lòng chân thật, công bằng, hợp đạo nghĩa, hợp khoa học rằng: Xứ Nghệ là vùng đất thánh, là linh địa, là vùng đất văn minh, văn hóa, văn hiến, văn vật, của đất nước Việt Nam. Bởi người là hoa của đất: Địa linh sinh nhân kiệt là xét theo đất/ Nhân kiệt hiển địa linh là xét theo người. Hai quan niệm này quấn quýt với nhau như hình với bóng. Nói một tức là nói hai, nói hai tức là nói đầy đủ về một chủ thể hoặc là đất hoặc là người.
Đất không thiêng, sao có tiên đến ở…
Người không hiền, sao rạng rỡ tư phương.
Danh nhân văn hóa quật cường.
Lam Giang, Hồng Lĩnh, Việt Thường, Nghệ An.
Tôi mượn vần thơ cảm tác này để dừng phần một ở đây. Phần hai chúng ta sẽ bàn về Văn hóa Phật giáo - ngọn nguồn của nền văn hiến xứ Nghệ.
II. Văn hóa Phật giáo – ngọn nguồn của nền văn hóa xứ Nghệ
1. Khi xét đến nền văn hóa, văn hiến của một xứ sở, một đất nước nào đó thường ta phải thẩm sát, khảo luận đến những nhân tố tạo nên tầm vóc để xứ ấy được gọi là đất văn hiến, văn hóa như địa lý thiên nhiên, phong tục, tôn giáo, các công trình vật thể được kiến lập, các tính chất phi vật thể được truyền bá để bảo tồn. Sách Lịch triều hiến chương loại chí bàn đến 10 đề mục. Sách Việt Nam văn hóa sử cương nêu 4 đề mục lớn. Mỗi đề mục lại có từ 5,6 đến 13 tiểu đề mục.
2. Ngoài đất trời, sông núi là những yếu tố “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư” còn các cái khác đều do con người tạo tác. Trong khi tạo tác, con người chịu ảnh hưởng từ những nguồn nhất định. Đó là nền văn hiến bản địa. Nó ẩn tàng trong hệ tư tưởng, nhân sinh quan của mỗi con người. Ở đây, xin giới hạn đề tài là chỉ bàn đến lãnh vực mà tôi gọi là “Cái ban đầu” khai sinh ra nền văn hóa, văn hiến xứ Nghệ.
3. Nghiệm lại lịch sử nước nhà, ta nhận thấy nền văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng từ ba nguồn văn hóa lớn là Văn hóa Văn Lang, văn hóa Trung Quốc, văn hóa Phật giáo. Xứ Nghệ là một phần của đất nước Việt Nam nên cũng chịu ảnh hưởng từ 3 nguồn văn hóa đó. Một lần nữa, chúng tôi chỉ bàn đến Văn hóa Phật giáo.
4. Đạo Phật đến xứ Nghệ bao giờ! Chúng ta cùng khảo sát những câu thơ sau trích từ Lịch triều hiến chương loại chí:
Hương tích Trần triều tự
Hồng sơn đệ nhất phong.
(Trần dựng chùa Hương Tích
Non cao nhất núi Hồng[3])
Như vậy, qua 2 câu thơ tác giả cho ta biết: Xứ Nghệ có cảnh chùa chậm nhất là vào đời Trần, đầu thế kỉ 13. Cũng ở sách đó thấy có viết như sau: “Núi Viện ở thôn Bụt Đà, xã Phật Kệ thuộc huyện Nam Đường, trên núi có chùa cổ…”. Về ngọn núi và ngôi chùa này, quyển Hoan Châu ký của họ Nguyễn Cảnh, người xứ Nghệ cũng có đề cập. Tôi sẽ trích ghi những chi tiết có liên quan đến địa điểm này, rồi chúng ta cùng xét. “Bình An Vương trở lại cung. Công chúa Ngọc Thanh đến trước thưa rằng: “Chồng của thần là Quảng Phú quê tại Đô Lương. Nghe nói cạnh đấy có thôn Bụt đà, cầu đường hư hỏng, đi lại khó khăn. Thần xin được theo phò mã cùng về bản quán bàn định việc bố thí làm điều công ích, để mong cầu mặt con cái”. Vương bằng lòng, lại ban cho tiền bạc, gia thêm công đức. Mẹ công chúa là Tăng Thị Ngọc Hồ còn cấp thêm của cải để giúp vào viêc phổ tế. Công Chúa lạy tạ bố mẹ ra về cùng phò mã khởi công làm cầu đường. Năm sau làm xong, bèn làm tờ khải tâu lên. Vương sai quan soạn văn bia khắc vào đá đặt tại cầu Bụt đà để truyền mãi về sau(...)[4].
Tháng 11 năm đó, Quảng Phú Hầu Nguyễn Cảnh và cùng Công Chúa Trịnh Thị Ngọc Thanh muốn đẩy mạnh việc bố thí để rộng mong đường kế tự, bèn sùng chuộng Đạo Phật, chọn ngày lành, tìm gỗ tốt gần đấy, gọi thợ tới trùng tu chùa trên núi Bụt đà, tiêu tốn không biết bao nhiêu là kể; sửa chữa Cam Lộ thượng điện ba gian, thiên hương ba gian, tiền đường bảy gian, tả vu ba gian, am bên phải ba gian, và tam quan có gác ba gian. Chùa tu sửa xong, lại tạc nhiều tượng Phật để thờ. Sau khi làm trọn vẹn các công việc công đức trên đây, vợ chồng Quảng Phú Hầu mới trở về kinh chầu hầu (...).
Bấy giờ Lưu Đình Chất nổi tiếng văn hay, làm phụng sự thừa chỉ, được nhiều người mến mộ. Phò mã Cảnh Hà nghe danh, nghĩ rằng Lưu Đình Chất với cha mình là Thư Quận Công sống với nhau rất có tình nghĩa. Nhân dịp chùa Bụt đà vừa tu tạo xong, Cảnh Hà bèn mời Lưu Đình Chất soạn cho bài văn bia. Đình Chất lấy lí do khả năng có hạn, nhiều lần từ chối không được đành viết bài văn bia trùng tu chùa Bụt đà cho Quảng Phú Hầu ý như sau:“ Châu Thiên Nam từ xưa có chùa Bụt đà là một danh lam. Phía bên trái có các ngôi tháp đứng thành hàng, phía bên phải chùa có dòng nước uốn khúc. Trước dòng là chợ, bên suối là cầu. Đây là cõi Phật vào bậc nhất.
Trải bao nhiêu năm tháng chùa Bụt đà đã trở thành ông Phỗng chỉ còn trơ một cái nền thôi, ai trông thấy cũng không thể không ngậm ngùi vì cách “Thố quỳ yến mạch”. Đổi phế thành hưng, chuyển điêu tàn thành khôi phục, ắt phải nhờ vào tay đại thí chủ có lực lượng hùng hậu, có biện pháp hiệu quả. Ông Dương Vũ Uy Dũng Công Thần Đặc Tiến Phụ Quốc Thượng Tướng Quận Cẩm Y Vệ Đô Chỉ Huy Sứ Thị Vệ Sự Phò Mã Đô Úy Quảng Phú Hầu Nguyễn Tôn Công là người lừng danh trong hàng tướng võ, sánh duyên cùng Công Chúa cao quý, lòng từ bi vốn sẵn tính trời. Nhận ra chốn Phật Kệ danh hương, phát hiện nơi tùng lâm thắng tích, lòng thiện chan chứa nảy sinh. Vào ngày lành tháng nhất dương năm Ất mão (1615), ông bèn cho phát dọn gai góc, nhóm thợ khởi công tu sửa chùa, tạc tượng Phật, đổi mới điện Ngọc, tô điểm thân vàng. Trong việc tu tạo núi Bụt đà, thờ Phật A Di Đà, công đức của Tôn Ông thật dồi dào, trọn vẹn. Tôn Ông xứng đáng có con cháu đông đúc, cửa nhà hiển vinh sự nghiệp vang dội. Người xưa thường nói: “Chứa điều thiện ắt có mọi tốt lành (tích thiện tất hữu dư khương), ắt là nói về Tôn Ông đó. Do thế, cứ theo sự thật mà ghi, khắc vào đá quý để lưu truyền, nhằm khuyến khích đời sau vậy(...)[5].
Hoàng triều ngày lành tháng tốt năm Hoằng Định vạn vạn niên thứ 17 (1616). Sư đốt hương niệm Phật tu tác.
Thiền sư tên chữ là Huệ Minh, chùa Đại Phúc, ở Nhân ấp, Thuận Gia.
Tứ Đinh Mùi (1607) Khoa tiến sĩ xuất thân, Tá Lý công thần Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Lại bộ Hữu thị lang Nhân lĩnh hầu trụ quốc Hoằng Hóa Quỳ Chủ Lưu Đình Chất soạn.
Bài bia làm xong, đưa cho sử quan chép lại rõ ràng chân phương rồi sai khắc vào đá. Xong xuôi đâu đấy, chở bia đến Nghệ An đặt bên trái chùa Bụt đà đây khỏi nhắc tới nữa”.
Tôi đặt biệt khảo sát 2 tài liệu này. Đối chiếu 2 bản: Lịch triều hiến chương loại chí và Hoan Châu ký. Ta thấy có sự giống nhau: Thôn Bột Đà (Bụt đà), xã Phật Kệ (Làng Bụt Đà), có núi Viện (núi Bụt Đà) trên núi có chùa cổ (chùa Bụt đà). Như vậy ở đây, những danh từ chỉ thôn, làng, xã, chùa, núi là những danh từ nhà Phật, ở cả trong 2 bản.
Điều này khiến chúng ta có thể nói rằng: Từ xưa, xứ Nghệ đã có sự hiện diện của đạo Phật. Hay nói khác đi cho đúng chủ đề chúng ta đang bàn, là văn hóa Phật giáo thật sự có ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của người xứ Nghệ, vì ngôi chùa là nơi để tín đồ đến lễ bái cúng dường, cầu khấn… tức thể hiện những sinh hoạt mang tính chất vừa cá nhân, vừa xã hội, vừa tôn giáo, vừa đời thường, vừa tâm linh. Nên ngôi chùa là bằng chứng rõ ràng nhất để nói rằng đạo Phật đã đến đây “cắm dùi” lập “căn cứ địa” để truyền bá giáo lý của tôn giáo mình.
Ta xét tiếp. Tên núi là Bụt đà (hay núi Viện), tên chùa là Bụt đà, tên thôn là Bụt đà, hay Bột đà (tùy theo người dịch, tên làng là Bụt đà (hay Phật Kệ), tên cầu là Bụt đà. Là bằng chứng có giá trị nhất để chứng minh nơi đây, xưa là vùng đất chịu ảnh hưởng Đạo Phật nhiều nhất khi so với vùng khác trong cả nước. Bởi vì, Bụt đà là tiếng phiên âm từ Buddha sang tiếng Việt. Bởi vì hàng loạt các đơn vị đất đai, làng xã đều mang danh từ Bụt đà, tức Buddha, tức Phật. Điều đó chứng tỏ cư dân ở đây toàn là những người chịu ảnh hưởng hoặc là theo đạo Phật. Cơ sở mà tôi dựa vào để nói điều trên, chính là xét đến “ý đồ” đặt tên đất, tên người, tên vật của người Việt chúng ta. Nghĩa là tôi muốn dùng môn địa danh học, nhân danh học để chứng minh. Chúng ta cùng xét: Năm 544, Lý Bôn, sau khi khôi phục lại giang sơn, tự xưng là Nam Việt Đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, tên nước là Vạn Xuân ý mong xã tắc lâu dài đến muôn đời; Phùng Hưng, khi sinh thời yêu dân chúng như con, nên khi ngài mất, dân chúng đã tôn xưng là Bố Cái Đại Vương, mà tục cổ nước Việt gọi cha là bố, mẹ là cái.Ở xứ Nghệ, tùy theo hình dáng, mà những ngọn núi mang tên tương ứng với hình dáng đó như núi Song Nhạn ở huyện Nghi Xuân, vì hình giống như hai con cá nên được gọi là núi Song Ngư; thành Lục Niên ở huyện Thanh Chương, vì ngày xưa Lê Thái Tổ từng đóng quân ở đây 6 năm để chống quân Minh, nên thành được gọi là thành Lục Niên; Bãi Sò, vì nơi đó có từng đống vỏ trai, ốc lẫn lộn xen lẫn đất sông sâu dày 4,5 thước; núi Thiên Cầm, tương truyền vua Hùng xưa thường đến chơi núi này, nghe tiếng nhạc trời, tiếng gió vi vu nên đặt tên núi là Thiên Cầm (ở huyện Kỳ Hoa)... Như vậy, người xứ Nghệ, người Việt xưa đặt tên cho vật, cho đất, cho người theo đúng bản chất của đối tượng, thấy mặt đặt tên và đồng thời khi đặt tên họ còn ký thác tâm tư, ước vọng vào đối tượng, như trường hợp vua Lý Nam Đế đặt tên nước là Vạn Xuân, hay nhân dân tôn xưng Phùng Hưng là Bố Cái Đại Vương… Ta trở lại chữ Bụt Đà, danh từ này được đặt tên cho cả một vùng, nói lên ước vọng gì của người bản xứ? Ta xét: Bụt đà nghĩa là đấng giác ngộ. Thời Lý Bôn (thế kỷ 6) có người tên là Lý Phật Tử, sau xưng đế; Thời Hậu Lý (thế kỷ 11) vị thái tử tên Phật Mã, sau là vua Lý Thái Tông; Công chúa Phật Kim, sau là vua Lý Chiêu Hoàng. Thời nhà Trần (thế kỷ 13), Thái tử Kim Phật, sau là vua Trần Nhân Tông. Như vậy, khi đặt tên cho 1 chủ thể nào đó mang danh từ Phật – Bụt đà. Người đặt tên đều ước mong rằng chủ thể ấy sẽ hoàn thiện và sẽ đạt được thành quả cao vời. Địa danh núi Bụt đà, chùa Bụt đà, thôn Bụt đà, xã Bụt đà, cầu Bụt đà cũng ảnh hưởng hệ tư tưởng như thế, nên người đã đặt tên này cho kia nhất định phải là người có hoặc chịu ảnh hưởng bởi “Bụt đà”, tức đạo Phật vậy. Người ở đây, chúng ta phải hiểu là dân bản địa.
Mái chùa là một vùng tâm thức của con người. Mái chùa che chở và chứa đựng hồn dân tộc từ khi được tạo lập cho đến mãi mãi về sau. Xứ Nghệ thì hầu như ngọn núi nào cũng có một cảnh chùa. Sách Thiền Uyển Tập Anh có ghi 2 vị thiền sư xứ Nghệ. Cả 2 vị này đều hoằng pháp tại đây. Bản văn của ông Lưu Đình Chất mà tôi trích trên có dùng từ “cổ” để chỉ chùa Bụt đà trước khi trùng tu … Chúng ta nên biết các Cụ ngày xưa dùng từ rất “đặc sắc”, rất “chính xác”, bởi vì các Cụ tự trọng cao lắm. (Dùng chữ sai, bạn bè chỉ cho biết thôi, cũng lấy làm hổ thẹn tài học của mình rồi).
Giáo lý Từ Bi, giáo lý đặc trưng của đạo Phật có được truyền bá rộng rãi tại xứ Nghệ không? Có, xin xem lại bài văn bia của ông Lưu Đình Chất.
Như vậy, chúng ta có thể tin rằng: Nền văn hiến xứ Nghệ là sự biểu hiện sinh hoạt của dòng văn hóa Phật giáo vốn rất uyên nguyên và nhiệm mầu. Hay nói khác đi văn hóa Phật giáo chính là một trong những ngọn nguồn tạo nên nền văn hiến xứ Nghệ.
III. Tổng luận
Kể từ khi sát cánh cùng 14 bộ lạc anh em, xứ Nghệ (xưa là Việt Thường) theo hoàn cảnh địa lý đặc biệt của mình đã sản sinh nhiều nhân tài làm rạng rỡ cho xứ sở, cho đất nước. Khi tổ quốc bị thống trị, người xứ Nghệ cùng các Anh Em vùng lên chống lại bọn cường quyền ngoại bang để đòi lại độc lập, tự chủ cho đất nước. Khi đất nước thanh bình, người xứ Nghệ đã tay nắm tay cùng Anh Em xây dựng tổ quốc ngày càng tốt đẹp hơn. Sách Ô châu cận lục của Dương Văn An nhuận sắc, trong bài tựa có nhận định: “người Hoan Diễn (tức Nghệ An) có tính thuần túy, ham học” hay “Dân Hoan Diễn (tức Nghệ Tĩnh ngày nay) cần cù chăm học”. Sách Lịch triều hiến chương loại chí và Đại Nam nhất thống chí cũng có nhận định tương tự. Nhưng theo thiển kiến, thì các vị ấy đã quên kể đến một đức tính vốn là cố hữu của Người xứ Nghệ, đó là gì đức tính quật cường, bất khuất của xứ Nghệ!
Chúng ta xem lại lịch sử, từ khi Hai Bà Trưng thất vận cho đến khi vua Ngô Quyền thắng trận Bạch Đằng (938) sẽ thấy nhiều cuộc nổi dậy của nhân dân Cửu Chân, Nhật Nam (xứ Nghệ) mà trong đó, xứ Nhật Nam là nhiều nhất! Rồi khi Ngô Quyền kéo quân từ Chân Ái về hỏi tội Kiều Công Tiễn. Lực lượng hậu thuẫn cho ngài là châu Hoan (tức Xứ Nghệ). Đời Trần Nhân Tông, quân dân xứ Nghệ là chỗ dựa của ngài. Ta còn nhớ câu thơ treo ở đầu thuyền của vua để khích lệ quân sĩ: “Cối Kê cựu sự quân tu ký. Hoan Ái do tồn thập vạn binh”. Rồi khi vua Lê Lợi thay đổi chiến lược tác chiến, nhân dân xứ Nghệ là lực lượng tiên phong. Đến đời Lê Trung Hưng thì xứ Nghệ lại là lực lượng nòng cốt. Hoan Châu ký còn truyền lời tán dương giòng họ Nguyễn Cảnh “ bốn đời nhân nghĩa tám lớp trung cần”. Rồi đến khi Nguyễn Huệ dẫn quân ra Bắc tiêu diệt giặc Thanh. Xứ Nghệ lại có mặt trong đoàn quân tốc chiến tốc thắng của vị tướng tài ba bách chiến bách thắng này. Ngần ấy sử liệu đã nói lên được, người xứ Nghệ, ngoài đức tính ham học, đức tính cần cù, còn có đức tính quật cường, bất khuất, luôn sẵn sàng cứu khổn phò nguy. Những đức tính đó đã theo chân người xứ Nghệ, với cái bừa, với cây cuốc, với một tấm lòng vào Nam lập nghiệp, tạo thành phong cách Nam Bộ ở những người miền Nam Việt Nam xưa và nay. Trong dòng máu của người miền Nam có 20% dòng máu xứ Nghệ[6]. Nhưng điều mà tôi muốn nói ở đây, là “ cái gì” đã tạo nên đức tính quật cường ấy. Chính là “cái” mà cụ Ức Trai đã nói: Việc nhân nghĩa cốt ở an dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo. Mà “trước lo trừ bạo” thoát thai từ nền văn hóa nào? Văn hóa Văn Lang, nền văn hóa này dạy dân hòa hiếu. Văn hóa Trung quốc chăng! Đó chính là từ nền Văn hóa Phật giáo. Nếu chúng ta nghiên cứu sâu pháp môn phá tà hiển chánh ở bộ Trung luận của Long Thọ thì sẽ nhận thấy. Rất tiếc phạm vi bài có hạn, tôi không thể khai thác thêm được.
Văn hóa Phật giáo ảnh hưởng tới xứ Nghệ đã từ lâu. Sử không đủ dữ liệu để ghi nhận hết, chỉ có một phần nhỏ. Và chỉ những ai đã từng sống nơi ấy, nghĩ về nơi ấy, tiếp cận người xứ ấy mới thấm thía và hành xử theo phong cách xứ Nghệ. Sông núi như vậy, như vậy/ Ắt phải có những người như thế như thế.
Tổ chức Unesco đã tôn vinh ba người Việt Nam là danh nhân văn hóa thế giới vào những năm 1965, 1987 và 1980. Trong đó có hai người là thuộc về xứ Nghệ. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại thi hào Nguyễn Du. Hai vị Danh nhân văn hóa chịu ảnh hưởng sâu đậm từ quê mẹ xứ Nghệ. Nhìn về quá khứ ta thấy rất nhiều vị nữa, vị nào cũng chan chứa tình dân tộc, nghĩa quê hương. Vị nào cũng hào khí ngất trời như non Hồng, núi Ngọc, vị nào cũng âm ấp trong lòng tư tưởng vượt thời gian, vượt không gian để sống mãi cùng xứ Nghệ mến yêu như Nguyễn Du chẳng hạn:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.
Nhưng hơn hết, vẫn là Chủ tịch Hồ Chí Minh với một "linh" ngôn: “Không gì quý hơn độc lập tự do”. Một câu nói xuất phát từ kinh nghiệm máu xương của dân tộc trong hơn 1000 năm Bắc thuộc. Nhưng cốt lõi nhất, câu nói phát xuất từ sự vận hành nhuần nhuyễn nền văn hóa Phật giáo. Quý vị hẳn sẽ nhất trí với người viết ở điểm này: Cử đầu hồng nhật cận/ Đối ngạn nhất chi mai. Vừa có tính cách mạng, mà cũng vừa có tính thiền Phật giáo!
Để dừng lại ở bài tiểu luận này, xin thành kính dâng lên xứ Nghệ đôi liễn:
Lam giang, Hồng Lĩnh Địa cửu Thiên Trường Nhất phương Hoan Diễn sinh hào kiệt
Ái quốc trung dân Danh tồn dự tại Tứ hải Anh hùng thức Nghệ An.
Xin được cảm tạ Ban tổ chức đã thư mời dự hội thảo. Kính chúc quý vị mạnh khỏe, chúc hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.
Viết tại thư viện Xá Lợi
Sách tham khảo:
1.Lịch triều hiến chương loại chí. Phan Huy Chú. Tố Nguyên Nguyễn Thọ Dục dịch. Phủ quốc vụ khanh 1972.
2. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Viện Sử học, Nxb. Giáo dục.
3. Việt Nam văn hóa sử cương. Đào Duy Anh.Nxb. Bốn Phương, 1938.
4. Hoàng Việt thi tuyển. Tồn Am Bùi Huy Bích. Nxb.Văn học 2007.
5. Hoàng Việt Xuân Thu. Vô danh Thị. Dịch giả, Phương Phủ Nguyễn Hữu Quỳ. Phủ quốc vụ khanh 1971.
6. Phan Bội Châu toàn tập, T2. Chương Thâu sưu tầm biên soạn. NXB Thuận Hóa 1990.
7. Việt Nam Phong Sử. Nguyễn Văn Mại. Tạ Quang Phát dịch. Phủ quốc vụ khanh 1972.
8. Đại Nam thực lục. Viện sử học. NXB Giáo dục 2007.
9. Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước. Nguyễn Lương Bích. NXB quân đội nhân dân 1975.
10. Toàn tập Trần Nhân Tông. Lê Mạnh Phát. NXB tổng hợp TP HCM 2006
11. Lễ hội Việt Nam. Đồng chủ biên, PGS. Lê Trung Vũ - PGS. Lê Hồng Lý. NXB Văn hóa thông tin 2005.
12. Ngôi chùa - Một vùng tâm thức, Một vùng thi ca. Nguyễn Hiệp, Nguyễn Khắc Mai. NXB Tôn Giáo 2001.
13. Thiền sư Việt Nam. Thích Thanh Từ. THPG TP. HCM 1992.
14. Ô châu cận lục. Vô danh thị- Dương Vân An nhuận sắc, Bùi Lương phiên dịch. Văn hóa Á Châu xuất bản 1961
15. Đại Nam Nhất Thống Chí. Quốc sử quán Triều Nguyễn
[2] Xem thêm Đại Việt sử ký toàn thư
[3] Trần là đời Trần trong sử Việt. Hương Tích là tên chùa, núi Hồng là núi Hồng Lĩnh ở xứ Nghệ.
[4] Chính Trung lược bỏ 9 dòng chữ trong bản dịch không liên quan đến chủ đề đang bàn.
[5] Chính Trung lược bỏ 11 dòng trong bản dịch vì những dòng chữ đó chỉ ghi tên gia đình ông Cảnh Hà.
[6] Xin xem lại lịch sử Nam tiến của nhân dân ta.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 31 – THÁNG 1 NĂM 2020
- NHÂN VẬT PHẬT GIÁO VIỆT NAM
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 30 – THÁNG 10 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 29 – THÁNG 7 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 28 – THÁNG 4 NĂM 2019 (PL. 2563)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 27 – THÁNG 1 NĂM 2019 (PL. 2562)
Bình luận bài viết