Thông tin

VẦNG HÀO QUANG CỦA ĐỨC PHẬT

VẦNG HÀO QUANG CỦA ĐỨC PHẬT

 

HOÀNG VĂN LỄ

 

         

Ảnh và tượng của các giáo chủ thường được mô phỏng thêm vầng hào quang xung quanh đầu, nói lên tầm trí tuệ sáng chói của vị tối cao. Ở Phật giáo, Đức Phật là vị giác ngộ đầu tiên của loài người, trí tuệ, đức độ và tài năng chưa có người sánh bằng hoặc tiếp cận ngài.

Con đường tầm đạo, thành đạo năm 35 tuổi

Là nhân vật lịch sử, ngài có biệt tài xuất chúng, được vua cha thỉnh mời các thầy dạy giỏi bậc nhất Ấn Độ thời bấy giờ, cả võ lẫn văn triết; sự thông minh của Thái tử Tất Đạt Đa được các thầy sớm khẳng định. Trong dự đoán lúc mới ra đời của các vị thầy tài giỏi và trên thực tế rèn luyện, Thái tử Tất Đạt Đa có thể trở thành vị vua anh minh, có thể thống trị tất cả 16 tiểu quốc Ấn Độ thời bấy giờ. Tuy nhiên, tự Ngài không giải đáp được thực tế “sinh, già, bệnh, chết”, vô số nỗi khổ niềm đau của mọi người và của chính mình, và ngài trốn khỏi hoàng cung sau khi có được hoàng tử La Hầu La, con trai nối dõi triều đình Sac ka dy. Hành động đầy quyết tâm tu học của Tất Đạt Đa là điển hình của dòng Thích ca ngàn đời về sau cho đến nay và mai sau. Đó là vầng hào quang thứ nhất.

Cuộc đời tu tập của Tất Đạt Đa qua 6 năm trải nghiệm, vượt lên ngang bằng với các vị thầy khả kính. Khi đến với phái tu khổ hạnh cùng anh em Kiều Trần Như, việc hành trì đến cực điểm, thân xác gầy mỏng đến mức rà vào bụng có thể chạm các đốt xương sống, Tất Đạt Đa vẫn không tìm lối ra giải thoát con người, nhưng ngài nhìn rõ hai cách tu hành cần tránh, quá hưởng thụ và quá hành kiệt xác, con đường trung đạo được dấn bước và thiền định là lối ra hữu ích, thực tế. Con đường trung đạo là vầng hào quang thứ hai của Người.

49 ngày đêm thiền định dưới cội bồ đề, với quyết tâm đỉnh cao và tự hứa không tự khai ngộ không rời cội bồ đề, và Ngài đã giác ngộ, tìm ra con đường giải thoát cho chính mình. “Đêm cuối cùng, vào lúc canh một, Ngài hướng tâm về Tuệ giác, nhớ lại những kiếp quá khứ, từ một kiếp, hai kiếp, ba kiếp đến trăm ngàn muôn ức kiếp. Hoặc ở thế giới này hay thế giới khác, hoặc ở quốc độ này hay quốc độ khác, hoặc ở gia đình này hay gia đình khác, hoặc mang thân này hay thọ thân khác...Tất cả từng chủng loại, tên tuổi, gia thế, sự nghiệp, sống chết, khổ vui của mỗi kiếp tái sinh như thế nào, Ngài đều biết rõ như trong lòng bàn tay. Ngài cũng thấy như vậy với tất cả những loài sanh ra từ thai, loài sanh ra từ trứng, loài sanh từ nơi ẩm ướt và loài sanh từ phân thân biến hóa. Thấu rõ thân này vốn không có thực, vốn không có nguồn, vô thỉ vô chung, không từ đâu đến, không đi về đâu... Như thế Ngài đã chứng được Túc mạng Minh.

Sang canh hai, mây đen vần vũ trên bầu trời u ám, từng ánh chớp lóe sáng như chọc thủng không gian. Những tiếng sấm vang rền làm chuyển rung mặt đất. Từng cơn mưa xối xả trút xuống cội Tất-bát-la đại thọ, Ngài vẫn ngồi bất động, hướng tâm thanh tịnh, vận dụng trí tuệ của mình đi sâu trên con đường khám phá những hiện tượng vũ trụ.

Ngài thấy biết rõ vô lượng vô số thế giới từng co giãn sanh ra, hình thành, biến hoại và hủy diệt. Thấy tất cả chúng sanh từng sanh ra, hình thành, biến hoại và hủy diệt trong vô lượng vô số kiếp, nhưng đó chỉ là những biểu hiện duyên khởi bề ngoài chứ không hề hấn gì tới thực tướng của pháp giới. Ví như hàng triệu đợt sóng lô nhô trên mặt biển cả, nhưng lòng đại dương không vì có những hiện tượng như thế mà sanh diệt, diệt sanh. Đạt đến đó, Ngài chứng được Thiên nhãn Minh.

Đến canh ba, Ngài quán chiếu sâu thẳm của vô thỉ vô minh, thấu tột cội nguồn các pháp: Đây là phiền não, ô nhiễm, khổ đau. Đây là nguyên nhân tập khí gây ra phiền não, ô nhiễm, khổ đau. Đây là sự chấm dứt phiên não, ô nhiễm, khổ đau. Đây là phương pháp dẫn đến sự chấm dứt phiền não, ô nhiễm, khổ đau. Quán chiếu như thế, tâm Ngài hoàn toàn giải thoát khỏi  Dục lậu (ô nhiễm của dục vọng), Hữu lậu (ô nhiễm sự luyến ái của đời sống) và Vô minh lậu (ô nhiễm của vô minh), dứt hẳn sanh tử luân hồi, khổ đau vạn kiếp. Đạt đến đó, Ngài chứng được Lậu tận Minh.

Ngài thấu rõ Khổ tướng hiện tại, đoạn mọi phiền não lậu hoặc dứt khổ sanh tử, an vui giải thoát. Thấy rõ mầm mống của phiền não và sanh tử. Chuyển phiền não thành Bồ đề, sanh tử thành Niết bàn, màn vô minh đã được giải tỏa thì trí tuệ phát sinh. Rõ được sự sanh sự tử là phi sanh phi tử. Cũng còn gọi là nhứt niệm vô sanh, tánh không tịch diệt, hay là Kim cang đại định.1

Chuỗi giác ngộ từ “Túc mạng minh”, “Thiên nhãn Minh”, “Lậu tận Minh” và “Kim cang đại định” là vầng hào quang sáng chói bậc nhất của nhà tâm linh vĩ đại của nhân loại.

45 năm hành trì truyền giáo pháp

Vì chúng sinh, vì con người, Đức Phật đã cật lực hoạt động truyền chân lý được chính ngài tìm thấy. Các lời thuyết pháp của Đức Phật được các đệ tử kết tập thành kinh sách rất phong phú, có khoảng 30.000 bài kinh kệ được lưu truyền đến ngày nay; ngoài triết thuyết giải thoát khỏi luân hồi sinh tử, còn rất nhiều bài kinh kệ chỉ dẫn các giới trong xã hội, từ trị nước đến gia đình, từ hôn nhân đến xây dựng nền nếp gia phong, từ đạo đức xã hội đến đạo đức từng con người… Tính thực tế được kiểm nghiệm chính mình, cùng với trí tuệ giác ngộ, Đức Phật đã tạo nên vầng hào quang soi sáng muôn đời, được các nhà khoa học hiện đại ngưỡng mộ, nghiên cứu lý giải và vận dụng, áp dụng trong phát kiến, phát hiện, kể cả phát minh đáp ứng nhu cầu cuộc sống và đời sống tâm linh của con người.

45 hành trì, Đức Phật góp phần quyết định và dẫn dắt đất nước Ấn Độ thời bấy giờ nhiều cải cách chính trị, xã hội rất cơ bản:

Chuyển biến xã hội 4 giai cấp tồn tại hàng ngàn năm. Bốn giai cấp là Bà la môn, Sát đế lợi, Phệ xá, Thủ đà la. Người sinh vào dòng Bà La Môn được làm đạo sĩ học thánh điển Vệ Đà, lo việc tế tự. Người sanh vào dòng Sát đế lợi được làm vua chúa quan quyền, cai trị Ấn Độ. Người sinh vào dòng Phệ xá mãi mãi là công thương. Người sinh vào dòng Thủ đà la suốt đời làm nô lệ, bị bạc đãi nhất trong xã hội, khi ra đường Thủ đà la gặp đạo sĩ hoặc vua quan, phải tìm bờ bụi ẩn nấp, nếu lén nhìn sẽ bị móc mắt. Nếu nói tên Bà la môn bị cắt lưỡi, không tuân pháp luật vua quan bị đổ dầu sôi vào lỗ tai.

Đức Phật đã chuyển hóa thành công, trong tăng đoàn nói chung, trong các đại đệ tử của Phật có Đại đức Ưu Ba Ly thuộc giai cấp Thủ đà la này. Ưu Ba Ly, tuổi thiếu thời đã không được đi học. Lúc lớn khôn, cha mẹ cho đi học nghề thợ cạo râu tóc, học chẳng bao lâu Ưu Ba Ly thành thạo nghề nghiệp một cách tài tình. Ưu Bà Ly cạo râu tóc cho các vương tôn, công tử và được đưa vào cung phục vụ. Tại đây, Ưu Bà Ly được cạo tóc cho Đức Phật, Phật nhận ra công đức của Ưu bà Ly và nhận làm đệ tử. Đây là đại đệ tử "Trì giới đệ nhất" được các vị đồng tu kính trọng. Sau khi Phật nhập Niết bàn trong cuộc kiết tập Kinh, Luật, Luận tại động Kỳ Xà Quật gồm 1.250 vị A la hán do Đại Ca Diếp làm chủ tọa, ngài A Nan tuyên trì tạng kinh, ngài Ca Chiên Diên tuyên trì tạng luận, ngài Ưu Bà Ly tuyên đọc 80 lần các giới luật do Phật đặt định trong 45 năm hành trì.

Trong 16 tiểu quốc Ấn Độ thời bấy giờ, có 8 quốc vương chuyển biến tích cực, trở thành Phật tử thuần hành, tuân thủ giáo lý của Đức Phật, trị vì anh minh, cải cách xã hội theo tinh thần thân dân, bình đẳng, cứu khổ và giải thoát. Không có vương quốc nào chống lại Đức Phật, dù người đã thực hiện điều trái ngược với đạo Bà la môn khi thủ tiêu bất bình đẳng về giai cấp và thực hiện bình đẳng giới khi cho 500 phụ nữ trong đó có mẹ kế và người vợ trước đó của mình lập ni đoàn với luật lệ hà khắc hơn tăng đoàn trong cuộc sống tu hành thời bấy giờ.

Đạo đức là vấn đề cải biến nhất khi xã hội có hơn 50 % dân chúng tuân thủ 5 giới theo lời dạy của Phật; đó là không sát sanh (giết người), không nói dối, không tà dâm, không uống rượu và dùng chất kích thích độc hại, không sản xuất và buôn bán vũ khí. Đạo đức đối với người xuất gia còn chặt chẽ hơn, để tu tập từ người thành thánh, từ thánh thành Phật. Hệ thống đạo đức lan rộng nhanh chóng trong toàn xã hội lúc bấy giờ.

Nói về trí tuệ cao cả, nhiệm mầu của Đức Phật đã có hàng triệu trang sách và không biết bao nhiêu lời nói đến với bao kiếp người từ hơn 2.600 năm nay. Song, con đường tu tập theo bát chánh đạo đã là vầng hào quang sáng chói nhất cho con người chúng ta ngày nay.

Như vậy, vầng hào quang của Đức Phật luôn là chất liệu tâm linh hàng đầu của loài người; hiện nay và tương lai vầng hào quang đó vẫn là định hướng sống bền vững nhất.


1. Theo Thích Giác Nguyên, SỰ KIỆN THÀNH ĐẠO CỦA ĐỨC PHẬT THÍCH CA MÂU NI, https://thuvienhoasen.org/a22253/su-kien-thanh-dao-cua-duc-phat-thich-ca-mau-ni

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6059367