VỀ ĐI CON!
VỀ ĐI CON!
ĐẶNG TRUNG CÔNG
Vừa dẫn xe vào phòng, Hoàng uể oải ngồi phịch xuống nền gạch thở hổn hển. Cái nắng như thiêu như đốt bên ngoài phố làm Hoàng căng thẳng. Lưng ướt đẫm mồ hôi, miệng thì khát đến độ đôi môi nứt như đất nẻ. Nốc một ca nước lọc lấy lại bình tĩnh, Hoàng thở dài thườn thượt trông chán chường: "Lại không xin được việc. Tình hình này kéo dài chắc chết đói quá". Bao giờ cũng vậy, khi có chuyện bực mình khó giải quyết là Hoàng lại nói một mình như gã hâm. Mà không khéo Hoàng hâm thật. Đã một tháng rồi không xin được việc làm sao chịu thấu. Nào tiền phòng, tiền ăn, tiền sinh hoạt, tiền chi phí xăng dầu đi lại tìm việc. Mỗi lần dắt xe ra phố là Hoàng cầu mong cho chiếc Cub cà tàng đừng "đổ bệnh", không là nguy. Trong lúc kinh tế eo hẹp, cái gì Hoàng cũng phải thắt lưng buộc bụng để không vướng nợ. Chỉ mới thiếu mấy đứa bạn cùng phòng vài trăm ngàn thôi mà Hoàng lo sốt vó. À, mà sắp tới tháng gửi tiền về cho mẹ ở quê nhà nữa, chao ôi đủ thứ tiền bao vây cái thân gầy nhom của Hoàng.
Hoàng lên đây cũng được 5 năm. Kể từ sau ngày ba mất, gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, Hoàng phải cố gắng lên thị thành tìm việc làm để phụ mẹ trả nợ. Cũng nhờ trời thương, mới ngày trước đặt chân lên xứ lạ quê người là ngày hôm sau Hoàng đã có việc làm ngay. Đó là một công ty giày da cạnh phòng trọ. Trong mấy năm liền, Hoàng lao động cật lực, không tiêu pha hoang phí, làm bao nhiêu đều gửi hết cho mẹ, chỉ để lại một ít đủ chi tiêu trong tháng. Hoàng nghĩ bụng: "Mẹ đã cơ cực cả đời rồi, đâu có được ngày nào sung sướng. Hồi ba còn sống, do làm ăn thất bại, nợ khắp nơi. Ngày nào cũng có người kéo đến nhà đòi nợ khiến mẹ phải bưng mặt khóc. Giờ cũng trả được một ít rồi, người ta không làm khó dễ nữa, nên có tiền cứ gửi về cho mẹ, thích gì dùng nấy". Nhưng đùng một cái, Hoàng hụt hẫng khi công ty phá sản. Giám đốc nợ công nhân hai tháng lương rồi cao bay xa chạy. Hoàng chới với như người sắp chết đuối. Tiền không có dư, làm bao nhiêu gửi về cho mẹ hết rồi còn gì. Đành phải mượn tạm bạn với hy vọng công ty sẽ thanh toán lương…
- Nè, mày xin được việc chưa?
Hoàng giật bắn mình khi thằng bạn cùng phòng vỗ vai. Mải suy nghĩ vẩn vơ mà Hoàng không hay bạn mình đi làm ca một về nãy giờ. Hoàng nói với vẻ bí xị:
- Không được rồi mày ơi. Tháng này sao khó xin quá, chắc phải chờ vài hôm nữa coi công ty nhôm inox có tuyển không. Tao nghe thằng Quân nói tháng sau có nhiều đứa bị cho thôi việc vì tật làm biếng.
- Thì chờ chứ biết sao giờ. Tao nghĩ mày nên ở nhà dưỡng sức vài bữa đi. Cứ lang thang ngoài phố trong cái nắng gần bằng thân nhiệt con người coi chừng bị bệnh càng nguy.
- Nằm nhà hoài cũng chán. Mày biết tính tao ở không chịu không nổi mà.
- Mấy năm nay mày đã làm quá sức rồi còn gì. Ngày nào cũng tăng ca tới khuya. Giờ nghỉ ngơi cũng đâu có gì là ích kỷ.
Hai thằng đang tranh luận thì chuông điện thoại reo. Là mẹ Hoàng ở quê gọi lên. Hoàng ngập ngừng trong giây lát rồi bắt máy. Bên kia sóng điện thoại, giọng một phụ nữ nhà quê rổn rảng:
- Hoàng hả con? Mẹ đây. Ngày mốt, mẹ bị "vướng" hai cái đám cưới và tân gia. Con gửi tiền về gấp để mẹ đi nhé. Sao, có không con?
- Dạ... dạ... Có ạ! - Hoàng cố ra vẻ bình tĩnh nhưng giọng thì ấp úng.
- Vậy thôi mẹ tắt máy làm chút việc. Một lát mẹ gọi lại nói chuyện sau.
Hoàng buông điện thoại một cách nặng trịch. Thằng Long nãy giờ lặt rau nghe hết câu chuyện, vội xen vào:
- Mày định mượn tiền nữa à?
- Chứ sao giờ. Mày còn không?...
- Mày cũng biết là cuối tháng, làm gì tao còn tiền.
- Vậy để chiều tao hỏi mượn thằng Quân.
- Vô ích thôi, nó cũng đang "héo" như tao. Tao nghĩ mày nên nói thật cho mẹ biết là mày thất nghiệp. Chuyện này có gì đâu mà
giấu giếm.
- Tao sợ mẹ tao lo thôi. Bà mà rầu rĩ là không ăn uống, lại đổ bệnh thì nguy.
- Chứ mày làm vậy là đang giết mày. Trên đây thiếu nợ là khốn.
- Để chiều tao đi hỏi tiền góp.
- Ôi trời, tao khuyên mày đừng. Nợ mẹ đẻ lãi con rồi đến một ngày mày chết với bọn giang hồ....
(Chuông điện thoại của Hoàng lại reo lên).
- Sao rồi con. Chiều con chuyển tiền vào tài khoản để mẹ nhờ bác Hai chở lên thị trấn rút được không?
- Dạ... - Hoàng lại ấp úng - Dạ... con sẽ chuyển, nhưng mà sao gấp vậy mẹ. Con đang làm mà. Sáng mai đi.
- Đang làm à? Sao mẹ nghe tiếng thằng Long hát nghêu ngao kìa.
- (Quay qua thằng Long ra hiệu im lặng) Đâu có. Bạn làm chung công ty đó.
- Nè Hoàng, đến nước này mà con dám nói dối với mẹ sao? Con thất nghiệp cả tháng nay không đi làm, vậy mà...
- Ơ... sao mẹ biết con thất nghiệp? Ai nói?
- Con khôn nhưng mà không khéo, nhóc ạ! Con lên cái "phây-buc" gì đó than thở với người này, người nọ. Rồi vô tình con bé Hai đọc được cái gì nè, à, "còm-mên" gì gì đấy nên nó nói cho mẹ nghe. Sao vậy con?
- Dạ, tại con sợ mẹ lo.
- Con làm vậy mẹ còn lo hơn nữa. Không nói nhiều, chiều nay thu xếp quần áo về quê. Về đi, mẹ nuôi mày.
- Nhưng nhà mình còn thiếu nợ nhiều, con phải ráng trả hết rồi mới về được.
- Thật ra mẹ đã trả hết từ lâu rồi. Nhưng vì mẹ muốn rèn cho con cách sống tự lập, biết chăm chỉ lao động, biết hiếu thảo nên mẹ mới cho con đi làm xa. Chứ mày nghĩ đi, mẹ già rồi, thui thủi một mình, buồn lắm chớ.
- Mẹ gạt con. Mà con về quê sao mẹ nuôi nổi?
- Có làm thì mới có ăn, con ạ! Mẹ nuôi mày nhưng mày phải quán xuyến mẫu dừa sau nhà giúp mẹ. Mà nói thật chứ tiền mẹ không nhiều nhưng cũng đủ nuôi thêm vợ con mày nữa đấy!
- Muốn con cưới vợ thì mẹ nói thẳng ra đi. Mà ở đâu mẹ có nhiều tiền thế?
- Thì tiền hái dừa mỗi tháng, tiền mẹ gặt lúa thuê, rồi tiền mẹ làm hàng gia công ở nhà mỗi tối… Tằn tiện từng xu mới trả hết món nợ khổng lồ đấy!
- Trời ơi, vậy mà lâu nay con tưởng tiền con gửi về để mẹ dùng ăn uống tẩm bổ, giải trí. Bộ mẹ tính chết hay sao mà làm lắm thế. Tuổi mẹ nghỉ ngơi đi là vừa.
- Mẹ già rồi, ăn xài bao nhiêu. Quanh nhà thứ gì chẳng có, mua chi cho tốn kém. Muốn mẹ nghỉ ngơi thì mày phải về, về ngay. Nợ mẹ trả xong rồi, giờ gia đình mình có khá hơn không là nhờ một tay con lo liệu. Phải biết tiết kiệm, tính toán hợp lý chứ đừng như ba mày hoang phí mà mang cục nợ trên lưng.
- Con biết rồi!
Xong cuộc gọi, Hoàng nhẹ nhõm cả người. Miệng cười tủm tỉm như vừa thoát được tảng đá đè trên lưng bấy lâu nay. Long vỗ vai Hoàng:
- Chúc mừng mày đoàn viên với mẹ. Còn bọn tao, vẫn phải tiếp tục “cày”, biết bao giờ mới trả xong nợ cho nhà… Nhớ, về quê giữ liên lạc nhé.
Nhìn ánh mắt đăm chiêu của Long, Hoàng hiểu bạn mình đang suy nghĩ về phận đời công nhân. Hoàng chẳng giúp được gì ngoài việc cầu mong cho Quân và Long mau chóng trả xong nợ để về sống trong ngôi nhà yêu thương cùng cha mẹ già.
Tin tức khác
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 25 – THÁNG 7 NĂM 2018 (PL. 2562)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 24 – THÁNG 4 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 23 – THÁNG 1 NĂM 2018 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 22 – THÁNG 10 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 21 – THÁNG 7 NĂM 2017 (PL. 2561)
- KÍNH MỜI QUÝ VỊ XEM TỪ QUANG TẬP 20 – THÁNG 4 NĂM 2017 (PL. 2560)
Bình luận bài viết