Thông tin

“VIÊN ĐÁ TẢNG” CỦA PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO

 

THÍCH NỮ VIÊN GIÁC*

 

Có thể nói, dấu ấn đầu tiên trên trang sử chấn hưng của Phật giáo nước nhà, không ai khác là Tổ Khánh Hòa – ngài là “Viên đá tảng” để xây dựng nền móng kiên cố cho phong trào.

Vào những thập niên đầu thế kỷ XX, tình hình thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, có nhiều biến đổi về kinh tế, chính trị, xã hội… trên bình diện rộng. Đặc biệt là mạch sống của Phật giáo có nhiều dấu hiệu suy vong – một đạo Phật thực tiễn, linh động với mục đích giác ngộ và giải thoát con người, bỗng dưng trở thành thứ tôn giáo tiêu cực, thất học, chán đời, mê tín.

Trước tình thế cay nghiệt đó, phong trào chấn hưng Phật giáo được khởi xướng khắp nơi mang tính quốc tế. Tại Ấn Độ có ngài Dharmapala, người Tích Lan1; tại Trung Quốc có ngài Thái Hư Đại sư, cư sĩ Dương Nhân Sơn…, các nước Miến Điện, Tích Lan, Nhật Bản cũng có phong trào chấn hưng Phật giáo. Phong trào này như luồng khí mới cung cấp cho nền Phật giáo cố hữu có thêm sinh khí. Nguyễn Lang nhận xét: “Động cơ của sự phục hưng này không phải chỉ do phong trào Phật học ở Ấn Độ và Trung Hoa mà còn do sự hâm mộ của Tây phương về Phật giáo nữa2.

Riêng ở nước ta, tình trạng Phật giáo đang theo dòng chảy của suy vi: “Đạo Phật ngày càng suy đồi, luật pháp ngày càng hư hỏng, tín đồ ngày càng hèn yếu, coi khác nào như đèn giác lu mờ, như mây phủ nguyệt, như thủy lờ gương?3. Trước viễn cảnh u tối của Phật giáo, Tổ Khánh Hòa luôn trăn trở: “Phật pháp suy đồi, tăng đồ thất học và không đoàn kết4 – điều mà ngài đã nhìn thấu thời cuộc. Theo ngài, để bừng sáng nguồn tâm trong phong trào chấn hưng, không cần đập đổ những cái đang hiện diện, phủ định tất cả mà chỉ cần “hiệu chỉnh” những điểm sai lệch xa rời chánh pháp thông qua ba việc: “Chỉnh đốn Tăng già, kiến lập Phật học đường và diễn dịch, xuất bản kinh sách Việt ngữ5.

Vào thời điểm đó, rải rác các nơi vẫn còn những vị cao tăng duy trì mạng mạch của Phật pháp. Ở trong Nam có thiền sư Từ Phong, thiền sư Khánh Hòa, Chí Thành, Huệ Quang, Khánh Anh, v.v…; miền Trung có thiền sư Tuệ Pháp, Thanh Thái, Phước Huệ, v.v…; miền Bắc có thiền sư Thanh Hanh, Đỗ Văn Hỷ, v.v… Trong giai đoạn đầu chấn hưng của Phật giáo, một số rất ít chùa hưởng ứng, quan tâm như An Phước, Kim Huê (Sa Đec), Liên Trì, Viên Giác (Bến Tre), Long Hưng (Sóc Trăng), Long Phước (Vĩnh Long)6. Khi được hỏi về tình trạng này, ngài cho biết: “Ở đời vàng bạc bao giờ cũng ít, ngói đá lúc nào cũng nhiều. Chúng ta dù ít nhưng cố gắng sẽ thành công. Khó gì bằng lìa bỏ tình yêu cha mẹ vợ con và đời sống cao sang quyền quý, vùi thân trong núi tuyết rừng già mà Đức Bổn Sư ta còn bỏ được và làm được thay!7.

Tổ Khánh Hòa (1877-1947) - một danh tăng kiệt xuất, “viên đá tảng” của phong trào chấn hưng đã nhận ra những u ám đang bao phủ trên bầu trời của miền Nam nước nhà, 19 tuổi xuất gia học đạo, 28 tuổi thăng tòa thuyết giảng. Dù hoàn cảnh khó khăn, thời cuộc biến động, nhưng chí nguyện dấn thân để phục hưng chánh pháp luôn tuôn chảy trong huyết quản của ngài. Ngài phụng đạo nhưng không quên đời, tham gia công việc đời để củng cố đạo. Đời và đạo luôn song vận bên nhau, Hòa thượng kêu gọi người dân ủng hộ cách mạng, vận động tăng ni cách tân nền đạo. Ngài quyết định hiệu chỉnh những sai lệch toàn diện từ hình thức giới luật cho đến nội dung giáo lý, làm cho nền đạo sáng ngời, soi thấu tâm thức chúng sanh, để con người có định hướng, ý chí trong cuộc sống.

Tổ du hành khắp các tổ đình ở Nam kỳ vận động để hình thành nên ý thức hệ cải tổ vững chắc cho công cuộc chấn hưng Phật giáo, kêu gọi sự hợp tác của các bậc tôn túc, liên kết thành thế liên hoàn trên tinh thần hòa hợp-đoàn kết, hội tụ những bậc anh tài đầy đủ tâm lực, trí lực, đạo lực và tài lực… để vạch ra đường hướng cho tương lai Phật giáo nước nhà.

Sau những năm bôn ba để vận động chấn hưng, thành quả đầu tiên là sự ra đời của các hội như: Lục Hòa (1920); Lục Hòa liên hiệp (1923); Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học (1931). Đặc biệt, là tạp chí Từ bi âm (1931), bán Nguyệt san Từ bi âm (1932)8 được chính thức xuất bản.

Song song với việc thành lập các hội và xuất bản tạp chí. Ngài liên kết chặt chẽ được một số vị cao tăng đồng chí, điều này được TT.TS. Thích Đồng Bổn nêu rất rõ: “Phong trào chấn hưng Phật giáo là một tập thể những đồng chí đồng cam cộng khổ, hưởng ứng lời kêu gọi cùng với Ngài thực hiện sứ mạng đi cùng lịch sử Việt Nam, tạo nên phong trào chấn hưng Phật giáo đi đến thành công9.

Sự hiện diện của Tổ Khánh Hòa trong trào lưu này với tư cách là “Viên đá tảng” đã “định vị” cho phong trào chấn hưng khởi động theo hướng tích cực nhất, tạo nên những hiệu ứng thu hút mọi tầm nhìn về sự hiệu chỉnh những suy yếu Phật giáo trong giai đoạn này.

Có thể nói, dấu ấn đầu tiên trên trang sử chấn hưng của Phật giáo nước nhà, không ai khác là Tổ Khánh Hòa – ngài là “Viên đá tảng” để xây dựng nền móng kiên cố cho phong trào, điều này tất cả các nhà nghiên cứu đều ghi nhận:

Trên phương diện đạo pháp, HT.TS.Thích Thanh Nhiễu đã nêu lên tiến trình từ sơ khởi xuất gia tu học của Tổ cho đến nung nấu chí hướng canh tân, bắt tay vào công cuộc vận động, lập kế hoạch, đề ra mục đích, cương lĩnh, tạo động lực, đòn bẩy cho cao trào trong công cuộc chấn hưng với kết luận: “Hòa thượng Khánh Hòa là người có công lớn nhất trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung10.

Theo PGS.TS Trần Hồng Liên trong bài viết ‘Hòa thượng Khánh Hòa và phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ đầu thế kỷ XX11, ngài là người đặt nền móng buổi đầu, khởi xướng cho phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, mặc dù về sau phong trào này phân hoá thành hai xu hướng ôn hòa và bạo động, thế nhưng tầm ảnh hưởng của Tổ vẫn lan rộng và những chủ trương đường lối của ngài vẫn là “xương sống” vững chắc xuyên suốt cho phong trào. Chẳng những thế mà còn là những bài học thiết thực cho sự phát triển vững mạnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay, bài viết của HT.TS. Thích Thiện Nhơn đã khẳng định: từ 5 cương lĩnh của phong trào chấn hưng Phật giáo do Tổ Khánh Hòa khởi xướng và hoạt động 1 thời gian hơn 20 năm tồn tại và 95 năm ảnh hưởng đến ngày nay, qua kinh nghiệm thực tiễn GHPGVN đã gặt hái những thành tựu đáng kể12. Không những thế, sự kế thừa và phát huy đường hướng của Tổ là điểm cần lưu tâm cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam trong hiện tại và tương lai- điều mà các thế hệ hậu lai luôn ghi nhớ.

Đồng với các quan điểm trên, nhà nghiên cứu Vu Gia tán thán công trạng đầu tiên của ngài và nhấn mạnh ngài chính là “Người nhóm lửa13 thông qua đường truyền nhanh nhất bằng một Tập san Phật học được viết bằng chữ Quốc ngữ của dân tộc, với tên gọi Pháp âm. Tập san như tiếng chuông đánh thức về tinh thần dân tộc, sự quật khởi ý chí tự lực, tự cường của tăng sĩ Việt, phải biết “giáo-cơ-thời-quốc” để làm cho ngọn lửa chánh pháp được tỏa rạng và trường tồn.

Có thể nói, Tổ Khánh Hòa - Viên đá tảng tiên quyết cho tiến trình chấn hưng Phật giáo, đáp ứng được nhu cầu cấp thiết đời sống tôn giáo cho xã hội, ổn định về tổ chức Tăng đoàn, hiệu chỉnh lại giá trị bản nguyên của Phật giáo. Từ tư tưởng, đường lối, cương lĩnh… của ngài như tảng đá kiên cố ngự trị xuyên suốt cho cuộc hành trình chấn hưng Phật giáo tại nước nhà. Điểm nhìn mới của phong trào không dừng tại thời điểm ấy, mà ngài đã từng bước khai phá sâu vào các chiến lược chấn hưng trên phương diện rộng trong tinh thần ôn hòa, liên kết giữa các nhân tố con người trên tinh thần dân tộc, đạo pháp để dẫn đến sự thành công bất hữu cho phong trào chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam thời kỳ đó nói riêng, cho Phật giáo hiện tại và tương lai nói chung.

 


* Trung tâm NCPGVN. Viện NCPH Việt Nam.

1. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, I-II-III, Nxb. Văn học Hà Nội, tr. 758.

2. Việt Nam Phật giáo sử luận, sđd, tr. 759.

3. Tạp chí Từ bi âm, Mục đích của Từ Bi Âm, Từ bi âm kỳ thứ nhứt ra 1 Javiever 1932.

4, 5. Chùa Phước Hậu (1968) Tháp Đa Bảo và tiểu sử năm vị Tổ. Chùa Phước Hậu, Trà Ôn, Vĩnh Long ấn hành, tr. 28.

6. Huệ Chí: Nhắc lại phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam, Tạp chí Tự Giác, tập I, 1952, Nam Việt Lục Hòa Tăng xuất bản, tr. 5.

7. Tháp Đa Bảo và tiểu sử năm vị tổ, sđd, tr. 30.

8. Theo tư liệu giảng dạy của giảng viên Nguyễn Đại Đồng tại Học Viện PGVN Tp.HCM năm 2008

9. TT.TS. Thích Đồng Bổn, Phong trào chấn hưng và các đồng chí của ngài Khánh Hòa. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: Hòa thượng Khánh Hòa và phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam, tr. 19-28, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp. HCM, ngày 20/5/2017.

10. HT.TS.Thích Thanh Nhiễu, Hòa Thượng Khánh Hòa-Người tiên phong trong phong trào chấn hưng Phật giáo. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: sđd, tr. 13-18.

11. PGS.TS. Trần Hồng Liên, Hòa thượng Khánh Hòa và phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ đầu thế kỷ XX. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: sđd, tr. 77-84.

12. HT.TS.Thích Thiện Nhơn, Sự ảnh hưởng phong trào chấn hưng PGVN (1920) đến thành lập GHPGVN (2981). Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: sđd, tr. 209.

13. NNC Vu Gia, Người nhóm lửa. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học: sđd, tr. 109-113.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 23
    • Số lượt truy cập : 6061079