Thông tin

VIÊN GIÁC ĐẠI SƯ NGUYỄN KHOA LUẬN VÀ CHÙA BA LA MẬT

VIÊN GIÁC ĐẠI SƯ NGUYỄN KHOA LUẬN
VÀ CHÙA BA LA MẬT

NGUYỄN KHOA ĐIỀM


Tranh chân dung Viên Giác Đại Sư

GIA PHẢ HỌ NGUYỄN KHOA (bản dịch chữ Hán của cụ Nguyễn Khoa Vy) và một số tài liệu, sách vở khác đã có ghi chép trân trọng tiểu sử ngài Nguyễn Khoa Luận (đời thứ 9 họ Nguyễn Khoa), tức Viên Giác Đại sư, người khai sơn chùa Ba La Mật. Tuy nhiên, do hoàn cảnh và yêu cầu soạn thảo khác nhau mà tiểu sử ngài chưa được tường tận, hệ thống. Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu cuộc đời cao cả mà phong phú của Đại sư, tôi xin biên soạn lại tiểu sử, với tinh thần “thuật nhi bất tác” (thuật lại mà không sáng tác thêm) làm rõ thêm chân dung của ngài. Mong bà con trong Họ và người am hiểu góp ý thêm.

Cụ Nguyễn Khoa Luận sinh ngày 2 tháng 7 năm Giáp Ngọ (1834) dưới triều Minh Mạng, mất ngày 27 tháng 6 năm Canh Tý (1900) dưới triều Thành Thái, thọ 66 tuổi.

Cụ có tự là Đàm Trai, biệt hiệu là Văn Tử. Sau ngày đi tu, có đạo hiệu là Viên Giác Đại sư, pháp danh Thanh Chân.

Thân sinh của cụ là ngài Nguyễn Khoa Học, một vị hưu quan đức độ.

Họ Nguyễn Khoa vốn gốc gác làng Trạm Bạc, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương (nay thuộc đất Hải Phòng) nguyên thủy là họ Nguyễn Đình. Vị thủy tổ Nguyễn Đình Thân vào đất Thuận Hóa theo chúa Nguyễn Hoàng năm 1558, lập thân dựng nghiệp ở đây, đến đời thứ ba thì đổi ra họ Nguyễn Khoa. Hết đời này đến đời khác, dòng họ Nguyễn Khoa dốc lòng phò tá chúa Nguyễn rồi vua Nguyễn, nhiều người làm quan to, công lớn.

Cụ Nguyễn Khoa Học thuộc đời thứ 8. Gia phả cho biết cụ ham học từ thơ ấu nên được đặt tên Học. Lớn lên cụ càng tỏ ra hiền lành, mực thước. Cụ được triều đình bổ làm Tri phủ phủ An Nhơn, Bình Định. Trong hoàn cảnh các anh trai đều thành đạt, làm việc xa (cụ Nguyễn Khoa Dục làm Tuần vũ Quảng Yên, Nguyễn Khoa Quyền làm Thông phán Định Tường) nên cụ xin nghỉ để được về quê thị dưỡng mẹ già và lo việc thờ phụng ông bà ở nhà thờ Tây Thượng (về sau là nhà thờ họ Nguyễn Khoa). Cụ hay chữ, thích văn chương, có để lại tập “Hành trạng tự sự văn” với hơn mười bài thơ, một bài Gia huấn, một bài Giới sát sinh để dạy con cháu. Cụ mất vào ngày lễ Vu lan (Rằm tháng Bảy năm 1876) nên con cháu từ trước đến giờ đều dọn cổ chay vào mỗi dịp húy kỵ.

Cụ bà là Đinh thị Lượng, người xã La Châu, Quảng Nam.

Hai cụ có tất cả 11 người con (8 trai, 3 gái). Cụ Nguyễn Khoa Luận là con thứ ba, trai thứ hai. Người chị cả Nguyễn Khoa Thị Bồng và bà em Nguyễn Khoa Thị Ý cùng lấy lẻ ông Kỳ Vỹ Quận công Nguyễn Văn Tường, người An Cư, Quảng Trị, từng giữ chức Phụ chính đại thần, sau biến cố năm 1885 bị Pháp bắt đi đày và mất tại đảo Tahiti.

Là cháu nội của cụ Nguyễn Khoa Minh, đại thần dưới hai triều Gia Long và Minh Mạng, cụ Nguyễn Khoa Luận được tập ấm, vào học Trường Quốc Tử Giám. Cụ nổi tiếng học giỏi. Cụ đỗ cử nhân thứ 16 khoa Tân Dậu, triều Tự Đức thứ 14 (năm 1861).

Cụ lập gia đình với hai chị em cùng cha khác mẹ, thuộc dòng Tôn thất phủ Định Viễn. Đó là bà Công Tôn Nữ Thị Tư và Công Tôn Nữ Thị Xuân. Hai bà sinh được 8 trai, 1 gái. Con cái các cụ đều học hành đỗ đạt, có tên tuổi trong xã hội; riêng người con gái thì gả cho họa sĩ Lê Văn Miến, một người gốc Nghệ An, từng làm Tế tửu Quốc Tử Giám. Năm cụ Nguyễn Khoa Luận quy y (1886) thì bà Công Tôn Nữ Thị Tư cũng đã 47 tuổi. Bà cũng lên chùa Từ Hiếu xin quy y với Hòa thượng Hải Thiệu và được pháp danh Thanh Trất (cùng hàng chữ Thanh với chồng).

Việc cụ Nguyễn Khoa Luận nhận được bằng cử nhân là một vinh hạnh lớn cho gia đình, vì cụ là cử nhân khai khoa cho dòng họ. Tuy nhiên, niềm vui ấy không được dài ngày vì một năm sau đó, năm 1862, thực dân Pháp sau mấy năm thăm dò, đã trắng trợn xâm chiếm ba tỉnh miền Đông Nam bộ, tiếp đó cướp luôn ba tỉnh miền Tây còn lại, đẩy vận nước rơi vào vòng nghiêng ngữa. Từ đó, cuộc đời làm quan của cụ là một chuỗi ám ảnh không nguôi về họa ngoại xâm.

Năm 1863, Tổng đốc Hà - Ninh (ghép Hà Nội - Ninh Bình) là Trần Đình Túc, dòng dõi Trần Đình Ân (được coi là ông tổ ngoại của họ Nguyễn Khoa) biết cụ là người có tài năng, chí khí, đã tiến cử cụ chức Kiểm thảo Bộ Lại, sau đó thăng Biên tu rồi Chủ sự Bộ Lại. Năm 1868, cụ được bổ Tri phủ Thọ Xuân, Thanh Hóa. Được ba năm thì cụ lâm bệnh xin về kinh chạy chữa. Tiếp đó, cụ lại được bổ Viên ngoại Đại lý tự (cơ quan lo việc hình án, trật chánh ngũ phẩm).

Năm 1873, ở Hà Nội xảy ra vụ xung đột giữa quan quân ta với lái buôn Pháp Jean Dupuis đòi mượn đường sông Hồng để chở vũ khí bán qua Trung Hoa diễn ra đến hồi gay gắt. Chính phủ Pháp cử viên quan ba Francis Garnier sang Huế để điều đình. Vua sai Lang trung Bộ Binh Nguyễn Khoa Luận cùng một số quan chức Việt Nam đáp thuyền đưa F. Garnier ra Hà Nội để bàn việc. Xong việc đưa đón, cụ trở lại kinh đô. Nhưng tình hình điều đình ở Hà Nội lại lâm vào bế tắt vì sự ngang ngược của người Pháp. Thực hiện âm mưu đã tính toán trước, F. Garnier lập tức đưa quân chiếm thành Hà Nội. Cha con Thống chế Nguyễn Tri Phương trấn thủ thành Hà Nội bị trọng thương và tử trận, nhưng sau đó, F. Garnier cũng không thoát khỏi cái chết trong trận giao tranh với quân Cờ Đen tại Cầu Giấy (Hà Nội). 

Năm 1874, cụ được bổ làm Án sát Thanh Hóa. Năm 1876, cụ Nguyễn Khoa Học qua đời, cụ trở về Huế để tang cho cha. Hai năm sau đó, cụ liên tiếp được thuyên chuyển từ Bộ Công qua Bộ Lại, cuối cùng đổi ra làm Án sát Quảng Bình. Đây là thời điểm Quảng Bình bị nạn đói và dịch tả hoành hành, nhân dân hết sức khốn khổ. Nhờ tài tháo vát và tận tâm của cụ, dịch bệnh và đói kém bị đẩy lùi, sản xuất được khôi phục.

Năm 1878, cụ Nguyễn Khoa Học được triều đình truy tặng hàm Hàn lâm Thị độc, cụ bà được sanh phong Ngũ phẩm Nghi nhân. Không bao lâu bà mất, cụ lại về kinh thọ tang mẹ. Mãn tang, cụ được bổ làm Bố chánh Quảng Ngãi.

Đây là thời kỳ người Pháp đẩy nhanh chiến tranh xâm lược nước ta, trong tình thế lực lượng quân sự của ta hết sức yếu kém, trang bị thô sơ lạc hậu, vua quan nhút nhát. Cụ dâng sớ xin cử người xuất dương học kỹ thuật và quân sự nước ngoài, mua súng tốt và cải cách quân đội để khôi phục các tỉnh đã mất nhưng không được triều đình chấp nhận. Một số kẻ xấu nhân việc đó nói xấu, chê bai hoài bão của cụ.

Năm 1882, quân Pháp tấn công thành Hà Nội lần thứ hai, Tổng đốc Hà Nội là Hoàng Diệu tuẫn tiết. Lòng đầy khắc khoải ưu tư, trong một dịp viếng chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi), cụ có đề nơi vách chùa câu đối:

Thế giới hạnh hữu thân, khổ hải dục siêu vô vật ngã,

Bình sinh bất thức Phật, từ tâm ngẫu hợp niệm A Di.

Nghĩa là:

Lẽo đẽo nặng thân người, muốn vượt biển trần quên thế sự,

Suốt đời không biết Phật, lòng thành đâu bỗng niệm A Di.

Có người nói có lẽ thiền căn của cụ cũng đã lộ ra từ khi đó vậy. Thực ra, dòng dõi của cụ vốn có truyền thống gắn bó với đạo Phật. Cụ Nguyễn Khoa Chiêm (đời thứ 4) đã lập chùa Bình Trung ở Quảng Trị, cụ Nguyễn Khoa Thuyên (đời thứ 6) lập chùa “Ông Núi” (tức Linh Phong tự) ở Bình Định được mang biển Sắc tứ của triều đình; tiếp đó, cụ Thuyên cũng lập chùa Long Quang ở Vĩnh Long để tu vào những năm cuối đời. Về sau, cụ Nguyễn Khoa Kỳ lập chùa An Lạc ở đất Nội Tán, cụ Nguyễn Khoa Tân từng làm Hội trưởng An Nam Phật học hội ở Huế… Vì vậy, việc cụ Nguyễn Khoa Luận đến với đời sống Phật giáo vừa do hoàn cảnh mà cũng vừa là nếp sống tự nhiên của gia đình.

Năm 1883, cụ được triệu hồi về kinh lãnh chức Thị lang Bộ Binh (trật chánh tam phẩm). Đó là lúc tình cảnh nước nhà ngàn cân treo sợi tóc, triều chính rối ren, tranh chấp phe phái đến hồi kịch liệt. Tháng 6 năm đó, vua Tự Đức băng hà, quân Pháp đổ bộ vào cửa Thuận An lăm le chiếm Huế. Cụ lãnh chức Đổng lý tang nghi, trông coi tang lễ nhà vua. Trong lúc việc tang bối rối đã xảy ra một sự việc hy hữu được sách Đại Nam thực lục chính biên chép lại: “Đổng lý tang nghi là Nguyễn Khoa Luận nhân vì trời mưa, đội nón đi vào dưới thềm cửa Khiêm cung. Trực thần, khoa đạo tâu lên tham hặc, Luận phải giáng (2 cấp) đổi đi nơi khác”. Những người am hiểu tình hình thì cho đây chỉ là thủ đoạn triệt hạ phe cánh, vì cụ Luận vốn được cho là gần gũi với nhóm Trần Tiễn Thành, một trong ba vị Phụ chính đại thần được lập ra sau ngày vua Tự Đức mất. Ngay trước khi xảy ra vụ việc, cụ Luận bị thanh trừng, chính Trần Tiễn Thành cũng đã bị giáng hai cấp và mấy tháng sau thì bị giết tại nhà.

Với chức vụ Biện lý còn lại, cụ Nguyễn Khoa Luận bị đổi ra làm Chánh sứ sơn phòng Cam Lộ, Quảng Trị.

Năm 1884, cụ được bổ về làm Án sát Thanh Hóa. Cụ ngày đêm trông coi việc phòng thủ tỉnh thành nghiêm mật. Một hôm, cụ lên thăm chùa Mật Sơn, trên núi Ngọc Nữ, huyện Đông Sơn và nghỉ lại. Đêm đó, cụ chiêm bao thấy có người đưa cho hai chữ “Vô sanh”. Cụ ngẫm rằng có lẽ Thần Phật nhắc mình phải hy sinh tính mạng cho việc giữ thành chăng? Cụ về sảnh đường ghi lại hai chữ “Vô sanh” trên giấy, dán một bên chỗ ngồi để nhắc nhở trách nhiệm tận trung báo quốc, giữ vững thành trì. Cụ ra sức mộ thêm lính, sắm thêm binh khí. Cụ bảo người dưới quyền lấy tiền trong kho để chi dùng việc quân thì không còn một đồng nào hết. Cụ hỏi thủ kho thì họ khai rằng: “Các quan đều chia chác người nhiều kẻ ít trước khi cụ ra đây”. Cụ tức giận đòi chém viên thủ kho. Nhiều người can ngăn. Cụ truyền lệnh cùm viên thủ kho giam lại, rồi viết sớ dâng triều đình xin xem xét gấp. Theo Đại Nam thực lục chính biên tổng số hao hụt lên đến 99.904 quan tiền và 75.014 hộc thóc gạo. Triều đình thăng cụ từ Án sát lên Bố chính vì có công phát giác vụ việc, giao hiệp sức cùng Ngự sử Vương Duy Trinh để xét án. Kết quả hàng loạt quan chức Thanh Hóa bị trảm quyết, bị giáng chức, thuyên chuyển.

Chính lúc đó, tin Kinh đô thất thủ (đêm 23 tháng 5 năm Ất Dậu, 1885), người Pháp chiếm kinh thành, vua Hàm Nghi xuất bôn, việc hòa nghị kết thúc với Hiệp ước Harmand công nhận quyền cai trị của người Pháp trong cả nước loan ra Thanh Hóa. Cụ thở vắn than dài, phẫn uất, đau xót trước nhục mất nước. Không muốn cúi đầu làm việc cho chính quyền bảo hộ, cụ treo ấn từ quan, bỏ lên chùa Đại Bi, tức chùa Mật Sơn, nằm liệt một tháng trời. Những người chung quanh chê cụ không thức thời, khó tránh chuyện người Pháp làm khó dễ. Biết người Pháp đã cho người do thám mình, cụ men theo đường núi lần về Quảng Ngãi, gần một tháng trời mới đến nơi.

Tại Quảng Ngãi, cụ trở lại chùa Thiên Ấn, tham kiến “Mộc Y Hòa thượng” (Hòa thượng mặc áo lá cây), bày tỏ mong muốn xuất gia đầu Phật. Hòa thượng Mộc Y thấy chưa đến lúc nên khuyên cụ hãy trở về Huế chờ đợi. Nghe lời Hòa thượng, cụ trở về ẩn trong các chùa Thiền Tông, Từ Hiếu, Bảo Quốc…, hằng ngày quét lá ở sân chùa, tối ngủ ở gác chuông.

Được tin cụ đã trở về kinh, triều đình cho triệu vào để sung chức Thị lang Bộ Binh, nhưng cụ giả điên bỏ đi. Để lẩn tránh con mắt dòm ngó của lớp tay sai mới, cụ không mấy khi về nhà mà ẩn mình trong chốn thiền môn, lang thang từ núi này qua núi khác, vui với cảnh lâm tuyền tịch mịch. Một hôm cụ ghé vô chùa Từ Hiếu gặp ngài Hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỷ, cụ mới đem hai chữ “Vô sanh” ngày trước ra hỏi thì được Hòa thượng cắt nghĩa rằng: Trong thế giới tam giáo, Khổng giáo chủ sanh sanh, Đạo giáo chủ trường sanh, Phật giáo chủ vô sanh. Có lẽ Phật khuyên ông quy thiền thì phải hơn. Khi đó, cụ mới tỉnh ngộ mà xuất gia thế phát ở chùa Thiên Hưng, tu trường trai khổ hạnh. Cụ cũng thường vân du các chùa ngoại tỉnh như chùa Non Nước ở Quảng Nam, chùa Thiên Ấn ở Quảng Ngãi, nhất là chùa Thạch Động ở Ba Lò gần Bình Định. Thời ấy, phong trào Cần vương nổi lên khắp nơi, phần tử bất hảo cũng lợi dụng hiếp đáp dân lành, người tốt kẻ xấu lẫn lộn, nhiều hưu quan, cư sĩ bị lớp quan lại mới gièm pha, xúc xiểm để tâng công với triều đình Đồng Khánh bắt bớ, dọa dẫm. Chung quanh cụ luôn có người rình rập, dòm ngó. Một người có thái độ bất hợp tác như cụ rất dễ bị hãm hại bất cứ lúc nào.

Cụ bà Nguyễn Khoa Luận và bà con trong Họ hết sức lo lắng cho cuộc sống bất an, rày đây mai đó của cụ nên
khuyên cụ lập chùa cạnh nhà thờ ông bà mà tu cho chính đính, vả chăng cụ cũng đã thí phát thì việc tu tập ổn định cũng là tấm gương từ bi hỉ xả hằng ngày cho con cháu.

Cụ nghe nói thế mới đồng ý cho bà làm chùa. Gia đình và bà con trong Họ góp tiền xây cho cụ một ngôi chùa nhỏ. Chùa lạc thành năm Bính Tuất (1886) sau một tháng hưng công, lấy tên Ba la mật tự, nghĩa là chùa Đáo bỉ ngạn (Đã đến bờ). Ba chữ ấy có hai nghĩa: Theo kinh Phật, có chữ “khổ hải từ phàm” nghĩa là thuyền từ đi qua bể khổ đã tới bờ. Còn theo quan niệm nhà nho, có chữ “hoạn hải ba đào”, nói lên việc làm quan cũng như thuyền đi ngoài bể hoạn đầy sóng gió nay đã yên ổn cập bến. Cụ là người “bán thế xuất gia”, vì vậy đặt tên chùa Ba la mật, ít nhiều nói lên tâm thế của cụ. Sau khi cụ về chùa, có tu bổ nhà thờ và làm chay đốt áo cho ông bà hai phen ba ngọ.

Tam quan chùa Ba La Mật

Năm Thành Thái thứ 3 (1891), cụ thọ Tỳ kheo giới với Đại lão Hòa thượng Cương Kỷ tại Đại giới đàn chùa Bảo Quốc. Năm 1894, cụ thọ Bồ tát giới, đặc húy Thanh Chân, hiệu là Viên Giác Đại sư. Cũng trong hai năm 1893-1894, cụ bỏ công của trùng tu chùa Thiên Hưng nơi gắn bó với cụ trong ngày đầu tu học.

Ngày nay, khi đến nhà tăng chùa Ba la, khách thập phương có thể nhanh chóng nhận ra một bức ảnh đen trắng phóng to đó là chân dung sư Viên Giác chít khăn ngồi bên cạnh một chú điệu cầm quạt đứng hầu. Chú điệu đó là sư Viên Thành, người đệ tử đầu tiên của cụ. Đó cũng chính là công tử Hoài Trấp, em trai con chú của hai vị phu nhân cụ Nguyễn Khoa Luận. Hai thầy trò mà cũng là hai anh em đem lại cho chùa Ba La một nét thâm tình đặc biệt.

Tuy nhiên, theo Hòa thượng Thích Trí Thủ, một cao đồ của ngài sau này kể lại, thì trong thời gian tu hành, ngài hết sức tinh tấn khổ hạnh, giới luật tinh nghiêm. Ngài xa lánh tất cả những gì mà người đời coi trọng, một lòng cung kính phùng tăng đảnh lễ, ngộ Phật quy y, không phân biệt địa vị sang hèn hơn kém, đặc sắc nhất là hạnh bố thí và phóng sanh. Người ta thường kể rằng nhiều bữa bà bới gạo lên cho ngài, nếu gặp người xin ngài cho hết, không có gì ăn, ngài phải nhổ củ ráy nấu với muối mà ăn. Không ai ăn được cả mà ngài ăn vẫn ngon lành. Ngài nói: “Các người sanh sự, hắn ngứa, mình đừng ngứa thì thôi”. Một hành động nhỏ, một câu nói đơn sơ, có vẻ đùa bỡn, nhưng thật ra đã thấm nhuần một tinh thần vô úy vô ngã của Thiền học không dễ đạt tới.

Ni sư Từ Nhơn, gọi Đại sư bằng cố nội, kể chuyện có một năm tỉnh Thừa Thiên lâm vào cảnh đói kém ngặt nghèo. Chùa Ba La nấu cháo đặt trước cổng chùa. Ni sư còn nhỏ ngồi với người lớn để phát cháo và tiền xu cho người qua đường. Sau này, Ni sư quy y, lập ra chùa Ni giới Tịnh Nghiêm cũng do ảnh hưởng của Đại sư từ tấm bé.

Chùa Ba La ngày nay vẫn giữ truyền thống nấu cơm chay mời khách thập phương trong hai ngày lễ Phật đản hằng năm chính là bắt đầu từ nề nếp của chùa từ ngày ngài có mặt.

Tuy đã già, ngài vẫn luôn luôn tinh tấn dõng mãnh trong sự tu hành, hễ nghe đâu có vị cao tăng thạc đức thì mặc dù xa xôi mấy, ngài cũng băng ngàn vượt núi đi thăm hỏi cho được, thông thường ngài một mình đi bộ, không bới theo lương thực, hễ đi đến đâu khất thực đến đó.

Mỗi khi đi ra đường, gặp người ta đi bán, bất luận thứ sanh vật gì: cá, tôm, chim chóc…, ngài liền mua lại (có khi trong túi không tiền) đem đổ xuống sông hoặc thả cho bay bổng.

Có lần bên bờ sông Bến Ngự sau khi thả cá xuống sông, quần áo ướt hết, ngài cũng không có tiền trả bà bán cá, may có vị phu nhân đi xe kéo ngang qua biết ngài nên trả giúp. Nhiều lần bị người ta bắt đền, không có tiền thì bị xiết cả áo quần, nhưng vẫn không từ bỏ hạnh phóng sanh ấy.

Có một câu chuyện được các đệ tử trong chùa kể lại: Dạo ấy, Đại sư an cư ở chùa Ba La suốt ba tháng mùa hạ, hằng ngày chỉ dùng một bữa trên điện Phật vào lúc trưa. Không biết ai chỉ lối, có một ông lão ăn mày vào xin ăn. Thấy dáng điệu thiểu não, mặt mày hốc hác vì đói rách quá, Đại sư chia hết phần cơm và thức ăn vào đãy cho ông ta. Quen đường, ông lão ăn mày trưa nào cũng vào chùa lấy phần ăn, trong chùa không ai hay biết, Đại sư cũng không nói gì. Gần nửa tháng như thế. Khi thấy Đại sư gầy rộc và hư hao quá rõ, các đệ tử ngạc nhiên để ý và biết rõ nguyên nhân. Đại sư ôn tồn bảo dắt ông lão vào liêu, cho ăn uống, đừng trách cứ gì, tổn hại hạnh nguyện nhà Phật.

Là người đứng đầu một sơn môn, ngài đã trực tiếp dẫn dắt và gây ảnh hưởng to lớn lâu dài với nhiều đệ tử trên đường tu học. Trong đó có ngài Viên Thành, là một vị đệ tử đầu tay, một cao tăng học thức uyên bác đồng thời là một thi nhân nổi danh trong chốn thiền môn và các vị về sau như Hòa thượng Thích Trí Thủ, đệ tử của ngài Viên Thành, đỗ thủ Sa di tại Đại giới đàn Đà Nẵng năm 1928, một bậc cao tăng thạc đức, từng là Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Đức Phương, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa thiên - Huế hiện nay… 

Từ khi xuất gia đến ngày viên tịch, tuyệt nhiên không bao giờ ngài chịu nghe hoặc nói đến việc gia đình. Ngài cũng không hề mượn đường đi ngang qua phố xá. Có việc đi đến các chùa thì ngài đáp thuyền lên Đập Đá rồi nằm võng đi qua các con đường hẻo lánh vùng An Cựu.

Người Pháp không yên tâm về ngài, có lúc cử người quen cũ của ngài đã ra đầu thú xuống chùa để thăm dò. Ngài chỉ ngồi im lặng, tay lần tràng hạt, miệng lâm râm niệm Phật.

Một lần cụ Nguyễn Thượng Hiền, bạn cũ đến thăm ngài tại chùa, sau đó có làm một bài thơ tặng. Bài thơ có tên “Tặng Ba la mật tự Viên Giác thượng nhân” (Tặng nhà sư Viên Giác ở chùa Ba la mật). Để mọi người hiểu về Đại sư, Nguyễn Thượng Hiền có viết một Tiểu dẫn trước bài thơ:

“Ông Nguyễn Khoa Luận, người Nam Phổ, tỉnh Thừa Thiên, làm Bố chánh tỉnh Thanh Hóa, gặp biến năm Ất Dậu (1885) ông muốn đem quân đánh giặc, bị bạn đồng liêu ngăn lại, ông bỏ quan về làng, ẩn ở cửa thiền, hơn mười năm không ra đến thành thị. Anh em bạn tới thăm, suốt ngày ông không nói một tiếng, chỉ có tôi (tác giả) đến thăm thì cùng nhau đối diện than khóc đau xót”.

Sau đây là nội dung bài thơ:

Ngẫu lai tầm cổ tự,

Tán phát bộ yên la.

Danh sĩ mỗi như thử,

Giang sơn tương nại hà?

Vấn thiên nghi đỗng khốc,

Tịch địa nhất trường ca.

Nghỉ bả phiền khâm địch

Dương chi lộ vị đa.

(Nam chi tập)

Dịch:

Bỗng dạo tìm chùa cổ,

Xả tóc len khóm lau.

Danh sĩ đều như thế,

Giang sơn sẽ ra sao?

Hỏi trời khóc nức nở,

Ngồi đất hát nghêu ngao.

Muốn rửa sạch phiền não,

Cành dương nước chửa bao.

(Lê Thước, Vũ Đình Liên dịch)

Trong di chúc để lại trước khi mất, ngài cũng dặn đưa linh cửu ngài ra ngả sau của thành phố. Mặc dù con cái ngài rất đông, nhiều người làm quan to trong triều, được xã hội trọng vọng, nhưng ngài vẫn dặn lại mọi người để sư Viên Thành, chỉ bằng nửa tuổi người con cả của ngài, ở vị trí trưởng nam lo việc tống táng cho ngài. Một năm sau, 1901, trong Đại giới đàn Phú Yên, sư Viên Thành đậu thủ Sa di như ứng với niềm tin tưởng của Đại sư Viên Giác.

Trong thời gian hơn mười năm ngài ở chùa, gia đình ngài cũng có nhiều điều vui mừng. Ba người con trai ngài liên tiếp đỗ cử nhân hai khoa Tân Mão (1891) và Giáp Ngọ (1894), đó là các ông Nguyễn Khoa Lượng, Nguyễn Khoa Đạm, Nguyễn Khoa Tân. Sau ngày ngài qua đời, người con trai thứ tư là Nguyễn Khoa Trạm cũng đỗ cử nhân năm Bính Ngọ (1906). Mấy người con trai khác: Nguyễn Khoa Tùng, Nguyễn Khoa Đông đều đỗ tú tài.

Ngày 27 tháng 6 năm Canh Tý (1900), Viên Giác Đại sư viên tịch tại chùa trong niềm thương tiếc vô hạn của tăng đồ và gia quyến. Tính lại, ngài có 22 năm trên đường hoạn lộ và 14 năm theo đường Phật pháp. Ngài là Tổ thứ 41 dòng Lâm Tế chính tông, đời thứ 7 Thiền phái Liễu Quán. Chùa Ba la mật cũng trở thành một sơn môn tên tuổi trong chốn cửa thiền.

Trước lúc về cõi Không, Đại sư dặn dò công việc với đệ tử, trao trách nhiệm kế thế cho đại đệ tử Viên Thành và có để lại bài kệ:

Tào Khê nhất phái thủy Đông lưu,

Bình bát chân truyền bất ký thu.

Giáo ngoại bản lai vô biệt sự,

Viên Thành tâm pháp ấn tiền tu.

Dịch:

Khe Tào nước chảy về Đông,

Bát bình nối dõi lâu không nhớ ngày.

Trăng Thiền nào khác xưa nay,

Viên Thành ấn chứng đã dày công tu.

(Hòa thượng Thích Trí Thủ dịch)

Đám tang ngài rất trọng thể, cả chư sơn và bổn đạo mấy trăm người đi đưa cho đến đất Nội Tán, dưới chân núi Ngũ Phong, vốn là nghĩa trang nhiều đời của dòng họ.

Trên mộ cụ có một câu đối đáng nhớ:

Tâm truyền nhất minh nguyệt,

Cốt táng vạn mai hoa.

Dịch:

Lòng gửi cho trăng sáng,

Xương chôn dưới rừng mai.

Năm 1923, Hòa thượng Viên Thành đã chọn một cuộc đất dưới chân núi Ngũ Phong, bên một con suối nhỏ gần tháp mộ ngài lập ra chùa Tra Am và tu ở đó cho đến ngày cuối đời. Tại tháp của Đại sư hằng ngày có thể nghe thấy tiếng chuông, tiếng mõ và tiếng đọc kinh của hàng tử tôn vang lên trong rừng vắng sớm chiều.

Trong gian thờ Tổ tại chùa Ba La hiện có thiết trí một bức chân dung của ngài để phụng thờ. Đó là tác phẩm mỹ thuật bằng phấn màu do người con rể là họa sĩ Lê Văn Miến từng học Trường Mỹ thuật Paris vẽ. Đây là bức tranh đặc sắc, được sáng tác vào hàng sớm nhất của hội họa Việt Nam hiện đại.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 86
    • Số lượt truy cập : 6367901