Thông tin

VÔ TRÚ XỨ NIẾT BÀN

VÔ TRÚ XỨ NIẾT BÀN

TRẦN HƠN

 

Đạo Phật là đạo diệt khổ để an vui. Vui cũng có nhiều loại vui: Vui gia đình, vui bầu bạn, vui xã hội… lại có cảnh vui do sự ly thân cắt ái để tìm một cảnh giới tĩnh tịch. Vì vậy mới có người tu tại gia, có kẻ xuất gia. Cái vui của kẻ tại gia là cái vui của thế tục, cái vui của người xuất gia là cái vui tìm trong sự diệt dục, cái vui vĩnh viễn, và nhờ sự dập tắt dục vọng chứng Niết bàn.

Niết bàn chia ra làm Hữu dư và Vô dư Niết bàn chỉ một trạng thái vắng lặng của hành giả còn tại thế và sinh hoạt một đời sống hiện thực. Vô dư Niết bàn chỉ cho trạng thái tĩnh tịch sau khi lìa trần và an trú vĩnh viễn nơi đấy. Đắc hữu dư hay đắc vô dư Niết bàn chỉ cho quả vị hàng Tứ thánh bên Tiểu Thừa. Chỉ có quả vị A la hán mới thoát vòng sinh tử luân hồi an trú vĩnh viễn Niết bàn không còn hệ lụy với chúng sinh. Do đó, Thinh văn thừa mới chỉ có phá được chấp ngã nhưng còn chấp sinh diệt pháp. Vì có Hữu dư Niết bàn nên có Vô dư Niết bàn. Khi còn hữu dư Niết bàn thì còn hoạt động tư lợi, còn trôi lăn trong vòng sinh tử, còn nghiệp nhân, trái lại khi đắc vô dư Niết bàn thì đình chỉ mọi hoạt động hiện thực, vui thú trong cảnh an lạc.

Để dung hòa 2 quan niệm Hữu dư, Vô dư Niết bàn, Đại thừa Phật giáo nảy ra tư tưởng VÔ TRÚ XỨ NIẾT Bàn hay BẤT TRÚ NIẾT Bàn. Niết bàn này chỉ dành cho hàng Bồ tát.

Bồ tát trên cầu vô thượng đạo, dưới cứu độ chúng sinh, tức Bồ tát đạo lấy sinh hoạt hiện thực tại gia làm nền tảng, bên ngoài thích ứng với thiên nhiên, bên trong lo tu hành giải thoát.

Bồ tát đạo chấp nhận sinh hoạt xã hội, đề cao giá trị nhân sinh và vẫn thể nghiệm được đạo xuất gia, vì Bồ tát nhập thế sự nhưng không bận tâm đến thế sự, lạc quan yêu đời, tự chủ cuộc sống, ngoại cảnh không chi phối được nội tâm.

Bồ tát nhìn thẳng đệ nhứt khổ đế, khắc phục khổ đau, lấy khổ làm cơ duyên, độ chúng sinh đồng tiến tới. Cuộc đời Bồ tát trở nên hứng thú và giá trị đạo đức vượt khổ được nâng cao.

Hữu dư, Vô dư Niết bàn không hàm chứa bản chất cứu độ, đó là Niết bàn chưa chân thật vì chỉ có giá trị cho cá nhân, thiếu tính cách xã hội, chỉ có tư lợi mà thiếu hẳn lợi tha.

Lý tưởng Bồ tát là thực hiện sinh mệnh vĩnh viễn trong sự tồn tại để vừa chấp nhận đệ nhứt và đệ nhị khổ đế (Khổ, Tập đế), đồng thời xây dựng Niết bàn trên diệt đế và đạo đế.

Bồ tát vẫn lấy Niết bàn làm ý tưởng, nhưng vì đại nguyện cứu độ chúng sanh, nên chỉ đến trước ngưỡng cửa Niết bàn mà không chịu nhập Niết bàn, vì vậy mới gọi Niết bàn của Bồ tát là VÔ TRÚ XỨ NIẾT Bàn hay là BẤT TRÚ NIẾT Bàn.

VÔ TRÚ XỨ NIẾT Bàn dung hòa hai tư tưởng LUÂN HỒI và GIẢI THOÁT. Bồ tát Quán Thế Âm vẫn luân hồi mà giải thoát. Trong trường hợp gặp khổ nạn, ai niệm danh Quán Thế Âm thì tức thời được Quán Thế Âm cứu thoát. Quán Thế Âm tuy sống trong sự luân hồi vì đại thệ, không phải vì nghiệp lực chi phối mà trở lại hiện thực giới. Bồ tát tuy lấy giải thoát làm lý tưởng nhưng không phải tìm sự giải thoát trong Vô dư hay Hữu dư Niết bàn, mà sự giải thoát nằm trong sự hoạt động vĩnh viễn. Đó là hạnh nguyện của Bồ tát.

Bồ tát hướng thượng mong cầu vô thượng Bồ đề, hướng hạ tế độ chúng sinh. Bồ tát mong cầu, mong cầu rồi lại vượt cái mong cầu để hướng hạ tức Bồ tát không còn mong cầu mang tâm trạng vô sở hữu, vô sở đắc, không xa đời mà lại nhập phiền não, thực hiện Phật tính bình đẳng, không còn phân biệt thượng hạ, xuất gia, tại gia.

Chính đó là lòng Từ bi vô hạn, thực hiện khả năng tính của mình, của người một cách bình đẳng hầu khai triển VÔ TRÚ XỨ NIẾT Bàn, đắc nhứt thiết trí(1).

Nói tóm lại BẤT TRÚ NIẾT Bàn là cái tưởng Niết bàn vĩnh viễn và hoạt động vĩnh viễn.

Nhờ lòng Từ bi với bình đẳng tánh trí, Bồ tát thị hiện ra thiên hình vạn trạng để độ sinh và cũng do lòng Từ bi đã giữ Bồ tát không nhập Niết bàn. Đối với Bồ tát toàn thể vũ trụ là Từ bi mà một danh hiệu khác là Chân không (sunyata).

Do đây phát khởi tư tưởng Chân không Diệu hữu và thuyết Như Lai tạng trong triết học Đại thừa. Chính do tư tưởng này mà Ngài Long Thọ chứng minh dòng trôi chảy của vũ trụ không thật, nếu không thật thì cái ý thức tri giác cũng không thật và sự luân hồi vô thỉ vô chung cũng không thật. Nếu cái thế giới vô thường không thật thì cái đối lập của nó cũng không thật nổi. Kết luận không có chỉ khác biệt giữa sinh tử luân hồi với Niết bàn tĩnh mịch. Chính vì luận thuyết này mới sinh ra câu: SINH TỬ tức NIẾT Bàn, PHIỀN NÃO tức BỒ ĐỀ, NHỨT THIẾT THẾ GIAN PHÁP tức PHẬT PHÁP.

Bồ tát thiết lập VÔ TRÚ XỨ NIẾT Bàn hay BẤT TRÚ NIẾT Bàn “tuy lấy bình đẳng giới làm lý tưởng tối hậu, nhưng không trụ vào bình đẳng giới lại trụ ở sai biệt giới để cùng chúng sinh tiến tới, phá sự tồn tại ở địa vị hạ đẳng để tiến tới sự tồn tại ở địa vị cao đẳng và chính đối với quá trình đó mà mệnh danh là BẤT TRÚ NIẾT Bàn”.

(Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Thích Quảng Độ dịch)

Vì vậy sự thực hiện Vô trú xứ Niết bàn hay Bất trú Niết bàn không chỉ dành riêng cho hàng Bồ tát xuất gia mà gồm cả Bồ tát tại gia.

Trích Tạp chí Từ Quang năm thứ XX – Số 223-224 Tháng 3 và 4 năm 1971 ( P.L. 2.514)

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 54
    • Số lượt truy cập : 6345910