Thông tin

XÁ-LỢI-PHẤT VÀ DUY-MA-CẬT

 

ĐỖ HỒNG NGỌC

 

 

 

Hôm đó, ở thành Tỳ-da-ly, Duy-ma-cật tiếp Bảo Tích và năm trăm vị vương tôn công tử, thiếu gia con nhà viên ngoại, là những “Bồ-tát tại gia” tương lai, đối tượng đích của buổi “huấn luyện đặc biệt” tại cái thất trống trơn của ông, có mặt Xá-lợi-phất, đệ tử trí tuệ bậc nhất của Phật và có cả Bồ tát Văn Thù cùng một số lớn các vị đại đệ tử khác.

Lúc bấy giờ, Xá-lợi-phất thấy trong thất của Duy-ma-cật trống huơ trống hoắc không có giường ghế chi cả, liền đặt câu hỏi:

“Chư vị Bồ tát và các đại đệ tử này rồi sẽ ngồi ở đâu?”

Ai nấy chưng hửng. Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi và Duy-ma-cật đang thuyết giảng về con đường tu tập: “Bồ-tát phải có nội lực (trí huệ), phải có chiêu thức (phương tiện), biết dùng “sức phương tiện”. Rồi nào Vô sở trụ, Vô sở đắc… rồi nào sống trong  thực tướng vô tướng mà vẫn thấy chân không diệu hữu… nào chuyện lớn như bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bố thí, trì giới, nhẫn nhục… thì một vị đại đệ tử trí tuệ bậc nhất của đức Phật đặt một câu hỏi trớt quớt, tầm thường vậy sao? 

Nhưng không. “ Rồi sẽ ngồi ở đâu?”, rõ ràng là một vấn đề mấu chốt của buổi huấn luyện nhằm đào tạo các vị Bồ-tát tương lai này. “Rồi sẽ ngồi đâu?” phải đặt ra để xác định vai trò, vị trí, nhiệm vụ của một Bồ tát tại gia cũng như các đại đệ tử muốn đi vào con đường Bồ tát đạo.

Từ đó, một câu hỏi tiếp theo sẽ là họ có đủ sức “ngồi” chưa? Họ có lòng đại bi, không “ái kiến” chưa? Có nhu hòa nhẫn nhục chưa? Có thấy biết và sống với “nhất thiết Không” chưa?

Nhiệm vụ trước hết của một vị Bồ-tát có lẽ phải là một vị Pháp sư chân chánh, truyền bá được giáo pháp của Phật để “thành tựu chúng sanh”. Những lời dạy của Phật trong kinh sách không chỉ để “thọ trì, đọc tụng” mà còn phải “biên chép, giảng nói”. Phải hiểu rõ ẩn nghĩa từng câu từng chữ trong kinh, phải biết diễn giải tùy tình huống, tùy đối tượng. Phật “khai thị”, nhưng chúng sanh phải tự mình “ngộ nhập” mới xong. Không chỉ vậy, không chỉ thuyết giảng bằng lời mà còn phải là một tấm gương “tự chứng, tự nội” của một thiền giả.

Để có thể làm một Pháp sư chân chánh thì phải đáp ứng 3 điều kiện: “Vào nhà Như Lai; Mặc áo Như Lai; Ngồi tòa Như Lai. Vào nhà Như Lai là có lòng từ bi rộng lớn, thấy chúng sanh đều như cùng “chung một mái nhà”; mặc áo Như Lai là có đức nhu hòa nhẫn nhục; và quan trọng nhất là thấu triệt tánh Không, duyên sinh, vô ngã, thực tướng vô tướng…

Duy-ma-cật liền quay sang hỏi Bồ-tát Văn-thù: “Nhân giả  có biết cõi Phật nào có những tòa sư tử đủ các công đức, đẹp đẽ cao trọng, mầu nhiệm hơn hết?”, dĩ nhiên là để mượn về làm chỗ ngồi cho các vị.

Tòa sư tử đủ các công đức, đẹp đẽ cao trọng, mầu nhiệm hơn hết” ư? Phải, tòa sư tử chính là nơi chư Phật, chư Bồ-tát ngồi thuyết pháp. Lời thuyết pháp như sư tử hống, như tiếng rống của sư tử. Trên thực tế, “tòa sư tử” đó có khi chỉ là một vệ cỏ, một gốc cây, một tọa cụ đơn sơ… nhưng nó đã trở thành “tòa sư tử” bởi chính vị Pháp sư chân chánh ngồi thuyết pháp trên đó.

Văn-thù đáp: “Cư sĩ, từ đây đi về phương đông, vượt qua số cõi nước nhiều như số cát ba mươi sáu sông Hằng, có một thế giới tên là Tu-di Tướng. Đức Phật cõi ấy hiện nay hiệu là Tu-di Đăng Vương, thân cao đến tám mươi bốn ngàn do-tuần. Tòa sư tử của ngài cũng cao đến tám mươi bốn ngàn do-tuần, nghiêm sức bậc nhất”.

Tức khắc, ba mươi hai ngàn tòa sư tử cao rộng nghiêm tịnh cao đến tám mươi bốn ngàn do-tuần đó bay vèo đến thất của Duy-ma-cật mà không hề gây chướng ngại chi cả, bốn cõi thiên hạ cũng không có sự dồn ép chật chội, vẫn y nguyên như cũ…

Duy-ma-cật bảo Xá-lợi-phất: “Thỉnh ngài lên ngồi tòa sư tử”.

Xá-lợi-phất đáp: “Cư sĩ! Tòa ấy cao rộng quá, tôi không thể lên ngồi”.

Duy-ma-cật nói: “Thưa ngài Xá-lợi-phất! Ngài hãy lễ bái đức Như Lai Tu-di Đăng Vương, rồi sẽ ngồi được thôi!”.

Lúc ấy, những vị Bồ tát mới phát tâm cùng các đại đệ tử liền “lễ bái” đức Như Lai Tu-di Đăng Vương. Các vị liền được ngồi lên các tòa sư tử.

 “Lễ bái” là thực hành, là rèn luyện để có trí huệ sáng suốt, rộng lớn (Tu di Đăng Vương), để thấy biết, để sống trong Như Lai thì mới có thể lên tòa sư tử đó mà ngồi để thuyết pháp, để làm một Pháp sư chân chánh.

Bấy giờ đã gần giờ ngọ, Xá-lợi-phất lại hỏi: “Sắp đến giờ thọ thực rồi. Các vị Bồ-tát này sẽ ăn thức gì đây?”.

Nữa. Vừa mới đòi hỏi chỗ ngồi, giờ đến đòi hỏi chuyện ăn. Cứ đến lúc mọi người đang bay bổng trên chín từng mây với những lý luận cao vời thì Xá-lợi-phất lại kéo ngay xuống mặt đất! 

Ăn không phải là chuyện hệ trọng sao? Đức Phật tới giờ ăn mà còn phải khoác y, trì bát vào thành khất thực, mang về đạo tràng ăn uống xong xuôi đâu đó rồi mới rửa chân lên ngồi… nhập định trước khi thuyết giảng Kim Cang Bát Nhã đó sao?

Dĩ nhiên, Xá-lợi-phất hỏi “các vị Bồ tát này sẽ ăn thức gì đây” mang một ý nghĩa khác: các vị Bồ tát tại gia tương lai này sẽ được nuôi dưỡng bằng “thức ăn”gì đây để có thể trưởng thưởng tâm Bồ đề mà thực hiện tốt các hoạt động của một vị Bồ-tát chân chánh nhằm “thành tựu chúng sanh”?

Duy-ma-cật lên tiếng: “Xin đợi cho giây lát, tôi sẽ khiến quý vị được thứ thức ăn chưa từng có”.

Thứ thức ăn chưa từng có ư? Với các vị vương tôn công tử, thiếu gia, con nhà trưởng giả này thì cao lương mỹ vị có gì là lạ, tổ yến hồng sâm, nem công chả phượng có gì là lạ.

Họ háo hức chờ đợi Duy-ma-cật mang lại thứ thức ăn “chưa từng có” là gì đây!

Thì ra… Duy-ma-cật mang đến một mùi hương! Một mùi hương thơm. Thứ “thức ăn” xin được từ cõi Chúng Hương của Phật Hương Tích!

Duy-ma-cật liền nhập vào Tam-muội, dùng sức thần thông khiến cho đại chúng nhìn thấy về hướng trên, cách đây nhiều cõi Phật liên tiếp nhau như số cát của bốn mươi hai con sông Hằng, có một cõi nước tên là Chúng Hương, hiện có đức Phật hiệu là Hương Tích ngự tại đó...

Phật dạy có bốn loại thức ăn để nuôi dưỡng thân và tâm. Đoàn thực, Xúc thực, Tư niệm thực, Thức thực. Đoàn thực là thứ thức ăn để nuôi thân được nói trước tiên. Không có thân sao có tâm? Không có sắc sao có thọ tưởng hành thức? Tứ đại ngũ uẩn quan trọng quá chứ! Thân là một “ bảo tháp” để tâm quay về nương tựa! Nhìn 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của Phật mà coi, chắc chắn khác hẳn cái thời lang thang khổ hạnh, suýt chết, tâm thần lãng đãng, thân thể chỉ còn da bọc xương, sờ tay vào bụng thì đụng phải cột sống! Nhờ một chén sữa mà tỉnh giấc dưới cội Bồ đề. Từ đó, Thành đạo. Từ đó, Chuyển pháp luân. Nhưng suốt đời Phật, ba y một bát, tiết độ, kham nhẫn, tri túc. Ngày nay, người ta dễ chạy theo lợi dưỡng, món ngon vật lạ, để rồi béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch, gút… khổ thân!

Mỗi khi gặp một vị Phật, sau khi cung kính đảnh lễ, thì câu chào hỏi đầu tiên bao giờ cũng là: “Việc ăn uống thức ngủ của Ngài ra sao? Ngài ít bệnh ít não chăng? Khí lực được an ổn chăng?”, nghĩa là luôn luôn thăm hỏi một vị Phật, một vị Như Lai về những nhu cầu tồn tại của cuộc sống (physical needs): Ăn, uống, ngủ, nghỉ, bệnh đau, phiền não, hít thở…

Còn xúc thực, tư niệm thực… ngày nay mới thật đáng ngại. Sách báo, phim ảnh, truyền hình, công nghệ thông tin ngày càng phát triển càng mang đến những nguy cơ cao về đời sống tinh thần của con người. Dĩ nhiên, không phải lỗi tại sự tiến bộ của khoa học.

Trở lại với thứ thức ăn chưa từng có của Duy-ma-cật mang về là một mùi hương! Một thứ hương thơm đủ để nuôi cả thân và tâm bất tận. Đó chính là Giới đức. Thứ hương thơm có thể bay cao, bay xa, bay ngược chiều gió!

Hương thơm giới đức không thể có trong một ngày một buổi. Phải được huân tập lâu ngày chày tháng. Giới từ luật nghi mà có nhưng giới cũng từ định, từ huệ. Hương thơm đó phải tích lũy từ từ mới đầy dần lên, mới sung mãn, tràn trề...

Cho nên Phật Hương Tích xuất hiện. Các vị Phật thật dễ thương. Lúc nào cũng sẵn sàng xuất hiện khi có ai đó cần đến! Đức Phật Hương Tích lấy cái bát ở cõi Chúng Hương, đơm đầy cơm thơm, trao cho vị hóa Bồ tát mang về cho Duy-ma-cật làm “Phật sự”. Phải đích thân Phật Hương Tích san sẻ món “cơm thơm” đó trao cho vị hóa Bồ-tát. Một pháp thí.

 Duy-ma-cật mời: “Các nhân giả, hãy dùng món cơm cam-lộ của Như Lai, do lòng đại bi hun đúc mà thành”. Thứ “thức ăn chưa từng có” đó không sợ thiếu, luôn đủ cho tất cả mọi người, vì đó là một thứ “vô tận hương”…

Rõ ràng Xá-lợi-phất và Duy-ma-cật đã dựng nên một màn sắm vai (role playing) “tung hứng” làm cho buổi giảng trở nên hào hứng và sinh động…

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 13
    • Số lượt truy cập : 6059452