Thông tin

XIN ĐI TỪ THỜI THƠ ẤU...

XIN ĐI TỪ THỜI THƠ ẤU...

 

NGUYÊN CẨN

 

 

 

Lời người viết:

Quỹ Ấn tống Hoa Sen đã cho ra mắt quyển 2 “Những mẫu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi” do tác giả Đức Kiên Phạm Quốc Trung biên soạn. Đây là một việc làm thiết thực và có ý nghĩa rất lớn không chỉ trong việc “đem đến cho các em thiếu nhi và phụ huynh những giờ phút thư giãn bổ ích và thú  vị” như tác giả khiêm tốn nêu lên mà còn có giá trị trong việc giáo dục đạo đức cho các em trên nền tảng Phật pháp, nuôi dưỡng tâm hồn hướng thượng. Trong tinh thần đó, tác giả thấy rằng cần phải đánh giá lại vấn đề giáo dục đạo đức theo những góc nhìn mới của thời  đại, để nhận thức đúng hơn về phương pháp và chiến lược xây dựng con người mà chúng ta cũng như  những nhà quản lý, lãnh đạo giáo dục phải kiến thiết  trước khi quá muộn!

Chân dung tuổi trẻ hôm nay

Hầu hết các nhà nghiên cứu giáo dục khi nhận định về tuổi trẻ hôm nay đều cho rằng họ đang có những thuận lợi lớn vì được sống trong thời đại có nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật, sự phát triển vượt bậc của internet, và những tiến bộ y học, sinh học, v.v… Nhưng phải thấy rằng họ cũng chịu những áp lực của xã hội hiện đại: Nhịp sống nhanh, stress, và nhất là khi  nhu cầu vật chất đóng  vai trò chi phối những suy nghĩ của giới trẻ trong việc định hướng công việc, xây dựng những giá trị sống trên tư duy thực dụng. Họ thần tượng giới show biz, mù quáng bắt chước những trào lưu thời trang hay âm nhạc ồn ào “thiếu nội tâm”, và vì say mê công nghệ mới, họ đánh mất mình trong thế giới ảo thành những “con nghiện” game, gần nhất là phong trào đi tìm Pokemon gây náo động phố xá, công sở. Họ thiếu kỹ năng ứng xử, giao tiếp, sẵn sàng sử dụng bạo lực khi xảy ra đôi co, tranh chấp. Để có cái nhìn khách quan, chúng ta hãy thử đọc lại một bản nghiên cứu cách đây 6 năm - 2010 (Tình hình hiện nay có thể còn trầm trọng hơn chứ chúng tôi chưa thấy dấu hiệu cải thiện). Đó là Bản Nghiên Cứu SAVY - SAVY là tên viết tắt tiếng Anh (Survey Assessment of Vietnamese Youth) của Ủy ban Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam. Cuộc điều tra SAVY 2 được thực hiện  trên phạm vi toàn quốc trong nhóm vị thành niên và thanh niên từ 14 đến 25 tuổi, tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước với 10.044 thanh thiếu niên (nam 51% và nữ 49%) tham gia. Các đối tượng được phỏng vấn là những người đã hoặc chưa kết hôn; học sinh hoặc đang đi học hoặc những người đã đi làm; ở thành thị hoặc nông thôn, kể cả vị thành niên và thanh niên dân tộc thiểu số. Khi tìm hiểu về “sự buồn chán và dồn nén” của giới trẻ, TS. Nguyễn Mạnh Lợi, một trong số các tác giả của công trình này cho biết, có đến 4,1% các bạn trẻ được hỏi đã từng nghĩ đến chuyện tự tử. Trong số những người nghĩ đến giải pháp tồi tệ này thì tỷ lệ nữ giới cao hơn, chiếm hơn 2 lần so với nam giới. Trong tổng số những người nghĩ đến chuyện tự tử thì có đến 25% bạn trẻ đã từng tìm cách để kết thúc cuộc sống của mình. Tỷ lệ này cao hơn gấp đôi so với 5 năm trước, trong nghiên cứu SAVY 1. Cuộc điều tra còn chỉ ra rằng: 73% số người được hỏi khẳng định đã trải qua cảm giác buồn chán, 26,7% người trẻ đã rơi vào trạng thái rất buồn hoặc thấy mình là người không có ích đến nỗi không muốn hoạt động như bình thường. Tỷ lệ số người được hỏi hoàn toàn thất vọng về tương lai là 21,3 %. Những nhà nghiên cứu đã so sánh với cuộc điều tra cách đây 5 năm nhận thấy mức độ và số lượng người trẻ buồn chán đã tăng lên. Một điều đặc biệt nữa ở cuộc điều tra này, theo TS. Nguyễn Mạnh Lợi cảm giác buồn chán ở mỗi nhóm tuổi rất khác nhau, trong đó nhóm tuổi từ 18 – 21 (nghĩa là trong khoảng thời gian từ năm thứ nhất đến năm thứ ba đại học) có số lượng đông nhất các trường hợp rơi vào trạng thái rất buồn, cảm giác mình không có ích, không muốn hoạt động bình thường. Nhóm độ tuổi này cũng là nhóm hay nghĩ đến chuyện tự tử nhiều hơn.

 Một nghiên cứu khác về sức khỏe tâm thần ở 6.189 học sinh ở các trường trung học, đại học tại Hà Nội, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ do GS. Michael Dunne, Đại học Công nghệ Queensland (Australia) cho thấy cứ 7 thanh niên Việt Nam có 1 người trầm cảm. Theo nghiên cứu của GS. Michael Dunne và cộng sự trong 5 năm qua, cứ 6 hoặc 7 người trẻ tuổi được phỏng vấn thì một người cho rằng họ cảm thấy buồn, thất vọng, không có giá trị so với người khác. Họ khóc, ngủ không yên và ăn không ngon. Ở độ tuổi 13-24, các trường hợp trầm cảm ở TP. Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đó là Hà Nội và Cần Thơ. Đó là các thông tin được công bố trên báo Dân Trí.

Vì đâu nên nỗi?

Có nhiều nguyên nhân được đưa ra: Chương trình học nặng nề, trọng thành tích, thiếu sáng tạo, thiếu hấp dẫn. Áp lực từ cha mẹ, thầy cô và xã hội: Tất cả phải vào đời qua cửa ngõ đại học. Một số em theo không kịp đòi hỏi của chương trình, hay theo kịp nhưng không hứng thú! Và có thể  là những nguyên nhân vừa nêu phần trên: mê thế giới ảo, mất thói quen giao tiếp, hàn huyên, chìm đắm trong thú vui công nghệ. Trong khi thực tế lại đáng buồn: thất nghiệp, việc làm sau khi ra trường không phù hợp… Chúng ta thấy con số 26,7% người trẻ đã rơi vào trạng thái rất buồn hoặc thấy mình là người không có ích đến nỗi không muốn hoạt động như bình thường là một con số không bình thường, nếu không muốn nói là đáng báo động! Chưa kể  21,3% số người được hỏi hoàn toàn thất vọng về tương lai. Các chuyên gia cho biết lứa tuổi vị thành niên có những thay đổi sâu sắc trong các mối quan hệ xã hội lẫn tính cách, suy nghĩ, nên dễ bị tác động. Đầu năm học này, các  báo đã đăng tin có em vì không có áo mới đi học đã tự sát; có em bị cô giáo xúc phạm cũng tìm đến cái chết… Rất nhiều lý do nghe vụn vặt nhưng các em lại không tìm ra lối thoát. Chúng ta phải đặt lại vai trò người thầy và cha mẹ? Vì có đến 30,9% học sinh và sinh viên được hỏi cho biết có buồn chán vì giáo viên đối xử không công bằng. 1.181 người cho rằng chương trình học hiện nay là quá tải. 23% nhóm này rơi vào cảm giác buồn chán, thất vọng. Trong phân tích
của mình, TS. Nguyễn Mạnh Lợi cho rằng những người trẻ gắn kết với gia đình sẽ ít rơi vào nhóm “buồn chán và dồn nén”. Sự hài lòng về công việc cũng như được làm việc đúng ngành nghề được đào tạo cũng đóng vai trò quan trọng với sức khỏe tinh thần của thanh niên. Những người không hài lòng với công việc có tỷ lệ buồn chán là 19,5%.

Hoạt động Đoàn Hội, theo “công thức” cũ, họp hành báo cáo nhiều,  không lôi cuốn được các em, nên sau giờ học là vạ vật tụ tập dễ dẫn đến những thú vui vì “a dua” theo chúng bạn, dễ buông thả theo thú vui nghiện ngập từ games đến những thứ nguy hiểm hơn như ma túy …

Giáo dục bắt đầu từ đâu?

Đã đến lúc những bậc cha mẹ, những nhà  quản lý giáo dục nhận thức tầm quan trọng của việc dạy kỹ năng sống cho các em  và đưa vào trường học những thầy cô đóng vai trò tư vấn, miền Nam ngày xưa gọi là “khải đạo” (Counseling), hướng dẫn, giúp các em giải quyết những mắc mứu, những vấn đề nan giải, những  tình huống bất trắc mà các em không biết ứng xử trong gia đình, ngoài xã hội, cũng như là cải cách lại  môn công dân giáo dục. Phải giáo dục lấy dạy làm người là chính. Nguyên lý nền tảng của giáo dục hôm nay nặng về dạy chữ hơn dạy người. Hãy giảm nhẹ chương trình để các em có thời gian suy nghĩ những vấn đề cá nhân và tập thễ, vui chơi và giải trí, để các em không đánh mất cả tuổi thơ trong bốn bức tường của lớp, của nhà, vùi đầu học, nói theo ngôn ngữ hình tượng “không thấy hoa vàng trên cỏ xanh”!

Dù mất nhiều thời gian, cũng phải thay đổi cả tư duy xã hội vốn “trọng khoa bảng” nhưng thiếu chỗ cho những người sáng tạo, không chấp nhận khuôn khổ chật hẹp của định kiến, Đây là một việc lâu dài đòi hỏi nhiều tâm huyết và công sức từ những nhà lãnh đạo khi phải kiến tạo một xã hội biết trân trọng những giá trị muôn đời, những chân lý cổ xưa về lòng hiếu thảo, tình nhân ái, sự trong sáng của thể chế, tính thanh liêm của người lãnh đạo… Nghĩa là phải xây dựng lại cả nền móng tâm linh của xã hội nếu muốn duy trì Chân Thiện Mỹ như mục tiêu tối hậu…

Vai trò Phật giáo với tuổi  trẻ

Theo Luận án của Hoàng Thu Hương - giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, với đề tài “Cơ cấu nhân khẩu xã hội của những người đi lễ chùa ở nội thành Hà Nội hiện nay” cho thấy  tuổi trẻ dưới 20 ước lượng chiếm xấp xỉ 30% những người đến chùa. Họ cầu nguyện cho tương lai hay muốn tìm sự bình tâm trong cuộc sống. Chúng ta chưa thể biết hết tâm tư họ nhưng về phía nhà chùa thì sao? Giáo hội đã chuẩn bị gì cho giáo dục đại chúng khi đến chùa? Đây chính là điều mà những người có trách nhiệm trong giáo hội phải làm chứ không thể chỉ ngồi chờ bá tánh đến an sao, giải hạn, cầu an, cầu siêu… Chúng ta phải xây dựng niềm tin cho tuổi trẻ vào chánh pháp, vào chân giáo lý của nhà Phật, chống mê tín.

Chúng ta biết rằng đối với nhà Phật, giáo dục bắt đầu từ khi còn là bào thai – Thai giáo. Theo các nhà khoa học, áp dụng phương pháp thai giáo đúng đắn sẽ giúp kích thích sự phát triển đầy đủ năm (5) giác quan của trẻ. Đồng thời, thai giáo còn giúp trẻ sớm hình thành đồng hồ sinh học, làm quen với nhịp ăn uống, thức ngủ ngay từ trong bụng mẹ. Khi lớn lên, trẻ sẽ khỏe mạnh, hoạt ngôn, hoạt bát hơn, tăng khả năng giao tiếp. Ngoài ra, tình cảm gắn bó thiêng liêng giữa mẹ và em bé trong bụng là rất quan trọng. Đối với em bé, việc hình thành tình cảm gắn kết này trước và sau khi sinh ra có vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển chỉ số EQ và nhận thức bản thân.

Sau thai giáo, là thân giáo - một phương thức giáo dục quan trọng trong ba phương thức giáo dục Phật giáo: thân giáo, khẩu giáo và ý giáo. Bởi dù người thầy có ý tưởng hay, kiến thức rộng  mà cư xử không đúng mực,  lời nói không đi đôi với việc làm thì làm sao tạo ra sức thuyết phục và chuyển hóa học sinh mình. Do vậy, thân giáo là chuẩn mực, quy phạm để người thầy hay các bậc cha mẹ quy chiếu hành vi và lời nói của mình. Nhiều quan chức không dạy con em mình được vì bản thân mình cũng vọng ngữ, lừa trên gạt dưới, thâm lạm công quỹ. Thật khó có thể dạy người phải làm những điều hay lẽ phải thì chính mình lại vi phạm! Nếu hành vi không nghiêm, việc làm không chánh trực thì dù có hùng biện đến đâu đều không thể chuyển hóa người khác. Vào thời nhà Trần, vua quan một lòng làm gương cho bá tánh nên nhân dân nhất nhất liều mình bảo vệ đất nước. Những vị vua thời ấy thấm nhuần giáo lý nhà Phật nên đề cao thân giáo tuyệt đối.

Trên đời, nan giải nhất là chuyện dạy người. Nuôi dưỡng và giáo dục họ nên người đã là điều khó, rèn luyện và mài giũa họ trở thành người giải thoát, một bậc thiền sư lại càng ngàn lần khó khăn hơn. Trong đời sống thiền môn, thân giáo của bậc thầy có sức chuyển hóa mạnh mẽ đối với đệ tử hơn khẩu giáo rất nhiều lần. Vì thầy có nói hay đến mấy nhưng trong việc làm lại bộc lộ ra vì cái “Tôi” quá nhiều thì những lời vàng của thầy cũng theo gió bay đi hoặc nếu có đọng lại chăng nữa thì cũng không tạo ra hiệu ứng trị liệu, đánh thức, làm lay động lòng người.Các vị tăng sĩ hôm nay luôn ngưỡng vọng các Ôn Trí Thủ, Trí Tịnh, Đôn Hậu, Mật Thể, Thiên Siêu, Thanh Từ  vì uy đức và đời sống phạm hạnh của  các ngài…

Qua “Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi”, tác giả Phạm Quốc Trung nhắc chúng ta về bao nhiêu tấm gương “thân giáo”, Khởi đi từ đức Phật với những lời giảng vẫn mãi là chân lý muôn đời về bốn chân lý tối thượng (Tứ diệu đế) (1) Chân lý đời là bể khổ (2) Chân lý về nguyên nhân của khổ là do tham, sân, si và các thói quen xấu, (3) Chân lý về an vui khi chấm dứt khổ đau (4) Chân lý về con đường đạo đưa đến an vui, giải thoát. (Trang 26) Qua đó các em sẽ hiểu về “Điềm lành tối thượng” khi Phật dạy về giao tiếp:

Không thân cận kẻ ngu

Nhưng gần gũi bậc trí.

Người trí là những người thiện hạnh, đạo đức; là những người theo chánh pháp, thì chúng ta nên gần gũi.

Ngài dạy về bổn phận làm con, làm chồng

Hiếu dưỡng mẹ và cha

Nuôi dưỡng vợ và con

Làm nghề không rắc rối

Là điềm lành tối thượng

Còn về nghề nghiệp, Ngài dạy

Học nhiều nghề nghiệp giỏi

Khéo huấn luyện học tập

Nói những lời khéo nói

Là điềm lành tối thượng…

(Những mẩu chuyện Phật giáo dành cho thiếu nhi, tập 2, trang 91-93)

Nghề nghiệp ở đây là nghề hợp pháp, không gây tai họa hay bất an cho xã hội.

Cũng qua tác phẩm này chúng ta học những tấm gương vĩ đại từ những đệ tử Phật, gương hiếu thảo từ ngài Mục kiền Liên, ngài Xá Lợi Phất; học tập gương tinh tấn, luôn trau dồi trí huệ của các ngài Tu Bồ Đề, Đại Ca Diếp, A Na Luật; gương nhẫn nhục của ngài Phú Lâu Na; lòng khoan dung vô ngại của ngài A Nan; gương bố thí của ngài Cấp Cô Độc…

Họ đã sống theo lời Phật dạy

Lành thay ta vui sống,

Từ ái giữa oán thù;

Giữa những người oán thù,

Ta sống không oán thù.

Lành thay ta vui sống,

Vô dục giữa khát khao;

Giữa những người khát khao,

Ta sống không khát khao.

Lành thay ta vui sống,

Hỉ xả giữa khích hiềm;

Giữa những người khích hiềm,

Ta sống không hiềm khích.

Lành thay ta vui sống,

Hoan Hỉ giúp tha nhân;

Dập tắt tham, sân, hận,

Vui nguồn vui tuyệt trần.

Phật dạy: “Kẻ thù nguy hiểm nhất là chính mình”. Chính chúng ta, các bậc cha mẹ, thầy cô phải thắng tam độc của lòng mình, nếu không, ta không còn quan tâm đến những người xung quanh, mà chỉ muốn vơ vét mọi thứ cho riêng mình. Từ đó, thói tham lam, giả dối, bất lương sẽ biến ta vong thân, gây ra mọi phiền não cho người và cho mình trên đời. Bao nhiêu vụ án đã xảy ra vì thói ngông cuồng, vì sự tự tôn, vì chạm tự ái, ghen tuông... Làm sao sống trong yêu thương nếu chúng ta không  mở  lòng đón  nhận tâm tư người khác, không biết  giúp đỡ những người chung quanh có hoàn cảnh bất hạnh hơn ta và  không biết đem  niềm vui, hạnh phúc cho  người khác ở những nơi ta  đến.  

Phải dạy cho các em về  luật nhân quả. Đây là bài học vỡ lòng lẽ ra phải dạy từ tấm bé để khi lớn lên, các em biết sợ, biết ngần ngại mỗi khi làm điều bất thiện, từ ăn cắp, nói dối đến gây nghiệp sát. Nói một cách đơn giản thì mọi thứ ta thấy là kết quả của một số nguyên nhân trước kia. Ta gieo hạt thì sẽ có ngày sinh trái sinh hoa. “Gieo hành vi, gặt thói quen, gieo thói quen, gặt tính cách” như người xưa tổng kết. Tư tưởng, ngôn ngữ và hành động cũng giống như  thế. Phật dạy: “Gieo gì thì gặt nấy”. Phải hiểu rằng mỗi lời nói và hành động đều đem lại thành quả hoặc hậu quả. Vì là luật nên không ai có thể thoát khỏi hậu quả hành động của chính mình. Phải gánh chịu khổ đau nếu những việc làm là bất thiện; ngược lại ta sẽ được hạnh phúc nếu những hành động, việc làm hướng thiện. Cách duy nhất để có thể thoát khỏi phiền muộn, hay chìm đắm trong vô minh là đừng gieo trồng ngay cả những hạt mầm tư tưởng, ngôn ngữ và hành động bất thiện vì hãy nhớ rằng Ý nghiệp cũng là khởi mầm của thân và khẩu nghiệp. Phật dạy: “Mỗi người phải thu hoạch vụ mùa do chính mình gieo trồng”. Hãy khởi sự gieo trồng ngay những hạt giống thiện; hãy làm cho khu vườn, mảnh đất dưới chân mình trổ hoa thơm trái ngọt trong ý thức rõ ràng về lý và luật nhân quả. Cuộc sống an bình và hạnh phúc sẽ khởi đầu ngay tự đáy lòng ta. Cái khiến cho chúng ta khổ đau không đến từ bên ngoài mà từ tâm thức riêng của chúng ta. “Không một niềm vui nào có thể có được chừng nào chúng ta chưa là chủ nhân của tâm thức mình” (Dalailama -Kindness, Clarity and Insight).

Phải bắt đầu lại từ những hạt mầm, nghĩa là từ tuổi nhỏ…

Cho  đi lại từ đầu

Chưa đi vội về sau…

Xin đi từ thơ ấu 

Đi vui và bên nhau…

(Phạm Duy)

 

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 13)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 12)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Tú Trinh
    • Tịnh Độ Đại Kinh (Tập 11)/ Giải, diễn nghĩa: Pháp sư Tịnh Không/ Trưởng ban biên dịch: Tỳ kheo Thích Đồng Bổn/ Đọc: Thái Giải
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 272
    • Số lượt truy cập : 6948606