Thông tin

XUÂN VỀ THƯỞNG LÃM HOA MAI

 

VIÊN THẮNG

 


 

Đêm xuân say giấc nồng nàn

Sáng ra mai đã nở vàng khắp nơi.

Ô kìa! Xuân đến rồi nhỉ? Hoa mai nở rộ khắp mọi nơi báo hiệu mùa xuân nữa lại về, đã trở thành phong cảnh đẹp và diễm lệ nhất trong những ngày hàn đông. Bởi vì mùa xuân là tiếp nối của mùa đông nên hoa mai phải trải qua thời tiết khắc nghiệt mưa gió bão bùng, lạnh rét thấu xương của mùa đông mới nở những bông hoa mai vàng rực rỡ. Hơn nữa, ý nghĩa hoa mai là tượng trưng cho sự thanh khiết và sức sống mãnh liệt, nhẫn lại, vượt qua mọi gian nan nguy khó để đi đến thành công, cho nên Thiền sư Hoàng Bá nói:

“Nếu chẳng một phen sương thấm lạnh

Hoa mai đâu dễ tỏa mùi hương”.

Thật vậy! Nếu như hoa mai không có sự kiên cường mạnh mẽ để chịu đựng mưa gió, sương tuyết lạnh lẽo thì hoa mai không thể nở rộ, tỏa ngát mùi hương cho mùa xuân. Chính vì thế, ngay cả danh sĩ Cao Bá Quát khí phách ngoan cường vẫn nói: “Suốt đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai mà thôi!”. Từ xa xưa, hoa mai được liệt vào hàng tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai).

Vì sao hoa mai được mọi người ưa thích như thế? Bởi vì cây mai dễ trồng, ở quê tôi phần đông mọi người trồng trong chậu, hoặc ở dưới đất ít chăm sóc bón phân, chỉ cần trộn vỏ trấu và xơ dừa, đến ngày gần Tết bón thêm phân hữu cơ và lặt trụi lá để cây mai có sức ra hoa. Thân cây mai gầy guộc, cành khẳng khiu, cánh mỏng manh màu vàng. Chính vì vẻ đẹp mềm mại, thanh mảnh nhẹ nhàng thoát tục nhưng mạnh mẽ cương nghị của hoa mai đã gợi cảm xúc cho biết bao thi nhân, văn sĩ viết thành những bài thơ, áng văn kiệt tác để lại đời rất nhiều, như nhà thơ Hạnh Phương khi ngắm hoa mai dâng trào cảm xúc viết:

Rằng mai cốt cách tuyết tinh thẩn

Thanh tịnh hồn hoa tự hiển xuân

Từng đọt lá xanh sương giọt điểm

Mỗi hồi chuông ấm tiếng vang ngân.

Hình ảnh cây mai hiên ngang đứng trơ trọi trong gió sương mưa tuyết, tinh thần không khuất phục, không lay chuyển và sức sống ngoan cường của hoa mai mang lại nguồn cổ vũ to lớn, làm cho con người lập chí mà phấn chấn tiến bước; giúp họ nhận ra những điều tốt đẹp và hy vọng của mùa xuân. Từ đó mà hun đúc và tu dưỡng nên khí chất kiên cường, chính trực cao khiết.

Trong tập thơ Hương Trời Xa Bay, Nguyễn Khuê cũng cảm xúc về hoa mai rất hay, như bài thơ Hoàng Mai:

Mấy đóa mai vàng thắm sắc xuân

Giao thừa phơi phới vẻ thanh tân,

Mua “may” cười kẻ cầu danh lợi

Mai với người thơ vốn cố nhân.

Chỉ có mấy đóa mai vàng thôi cũng đủ thắm sắc xuân trong thời khắc đón giao thừa, sương đêm như dòng chảy xúc tác càng lạnh trước khí trời đất giao mùa, nên mọi người đều hớn hở tiễn năm cũ, đón năm mới, ai cũng thấy lòng mình phơi phới tươi trẻ lại, như gặp lại người xưa. Thiền sư Mãn Giác cũng nói:

“Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết.

Đêm qua sân trước một cành mai”.

Cành mai này tượng trưng cho sự sống mãi mãi trường tồn. Trong bài thơ Bạch Mai, Nguyễn Khuê viết:

“Năm cánh vây quanh một điểm dương

Sinh sinh thị hiện cõi vô thường

Thịt băng da tuyết nơi tiên giới

Sao xuống trần gian giữa sáu đường”.

Hình ảnh hoa mai nở rực rỡ, rồi rụng tàn tơi tả đầy sân tượng trưng xuân đến rồi xuân đi theo quy luật thiên nhiên. Thế nhưng những cội mai rực rỡ trước sân chùa dường như ‘cháy’ hết mình để dâng hương sắc cúng dường chư Phật mười phương, ‘thắm’ hết mình làm đẹp cho đời thì giờ đây từng cánh mai ấy đang thong dong trở về với đất mẹ, trở về để tiếp tục hiến dâng những gì còn có thể cho đời.

Xuân về là cơ hội để cho mọi người được dịp ngắm nhìn hoa mai nở rực rỡ, rồi rút ra bài học cho mình. Đó là làm người cần phải có tâm kiên nhẫn, chí khí mạnh mẽ thì mới vượt qua bao gian lao thử thách. Bởi vì giông bão cuộc đời chẳng chừa bất cứ ai. Đời người ai cũng phải trải qua gian nan thử thách không ít thì nhiều mới đi đến thành công. Trong tập thơ Nhật Ký Trong Tù, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng viết bài thơ Tự Khuyên Mình:

Ví không có cảnh đông tàn,

Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân,

Nghĩ mình trong bước gian truân,

Gian nan rèn luyện tinh thần thêm hăng.

Vì thế, người thế gian đi thuận dòng sinh tử nên chướng ngại họ nếm trải có lẽ ít hơn người học đạo. Bởi vì người học đạo là đi ngược dòng sinh tử, nên phải trải qua bao chướng duyên nghịch cảnh mới đạt đến cảnh giới an lạc; cho nên trong đạo Phật nói: “Phiền não tức Bồ-đề”. Do đó, chúng ta cũng cần nếm trải:

“Đời không sóng gió không khôn lớn.

Đạo chẳng gian truân đạo chẳng thành”.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 44
    • Số lượt truy cập : 6127845