Thông tin

Ý NGHĨA RẰM THÁNG CHÍN - ABHIDHAMMA DAY

 

TUỆ ÂN

 


 

Trong Phật giáo Nguyên thủy, ngày rằm tháng Chín âm lịch là ngày mãn mùa an cư kiết hạ (Pavārāna) của chư Tăng, đồng thời là khởi điểm mùa dâng y Kathina trong một tháng, từ 16-9 đến 15-10 âm lịch hàng năm. Ngày Tự tứ - Pavārāna là ngày thỉnh những vị Tỳ khưu đồng phạm hạnh nói rõ những sai lầm, khuyết điểm dù thấy, nghi hoặc nghe về giới hạnh của mình trước sự chứng minh của chư Tăng để sám hối về những lỗi lầm đã xảy ra.

Bên cạnh ý nghĩa là ngày Tự tứ - Pavārāna thì Rằm tháng 9 còn được coi là Ngày Vi Diệu Pháp Abhidhamma và Ngày Báo hiếu vì trong mùa an cư thứ 7, đức Phật ngự lên nhập hạ suốt 3 tháng tại cung trời Tam thập tam thiên, thuyết giảng Abhidhammapiṭaka (Tạng Vi Diệu Pháp) gồm có 7 bộ lớn: Bộ Dhammasaṅgaṇī, bộ Vibhaṅga, bộ Dhatukathā, bộ Puggalapaññatti, bộ Kathāvatthu, bộ Yamaka và bộ Paṭṭhāna để tế độ Phật mẫu (kiếp hiện tại là một thiên nam Santussita hóa sinh ở cõi trời Đẩu suất Đà thiên), Vị chư Thiên đó đã hiện xuống cõi trời Tam thập tam thiên lắng nghe đức Phật thuyết Tạng Vi Diệu Pháp này suốt 3 tháng hạ và chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, cùng vô số chư thiên, phạm thiên chứng đắc thành bậc Thánh thấp hoặc cao tùy theo ba-la-mật của họ. Những bậc Thánh nhân đó chỉ còn phải tái sinh trở lại không quá 7 kiếp trước khi tịch diệt Niết-bàn. Do công đức mà đức Phật đã tế độ báo hiếu cho thân mẫu mình mà ngày này còn được các quốc gia Phật giáo phát triển coi là ngày báo hiếu 2 đấng dưỡng dục sinh thành.

Trở lại về Tạng Vi Diệu Pháp Abhidhamma mà đức Phật đã thuyết trên cung trời Tavatiṁsa, gọi là Tạng Vi Diệu Pháp vì Tạng này gồm những Chân nghĩa pháp (Paramatthadhamma) cao siêu vi diệu, là những pháp có thực tính như: Pháp thiện, pháp bất thiện, pháp không phải thiện, không phải bất thiện... Những pháp ấy là ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới... không phải ta, không phải người, không phải đàn ông, đàn bà, chúng sinh....

Tạng Vi Diệu Pháp gồm có 7 bộ:

1 - Bộ Dhammassaṅganīpāḷi: Bộ Pháp Tụ Hội gồm tất cả các chân nghĩa pháp thành nhóm Mātikā pháp đầu đề, có tất cả 132 mātikā chia làm hai loại: Tika mātikā: Pháp đầu đề có ba chi pháp gồm có 32 mātikā. Duka mātikā: Pháp đầu đề có hai chi pháp gồm có 100 mātikā...

2 - Bộ Vibhaṅgapāḷi: Bộ Pháp Phân Tích gồm các pháp phân tích thành 18 loại, uẩn (khandha), xứ (āyatana), giới (dhātu) v.v...

3 - Bộ Dhātukathāpāḷi: Bộ Phân Loại gồm các pháp phân loại thành ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới, Tứ Đế (sacca).

4 - Bộ Pugalapaññattipāḷi: Bộ Nhân Chế Định phân biệt các hạng người khác nhau.

5 - Bộ Kathāvatthupāḷi: Bộ Luận Đề đặt vấn đề phá tan mọi tà thuyết, trở lại Chánh pháp.

6 - Bộ Yamakapāḷi: Bộ Song Đối gồm các câu hỏi, câu trả lời đi đôi với nhau từng cặp.

7 - Bộ Paṭṭhānapāḷi: Bộ Duyên Hệ giải về 24 duyên có quan hệ với nhau. Bộ Duyên Hệ này là bộ lớn và rộng nhất, sâu sắc và vi diệu nhất trong Phật giáo.

Tạng Vi Diệu Pháp có 3 đặc tính đặc biệt là:

- Đức Phật thuyết giảng về Chân nghĩa pháp (Paramatthadesanā):

Đức Phật tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, độc nhất vô nhị thông suốt tất cả các chân nghĩa pháp (paramatthadhamma) đó là tâm (citta), tâm sở (cetasika), sắc pháp (rūpa) và Niết bàn (Nibbāna). Đức Phật Chánh Đẳng giác đặc biệt có đầy đủ 5 pháp Ñeyyadhamma, nên Ngài có khả năng chế định ra ngôn ngữ chân nghĩa pháp, để thuyết dạy Tạng Vi Diệu Pháp này. Ngoài ra, không có một vị nào có khả năng thuyết giảng chân nghĩa pháp này, bởi vì họ không phải là đức Phật Chánh Đẳng giác.

- Đức Phật thuyết pháp giáo huấn chúng sinh tùy theo căn duyên để phá chấp ngã (yathādhammasāsana):

Đức Phật biết rõ tà kiến theo chấp ngã của chúng sinh khác nhau như sau:

- Số chúng sinh có tà kiến theo chấp danh pháp cho là ta (ngã) nặng hơn là chấp sắc pháp cho là ta (ngã). Để tế độ nhóm chúng sinh này, đức Phật thuyết pháp ngũ uẩn (khandha) là vô ngã. Bởi vì, trong ngũ uẩn có 4 danh uẩn: thọ, tưởng, hành, thức thuộc về danh pháp là vô ngã, còn một sắc uẩn thuộc về sắc pháp cũng là vô ngã.

- Số chúng sinh có tà kiến theo chấp sắc pháp cho là ta (ngã) nặng hơn là chấp danh pháp cho là ta (ngã). Để tế độ nhóm chúng sinh này, đức Phật thuyết pháp 12 xứ (āyatana) là vô ngã. Bởi vì, trong 12 xứ, có 10 xứ: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và sắc, thanh, hương, vị, xúc thuộc về sắc pháp là vô ngã. Còn lại ý xứ thuộc về danh pháp và một phần pháp xứ thuộc về danh pháp và sắc pháp là vô ngã.

- Số chúng sinh có tà kiến theo chấp danh pháp và sắc pháp tương đương cho là ta (ngã). Để tế độ nhóm chúng sinh này, đức Phật thuyết pháp 18 giới (dhātu) là vô ngã. Bởi vì, trong 18 giới, có 10 giới: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, và sắc, thanh, hương, vị, xúc thuộc về sắc pháp là vô ngã. Còn lại 7 giới khác: nhãn thức giới, nhĩ thức giới, tỷ thức giới, thiệt thức giới, thân thức giới, ý giới, ý thức giới thuộc về danh pháp là vô ngã, riêng pháp xứ thuộc danh pháp và sắc pháp là vô ngã v.v... Đức Phật thuyết pháp giáo huấn chúng sinh thấy rõ, biết rõ tất cả các pháp là vô ngã, không phải ta, không phải đàn ông, không phải đàn bà, không phải chúng sinh..., để phá chấp ngã.

- Đức Phật thuyết giảng phân tích danh pháp, sắc pháp (nāmarāpaparicchedakathā):

Đức Phật thuyết giảng phân tích cho chúng sinh thấy rõ, biết rõ danh pháp, sắc pháp, mỗi danh pháp, mỗi sắc pháp có thực tánh pháp, có trạng thái riêng, có 3 trạng thái chung: Trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, để diệt tâm tà kiến thấy sai chấp lầm từ danh pháp, từ sắc pháp cho là tự ngã của ta; diệt tâm tham ái nơi danh pháp, sắc pháp cho là của ta, diệt tâm ngã mạn xem ta hơn người, bằng người, kém thua người...

Vào ngày Rằm tháng 9, đức Phật từ cõi trời Tam Thập Tam Thiên trở về cõi người tại cổng thành xứ Saṅkassa, chư Đại đức Tỳ khưu Tăng, chư Tỳ khưu ni Tăng, cận sự nam, cận sự nữ đông đảo đón rước đức Phật.

Truyền thuyết nói rằng, Vua trời Đế Thích đã tạo ra ba cầu thang quý báu bằng vàng, bằng bạc và bằng ngọc bảo, từ đỉnh núi Tu-di (Sumeru) đến cổng thành Saṅkasia. Bên phải là thang vàng dành cho các vị chư Thiên (Devā), bên trái là thang bạc dành cho Phạm Thiên Brahma và tùy tùng của Ngài, và chính giữa là thang ngọc dành cho Đức Phật. Khi Ngài vừa đi xuống bằng cầu thang ngọc, những vị chư Thiên và Phạm Thiên tôn kính đi hai bên khi Ngài hạ thế và đặt chân đến tận cổng thành Saṅkasia. Vì sự kiện thần diệu này, đã được chứng kiến bởi đám đông dân chúng, nên Sankasia đã trở thành một thánh tích Phật giáo và nhiều bảo tháp và tu viện đã được xây lên ở đây.

Việc đức Phật báo hiếu cho mẫu thân của mình thật vô cùng cảm động, Kinh điển có ghi lại lời đức Phật dạy rằng: “Này chư Tỳ khưu! Có hai người mà các vị không thể nào đền ơn cho hết được, đó là Cha và Mẹ. Nếu có kẻ vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi xa ngàn dặm, cung phụng đủ mọi thức ăn, đồ mặc, chăn nệm và thuốc thang, thậm chí cha mẹ có tiểu tiện, đại tiện trên vai đi nữa, cũng chưa trả được ân sâu cha mẹ. Các vị phải biết, ân cha mẹ nặng lắm, bồng bế nuôi nấng, dưỡng dục đúng lúc, làm cho ta trưởng thành. Vì thế, mà biết ân đó khó trả. Do vậy, người con hiếu thảo muốn báo đáp công ơn cha mẹ đúng chánh pháp cần phải thực hành những việc sau đây:

- Nếu cha mẹ chưa có niềm tin, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm tin tưởng và kính ngưỡng Tam bảo.

- Nếu cha mẹ xan tham, phải khuyến khích cha mẹ phát tâm bố thí.

- Nếu cha mẹ theo điều ác, phải khuyến khích cha mẹ hướng về đường thiện.

- Nếu cha mẹ theo tà kiến, phải khuyến khích cha mẹ trở về với chánh kiến.

Làm được như vậy là trả ơn cha mẹ đúng với chánh pháp, khiến cha mẹ không những được an vui trong hiện tại, mà còn gieo phước lành trong tương lai”.

Trong bài kinh Brahmasutta, Đấng Đạo Sư có dạy rằng cha mẹ là hai đấng có công ơn vô lượng vô biên đối với con. Nếu người con nào có hiếu thu phục năm châu bốn biển để cho cha mẹ cai trị, hưởng sự an lạc như thế, là cùng tột rồi, nhưng cũng chưa gọi là đáp đền được công ơn sinh dưỡng. Chỉ người ấy chỉ lo phần vật chất của cha mẹ thôi, hay có thể nói theo Phật giáo, chỉ lo cho cha mẹ kiếp hiện tại thôi. Phàm người con có hiếu phải cố gắng làm sao cho cha mẹ biết tu tập để giải thoát, hay làm sao cho cha mẹ biết thực hành bốn pháp:

1. Saddhā: Đức tin, nghĩa là tin Tam bảo, tin nơi nghiệp.

2. Cāga: Bố thí hay dứt bỏ, tức là dứt bỏ lòng tham lam, biết bố thí cúng dường (đó chính là lộ phí cho mình trong ngày vị lai).

3. Sīla: Trì giới, là giữ cho thân, khẩu, được an tịnh, không phạm vào năm điều tội ác.

4. Pañña: Trí tuệ, nghĩa là trí tuệ để quan sát thấy thân này vô thường, khổ não và vô ngã, nghĩa là có minh sát tuệ để quán tưởng thấy chán ngán thân này, không còn quyến luyến và chấp ngã vào mọi việc đời.

Nếu cha mẹ đã quá vãng thì bổn phận làm con nên cố gắng làm mọi việc phước thiện, rồi hồi hướng đến cha mẹ hàng ngày. Người con nào làm được như thế mới gọi là con có hiếu và đáp đền được công ơn sinh dưỡng của cha mẹ.

Người nào có phước mới còn cha mẹ tại tiền. Người còn có cha mẹ tại tiền trong nhà, cũng như có chư thánh nhân trong nhà vậy. Theo đức Thế Tôn, cha mẹ có thể sánh với chư thánh nhân, bởi vậy cúng dường đến cha mẹ có phước vô lượng vô biên, cũng như cúng dường cho các bậc Arahán vậy.

Phàm người biết công ơn cha mẹ thì phải lo cách đáp đền bằng vật chất và bằng tinh thần.

*Đền đáp công ơn bằng vật chất phải thực hành như thế này:

1. Phải hết lòng cung kính cha mẹ, không bao giờ dám nói một lời nào vô lễ, làm trái ý.

2. Phải lo phụng dưỡng cha mẹ, cung cấp vật thực, thuốc uống, y phục và chỗ ở. Phải quạt nồng đắp lạnh, sớm thăm tối viếng cha mẹ, cũng như khi ta còn nhỏ cha mẹ lo cho ta.

3. Phải lo chăm nom săn sóc cha mẹ khi có bệnh.

4. Phải bỏ việc gia đình của mình để làm việc cho cha mẹ trước, và không bao giờ nghĩ đến việc riêng của mình khi chưa làm xong công việc của cha mẹ.

*Đền đáp công ơn cha mẹ về tinh thần:

1. Gắng hết sức giữ gìn thanh danh của gia đình, không để cho người đời khinh bỉ, hơn nữa gắng làm sao thanh danh của gia đình càng ngày càng được người ca tụng.

2. Gắng làm cho mình ra người đáng thọ hưởng gia tài của cha mẹ để lại.

3. Khi cha mẹ ta không có đức tin với Tam bảo, không thọ tam qui ngũ giới, tự mình cố gắng khuyên; nếu không được, thì gắng nhờ các bậc trí thức giảng giải hộ mình hoặc chư Tăng hay các bậc đại đức thuyết pháp độ cha mẹ.

4. Ít lắm ta cũng phải làm sao thuyết phục được cha mẹ thọ tam quy ngũ giới.

5. Dẫn dắt cha mẹ vào chùa nghe pháp, bố thí và học minh sát tuệ. Người làm tròn được những điều trên đây mới gọi là con biết yêu thương cha mẹ và báo đền được ân đức cao dày của cha mẹ.

Phần người con biết đền đáp công ơn cha mẹ, thì được những sự hạnh phúc:

1. Không bị mất sự lợi ích.

2. Sẽ được thoát khỏi những điều kinh sợ.

3. Sẽ thoát khỏi được tất cả tai nạn.

4. Sẽ được lợi lộc do các bậc trí thức hay vua chúa ban cho.

5. Sẽ được quyền cao chức lớn do vua phong.

6. Hằng được sự ngợi khen của hàng đại chúng ở mọi nơi và mọi trường hợp.

7. Sẽ thoát khỏi sự ám hại của kẻ bất lương.

8. Khi có bị tai nạn cũng có chư thiên đến cứu.

9. Sau khi chết được sinh về cõi trời.

10. Sẽ được sinh về cõi Niết Bàn.

11. Đi theo con đường của chư Bồ tát và chư thánh nhân.

Ðể kỷ niệm ngày lịch sử trọng đại này, Phật giáo Nguyên thủy Theravāda tổ chức lễ Rằm tháng chín bằng nhiều hình thức nghi lễ khác nhau: như lễ hội đặt bát đến chư Tăng, lễ thọ giới, lễ quy y, lễ thuyết pháp, lễ thọ đầu đà... nhằm giúp người Phật tử có cơ hội gieo duyên lành trong chánh pháp.

Ðặc biệt là lễ hội Ðầu đà (Dhutanga): chư Đại đức, Tỳ khưu, Sadi, cùng các cận sự nam, cận sự nữ tổ chức nghi lễ cúng dường đức Phật bảo, đức Pháp bảo, đức Tăng bảo bằng cách thọ pháp hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm, chỉ thọ trì oai nghi ngồi là chính và oai nghi đi, đứng mà thôi, suốt đêm rằm tháng chín cho đến rạng ngày 16 tháng chín. Thông thường, trong đêm đầu đà có nhiều phần để Phật tử tham gia học và thực hành thêm về giáo lý như: chư Tăng thuyết pháp, chiêm bái Xá Lợi, hành thiền, vấn đáp Phật pháp, luận đạo, hành thiền v.v... Người tham dự một đêm đầu đà, qua những phần sinh hoạt Pháp đó, chắc chắn sẽ được hiểu biết giáo lý căn bản của Phật giáo và sẽ có thêm niềm tin vững chắc ở Tam bảo. Đó là cách thức cúng dường cao thượng nhất đến đức Phật.

Hạnh đầu đà là gì?

"Đầu đà" hay “Dhutaṅga” nghĩa là dẹp được những phiền não, loại trừ được những phiền não.

Hành giả thọ pháp hạnh đầu đà là người ít tham muốn, biết tri túc, hoan hỷ ở nơi thanh vắng, không sống chung đụng với nhiều người, cố gắng tinh tấn tạo mọi thiện pháp, giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn, thực hành thiền định để chứng đắc các bậc thiền hữu sắc; thực hành thiền tuệ để chứng ngộ chân lý Tứ Thánh đế, chứng đắc Thánh đạo, Thánh quả và Niết bàn, diệt đoạn tuyệt phiền não, tham ái.

Pháp hạnh đầu đà có 13 pháp; pháp hạnh ngăn oai nghi nằm là 1 trong 13 pháp hạnh đầu đà ấy.

Pháp hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm có 3 bậc:

- Bậc thượng: Hành giả ngồi ngay thẳng, không dựa lưng, đầu vào một nơi nào cả.

- Bậc trung: Hành giả có thể ngồi dựa lưng, đầu vào tường...

- Bậc hạ: Hành giả có thể ngồi trên giường, trên ghế dựa...

Hành giả sau khi thọ trì pháp hạnh đầu đà này rồi, suốt đêm: Canh đầu, canh giữa, canh cuối chỉ sử dụng 3 oai nghi: Oai nghi ngồi là chính và oai nghi đi, oai nghi đứng là phụ tuyệt đối không sử dụng oai nghi nằm, cho đến rạng sáng ngày hôm sau.

Nếu hành giả muốn ngủ để thân tâm được nghỉ ngơi, thì hành giả có thể ngủ trong oai nghi ngồi.

Như vậy, hành giả đã thành tựu kết quả pháp hạnh đầu đà này.

Hành giả đã thọ pháp hành đầu đà này rồi, ban đêm có 3 canh: Canh đầu, canh giữa, canh cuối, nếu hành giả đặt lưng và đầu xuống mặt phẳng nằm nghỉ ngơi vào canh nào, thì pháp hành đầu đà này bị đứt. Tuy pháp hành đầu đà này bị đứt nhưng không có tội, chỉ không được phước mà thôi. Hành giả có thể nguyện thọ pháp hạnh đầu đà này trở lại.

Pháp hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm này, chỉ thọ trì oai nghi ngồi là chính và oai nghi đi, hành giả được thành tựu các quả báu như sau:

- Cắt đứt tâm ham nằm ngủ ngon giấc.

- Thuận lợi thực hành mọi pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ.

- Giữ gìn các oai nghi đáng kính, dễ phát sinh đức tin trong sạch.

- Tinh tấn thực hành thiền định, hoặc thực hành thiền tuệ liên tục.

- Hỗ trợ cho các pháp hành giới-định-tuệ... được phát triển và tăng trưởng tốt.

Trong bộ Chú giải Mahāvagga thuộc chú giải Trường Bộ Kinh, kinh Sakkapañha-suttavaṇṇanā có đề cập đến chư Thánh Arahán thọ trì pháp hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm đó là:

- Nhị vị Tối thượng Thanh văn đệ tử: Ngài Đại Trưởng lão Sāriputta và Ngài Đại Trưởng lão Mahāmoggallāna không nằm suốt 30 năm.

- Ngài Đại Trưởng lão Mahākassapa không nằm suốt cuộc đời xuất gia (Ngài thọ 120 tuổi).

- Ngài Trưởng lão Anuruddha không nằm suốt 50 năm.

- Ngài Trưởng lão Bhaddiya không nằm suốt 30 năm.

- Ngài Trưởng lão Soṇa không nằm suốt 18 năm.

- Ngài Trưởng lão Raṭṭhapāla không nằm suốt 12 năm.

- Ngài Trưởng lão Ānanda không nằm suốt 15 năm.

- Ngài Trưởng lão Rāhula không nằm suốt 12 năm.

- Ngài Trưởng lão Bākula không nằm suốt 80 năm (Ngài thọ 160 tuổi).

- Ngài Trưởng lão Nāḷaka không nằm cho đến khi tịch diệt Niết Bàn.

Tuy quý Ngài là bậc Thánh Arahán đã diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, nhưng quý Ngài thọ pháp hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm, chỉ thọ trì oai nghi ngồi là chính và oai nghi đi, oai nghi đứng là cốt để làm gương tốt cho lớp hậu sinh noi theo.

Các pháp hạnh đầu đà đều có khả năng ngăn được phiền não, nghĩa là diệt tâm ác, để tâm thiện sinh, làm cho các thiện pháp phát sinh như dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp cho đến Siêu tam giới thiện pháp phát sinh.

*Nghi thức thọ Pháp hạnh Đầu đà:

Trước khi thọ pháp hạnh đầu đà:

- Nếu hành giả là Tỳ khưu, thì nên sám hối āpatti xong.

- Nếu hành giả là Sadi, thì nên xin thọ lại phép quy y Tam Bảo và Sadi thập giới.

- Nếu hành giả là cận sự nam, cận sự nữ, thì nên xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới, hoặc bát giới.

Mỗi hành giả sau khi đã có giới rồi, phát sinh thiện tâm trong sạch, cung kính thọ pháp hạnh đầu đà.

Pháp hạnh đầu đà ngăn oai nghi nằm, thọ trì oai nghi ngồi là chính và oai nghi đi, oai nghi đứng tuần tự như sau:

1 - Kính lễ đức Phật Gotama:

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa.

Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ đức Thế Tôn, đức Arahán, Đức Chánh Đẳng giác ấy.

2 - Thọ trì Pháp hạnh Đầu đà:

Seyyaṃ paṭikkhipāmi,

Nesajjikaṅkaṃ samādiyāmi.

Con nguyện xin ngăn oai nghi nằm.

Con xin thọ trì oai nghi ngồi là chính và oai nghi đi, đứng.

3 - Cúng dường Tam bảo:

Imāya dhammānudhammapaṭipattiyā Buddhaṃ pūjemi.

Con đem hết lòng thành kính cúng dường đức Phật bảo bằng thực hành pháp hạnh đầu đà này.

Imāya dhammānudhammapaṭipattiyā Dhammaṃ pūjemi.

Con đem hết lòng thành kính cúng dường đức Pháp bảo bằng thực hành pháp hạnh đầu đà này.

Imāya dhammānudhammapaṭipattiyā Saṃghaṃ pūjemi.

Con đem hết lòng thành kính cúng dường đức Tăng bảo bằng thực hành pháp hạnh đầu đà này.

4 - Lời nguyện cầu:

Addhā imāya paṭipattiyā jāti jarā maraṇamhā parimuccissāmi.

Chắc chắn, con sẽ giải thoát khỏi sinh, già, chết do nhờ duyên lành thực hành pháp hạnh đầu đà này.

Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo lokasmiṃ.

Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo Vietnamraṭṭhasmiṃ.

Nguyện cầu chánh pháp được trường tồn trên thế gian.

Nguyện cầu chánh pháp được trường tồn trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Hàng cư sĩ tại gia chúng ta, muốn được gần gũi thân cận với đức Phật, mỗi người chúng ta phải cố gắng tinh tấn học pháp học Phật giáo và hành pháp hành Phật giáo; tùy theo khả năng của mỗi người, để cho Phật giáo được duy trì ở trong tâm. Những người nào có Phật giáo ở trong tâm, thì những người ấy có được nương nhờ nơi đức Phật, nương nhờ nơi đức Pháp, nương nhờ nơi đức Tăng, được nương nhờ nơi Tam bảo cao thượng, để cho họ có thể trở nên con người cao thượng và để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài cho chính họ trong kiếp hiện tại lẫn những kiếp vị lai; đặc biệt còn làm duyên lành trên con đường dẫn đến sự giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài; đồng thời giữ gìn duy trì Phật giáo được trường tồn trên thế gian, đến hết tuổi thọ Phật giáo 5.000 năm, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài đến tất cả chúng sinh nhất là chư thiên và nhân loại.

Lành thay những người vẫn đang nguyện giữ gìn và thắp sáng ngọn lửa Chánh pháp của Đấng Toàn tri!

Mùa dâng Y Kathina PL2564.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 8
    • Số lượt truy cập : 6059408