Thông tin

YẾT ĐẾ, YẾT ĐẾ, BA LA YẾT ĐẾ,…

 

VU GIA

 


 

Tín ngưỡng đa thần của Việt Nam không phải tôn giáo, nhưng qua sự thăng trầm của lịch sử, Việt Nam tiếp nhận một số tôn giáo ngoại lai qua cách nghĩ của mình.

Thuở bình minh của nhân loại, con người đối mặt với thiên tai địch họa, với những nguy hiểm khó lường ảnh hưởng tới tính mệnh, cuộc sống thường ngày, nên các tộc người đều tìm một biểu tượng linh thiêng như: người, động vật, thực vật, đá, sông, núi,… kể cả những hiện tượng tự nhiên, như: sấm, chớp, mây, mưa, hay các thực thể khác trong môi trường tự nhiên. Từ đó, quan niệm "vạn vật hữu linh" (animism) xuất hiện và tín ngưỡng dân gian (tín ngưỡng đa thần) ra đời. Nhưng tín ngưỡng ấy chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt, không giải thích được con người từ đâu mà có, sau khi chết con người sẽ về đâu và cuộc sống ở đó như thế nào? v.v.

Về sau, một số thức giả bằng sự trải nghiệm của mình, hình thành nên tôn giáo với một hệ thống các văn hóa, tín ngưỡng, đức tin, các quan niệm về thế giới qua các kinh sách, khải thị, lời tiên tri, quan niệm về đạo đức,… nhằm tạo ra ý nghĩa cho cuộc sống. Tín ngưỡng đa thần của Việt Nam không phải tôn giáo, nhưng qua sự thăng trầm của lịch sử, Việt Nam tiếp nhận một số tôn giáo ngoại lai qua cách nghĩ của mình. Một số nhà nghiên cứu đã cho rằng đời sống tín ngưỡng - tôn giáo của người Việt là tính hỗn dung tôn giáo. Với họ, ai cũng đáng quý đáng trọng, bởi những vị đó dạy con người làm lành lánh dữ, người người biết thương yêu nhau trên tinh thần “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “Lá lành đùm lá rách”, “Giúp người, người lại giúp ta/ Làm ơn chẳng thiệt đâu mà vội lo”,… Vì tính hỗn dung tôn giáo ấy, nên chúng ta không lấy làm lạ khi thấy có người đi chùa, đi nhà thờ cũng đi đến phủ, đền, miếu,... thậm chí cầu cúng cả gốc cây, hòn đá. Đau chân há miệng là như thế. Những việc làm ấy, chẳng qua nhằm mục đích giải quyết sự thanh thản về tinh thần, thỏa mãn điều họ cần trong cuộc sống hiện tiền.

Các tôn giáo chỉ cho con người một cõi đi về sau khi từ giã trần gian này, như cõi Niết bàn, cõi Cực lạc, cõi Thiên đường, cõi Tiên,… Những cõi ấy, kinh sách tôn giáo đều nói có; người sống ở cõi trần thế này thì kẻ tin có, người nói không có; riêng tôi thì… không dám lạm bàn điều mình chưa trải qua, chỉ biết sống thật với lòng mình, không lừa dối ai, nhưng cũng không muốn để ai lừa dối mình; không coi thường người khác, nhưng cũng không xem nhẹ mình và cố gắng làm hết mình để hy vọng cuối đời làm chút tổng kết nho nhỏ là mình đã làm được gì không uổng kiếp người.

Trẻ tu nhà, già tu chùa

Đạo Phật là một tôn giáo đồng thời cũng là một hệ thống triết học bao gồm một loạt các giáo lý, tư tưởng triết học cũng như tư tưởng cùng tư duy về nhân sinh quan, vũ trụ quan, thế giới quan, giải thích hiện tượng tự nhiên, tâm linh, xã hội, bản chất sự vật và sự việc; các phương pháp thực hành, tu tập dựa trên lời dạy của một nhân vật lịch sử có thật là Siddhārtha Gautama (Thái tử Tất-đạt-đa), đã được truyền vào Việt Nam khá lâu, được người Việt tiếp nhận theo cách nghĩ của mình, sau đó cũng tiếp nhận đạo Nho, đạo Lão như thế và hình thành nên “tam giáo đồng nguyên”. Dân gian Việt Nam có câu: “Trẻ tu nhà, già tu chùa”. Câu nói này mang tính hỗn dung tôn giáo.

“Trẻ tu nhà” là ảnh hưởng Nho giáo. Sách Luận ngữ, thiên Học nhi, Khổng Tử viết: “Đệ tử, nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn như tín, phiếm ái chung nhi thân nhân, hành hữu dư lực tắc dĩ học văn”. Nguyễn Hiến Lê dịch: “Con em ở trong nhà thì hiếu, thảo với cha mẹ, ra ngoài thì kính nhường bậc huynh trưởng, thận trọng lời nói mà thành thực, yêu khắp mọi người mà gần gũi người nhân đức; làm được như vậy rồi mà còn dư sức thì sẽ học văn (tức học thi, thư, lễ, nhạc, dịch,…)”.

“Già tu chùa” là ảnh hưởng Phật giáo. Người già biết mình sắp giã từ cõi trần thế nên muốn tìm cho mình cõi đi về. Nhà Phật cho rằng nghiệp của một người khiến người đó liên tục phải sinh ra rồi chết đi (luân hồi) trong các cõi, nghiệp xấu thì bị luân hồi vào cõi khổ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh), nghiệp tốt thì được luân hồi vào cõi lành (nhân giới, thiên giới, thần giới). Để chấm dứt luân hồi thì phải đạt đến cõi Niết bàn thông qua tu tập.

Theo nhà Phật, cõi Cực lạc là nơi chỉ có niềm vui, sự hoan hỷ, không còn những thống khổ bủa vây, là nơi mà bốn mùa là cả bốn mùa xuân hoa nở tươi xinh, an vui hưởng lạc, vô cùng tự tại. “Già tu chùa”, vì người già là người đã nếm trải qua thất tình lục dục ở cõi đời này, nên đến chùa để sửa lại những gì chưa hoàn thiện, để phát huy những điều thiện (nếu có) mà mình đã thực hiện được trong thời gian qua, cao hơn một chút là dùng tâm cảm được nhân lành, nhân dữ mà mình đã gieo nhằm cảm nhận được sự tồn tại của thế giới này, và kiên trì niệm Phật (Nam mô A Di Đà Phật) thì khi hồn lìa khỏi xác, sẽ được vãng sanh về thế giới Tây phương Tịnh độ. Cõi Cực lạc này còn gọi là cõi Tịnh độ hoặc An Lạc Quốc. Nhưng đến cõi này chưa phải hết sửa mình mà phải tiếp tục tu, đây chỉ là “trạm trung chuyển”. Theo kinh sách Phật giáo Đại thừa, nhờ lòng tin kiên cố nơi Phật A Di Đà và kiên trì niệm danh hiệu của Ngài cầu sanh Cực lạc cùng giữ đúng các hạnh, tức chọn đại hạnh buông xuống tạp hạnh, hành giả sẽ được tái sinh nơi cõi này từ bông sen, thoát khỏi luân hồi, ác duyên thảy đều tiêu diệt và hưởng một đời sống vô cùng an lạc, không có khổ đau. Nhưng bên cạnh đó vẫn tiếp tục tu hành vào chánh pháp cho tới khi nhập Niết bàn, đắc Phật quả.

Phật là ai?

Phật là từ chỉ người đã thức tỉnh nhờ sự sáng suốt và nỗ lực của họ, mà không cần ai khác chỉ cho biết giáo pháp tu luyện. Họ là người có "cách sống đúng" (dhamma). "Trở thành Phật" tức là một người đã giác ngộ, tức đã tìm ra con đường trừ bỏ mọi khổ đau. Phật nghĩa là một người đã nắm chân lý, đã đạt đến một trình độ khai sáng hoàn thiện nhất có thể tự sử dụng trí tuệ của mình để nhận thức thế giới mà không cần ai chỉ bảo. Phật cũng là một bậc toàn giác (Sabbannù) biết tất cả mọi thứ (Sabbadassàvì). Một người đã giác ngộ hoàn toàn (buddha samyak) sau khi thức tỉnh sẽ dạy giáo pháp (dharma) cho những người khác.

Với đạo Phật, đức Thích Ca Mâu Ni là người dẫn đường - con đường mà Ngài đã đi qua, đã trải nghiệm, rất rành lối đi và rất hoan hỷ chỉ cho người khác đi. Phật nói Ngài là người dẫn đường, vì Ngài đã tu thành Phật rồi, mới hướng dẫn chỉ dạy cho mọi người tu, để được thành Phật như Ngài. Vì thế, nên Ngài tuyên bố: "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành". Ai cũng có thể thành Phật, nếu đi theo con đường của Ngài, thoát khổ bằng “bát chánh đạo” (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định) để đạt đến trí huệ “buông bỏ”, không còn “tham, sân, si” thì sẽ giải thoát được khổ đau mà con người thường gặp phải.

Trong kinh Tăng Chi Bộ III, chương Tám pháp, Ngài khẳng định rằng: “Ví như nước biển chỉ có một vị là mặn, cũng vậy, này Pahàrada, Pháp và Luật của Ta chỉ có một vị là vị giải thoát”. Do vậy, đạo Phật còn được gọi là đạo giải thoát. Con đường giải thoát là khách quan, có sẵn không lệ thuộc vào Phật. Phật chỉ là người đi trước, đã thành công và giải thoát. Vì vậy, mọi chúng sanh đều có thể đi theo con đường của Phật để tự giải thoát và thành Phật. Trong kinh Sela, đức Phật đã nói kinh nghiệm thành Phật của mình: “Cần biết, Ta đã biết/ Cần tu, Ta đã tu/ Cần bỏ, Ta đã bỏ/ Do vậy, Ta là Phật”.

Cố gắng, cố gắng, cố gắng lên,…

Đức Phật từng dạy: “Dù thế giới này là thường hay vô thường, hữu biên hay vô biên v.v… thì cuộc đời này vẫn có sinh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não; mà pháp Ta thuyết giảng là nhằm mục đích chấm dứt khổ đau, giải thoát sanh tử, đạt đến an vui vĩnh viễn”. Nói chung, đức Phật xuất hiện trên thế gian này nhằm mục đích đem lại hạnh phúc an lạc cho muôn loài sinh linh, nhưng trước hết là cho nhân loại. Và không chỉ đức Phật, nhiều bậc thức giả khác cũng mong muốn loài người có cuộc sống yên vui, thương yêu nhau, chứ không có bậc thức giả nào, tôn giáo nào khuyến khích loài người chém giết nhau hết đời này tới kiếp khác. Chẳng hạn, Mặc Tử (468-376 TCN) với học thuyết “Kiêm ái”, ông muốn phải trừ cái hại của thiên hạ để thực hiện cái lợi của thiên hạ. Theo ông, cái hại của thiên hạ, ví như kẻ mạnh xâm lược kẻ yếu, nước lớn xâm lược nước nhỏ, kẻ có trí áp bức kẻ đần độn. Cái gốc của tất cả mối họa này là do người với người không tương ái; nếu có tương ái, tương lợi, thì có thể phân chia bình quân tài sản, gạt bỏ lòng đố kỵ, oán hận, tranh đoạt thì sẽ thực hiện được điều đại lợi cho thiên hạ. Trong sách Công vụ tông đồ, lối sống của cộng đồng các tín đồ tại Jerusalem được mô tả là có tính cộng đồng (không có tài sản cá nhân): "phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu". Karl Marx (1818-1883), cũng mong muốn loài người thương yêu nhau. "Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu" là một khẩu hiệu được phổ biến bởi Karl Marx trong văn kiện Phê phán Cương lĩnh Gotha năm 1875 của ông. Đây là nguyên tắc cho phép sự phân phối tự do về hàng hóa, của cải và dịch vụ. Theo quan điểm chủ nghĩa Marx, sự sắp xếp như vậy có thể đạt được nhờ nguồn sản phẩm và dịch vụ dồi dào mà một xã hội cộng sản có thể sản xuất được; theo ý tưởng này thì với sự phát triển toàn diện của nền sản xuất và lực lượng sản xuất tự do, mọi nhu cầu của tất cả mọi người sẽ đều được đáp ứng.

Gần đây, khoa học - công nghệ phát triển, với trí khôn nhân tạo, nhiều nhà khoa học tin rằng tương lai không xa, robot sẽ thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lao động, giúp con người khỏi phải lao động mà ai cũng có đời sống vật chất như ý muốn.

Lúc đó, loài người sẽ ra sao? Khó nói trước được điều gì. Ngay việc ước mơ của mấy bậc thức giả kể trên đã khó thực hiện, dù ước mơ ấy rất đúng đắn, rất đẹp. Lý tưởng ấy không chê vào đâu được, nhưng khó thành công, bởi sau khi chia bình quân tài sản, sẽ có rất nhiều kẻ lười biếng. Thực tế cuộc sống ngàn đời qua cho thấy chỉ có cạnh tranh mới có tiến bộ, chỉ có cạnh tranh mới trở thành động lực thúc đẩy con người khai thác tiềm năng của mình, chỉ có cạnh tranh mới thấy cuộc sống có ý nghĩa…

Theo Phật, học Phật, đọc kinh Phật, hầu như không ai không biết câu chú cuối cùng trong Bát nhã tâm kinh: “Yết Đế, Yết Đế, Ba la Yết Đế, Ba la tăng Yết Đế, Bồ Đề tát Bà Ha”. Kinh này, có nhiều người dịch, câu chú này có một số người dịch, như: “Vượt qua, vượt qua, vượt qua bên kia, hoàn toàn vượt qua, tìm thấy giác ngộ”, hoặc: “Đã qua rồi, đã qua rồi, hoàn toàn đã qua rồi. Ôi giải thoát! (reo vui)”, nhưng tôi thích câu dịch này: “Cố gắng, cố gắng, cố gắng lên, cố gắng lên thêm chút nữa, bờ giác đã tới rồi, hạnh phúc/ vui sướng quá!”. Với tôi, đây là nền tảng, là cốt lõi không chỉ cho những người tu Phật mà cho tất cả mọi người trong đời sống thường ngày. Giây phút ấy có phải đã chạm đến bến bờ cực lạc?

Trong Phú Cư trần lạc đạo - Hội thứ hai, Tổ Trúc Lâm (Trần Nhân Tông) có viết: “Tịnh độ là lòng trong sạch/ Chớ ngờ hỏi đến Tây phương/ Di Đà là tánh sáng soi/ Mựa phải nhọc tìm về Cực lạc”. Trong cuốn Lý Vãng sanh (NXB Tổng hợp TPHCM, 2013, trang 78), Thích Hằng Trường, viết: “Nam mô là quy mạng, là trở thành, là hợp nhất. A Di Đà nghĩa là vô lượng quang minh. Phật là bậc giác ngộ, cũng có nghĩa là trí giác ngộ, sự thức tỉnh rốt ráo. Nam mô A Di Đà Phật có nghĩa là “tôi quy mạng, trở thành trí huệ quang minh vô lượng” hoặc “tôi là quang minh vô lượng”. Những người trì niệm danh hiệu ấy là “Họ hiến dâng tất cả công đức và ảnh hưởng do tu trì niệm Phật tới tha nhân vì họ biết rằng chính sự hy sinh thời gian, công sức của mình cho tha nhân là sự biểu hiện chân thật nhất của tình thương không chiếm hữu. Tình thương này chính là tịnh độ, chứ không chiếm hữu. Do vậy, họ phát triển lối tu vị tha, tức là tu cho tha nhân, tu giùm tha nhân”.

Tóm lại, chuyện nên hư, thành bại ở đời, hoặc có giải thoát được khổ đau hay không, có về được nơi không còn thống khổ bủa vây hay không, đều do chính mình.“Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình”, Phật đã dạy như thế.

Bình luận bài viết

    Tin sinh hoạt phật sự

    Video bài giảng

    Pháp âm

    • Những áng mây trắng - Thơ: Hoang Phong - Diễn ngâm: Hồng Vân
    • Mẹ ơi - Thơ: Thích Phước Hạnh - Nhạc: Hoàng Lan
    • Khúc ca Tịnh Độ - Lời: Thích Phước Hạnh - Nhạc: An Sơn
    Pháp âm khác >>

    Thống kê truy cập

    • Online: 25
    • Số lượt truy cập : 6114144